Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong đấu tranh giành chính quyền cách mạng (1930 - 1945)

ThS. Phạm Thị Kiều 
                                                                                 Khoa Xây dựng Đảng

         Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là kết quả của quá trình vận động cách mạng trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; là sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có đội tiên phong, trực tiếp nắm chắc ngọn cờ lãnh đạo để dẫn dắt nhân dân ta tiến tới cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945

         Đảng lãnh đạo cao trào cách mạng 1930-1931

         Vừa mới ra đời, Đảng đã phát động ngay cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ -Tĩnh. Cao trào đã thu hút đông đảo quần chúng công nông cả nước đấu tranh chống ách thống trị của bọn đế quốc, phong kiến. Thành quả lớn nhất của cao trào cách mạng 1930-1931, mà cuộc khủng bố trắng tàn khốc của đế quốc và phong kiến đã không thể nào xóa nổi là, nó khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo duy nhất thuộc về Đảng ta; nó đem lại cho quần chúng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong khi khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, khả năng cách mạng to lớn của công nông, nó cũng chứng tỏ tính chất phiêu lưu, cải lương của giai cấp phong kiến và tư sản mại bản. Đó là thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển về sau của cách mạng Việt Nam. Cao trào cách mạng 1930-1931 là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam để tiến tới giành chính quyền trên cả nước.

         Đảng lãnh đạo cao trào dân chủ Đông Dương 1936-1939

         Những năm 1936-1939, một thời kỳ đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp kết hợp chặt chẽ với hoạt động bí mật, bất hợp pháp diễn ra ở nước ta. Khi Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, Đảng coi đây là một cơ hội tốt để đưa cách mạng tiến bước. Đảng đề ra mục tiêu cho thời kỳ này là “chống phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình”. Cao trào cách mạng 1936-1939 dưới sự lãnh đạo của Đảng là thời kỳ vận động quần chúng sôi nổi với nhiều hình thức tổ chức và hoạt động linh hoạt, phong phú, kể cả việc lợi dụng các “Viện dân biểu”, các “Hội đồng quản hạt” do thực dân Pháp lập ra. Đảng đã động viên, giáo dục cho hàng triệu quần chúng trong các cuộc đấu tranh chính trị rộng khắp. Sự lãnh đạo của Đảng thời kỳ này đánh dấu bước trưởng thành, thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng ta, chuẩn bị điều kiện để đưa quần chúng vào những trận chiến đấu quyết liệt trong những năm 1940-1945.

         Đảng lãnh đạo cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945

         Ngay khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (tháng 9-1939), Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 6 (tháng 11-1939) để điều chỉnh chiến lược cách mạng với nội dung: Đặt nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai, giành độc lập dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, nhằm thu hút tất cả các dân tộc, giai cấp, đảng phái, tôn giáo và các cá nhân yêu nước để đánh đổ đế quốc và tay sai, giành độc lập hoàn toàn cho các dân tộc ở Đông Dương. Tháng 11-1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 họp ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), khẳng định chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 là đúng. Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 họp tại Pắc Bó (Cao Bằng), do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chủ trì. Hội nghị này đã cụ thể hóa và hoàn thiện thêm một bước đường lối giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam. Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương và chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất ở mỗi nước. Tại Việt Nam, Hội nghị quyết định thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, gồm các đoàn thể cứu quốc trên cả nước. Hội nghị nhấn mạnh công tác chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm và dự kiến một số chủ trương, chính sách khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi.

         Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại tỉnh Cao Bằng. Cùng với đó, Mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang cách mạng và cả căn cứ địa cách mạng, đều phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở khu Việt Bắc. Trên khắp cả nước, đâu đâu cũng diễn ra các phong trào đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Qua các cuộc vận động cách mạng đó, Đảng ta đã có nhiều kinh nghiệm, hình thành các chủ trương, quyết sách, đồng thời đẩy mạnh xây dựng một cách toàn diện các lực lượng cách mạng, gấp rút chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

         Đảng phát động cao trào chống Nhật, cứu nước, dự kiến thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền

         Từ đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bước vào giai đoạn kết thúc. Tại khu vực Đông Dương, do lo sợ quân đồng minh sẽ đổ bộ lên Đông Dương, Nhật tiến hành đảo chính lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương (vào đêm 09-3-1945). Ngay lúc đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp đánh giá tình hình và ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản chỉ thị vạch rõ: Cuộc đảo chính Nhật - Pháp làm cho các điều kiện khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Kẻ thù chính, cụ thể trước mắt của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Nhật; phải nhanh chóng phát động cao trào chống Nhật, cứu nước, đồng thời thực hiện khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận, chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổng khởi nghĩa.

