Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh giai cấp

                                                       ThS. Bùi Thị Vân Anh
                                                                                          Khoa Lý luận cơ sở  

         Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người cộng sản đầu tiên vận dụng thành công lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng của các dân tộc thuộc địa, vào cách mạng Việt Nam - một nước thuộc địa nửa phong kiến. Tuy nhiên, nhân tố cơ bản đảm bảo thành công của cách mạng Việt Nam không chỉ đơn giản là “sự nhận thức”, mà còn là “sự vận dụng sáng tạo” của Người đối với lý luận đó. Một trong những nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức và vận dụng sáng tạo, độc đáo nhất là lý luận về đấu tranh giai cấp.

         Thứ nhất, đấu tranh giai cấp gắn liền với đấu tranh giải phóng dân tộc.

         Trước đây, khi phân tích so sánh về đấu tranh giai cấp ở các nước phương Tây và phương Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, ở phương Tây đấu tranh giai cấp rất quyết liệt, còn ở phương Đông, những nước như “Ấn Độ hay Trung Quốc về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây”[1]. Đối với Việt Nam cũng vậy, vì Việt Nam vốn là một xã hội phương Đông cổ truyền, nông nghiệp lạc hậu, hơn 90% là nông dân, phân hóa giai cấp chưa sâu sắc. Từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, yêu cầu đoàn kết dân tộc nổi lên hàng đầu để tập hợp các lực lượng, các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội cùng thực hiện nhiệm vụ cứu nước, giải phóng dân tộc. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán quan điểm giáo điều của một số người về đấu tranh giai cấp ở Việt Nam: “nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”[2]. Do đó, việc nhận thức và giải quyết vấn đề đấu tranh giai cấp phải phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện lịch sử - cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc và phù hợp với từng giai đoạn cách mạng.

         Từ sự phân tích sâu sắc bản chất xấu xa, đê hèn và tàn bạo của chủ nghĩa thực dân cùng với nổi thống khổ của nhân dân các dân tộc thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: thuộc địa là nơi tập trung những mâu thuẫn của thời đại, là mắt khâu yếu nhất của chủ nghĩa thực dân. Cho nên, mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX là toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Vì vậy, ở Việt Nam, đấu tranh giai cấp phải gắn liền với đấu tranh giải phóng dân tộc trên lập trường của giai cấp vô sản. Bởi vì, “Sự nghiệp của người bản xứ gắn mật thiết với sự nghiệp của vô sản toàn thế giới”[3] và “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[4].

         Đối với một xã hội thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam thì yêu cầu bức thiết nhất, trước nhất là phải tiến hành cuộc đấu tranh giành lấy độc lập dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc, cơm no, áo ấm cho toàn thể nhân dân chứ chưa phải là đấu tranh giai cấp như trong các xã hội tư bản chủ nghĩa ở phương Tây. Và đối tượng của cách mạng thuộc địa là chủ nghĩa thực dân chứ không phải là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc nói chung. Qua đây cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm vững quan điểm thực tiễn, lịch sử - cụ thể khi giải quyết vấn đề của Việt Nam.

         Thứ hai, cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo ở các nước thuộc địa và có thể nổ ra, giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.

         Theo C.Mác và Ph.Ăngghen: “Cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ có tính chất dân tộc mà sẽ đồng thời xảy ra trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất ở Anh, Mỹ, Pháp và Đức”[5] và khi giai cấp vô sản ở chính quốc giành được chính quyền thì đương nhiên các dân tộc thuộc địa sẽ được giải phóng. Sau này, V.I.Lênin cho rằng, cách mạng vô sản không thể nổ ra đồng loạt ở các nước tư bản phát triển, do sự phát triển không đồng đều của các nước. Còn ở các nước thuộc địa, theo Lênin: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể thắng lợi triệt để với hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất là có sự ủng hộ kịp thời của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước hay một số nước tiên tiến... Điều kiện nữa là sự thỏa thuận giữa giai cấp vô sản đang thực hiện sự chuyên chính của mình hoặc đang nắm chính quyền nhà nước với đại đa số nông dân”[6]. Nghĩa là, cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa chỉ có thể nổ ra và giành thắng lợi khi giai cấp vô sản ở chính quốc đã giành thắng lợi, lên nắm chính quyền và quay lại giúp đỡ các nước thuộc địa.

