CHÍNH SÁCH TÁI CÂN BẰNG CỦA MỸ VÀ BƯỚC NGOẶT AUKUS

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương
                                                                        Khoa Xây dựng Đảng     

         Trước chiến tranh lạnh trọng tâm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ là Châu Âu. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Bush chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược “xoay trục” rõ nét hơn dưới thời tổng tống Bill Clinton và chính thức được đưa ra dưới thời Tổng thống Barack Obama.

         1. Chính sách tái cân bằng

         Cuối năm 2011, Chính quyền Obama thực hiện chính sách “xoay trục” - “tái cân bằng” sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mục đích là thể hiện sự tham gia của Mỹ trong khu vực địa chính trị quan trọng này nhằm tăng cường sức mạnh chiến lược tổng thể của Mỹ trên cả bốn lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ lúc này là Hillary Clinton từng viết “chuyển hướng một cách chiến lược sang khu vực này nhằm đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ”.

         Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump đã quyết định đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các nước trong khu vực này tỏ ý lo ngại Mỹ sẽ “khai tử” chiến lược xoay trục tới Châu Á. Thực tế, Donald Trump vẫn tiếp tục thúc đẩy chính sách “xoay trục” ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhưng đặt lợi ích lên trên các giá trị dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Obama.

         Hiện nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tái định vị khu vực này trong chính sách đối ngoại với chiến lược “xoay trục sang châu Á 2.0”. Bằng chứng là việc Tổng thống Mỹ đã chọn cựu trợ lý ngoại trưởng Kurt Campell (trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama) làm quan chức cấp cao đặc trách chính sách của Mỹ tại châu Á.

         Tại sao Mỹ lại “xoay trục”-“tái cân bằng” sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương?

         Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc và sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Nga đang thách thức vai trò siêu cường thế giới duy nhất và lợi ích của Mỹ. Đặc biệt, sự nóng lên của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tác động của sự kiện “ngày 11/9/2001” và của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ  phát động đến các nước Hồi giáo trong khu vực, những tranh chấp trên biển Đông... đang làm gia tăng các nguy cơ đe dọa đến lợi ích an ninh của Mỹ tại Đông Á. Mục đích của chính sách xoay trục là nắm vững quyền chủ  đạo, duy trì vai trò chi phối trật tự  khu vực, làm nền tảng để  bảo vệ  lợi ích sống còn của quốc gia ở  khu vực và thực hiện chiến lược toàn cầu, không để  xuất hiện một kẻ  “bá quyền khu vực” có thể đe dọa quyền lãnh đạo của Mỹ tại khu vực tác động thế giới.

         Nội dung của chính sách “xoay trục”-“tái cân bằng” xoay quanh sáu trụ cột: thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống; phát triển quan hệ đối tác với những quốc gia mới nổi; tăng cường các can dự thể chế khu vực; mở rộng quan hệ, mở rộng thương mại và đầu tư đối với khu vực; tăng cường quân sự và thúc đẩy các nước tiến hành cải cách.

         2. Bước ngoặt Aukus

         Thứ nhất, Aukus đánh dấu sự trở lại với chính sách “xoay trục” sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Joe Biden

         Thỏa thuận an ninh, quốc phòng giữa Anh, Úc, Mỹ - Aukus, được cho là sự trở lại với chiến lược “xoay trục” sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ngay sau khi rút quân khỏi Afghanistan tổng thống Joe Biden đã thành lập ngay một liên minh mới trong khu vực này - liên minh Aukus.

           Aukus ra đời ngày 15/9/2021, viết tắt theo tên tiếng Anh của ba nước Úc (Australia), Anh (United Kingdom), và Mỹ (United States). Mục đích của liên minh này là để kiếm chế Trung Quốc. Aukus được xem là đối trọng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Trước Aukus, Mỹ đã chứng tỏ sự hiện diện của mình tại Châu Á – Thái Bình Dương thông qua các tổ chức, diễn đàn như TPP, QUAD... Với liên minh Aukus, Mỹ tái khẳng định tầm quan trọng của khu vực này trong chiến lược toàn cầu của mình.