         Trước tình hình phát xít Nhật thẳng tay vơ vét, bóc lột, gây ra một nạn đói khủng khiếp và làm chết gần hai triệu người, Đảng kịp thời đề ra khẩu hiệu “Phá kho thóc của Nhật để cứu đói”. Khẩu hiệu đó đã lôi cuốn hàng triệu quần chúng, nhất là nông dân, đứng lên chống Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ giữa tháng 3-1945, cách mạng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành cao trào. Đến giữa tháng 8-1945, lực lượng cách mạng, bao gồm cả lực lượng chính trị và vũ trang, đã phát triển rộng rãi khắp nông thôn và đô thị.

         Đảng lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám

         Ngày 13-8-1945, Chính phủ Nhật đã đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh vô điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương lâm vào tình thế bị tê liệt. Chính phủ tay sai Trần Trọng Kim hoang mang cực độ. Trước tình hình đó, Đại hội quốc dân đã họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945 dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, thống nhất với chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương là nhanh chóng phát động toàn dân kịp thời đứng lên tổng khởi nghĩa, quyết tâm giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Đại hội đã cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm chủ tịch để lãnh đạo tổng khởi nghĩa.

         Mệnh lệnh khởi nghĩa của Uỷ ban dân tộc giải phóng và lời kêu gọi cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Hồ Chủ tịch được các địa phương nhiệt liệt hưởng ứng. Từ ngày 14 đến 28-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi hoàn toàn trên cả nước. Chính quyền từ trung ương đến các địa phương đã thuộc về nhân dân Việt Nam. Ngày 02-9-1945, tại Quảng Trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, long trọng tuyên bố với nhân dân trong cả nước và các quốc gia trên thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời, có chủ quyền độc lập như mọi quốc gia khác trên toàn thế giới.

         Một số kinh nghiệm

         Quá trình Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền cách mạng thời kỳ 1930 - 1945 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, có giá trị to lớn cho hôm nay và mai sau.

         Phải xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở thực tiễn Việt Nam đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn trong việc giương cao ngọn cờ dân tộc, giải quyết đúng đắn nhiệm vụ dân tộc và dân chủ

         Nếu như ở Hội nghị thành lập Đảng, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng đã giương cao ngọn cờ dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu nhằm đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai phản động, giành độc lập dân tộc; chủ trương tập hợp, đoàn kết tất cả các giai cấp, dân tộc trong mặt trận dân tộc thống nhất, chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam, thì từ Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 trở đi Đảng lại chủ trương giải quyết song song, đồng thời vấn đề độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất, giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong cả ba nước Đông Dương, xem nhẹ việc tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp ngoài công nông vào mặt trận chống đế quốc… Đây là một sách lược sai lầm và nó đã gây những hậu quả không tốt đối với cách mạng Việt Nam giai đoạn này

         Sự khác nhau trong quan điểm, chủ trương của Đảng xung quanh việc nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc và giai cấp bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và trình độ nhận thức, cả về lý luận lẫn thực tiễn của một số đồng chí lãnh đạo của Đảng ở giai đoạn này còn hạn chế. Trải qua quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, bằng thực tiễn hoạt động phong phú, bằng sự gắn bó mật thiết với nhân dân, kể từ sau Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản năm 1935, Đảng đã nhận thức ngày càng đúng đắn việc giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất cũng như vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương. Theo đó, vấn đề độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất không thể được giải quyết song song, đồng thời mà phải xem vấn đề nào quan trọng hơn để tập trung giải quyết. Đây là những nhận thức mới hết sức quan trọng, mở đầu cho quá trình thay đổi chiến lược của Đảng ở giai đoạn sau.