         Tiếp thu những quan điểm khoa học và cách mạng của các nhà kinh điển, nhưng theo Người, cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Bởi vì, chủ nghĩa đế quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh ví như một con đỉa hai vòi, một vòi nó bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc, còn một vòi nó bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Muốn đánh bại chủ nghĩa đế quốc thì phải đồng thời cắt đứt cả hai cái vòi của nó đi, nếu không nó vẫn có thể mọc lại. Ngoài ra, Người còn cho rằng: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ. Và nếu công nông Pháp cách mệnh thành công, thì dân tộc An Nam sẽ được tự do. Vậy nên cách mệnh An Nam với cách mệnh Pháp phải liên lạc với nhau”[7]. Tức là, bằng những thắng lợi của mình, cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa thành công sẽ là điều kiện để thúc đẩy cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản ở chính quốc được tiến hành cách mạng dễ dàng hơn. Đây chính là sự sáng tạo vô cùng độc đáo và mới mẻ của Người so với quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin.

         Thứ ba, cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp đoàn kết của toàn dân, trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân - giai cấp nông dân.

         Theo chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng vô sản muốn thành công, ngoài việc giai cấp công nhân nhận thức được vai trò sứ mệnh lịch sử, thành lập nên chính đảng thì còn phải liên minh giai cấp. C.Mác chỉ rõ liên minh công - nông dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản là điều kiện quyết định cho thắng lợi của cách mạng vô sản. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự phát triển sáng tạo khi cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc “là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”, vì vậy phải đoàn kết toàn dân, “dân tộc cách mệnh chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”. Trong lực lượng đó, Người khẳng định công - nông “là gốc cách mệnh”, “là người chủ cách mệnh”; “còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”[8]. Xác định rõ toàn dân tham gia kháng chiến trên cơ sở liên minh công - nông là lực lượng nòng cốt, đồng thời với chủ trương lôi kéo các giai cấp, tầng lớp, kể cả giai cấp tư sản dân tộc vào mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất chống đế quốc và phong kiến của Người đã thể hiện một tư duy độc lập, bản lĩnh sáng tạo, vượt qua những quan niệm đương thời để khơi dậy và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc. Đây là biểu hiện rõ nhất của sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác-Lênin về giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp góp phần làm phong phú lý luận từ điều kiện cụ thể ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam.

         Thứ tư, cách mạng giải phóng dân tộc phải được thực hiện bằng con đường bạo lực, kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang trong nhân dân.

         Chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định, để cách mạng thành công cần triển khai trên các lĩnh vực quan trọng là chính trị, kinh tế, văn hóa. Trong đó, đấu tranh chính trị là quan trọng nhất và bạo lực là “bà đỡ”. Tính tất yếu của cách mạng bạo lực được quy định bởi giai cấp thống trị lỗi thời không bao giờ tự nguyện rút lui khỏi vũ đài lịch sử. Trước phong trào cách mạng của quần chúng, khi lợi ích giai cấp bị uy hiếp, giai cấp thống trị sẵn sàng sử dụng bộ máy bạo lực để đàn áp, áp bức nhân dân. Do đó, giai cấp cách mạng không còn cách nào khác là phải dùng đến bạo lực cách mạng. Bạo lực không phải là nguyên nhân làm cách mạng nổ ra, nhưng không có bạo lực thì giai cấp cách mạng không thể giành và giữ được chính quyền, xã hội mới không thể ra đời từ xã hội cũ lỗi thời, lạc hậu. Các nhà kinh điển cho rằng, “bạo lực còn đóng một vai trò khác trong lịch sử, vai trò cách mạng; bạo lực còn là bà đỡ cho mọi xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới, nói theo C.Mác, bạo lực là công cụ mà sự vận động xã hội dùng để tự mở đường cho mình và đập tan những hình thức chính trị đã hóa đá và chết cứng”[9]. Nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cho rằng, trong cuộc chiến tranh toàn diện trên các mặt trận chính trị, các lĩnh vực quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa... không tách rời nhau mà luôn tác động, hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, đấu tranh ngoại giao cũng là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược, tác dụng thêm bạn bớt thù, phân hóa và cô lập kẻ thù, phát huy yếu tố chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế. Ngoài ra, Người còn chủ trương: “vừa đánh vừa đàm”, “đánh là chủ yếu, đàm là hỗ trợ”[10]. Thực tiễn cách mạng tháng 8/1945 là kết quả của quá trình chuẩn bị đấu tranh cách mạng lâu dài. Đó là cuộc cách mạng bạo lực kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang trong nhân dân, lấy đấu tranh chính trị làm chính. Bên cạnh đó, về phương thức khởi nghĩa, Người còn chỉ rõ, cần đi từ khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương rồi tiến lên cuộc tổng khởi nghĩa to lớn. Ở các nước Âu, Mỹ, các cuộc cách mạng thường hay bắt đầu từ những cuộc bãi công chính trị rồi tiếp đến mới là các cuộc vũ trang bạo động. Song, “Ở nước ta, khởi nghĩa có thể bùng ra trong một nơi rồi dần dần lan ra khắp nước”[11]. Đây chính là một điển hình sáng tạo của Người trong việc vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng bạo lực.

