Vai trò, tổ chức Thanh niên Tiền Phong trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945 tại Trà Vinh

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương
                                                                             Khoa Xây dựng Đảng     

          Thanh niên Tiền Phong là một tổ chức chính trị xã hội chính thức ra đời vào ngày 1/6/1945 dựa trên nòng cốt tổ chức Hướng đạo Việt Nam và Tổng hội sinh viên Đông Dương. Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch (về danh nghĩa là một người hợp tác với Nhật, nhưng thực chất là đảng viên Cộng sản mà Nhật không biết) đứng ra tập hợp thanh niên Nam bộ. Xứ uỷ Nam Bộ đã “tương kế tựu kế” để biến tổ chức thanh niên do quân Nhật hậu thuẫn trở thành lực lượng đấu tranh của mình.

         1. Sự ra đời của Thanh niên tiền phong

         Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, lúc này chính phủ Nhật chủ trương muốn tập hợp lực lượng thanh niên để chống lại Đồng minh nên đã cử một viên tướng Nhật là Iđa đến gợi ý với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Nhật không biết bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là người của cách mạng) và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn đứng ra tổ chức thanh niên ở Nam Kỳ. Lúc bấy giờ, Xứ ủy Nam kỳ quyết định cho đồng chí Phạm Ngọc Thạch đứng ra công khai thành lập tổ chức Thanh niên.

         Về tổ chức: Thành lập từ ngày 21/4/1945 nhưng đến ngày 1/6/1945, Thanh niên Tiền phong mới chính thức ra mắt nhân dân Sài Gòn và Nam Kỳ. Theo Xứ ủy tổ chức thanh niên phải theo đường lối như một mặt trận, vừa là tập hợp thanh niên vừa là tập hợp trí thức yêu nước bằng công tác thanh niên. Thanh niên tiền phong được phân chia theo địa bàn và có 4 cấp: xứ (Nam kỳ), tỉnh/thành phố, huyện/quận, xã. Cơ quan đầu não là ban quản trị. Dưới ban là các tiểu ban xã hội, tuyên truyền, huấn luyện, y tế, phụ nữ. Trụ sở đóng ở số nhà 14 đường Charner (đường Nguyễn Huệ, quận 1 ngày nay)[1]. Cơ quan ngôn luận là báo “Tiến”. Là tổ chức công khai nhưng không phân biệt thành phần (già trẻ, tôn giáo, đảng phái, dân tộc...) nên Thanh niên Tiền Phong thu hút đông lực lượng quần chúng tham gia. Mặc dầu chỉ thành lập được vài tháng nhưng tổ chức này có hơn một triệu người tham gia. Trong số đó nhiều nhất là thanh niên và trí thức.

         Về tên gọi, đồng phục, trang bị: Thanh niên Tiền Phong, đặt ra hệ thống tổ chức, đặt hiệu cờ, đồng phục, cách hoạt động và nội dung tư tưởng của hoạt động thanh niên. Cờ của tổ chức là nền vàng sao đỏ với ý nghĩa là cách mạng dân tộc. Trang phục quần soọc xanh hoặc màu sậm, áo sơ mi trắng, dép cao su quai tréo, mũ bành vành rộng, huy hiệu mũi tên thẳng đứng. Thanh niên được trang bị tầm vông vạt nhọn, đeo dao găm và cuộn dây thừng ngang lưng về sau thêm một cây gậy tầm vông. Thanh niên Tiền phong gặp nhau hay họp mặt thì chào nhau bằng cách đưa tay trái xoè ra, ngang vai. Bài hát chung là Lên đàngTiếng gọi thanh niên. Về kỷ luật, thanh niên phải tuân thủ “phục vụ Tổ quốc, đấu tranh cho độc lập dân tộc”, “phục tùng kỷ luật của đoàn thể”.

Buổi diễu hành của hội Thanh niên Tiền Phong (Ảnh: internet)

         Hoạt động của Thanh niên Tiền Phong rất náo nhiệt: tổ chức canh gác, giữ gìn an ninh trật tự, tổ chức dạy bình dân học vụ, quyên góp cứu đói đồng bào miền bắc, miền trung, tổ chức lấy súng của Pháp, Nhật trang để tự trang bị và huấn luyện quân sự...Việc làm của Thanh niên Tiền Phong như cứu đói, giữ gìn an ninh trật tự,...mang tính thiết thực nên được nhân dân ủng hộ. Nhờ vậy mà Thanh niên Tiền Phong nhanh chóng trở thành phong trào trên khắp Nam bộ và lan ra cả Trung bộ.

