Quan điểm của Đảng về “quyền con người là giá trị chung của nhân loại” - thực tiễn đấu tranh phản bác chống các luận điệu xuyên tạc quan điểm của Đảng về quyền con người

 ThS. Trần Việt Nhân         
GV Khoa Nhà nước và pháp luật

          Quyền con người là quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Ở Việt Nam, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được tôn trọng và bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền những quan điểm sai trái, xuyên tạc, với mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trọng tâm là xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trọng yếu, cấp bách của công tác bảo vệ an ninh tư tưởng; đồng thời là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và các cán bộ, đảng viên, nhất là trong thời điểm Đảng ta vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

         Tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận các giá trị lý luận - thực tiễn về quyền con người để chống phá nền tảng tư tưởng XHCN của quyền con người ở Việt Nam.Tiến hành các hoạt động chống phá thực tiễn bảo đảm quyền con người, trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, dân tộc, thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, văn hóa nghệ thuật, tư pháp... kể cả hợp tác quốc tế, nhằm thúc đẩy sự chệch hướng XHCN của công cuộc đổi mới ở nước ta...

         1. Cơ sở hình thành quan điểm của Đảng về quyền con người

         Có thể thấy, quan điểm của Đảng về quyền con người  (QCN)  được hình thành, đúc rút từ các yếu tố: Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc; truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam; nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; những nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người được hầu hết các dân tộc trên thế giới thừa nhận và thực tiễn và những yêu cầu đặt ra trong công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Các quan điểm này được thể hiện trong các văn kiện của Đảng như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, (bổ sung, phát triển năm 2011); Chỉ thị số 12-CT/TW ngày12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII. Đặc biệt, Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới đã đúc kết những quan điểm cơ bản về quyền con người.

         Đảng ta cũng khẳng định, quyền con người là mục tiêu, bản chất, động lực của chế độ xã hội chủ nghĩa, trong đó, quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân kết hợp hài hòa với quyền tập thể và không tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật. Trách nhiệm của Nhà nước, của tất cả các ngành, các địa phương, cơ sở là phải tích cực, chủ động thực hiện nhằm ngày càng hoàn thiện và nâng cao các quyền con người. Đồng thời, chủ động, tích cực hợp tác, sẵn sàng đối thoại và kiên quyết đấu tranh trong quan hệ quốc tế vì quyền con người.

         2. Quan điểm của Đảng về “quyền con người là giá trị chung của nhân loại”.

         Đảng, Nhà nước ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước; thúc đẩy và bảo vệ QCN là nhân tố quan trọng trong phát triển bền vững, đảm bảo thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để xác lập cơ sở cho việc bảo vệ và thúc đẩy QCN. Đảng ta đã xác định những tư tưởng và đường lối về nhân quyền. Các quan điểm của Đảng, Nhà nước về QCN được thể hiện tập trung trong các văn kiện của Đảng và văn kiện của các cơ quan Nhà nước. Trong đó Đảng, Nhà nước ta đã xác định một số quan điểm cơ bản về vấn đề QCN trong đó có quan điểm quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Quan điểm này được thể hiện trong Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó nêu rằng: “Nhân quyền là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại”. Ngoài ra, trong bài phát biểu tại Hội nghị thế giới về Nhân quyền lần thứ II tổ chức tại Viên (Áo), tháng 6/1993, Phái đoàn Việt Nam cũng khẳng định: "Nhân quyền là một phạm trù tổng hợp, vừa là “chuẩn mực tuyệt đối” mang tính phổ biến, vừa là “sản phẩm tổng hợp của một quá trình lịch sử lâu dài”.

         Đảng và Nhà nước ta thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ những giá trị cao quý về QCN được thế giới thừa nhận rộng rãi. Đảng chỉ đạo: “Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính vì phẩm giá con người”. Đảng luôn khẳng định, việc bảo đảm QCN là một mục tiêu, động lực của cách mạng, là trách nhiệm to lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời nhấn mạnh: “chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia”.

          3. Đấu tranh phản bác chống các luận điệu xuyên tạc quan điểm của đảng về quyền con người: bảo vệ tính đúng đắn bằng cách chứng minh bằng thực tiễn.