         Thứ năm, về đường lối cách mạng trong giải phóng dân tộc và đấu tranh giai cấp.

         Theo quan niệm của C.Mác, đấu tranh giai cấp tất yếu sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản. Nhưng xuất phát từ một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc cách mạng cần thực hiện hai bước, là đánh đổ đế quốc thực dân sau đó tiến hành thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Tính chất thuộc địa và phong kiến của xã hội cũ Việt Nam khiến cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước. Bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng chính trị và kinh tế dân chủ mới... Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản”[12]. Năm 1959, trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại nhận định này từ năm 1930 là cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là hai cuộc cách mạng khác nhau, nhưng giữa chúng không có bức tường ngăn cách, càng không làm thay đổi trật tự bố trí của các lực lượng cách mạng. Do đó, chỉ có thể xem xét các giai đoạn ấy như là các bước đi nối tiếp nhau, tiếp tục đi lên chứ không thể tách riêng biệt từng giai đoạn cách mạng.

         Ở đây, vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp được Người đặt ra trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với lợi ích quốc gia - dân tộc, vấn đề dân tộc được giải quyết trên lập trường của giai cấp công nhân, chứ không phải là sự hy sinh cái này cho cái kia như quan điểm của các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc. Thực tiễn Việt Nam cho thấy, mục tiêu độc lập dân tộc được đặt ra và giải quyết theo tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua đội tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản Việt Nam đã cổ vũ, động viên cả dân tộc Việt Nam đoàn kết đứng lên đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Thắng lợi của cách mạng tháng 8/1945, của kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thắng lợi của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội (chủ yếu ở miền Bắc những năm 60 của thế kỷ XX) đã chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển ở Việt Nam.

         Tóm lại, hệ thống những luận điểm trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính là sự nhận thức và vận dụng sáng tạo, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về đấu tranh giai cấp khi giải quyết vấn đề ở Việt Nam. Nó không chỉ có giá trị về mặt lý luận, mà còn có giá trị về mặt thực tiễn. Thắng lợi của cách mạng tháng 8/1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những thành tựu to lớn và rất quan trọng của sự nghiệp đổi mới ở nước ta đã chứng minh tính khoa học đúng đắn, tính cách mạng sáng tạo, độc đáo, mới mẻ của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

 

          Tài liệu tham khảo

         1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2004.

         2. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005.

         3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011.

         4. Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ sơ Hồ Chí Minh, “Con đường giải phóng”.

         5. Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.

         6. Hoàng Thu Trang: Quan hệ giai cấp - dân tộc theo quan điểm của C.Mác-Ph.Ăngghen-V.I.Lênin và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay (Sách chuyên khảo), Nxb. Lý luận chính trị, H.2019.

         7. Giáo trình Trung cấp Lý luận chính trị: Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, H.2021.

 


    [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.1, tr.509

    [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.5, tr.312

    [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.1, tr.520

    [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.30

    [5] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2004, t.4, tr.472

    [6] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005, t.43, tr.69

    [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.2, tr.287

    [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.2, tr.288

    [9] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2004, t.20, tr.259

    [10] Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.245

    [11] Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ sơ Hồ Chí Minh, “Con đường giải phóng”, tr.26

    [12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.8, tr.254

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 178
  • Trong tuần: 5 191
  • Tất cả: 589879
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này