          2. Vai trò trong Cách mạng tháng 8 năm 1945 tại Trà Vinh

         Đầu tháng 5 năm 1945, tổ chức Thanh Niên Tiền Phong tỉnh Trà Vinh được thành lập. Ngay từ khi ra đời tổ chức Thanh niên tiền phong tại Trà Vinh đã tập hợp đông đảo quần chúng và hoạt động công khai. Tổ chức này được phân thành các cấp từ tỉnh xuống cơ sở theo thứ tự: tỉnh bộ, quận bộ và thôn bộ. Điểm đặc biệt của Thanh niên tiền phong tại Trà Vinh là không quan trọng hình thức, đội viên không nhất thiết tuân thủ quy định của Kỳ bộ thanh niên (như đồng phục, hay trang bị dây thừng, dao găm…). Ngay từ đầu, Thanh niên tiền phong Trà Vinh đã được trang bị võ nghệ, chiến thuật quân sự nên sớm trở thành lực lượng bán vũ trang của tỉnh. Phải nhìn nhận rằng lần đầu tiên trên mảnh đất Trà Vinh có một tổ chức thu hút, tập hợp rộng rãi quần chúng tham gia từ thanh niên, phụ nữ đến người già; từ đồng bào Kinh đến Khmer, Hoa. Đến đầu tháng 8 năm 1945, số đội viên Thanh Niên Tiền Phong Trà Vinh lên tới trên 60 nghìn người, chiếm 5% lực lượng Thanh Niên Tiền Phong 21 tỉnh Nam bộ (khoảng 1,2 triệu người)[2].

         Đêm 24 rạng sáng 25 tháng 8 năm 1945, ngọn lửa cách mạng bùng nổ tại Trà Vinh. Lực lượng Thanh niên tiền phong trong tỉnh đã thực hiện đúng kế hoạch mà Uỷ ban khởi nghĩa đã vạch ra (khởi nghĩa từ tỉnh lị xuống quận và xã), tổ chức quần chúng bao vây các mục tiêu quan trọng. “Thanh Niên Tiền Phong và nhiều nông dân ở Càng Long, Cầu Ngang, Trà Cú đã tụ tập từ nửa đêm và xuống đường tiến vào tỉnh lị theo hướng dẫn của Ban khởi nghĩa các quận và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, kịp thời chi viện cho lực lượng ở Long Đức và Châu Thành, tạo nên một thế lực áp đảo quân thù, tiến công bao vây và làm chủ hầu hết các mục tiêu trên địa bàn tỉnh lị ngay trong đêm 24, rạng 25 tháng 8”.[3]

         Sau khi lực lượng địch trên địa bàn tỉnh lị bị đập tan, lực lượng quần chúng kịp thời trở về phối hợp với lực lượng đã bố trí sẵn tại các địa phương tiến hành tổng khởi nghĩa ở các quận lị như Càng Long, Trà Cú, Cầu Ngang…Đến chiều ngày 25 tháng 8, cách mạng tại Trà Vinh giành thắng lợi. Cũng trong ngày này, Uỷ ban hành chính lâm thời tỉnh được thành lập. Đến ngày 28 tháng 8 năm 1945, hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền toàn tỉnh thiết lập và đi vào hoạt động.

         Tóm lại Thanh niên Tiền Phong không phải là một đảng mà là một tổ chức chính trị hoạt động công khai như mặt trận. Điều đáng ghi nhận ở đây là nghệ thuật lãnh đạo, công lao của các đồng chí sáng tạo ra hình thức tập hợp quần chúng cực kỳ mạnh mẽ này đã sáng tạo, khéo léo trong việc nắm bắt tình hình cụ thể để chỉ đạo tập hợp quần chúng công khai. Nhờ đó mà Xứ ủy Nam kỳ đã tập hợp được một lực lượng hùng hậu chuẩn bị cho khởi nghĩa trong cách mạng tháng 8.

Sự ra đời của Thanh niên Tiền Phong với lực lượng hùng hậu đã lắp đầy khoảng trống quyền lực ở Nam kỳ.  Quyền lực của Thanh niên Tiền Phong cũng chính là quyền lực Xứ ủy Nam kỳ, của đảng cộng sản Đông Dương. Tuy thời gian tồn tại rất ngắn (chỉ vài tháng) nhưng Thanh niên Tiền Phong đã đóng vai trò rất quan trọng góp phần đưa đến thắng lợi của cách mạng tháng 8/1945 tại Nam bộ nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng.


[1] Ngô Vương Anh, 67 năm Cách Mạng tháng 8 - Kỳ 6: Ông bác sĩ cộng sản “tương kế tựu kế”, Báo thanh niên, truy cập 25/8/2012.

[2] Hà Minh Hồng, Sức mạnh Phù Đổng trong Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn tháng 8/1945, Tạp chí mặt trận, truy cập 22/8/2020.

[3] Tỉnh uỷ Trà Vinh, Lịch sử tỉnh Trà Vinh Tập một (1732-1945), tr.207. 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 351
  • Trong tuần: 5 709
  • Tất cả: 589557
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này