Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương Trà Vinh phát triển trong giai đoạn mới

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương  
Giảng viên khoa xây dựng Đảng

         Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc trong chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Đảng luôn xác định, “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

         Tỉnh Trà Vinh với chặng đường hơn 120 năm hình thành và phát triển (từ năm1900 đến nay), đặc biệt từ khi có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã đoàn kết, kiên trì, vững tinh vào sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, góp phần cùng đất nước và dân tộc lập nên những thắng lợi vẻ vang, giành và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vững bước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Những thành quả cách mạng của hơn 120 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển, nhất là những kết quả to lớn đạt được sau 30 tái lập tỉnh (1992-2023) là tiền đề quan trọng cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phấn đấu trở thành một tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030.

         Trong năm 2022, Trà Vinh đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 72.076 tỷ đồng, tăng 7.555 tỷ đồng so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 chiếm tỷ trọng 32,78% giảm còn 31,07% năm 2022; khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ từ 67,22% tăng lên 68,93% (chỉ tiêu Nghị quyết 67,33%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 70,714 triệu đồng/người, đạt 105,5% Nghị quyết (tăng 7,73 triệu đồng so với năm 2021). Về việc thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND tỉnh trong tổng số 23 chỉ tiêu có 20 chỉ tiêu đạt và vượt, 3 chỉ tiêu không đạt gồm: tổng số đầu tư toàn xã hội; tỷ lệ lao động khu vực I, khu vực II, và III trong tổng lao động toàn xã hội và tỷ lệ đô thị hóa.

         Trong giai đoạn tới, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các cấp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển quê hương Trà Vinh trong giai đoạn mới, thiết nghĩ cần thực hiện các giải pháp:

         Đối với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc:

         Thứ nhất, làm tốt công tác dân vận

         Công tác dân vận là một hoạt động quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị, vừa mang tính đặc thù, tính tổng hợp cao, được tiến hành theo các nguyên tắc, quy chế, quy định, vừa phải linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương. Vì thế, để đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị phải tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, bám sát phương châm: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác dân vận ở các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.

         Thứ hai, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc

         Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm trong tỉnh có vai trò rất quan trọng. Họ được ví như cầu nối giúp gắn kết ý Đảng với lòng dân, đồng thời là những tấm gương để dẫn dắt người dân vững tin theo Đảng, Nhà nước. Người có uy tín luôn đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, như: các lễ hội, Tết cổ truyền, các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, tổ chức sưu tầm và giữ gìn các sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc; tổ chức dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc. Họ luôn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Kịp thời cung cấp thông tin tình hình của tỉnh, đất nước và những thông tin cần thiết cho người có uy tín; định kỳ phổ biến cho người có uy tín chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, đến đời sống, sản xuất và về quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm, về âm mưu, phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch..Tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

         Thứ ba, thực hiện tốt chính sách dân tộc, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho các dân tộc trong tỉnh

         Kịp thời và thường xuyên tuyên truyền về chính sách dân tộc đến mọi tầng lớp nhân dân để người dân hiểu, đồng thuận và cùng thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Khuyến khích người dân tham gia giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Quan tâm, chú trọng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc trên các lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, văn hoá, y tế…thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giải quyết tốt các vấn đề về đất đai, môi trường,..

         Thứ tư, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc trong tỉnh

         Xác định mức độ sai lệch, xuyên tạc để có biện pháp xử lý kịp thời. Việc xử lý các thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch về khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng giống như xử lí thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Đây là quá trình tập hợp các thao tác, các bước xem xét, nhận diện, phân tích, đánh giá một cách đúng đắn, chính xác mức độ sai lệch, xuyên tạc, quan tâm, chú trọng công tác định hướng dư luận xã hội. Chủ động theo dõi, phân tích, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong phạm vi, địa bàn phụ trách để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn giải quyết đúng đắn, kịp thời các vấn đề bức xúc phát sinh, không để phát sinh các điểm nóng, tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá. Đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và làm thất bại các âm mưu phá hoại, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các tổ chức phản động và các thế lực thù địch.

         Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức, trách nhiệm gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và vạch trần âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch góp phần tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân.

