Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục giá trị truyền thống dân tộc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong giai đoạn hiện nay

ThS. Lê Thị Hồng Gấm    
                                                                                   Khoa Nhà nước & Pháp luật

         Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc đã tạo nên nhân cách con người Việt Nam với các giá trị đạo đức vô cùng phong phú. Cùng với thời gian, các giá trị đạo đức này được lưu truyền qua các thế hệ, trở thành truyền thống tốt đẹp, là sức mạnh và động lực của dân tộc. Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam bao gồm 3 nội dung cơ bản.

         Thứ nhất, chủ nghĩa yêu nước với ý chí bất khuất, tự lực, tự cường.

         Trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước với ý chí bất khuất, tự lực, tự cường được hình thành và hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, là giá trị tinh thần cao nhất của dân tộc Việt Nam. Đây là một giá trị kép: yêu làng xóm; yêu gia đình, yêu làng xóm - yêu nước. Giá trị kép đó gắn bó biện chúng với nhau: nước mất - nhà tan. Vì thế, vấn đề dân tộc bao giờ cũng gắn liền với vấn đề của mỗi gia đình, làng xóm và mỗi con người trong cộng đồng; liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Việt Nam

         Thứ hai, truyền thống đoàn kết, ý thức dân chủ và nhân văn.

         Tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết là một đặc trưng gốc rễ của làng xã Việt Nam, nó được hình thành từ rất sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn liền với tiến trình đấu tranh của dân tộc, là nét văn hóa đặc trưng của người Việt được bảo tồn từ đời này sang đời khác đã được ông cha ta lưu truyền để dạy bảo con cháu qua ca dao, tục ngữ hay các câu chuyện ngụ ngôn

         Thứ ba, truyền thống dũng cảm, cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, chiến đấu để sinh tồn và phát triển trước thiên nhiên nghiệt ngã và kẻ thù xâm lược hung bạo.

Cần cù, siêng năng là một trong những phẩm chất đáng quý của Việt Nam, cần cù chính là yếu tố quan trọng giúp con người có thể đảm bảo được việc duy trì cuộc sống cá nhân. Dũng cảm, thông minh, sáng tạo, một dân tộc sau hàng ngàn năm là nô lệ, bị cưỡng bức, đồng hóa về mặt thể chất và tinh thần - giết đàn ông, đốt sách, nô dịch, đồng hóa về văn hóa, phong tục, tập quán, nhưng vẫn không khuất phục, kiên cường chịu đựng, nuôi dưỡng ý thức độc lập để rồi lại đứng lên giành lấy độc lập.

         Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Diện tích tự nhiên 2.328 km2, có bờ biển dài 65 km. Tỉnh có 09 huyện, thị xã, thành phố; 106 xã, phường, thị trấn với 756 ấp, khóm. Dân số toàn tỉnh có 1.052.273 người, dân tộc kinh chiếm 69%, dân tộc Khmer chiếm 31,4%, dân tộc khác chiếm 1%. Có 05 tôn giáo chính: Phật giáo, Cao đài, Thiên chúa, Tin lành, Hồi giáo, 367 cơ sở thờ tự, với 6.238 chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Tỉnh Trà Vinh có đặc điểm địa lý, sinh thái đa dạng, chứa đựng nhiều tiềm năng kinh tế. Dân cư Trà Vinh là một cộng đồng các dân tộc Kinh- Khmer- Hoa... sống gần gũi bên nhau. Có một hào khí Trà Vinh được hình thành và phát triển bởi sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư trong suốt chiều dài lịch sử khai phá, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất

         Điều đáng quý là, tuyệt đại bộ phận nhân dân Trà Vinh đều là những người lao động cần cù, trung thực, thuần hậu, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, trung thành với Đảng, với cách mạng. Đặc biệt, nhân dân Trà Vinh có truyền thống đoàn kết, gắn bó trong một cộng đồng đa dân tộc, đa tôn giáo. Chính điều đó đã tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, cốt cách và sức mạnh của nhân dân Trà Vinh trong cuộc đọ sức quyết liệt chống lại các thế lực phong kiến, thực dân, đế quốc tàn bạo. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Xứ ủy, Khu ủy, Tỉnh ủy, các lực lượng vũ trang và nhân dân Trà Vinh đã kề vai sát cánh, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường với kẻ thù, góp phần làm nên thắng lợi chung của cả dân tộc. Hầu hết các địa danh như Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Trà Vinh,.. đều gắn liền với những chiến công vang dội và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc Trà Vinh. Chiến tranh kết thúc, toàn tỉnh có 48 tập thể, 21 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có 3 Anh hùng là người dân tộc Khmer); 924 người mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có 42 mẹ là người dân tộc Khmer).

