Bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu theo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

ThS. Nguyễn Thanh Mộng   
                                                                        Khoa Nhà Nước & Pháp Luật

         Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, coi đó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Nhờ vậy, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trước áp lực của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức đáng báo động, công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước những thách thức gay gắt; đất đai bị thoái hóa; chất lượng nguồn nước suy giảm mạnh; không khí bị ô nhiễm; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác không theo quy hoạch; khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ mất cân bằng sinh thái diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân… trước thực trạng này, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để hướng tới phát triển bền vững là một trong những định hướng lớn mà Đảng ta đã đề ra tại Đại Hội Đại biểu toàn Quốc lần thứ XIII.

         Bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại Hội XIII. Cùng với 5 nhiệm vụ khác, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu có nhiệm vụ lớn để thực hiện mục tiêu tổng thể, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

         Bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành, phương thức tăng trưởng và mô hình tiêu dùng đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tạo ra các biện pháp điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc hoạt động của con người phù hợp với sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình và hoặc dao động của khí hậu; bảo đảm sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nhằm giảm khả năng bị tổn thương do dao động và biến đổi khí hậu hiện hữu hoặc tiềm tàng và tận dụng các cơ hội do nó mang lại. Đây là quá trình: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.”.

         Bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu một trong những nhiệm vụ lớn góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát cũng như những mục tiêu cụ thể của đất nước trong các giai đoạn tiếp theo. “Đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100%, nông thôn là 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%”.

         Với ý nghĩa đó, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung lý luận và một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

         Từ Đại Hội IX đến Đại hội XIII, Đảng ta luôn xác định: Coi trọng bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

         Nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong việc bảo vệ môi trường: “Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp. Vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng và doanh nghiệp chưa được phát huy đầy đủ. Vẫn để xảy ra một số sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng. Các chế tài để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe và thiếu hiệu quả. Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên một số mặt còn lỏng lẻo.”. Đây là hạn chế, yếu kém cần nhanh chóng khắc phục.

         Với những hạn chế nêu trên cần thực hiện tốt một số giải pháp bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

         Thứ nhất, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, cộng đồng về môi trường, biến đổi khí hậu và tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cùng biện pháp ứng phó.

         Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục môi trường, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; Tuyên truyền, tập huấn về  môi trường,  biến dổi khí hậu và những tác động có hại và các giải pháp ứng phó cho các cán bộ, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

         Để nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, từ đó có những hành động tích cực trong thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể hóa các nhiệm vụ của mỗi đơn vị, địa phương, thì các chủ thể tham gia công tác tuyên truyền (tuyên giáo, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể…) cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, làm cho mỗi người dân hiểu được thế nào là biến đổi khí hậu, nguyên nhân, tác hại và giải pháp phòng ngừa, thích ứng. Trước hết, cần tập trung vào một số nội dung như:

         Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng của mỗi địa phương, coi đây là một nội dung trong công tác tuyên truyền của Đảng. Theo đó, các cấp ủy thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng nhân dân trước những diễn biến phức tạp, bất thường của các hiện tượng biến đổi khí hậu ở các địa phương như nước biển dâng, bão, lũ… để định hướng tuyên truyền, bảo đảm cho nhân dân chủ động phòng ngừa và thích ứng. Đồng thời, định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo tuyên truyền để đổi mới những giải pháp, nhiệm vụ tuyên truyền cho phù hợp.

         Các cơ quan tuyên truyền, báo chí cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền. Ban tuyên giáo các cấp (tỉnh, thành phố, huyện thị, các cơ quan, doanh nghiệp…) cần phối hợp với sở, phòng tài nguyên và môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan, các cơ quan chuyên môn xác định nội dung tuyên truyền hàng năm; tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền giữa các đơn vị, địa phương, các tỉnh trong cả nước, cung cấp những thông tin mới phục vụ cho công tác tuyên truyền; Tổ chức cho các cơ quan báo chí (đài phát thanh truyền hình các tỉnh, huyện…) và đội ngũ báo cáo viên đi nghiên cứu thực tiễn, nắm bắt tình hình, phát hiện những mô hình mới, điển hình, nhân tố mới trong ứng phó với biến đổi khí hậu…

         Thứ hai, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

         Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nước ta.

         Để thực hiện tốt giải pháp này đòi hỏi các địa phương trong cả nước cần cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành (Đối với nông nghiệp, cần đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng kỹ thuật mới, giống mới, sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế; Đối với công nghiệp, tận dụng tối đa các chính sách đối với các khu kinh tế, khu chế xuất, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các trung tâm khoa học công nghệ; Đối với dịch vụ, chú trọng đầu tư phát triển dịch vụ du lịch xanh, logistics, đẩy mạnh phát triển dịch vụ xuất nhập khẩu trực tiếp…).

         Thứ ba, chủ động và tích cực hơn nữa trong hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

         Đây là một trong những nội dung mới được Đại hội XIII nhấn mạnh trên cơ sở hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là song Mê Kông và sông Hồng và biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra mạnh mẽ.

         Để chủ động và tích cực hơn nữa trong hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi cần phải chủ động, tích cực hợp tác trong chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

         Cụ thể là, trước hết, các địa phương, bộ ngành có liên quan cần đưa chủ động hợp tác quốc tế trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương /đơn vị mình cùng với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; thường niên tổng kết hoạt động hợp tác quốc tế cũng như trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các địa phương về hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó, cần thực hiện đa dạng các hình thức hợp tác: hợp tác từ cấp độ Nhà nước, cấp độ địa phương/ bộ, ngành; thông qua các hội thảo chuyên môn; thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh có mời các chuyên gia quốc tế hàng đầu về lĩnh vực biến đổi khí hậu, vận động các nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế…

         Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu là những vấn đề lớn, đáng quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế cũng như của mỗi quốc gia khi hiện tượng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nhanh và phức tạp. Với sự quan tâm đặc biệt về vấn đề này, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những phân tích, đánh giá về thực trạng vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu ở nước ta từ việc thực hiện những nhiệm vụ đã đặt ra từ Đại hội XII, đồng thời đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ mới cụ thể và toàn diện. Trên cơ sở định hướng của Đảng, cần thực hiện một cách hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, từ công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, đến nhóm giải pháp về chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nội dung này, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, SĐD, tr.117.

         2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, SĐD, tr.114.

         3. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII SĐD, tr.86.

         4. Đảng cộng sản Việt Nam, kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI.

         5. Đảng cộng sản Việt Nam, kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX .

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 354
  • Trong tuần: 5 712
  • Tất cả: 589560
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này