         Thứ năm, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc

         Tập trung đào tạo, bồi dưỡng sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác dân tộc cho tỉnh nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer. Có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ hợp lý đối với cán bộ dân tộc trong thời gian đưa đi đào tạo. Cần xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc. Đối với vùng có đông đồng bào dân tộc cần bố trí cán bộ có kiến thức, kỹ năng, am hiểu phong tục tập quán và hiểu tiếng dân tộc nhằm tạo được sự thuận lợi trong công tác dân tộc. 

         Đối với xây dựng và phát triển quê hương Trà Vinh:

         Thứ nhất, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút đầu tư

         Tiếp tục xây dựng cơ chế doanh nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin. Các sở, ngành chức năng của tỉnh tăng cường chủ trì tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và triển khai đồng bộ, có hiệu quả từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, phường, thị trấn về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông. Tổ chức định kỳ đối thoại với doanh nghiệp, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần ưu tiên bố trí quỹ đất có sẵn cho các dự án đầu tư phù hợp theo yêu cầu của địa phương; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo thuận lợi thu hút đầu tư.

         Thứ hai, xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường

         Theo các nhà khoa học, vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba vùng sẽ bị thiệt hại nặng nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu. Trong đó, Trà Vinh là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là do xâm nhập mặn và hạn hán. Do vậy quy hoạch tỉnh phải tái cấu trúc lại nền kinh tế trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và giao thông vận tải theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững gắn ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng

         Bên cạnh đó cần, khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, thân thiện với môi trường; Phát triển đô thị hóa theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh đi đôi với giải quyết việc làm, giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường.

         Thứ ba, đẩy mạnh logistics

         Logic của sự phát triển trên thế giới là tăng trưởng kinh tế thường gắn liền với sự phát triển hệ thống giao thông vận tải và logistics và ngược lại. Ở đâu có hệ thống giao thông vận tải và logistics phát triển thì ở đó kinh tế phát triển. Khó có thể nói nên bắt đầu từ đâu trước: phát triển kinh tế trước hay phát triển hệ thống giao thông vận tải và logistics trước. Cần thực hiện song song cả hai vấn đề nói trên. Hiện tại các quy hoạch lớn của tỉnh đã có (Khu kinh tế Định An, cảng Định An, Khu cảng Duyên Hải…), nhưng để các quy hoạch này được hiện thực hóa thì cần đầu tư cơ sở hạ tầng vận tải, cần các dịch vụ hỗ trợ (logistics).

         Thứ tư, giải quyết việc làm

         Triển khai chính sách thu hút người lao động là con em quê hương Trà Vinh đang làm việc ở các địa phương khác về làm việc tại các nhà máy, khu kinh tế trọng điểm của tỉnh; trong đó ưu tiên lao động hồi hương bị mất việc làm do thiên tai, dịch bệnh; triển khai chính sách hỗ trợ về xây dựng nhà ở, khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa cho công nhân và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp...

         Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

         Chú trọng phát triển quy mô giáo dục hợp lý, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Cần tăng cường xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp ở các cấp học gắn với quy hoạch phát triển ngành nghề, đầu tư có trọng điểm các trường trung cấp nghề, cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh.

         Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có chất lượng. Có chính sách đào tạo, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Thường xuyên tổ chức và kiểm tra, tuyển chọn những người có chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực một cách dân chủ, công bằng, công khai. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm thích đáng trong việc đổi mới công tác quản lý, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác quản lý về nguồn nhân lực.

         Tóm lại, để phát triển kinh tế nhanh và bền vững kinh tế tỉnh Trà Vinh, cần phải phát huy sức mạnh khối đoàn kết dân tộc trong tỉnh và tận dụng những lợi thế sẵn có thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế nhanh theo hướng tăng xanh các ngành và lĩnh vực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để các nhà đầu tư có thể tiếp cận và “trụ lại” và kinh doanh lâu dài góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tin rằng với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, tỉnh Trà Vinh sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn trong thời gian tới, trở thành một trong những tỉnh phát triển trong nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long./.

                                                                             
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 204
  • Trong tuần: 5 217
  • Tất cả: 589905
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này