         Bước vào thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhất là sau 35 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Trà Vinh đã tiếp tục phát huy truyền thống quý báo của dân tộc Việt Nam đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ Tỉnh các nhiệm kỳ đã đề ra, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng nhanh, tương đối bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đều phát triển vững chắc; ngành du lịch ngày càng mở rộng, khai thác có hiệu quả các khu du lịch nổi tiếng: Ba Động, Ao Bà Om, Đền thờ Bác Hồ, Làng nghề truyền thống... Hạ tầng giao thông bao gồm các trục quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn không ngừng được mở mang, củng cố; mạng lưới điện trung thế, hạ thế và mạng viễn thông phát triển mạnh. Văn hóa-xã hội của Tỉnh cũng có nhiều tiến bộ; đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện. Công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm, thực hiện có hiệu quả, trong đó phải kể đến việc triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ về nhà ở, vốn đầu tư cho đồng bào Khmer ở những xã đặc biệt khó khăn đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh. Các hoạt động truyền thống của từng dân tộc và mọi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đều được tôn trọng, định hướng phát triển đúng đắn, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần và bản sắc văn hóa của địa phương. Cùng với thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế-xã hội, sự nghiệp quốc phòng - an ninh của Tỉnh cũng không ngừng được củng cố, tăng cường, trên cơ sở phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và sự tham gia tích cực của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

         Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc Trà Vinh. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, Tỉnh cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp so với các tỉnh trong khu vực; việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm so với yêu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; điều kiện sản xuất và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn tập trung ở những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đáng chú ý, các thế lực thù địch trong nước và ngoài nước tiếp tục câu kết, đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thông qua các chiêu bài “dân tộc”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” để kích động, chống phá một cách quyết liệt. Thủ đoạn của chúng rất tinh vi, xảo quyệt; một mặt, tìm cách lôi kéo đồng bào gia nhập các tôn giáo chưa được Nhà nước thừa nhận; phát triển các tín đồ tôn giáo ở vùng sâu, vùng đồng bào Khmer; đòi lại đất đai, cơi nới, mở rộng các cơ sở thờ tự. Mặt khác, chúng đẩy mạnh xâm nhập, tuyên truyền, tán phát các tài liệu chủ yếu nhằm xuyên tạc lịch sử, nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ, kích động mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng, chính quyền và giữa 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, một bộ phận nhỏ nhân dân do nhẹ dạ, lại chưa được tuyên truyền, giáo dục kỹ, nên có biểu hiện tin theo kẻ xấu, bị chúng lôi kéo, kích động tham gia một số hoạt động trái pháp luật, gây khó khăn cho chính quyền cơ sở và ảnh hưởng đến ổn định chính trị ở địa phương.

         Chính vì thế để tiếp tục phát huy giá trị thuyền thống quý báo của dân tộc Việt Nam, thực hiện thắng nhiệm mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Văn kiện Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XI và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục giá trị truyền thống của dân Tộc việt Nam trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

         Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, phát huy có hiệu quả các ấn phẩm, biên niên sự kiện, tài liệu lịch sử, truyện đọc lịch sử đã được xuất bản, các đề cương tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của Đảng, của dân tộc, bằng nhiều hình thức truyền tải đến các tầng lớp Nhân dân, thế hệ trẻ, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer. Quan tâm nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tái bản các cuốn sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, sau xuất bản phát hành đến các cơ quan, đơn vị, thư viện trường học để tuyên truyền, đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương lồng ghép vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo bồi dưỡng của các cấp học, bậc học thông qua các chương trình ngoại khóa bằng các hình thức phù hợp như: Nói chuyện chuyên đề, tham quan di tích lịch sử, văn hóa, chương trình giáo dục lịch sử truyền thống, giáo dục công dân, giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh

         Thứ hai, chủ động tham mưu chỉ đạo công tác tuyên truyền các sự kiện lịch sử của Đảng, của dân tộc, của địa phương nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn qua các hình thức như sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cơ quan; các cơ quan chuyên môn chủ động biên soạn tài liệu, đăng tải bài viết, bài nghiên cứu về lịch sử trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng, triển khai qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở,… Xây dựng bổ sung kho tư liệu truyền thống, thường xuyên cung cấp tài liệu, các cuốn sách lịch sử địa phương phục vụ công tác tuyên truyền; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua các phong trào thi đua, phát huy tinh thần tự học, tự đọc, tự nghiên cứu tìm hiểu truyền thống của Đảng, của dân tộc; thường xuyên tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống, khuyến khích động viên cán bộ, đảng viên trong chi bộ tích cực hưởng ứng tham gia.