         Bài học về tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất

         Một điểm rất đặc sắc của quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện đường lối chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc thời kỳ 1930-1945 là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng ta đã sáng tạo một hình thức tổ chức độc đáo phù hợp với điều kiện lịch sử của Việt Nam, đó là lập mặt trận dân tộc thống nhất để hiện thực hóa tư tưởng của V.Lênin vĩ đại: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng- Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân Việt Nam được Đảng tuyên truyền giác ngộ và được tập hợp tổ chức trong mặt trận dân tộc thống nhất nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

         Chín tháng sau ngày thành lập Đảng, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương đã ban hành chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế đồng minh. Trên cơ sở phân tích sâu sắc tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc, bản chỉ thị đã nhận định: “Cuộc cách mệnh tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công (rộng là toàn dân cùng đứng trong một mặt trận chống đế quốc và tụi phong kiến tay sai phản động, hèn hạ; kín là đặt để công nông trong bức tranh dân tộc phản đế bao la)

         Đến hội nghị trung ương 8 (5/1941) từ xác định đúng mâu thuẫn cơ bản chủ yếu, đến chỉ rõ kẻ thù chủ yếu là đế quốc, Hội nghị đã xác định rõ tính chất của cuộc cách mạng là cách mạng giải phóng dân tộc, lực lượng tiến hành cuộc cách mạng này là toàn dân Việt Nam bao gồm mọi tầng lớp, mọi tổ chức chính trị, mọi giai cấp, mọi tôn giáo, dân tộc, mọi lứa tuổi được tập hợp trong mặt trận dân tộc thống nhất phản đế với tên gọi Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh. Đảng Cộng sản Đông Dương là thành viên của Việt Minh và là hạt nhân chính trị lãnh đạo Việt Minh

         Bài học phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, dựa vào sức mình là chính; tôn trọng quyền dân tộc tự quyết, bình đẳng, giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc ở Đông Dương

        Khác với chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương tại Hội nghị thành lập Đảng, từ Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đến tháng 3-1935, Đảng chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong cả ba nước Đông Dương. Chủ trương này được thể hiện ở các điểm sau:

         - Bỏ tên Đảng Cộng sản Việt Nam và đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương;

         - Chủ trương sau khi đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai phản động sẽ thành lập chính phủ công nông của các dân tộc Đông Dương;

         - Chủ trương thành lập Mặt trận phản đế, các hội, đoàn thể trong toàn Đông Dương.

         Vì chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong cả ba nước Đông Dương, nên mọi chỉ đạo, nghị quyết, chương trình hành động, khẩu hiệu đấu tranh của Đảng có phạm vi toàn Đông Dương. Đảng có nhiệm vụ khôi phục và tổ chức lại tổ chức đảng, xứ ủy cả ở Lào và Cao Miên; thành lập các tổ chức, đoàn thể chung cho các dân tộc Đông Dương; chủ trương đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến, giành độc lập hoàn toàn cho cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, thành lập Chính phủ chung của nhân dân Đông Dương.

         Khi chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, đặc biệt là khi Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941, Đảng đã quyết định thay đổi chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam. Tại Hội nghị, Trung ương Đảng đã quyết định giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam, thực hiện quyền dân tộc tự quyết đối với hai nước Lào và Campuchia. Hội nghị quyết định thành lập ở mỗi nước một Mặt trận riêng. Ở Việt Nam sẽ thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh). Mặt trận Việt Minh có trách nhiệm giúp đỡ thành lập Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh, tiến tới thành lập Đông Dương độc lập đồng minh - hình thức mặt trận chung cho nhân dân ba nước Đông Dương. Chủ trương đúng đắn đó đã phát huy được tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của cách mạng mỗi nước Đông Dương; đập tan âm mưu chia rẽ, phá hoại của thực dân Pháp và tay sai phản động; tăng cường tình đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương, tạo cơ sở, tiền đề cho thắng lợi của Cách mạng Tháng tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945

         Quá trình Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền trong thời kỳ 1930 - 1945 đã phản ánh sự trưởng thành, bản lĩnh của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tiếp thu và vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Trong giai đoạn hiện nay, để đưa đất nước đi lên, sánh vai với các cường quốc năm châu, giữ vững được độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam cần phát huy những bài học của lịch sử, trong đó bài học lớn nhất là xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở thực tiễn Việt Nam để đề ra chủ trương, đường lối./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 124
  • Trong tuần: 5 137
  • Tất cả: 589825
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này