          Sau mấy mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Nhưng, cùng với cố tình phủ nhận thành tựu, kết quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong nước và ở nước ngoài cố tình xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, ra sức chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”.

          Các đối tượng thù địch xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay gồm: lực lượng cực hữu, một số nghị sĩ cực đoan tại một số nước phương Tây, các nhóm phản động người Việt Nam ở nước ngoài và những cá nhân người Việt ở trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc, lợi dụng, núp bóng “ngọn cờ dân chủ”, “nhân quyền” chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam. Luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực cơ bản như: Phủ nhận thành tựu, thực tiễn về các giá trị lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng về dân chủ, nhân quyền; lợi dụng các hiệp định, dự án hợp tác với nước ngoài, nhằm phá hoại và làm chệch định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Kích động vấn đề dân tộc thiểu số và xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo, không bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số; chỉ trích các văn bản, chính sách, pháp luật về tôn giáo và lợi dụng các vụ việc và việc Nhà nước xử lý các đối tượng, vụ việc phức tạp liên quan tới tôn giáo để xuyên tạc, vu cáo...

         Đến nay có thể khẳng định Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và vững chắc về nhân quyền.Trong thời gian qua, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực. Trên lĩnh vực văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về công nhận các danh hiệu văn hóa.

         Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mà Việt Nam tiến hành suốt mấy chục năm qua, con người (nhân dân) luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Chỉ tính từ khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua đến nay, công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách đã được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới, bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế quan trọng của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Đảng và Nhà nước Việt Nam có rất nhiều biện pháp cụ thể để bảo đảm quyền của người dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, trở thành đại dịch toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thì việc thụ hưởng các quyền cơ bản của con người bị tác động mạnh, nhất là quyền được sống, bảo đảm sức khỏe, v.v. Song với tinh thần: “Chống dịch như chống giặc”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả, với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân; duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân. Nhờ đó, tránh được sự tàn phá khủng khiếp do dịch bệnh gây ra, Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới trong phòng, chống dịch Covid-19.

         Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Như vậy, Đảng ta đã phát triển thêm một bước tiếp cận mới không chỉ về lý luận mà còn dựa trên tổng kết từ thực tiễn của những năm đổi mới và cả chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.Theo đó, trong các chương trình, chính sách phát triển của Đảng ta đều phải hướng trọng tâm vào chủ thể hưởng quyền, đó là người dân - nhân dân; lấy quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể hưởng quyền là cơ sở xây dựng và hoạch định chính sách phát triển quốc gia; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cao nhất trong hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

         Trên cơ sở đề cao vai trò của các thiết chế nhà nước và xã hội trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Đảng ta đặc biệt quan tâm tới các nhóm, như: trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài, v.v. Đối với trẻ em: “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước”. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta coi người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh: “Tăng cường công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài”; “Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội ở nước sở tại”.

         Quán triệt, thực hiện tốt các nội dung trên sẽ góp phần đưa quan điểm của Đảng ta về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người vào thực tiễn, trực tiếp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam, cũng như đẩy mạnh hơn nữa công cuộc hội nhập quốc tế, đóng góp vào bảo đảm, thúc đẩy quyền con người chung của toàn cầu.Từ những vấn đề trên cho thấy, việc đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền không có giới hạn, mà nằm ngay trong nhận thức của mỗi người và mỗi tổ chức. Vì thế nhân dân, trước tiên là mỗi cán bộ, đảng viên, đều là chủ thể đấu tranh với các thế lực thù địch về nhân quyền./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1.Tường Duy Kiên (chủ biên) (2019), Giáo trình cao cấp lý luận chính trị, NXB Lý luận chính trị

         2. GS.TS. Bùi Quảng Bạ, (2018) Học viện Chính trị Công an nhân dân, “Từ "xã hội dân sự" thúc đẩy đa nguyên, đa đảng - Âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch”

         3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,

         4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội địa biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội,

         5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội địa biểu toàn quốc lần thứ XIII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội,

         6. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính tri năm 1966.

         7. Công ước quốc tế về các quyền KT,VH và XH, năm 1966.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 286
  • Trong tuần: 5 644
  • Tất cả: 589492
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này