         Ngoài ra cần thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là hoạt động của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh và các đội tuyên truyền thông tin lưu động, đội văn nghệ Khmer của các huyện, thị xã, thành phố, các chùa Khmer để phục vụ bà con đồng bào Khmer tận trong phum, sóc, khóm ấp đến vui chơi, giải trí, qua đó lồng ghép chuyển tải những nội dung tuyên truyền về giá trị truyền thống của dân tộc

         Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua người có uy tín, các vị chức sắc tôn giáo, sư sãi, Achar trong tỉnh. Các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, sư cả, các ban quản trị chùa, các ban đại diện tôn giáo là một trong những kênh tuyên truyền hiệu quả. Thực tế cho thấy, Nhân dân đã rất ủng hộ và chấp hành tốt các quyết định, chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tích cực, tự giác cao trong việc tham gia thực hiện các phong trào do địa phương phát động. Việc tuyên truyền cho bà con đồng bào dân tộc Khmer ở tại các ngôi chùa của người Khmer mang lại hiệu quả cao. Chính vì thế có thể tuyên truyền, giáo dục giá trị truyền thống thông qua các lễ hội truyền thống, các ngày lễ lớn hằng năm và các phong trào quần chúng rộng rãi khác. Thông qua các hoạt động lễ hội lớn của đồng bào Khmer trong tỉnh, nhất là lễ hội Chol Chnam Thmay, Sen Đolta lãnh đạo Đảng, chính quyền, người có uy tín... tổ chức họp mặt, thăm viếng, chúc tết các vị chư tăng, bà con phật tử, đồng thời qua đây cũng thực hiện việc tuyên truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

         Thứ tư, phát động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Phát động toàn dân trên địa bàn tỉnh tham gia các phong trào như: “Người tốt, việc tốt”, phong trào “Toàn dân tham gia hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở”, phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, gia đình “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”... và các phong trào mang tính chất nhân đạo khác, như phong trào giúp đỡ người già, người tàn tật, phong trào chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ, xây dựng lớp học tình thương, quỹ đền ơn đáp nghĩa những người có công với nước, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, phong trào ủng hộ đồng bào vùng bị bão lụt,... đã và đang đi vào cuộc sống. Nó vừa là phương thức giáo dục hệ giá trị truyền thống dân tộc, vừa là sự thể hiện hệ giá trị truyền thống được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chăm lo giữ gìn và phát huy trong điều kiện hội nhập hiện nay.

         Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam được sản sinh và nuôi dưỡng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hằng nghìn năm vừa anh hùng, vừa bi tráng của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước không chỉ là một giá trị, mà nó còn là cội nguồn, là cơ sở của hàng loạt các giá trị văn hóa khác, là giá trị căn bản làm nên cốt cách Việt Nam. Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Vì vậy các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc tôn giáo, nhân quyền, lịch sử vùng đất… chống phá ta về mọi mặt đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng. Vì vậy việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước sâu rộng trong nhân dân là nhiệm vụ quan trong nhằm xây dựng cho nhân dân thế giới quan đúng đắn góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

         Dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, tạo nên một nền văn hóa riêng, với những giá trị truyền thống tốt đẹp và cao quý, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.  chính vì thế trách nhiệm của mỗi người Việt Nam là phải trân trọng, khai thác, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn lịch sử. Trong giai đoạn hiện nay quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và Nghị quyết Đại hội XIII, các cấp, các ngành phải thường xuyên chú trọng việc tuyên truyền và phát huy truyền thống dân tộc trong cán bộ, đảng viên và trong Nhân dân, phải làm cho mỗi người đều thấy được tinh thần trách nhiệm của mình đối với đất nước và có những hành động yêu nước đúng đắn, tránh bị kẻ địch lợi dụng để kích động. Đặc biệt, đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn là những tấm gương phấn đấu, không ngừng tu dưỡng rèn luyện mình thực sự có lòng yêu nước chân chính, biết đặt lợi ích của đất nước của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, tiếp tục phát huy những phẩm chất anh hùng cách mạng, luôn xây dựng niềm tin vào chủ nghĩa xã hội. Làm tốt điều đó, nhất định chúng ta sẽ phát huy tốt chủ nghĩa yêu nước trong thời kỳ mới và sẽ tạo được sự lan tỏa trong Nhân dân để cùng đoàn kết một lòng xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./. 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 216
  • Trong tuần: 5 574
  • Tất cả: 589422
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này