         Thứ hai, Aukus thay đổi cán cân quân sự trong khu vực

         Ngay sau việc thành lập Aukus, Mỹ và Anh lên kế hoạch cung cấp cho Úc công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trước đó, Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân tuyệt mật cho Anh từ năm 1958. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 6 cường quốc hạt nhân, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, đang sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Những con tàu này chạy bằng năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân có thể hoạt động trong lòng biển lâu hơn và êm hơn so với tàu ngầm diesel - điện truyền thống. Nếu việc chuyển giao thành công thì Úc sẽ trở thành quốc gia thứ 7 triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và là quốc gia phi hạt nhân đầu tiên làm điều đó. Như vậy Trung Quốc không còn là quốc gia duy nhất trong khu vực sở hữu tàu ngầm hạt nhân.

         Thứ ba, Aukus tác động đến an ninh khu vực

         Sự xoay trục của Mỹ làm cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Biển Đông lại nóng lên. Cả Anh, Úc và Mỹ xem Biển Đông là một khu vực quan trọng. Ba quốc gia này kỳ vọng sự ra đời của Aukus sẽ giúp đối phó tốt hơn với các thách thức an ninh cũng như đem lại hòa bình, ổn định trong khu vực này. Tuy nhiên, ngược lại sự hình thành của Aukus cho thấy cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Điều này có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các quốc gia trong khu vực.

         Thứ tư, AUKUS nhấn mạnh sức mạnh biển

         Ba quốc gia Mỹ, Anh, Úc đều là cường quốc biển. Trong đó, Mỹ và Anh có “sức mạnh biển” vượt trội hơn so với Úc.  Cả ba quốc gia này đều có lợi gắn bó với nhau trong việc giao thương và vận tải trên biển. Việc hợp tác với cả ba sẽ đem lại lợi ích là gia tăng sức mạnh tập thể trong việc giảỉ quyết các thách thức từ biển đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở khu vực và sự trỗi dậy mạnh mẽ về “sức mạnh biển” của Trung Quốc. Aukus cùng với Quad được kỳ vọng sẽ là hai “gọng kiềm” mang sức mạnh biển nhằm kiềm chế sự trỗi dậy và tham vọng của Trung Quốc trên biển.

         Tóm lại, kể từ thời chính quyền Barack Obama, Mỹ chính thức chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chính sách “xoay trục, tái cân bằng” được tiếp tục triển khai dưới thời các tổng thống tiếp theo của Mỹ. Đặc biệt, chính quyền tổng thống Joe Biden đã phát triển chính sách này dưới dạng thức mới “xoay trục sang Châu Á 2.0” đánh dấu bằng sự thành lập liên minh Aukus. Sự hình thành Aukus tạo ra một bước ngoặt mới trong quan hệ quốc tế và được kỳ vọng sẽ “tái cân bằng” sức mạnh an ninh, quân sự ở khu vực này.

         Tài liệu tham khảo

          1. Vũ Dương Huân (2003), Quan hệ của Mỹ với các nước lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Hội.

         2. Bruce W Jentleson (2004), Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ : động cơ của sự lựa chọn trong thế kỷ XXI; Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Hội.

         3. Nguyễn Thị Quế (2016), Chiến lược xoay trục, tái cân bằng của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương, http://www.lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/1264-chien-luoc-xoay-truc-tai-can-bang-cua-my-doi-voi-chau-a-thai-binh-duong.html.

         4. Hoàng Anh Tuấn (2021), Mười điều rút ra từ sự ra đời của Liên minh AUKUS, https://nghiencuuquocte.org/2021/09/19/muoi-dieu-rut-ra-tu-su-ra-doi-cua-lien-minh-aukus.

         5. Trịnh Văn Định (2020), Cấu trúc, cốt lõi, mối quan hệ và mục tiêu của sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, http://www.lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/3285-cau-truc-cot-loi-moi-quan-he-va-muc-tieu-cua-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc.html.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 56
  • Trong tuần: 5 069
  • Tất cả: 589757
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này