NÂNG CAO VĂN HÓA CHÍNH TRỊ TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN, YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH ĐẾN CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH HIỆN NAY

                                                               ThS. Đặng Văn Amel         
                                                                Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

         Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”1 “Văn hóa không thể đứng ngoài, mà phải trong kinh tế và chính trị”2. Trải qua các kỳ Đại hội của Đảng, yếu tố văn hóa vẫn còn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp phát triển đất nước. Đặc biệt, trong kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, yếu tố văn hóa lại tiếp tục được khẳng định và xem văn hóa chính là “Sức mạnh mềm” để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.

         Văn hóa chính trị với ý nghĩa là một thuật ngữ trong khoa học chính trị, xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng giữa thế kỷ XX và được hiểu như thái độ, cách thức ứng xử của một cộng đồng dân tộc. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã có những công trình nghiên cứu về văn hóa chính trị. Tiêu biểu như: công trình sách “Văn hóa chính trị và việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay” của tác giả Phạm Ngọc Quang chủ biên, xuất bản năm 1995; sách “Hồ Chí Minh – Nhà văn hóa kiệt xuất” của tác giả Song Thành, xuất bản năm 2010…Các công trình nghiên cứu trên đây đều xem văn hóa chính trị là nhằm điều chỉnh nhận thức, hành vi chính trị của cá nhân và cộng đồng. Theo Đại tá, PGS.TS. Phạm Tuấn Bình (nguyên Phó Cục trưởng Cục Đào tạo) “Văn hóa chính trị là một bộ phận, một phương thức biểu hiện của văn hóa, ra đời và tồn tại trong xã hội có giai cấp. Văn hóa chính trị là tổng hòa các giá trị tư tưởng, hành vi và các thiết chế cụ thể, phù hợp với tiến bộ xã hội, do con người sáng tạo và bồi đắp trong suốt quá trình ứng xử…”3. Từ đó, văn hóa chính trị là tổng thể các nội dung về tư tưởng, quan điểm, định hướng chính trị, niềm tin, uy tín của các tổ chức chính trị.

         Văn hóa chính trị được xem là một bộ phận cấu thành của văn hóa, là sự chú trọng, chăm lo, xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu lên 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”4. Xuất phát từ thực tiễn xây dựng và thực hiện những nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đại hội xác định 8 nhiệm vụ cơ bản, trong đó có nhiệm vụ “Xây dựng văn hóa trong chính trị” và Đảng ta xem đây chính là nhân tố hạt nhân nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

         Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó có nội dung “…xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ…”5. Để góp phần thực hiện có hiệu quả các định hướng do Đảng đề ra, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đảng viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới và việc thực hành văn hóa chính trị là một trong những yêu cầu đặt ra.

         Với vị trí, vai trò của người giảng viên trường chính trị, việc thực hành văn hóa chính trị là yêu cầu tất yếu trong công tác đào tạo cán bộ hiện nay. Bởi lẽ, chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương theo Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” và Quy định số 16-QĐi/TU, ngày 22/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh”. Trong đó, vai trò của người giảng viên là hết sức quan trọng, là người đóng vai trò tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với học viên.

         Trong kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có nhiệm vụ “Tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Để đạt được nhiệm vụ trên, trong thời gian tới đòi hỏi cả hệ thống chính trị trên phạm vi toàn tỉnh phải phấn đấu, nổ lực hết mình. Đặc biệt, cần quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức về thực hành văn hóa trong hệ thống chính trị và trước tiên là thực hành văn hóa trong Đảng. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị được xem là nhân tố quan trọng thông qua công tác đào tạo cán bộ.

         Do yêu cầu đặc thù của Trường Chính trị, đối tượng học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Với ý nghĩa đó, để thực hành văn hóa trong hệ thống chính trị, yêu cầu trước tiên đòi hỏi từ phía giảng viên, học viên phải thực hành văn hóa trong Đảng. Bởi lẽ, việc thực hành văn hóa trong Đảng chính là yếu tố kết tinh, là sự biểu hiện của văn hóa chính trị. Xây dựng và thực hiện văn hóa trong Đảng là nhân tố quyết định, là sức mạnh nội sinh, bảo đảm cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Từ thực tế ấy, yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên Trường Chính trị phải thấm nhuần văn hóa Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước lúc đi xa, trong Di chúc một lần nữa Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”6, đạo đức cách mạng theo Người chính là tư tưởng, lối sống, nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên và việc thực hiện văn hóa trong Đảng sẽ là một trong những yếu tố đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên.

         Từ thực tiễn ấy, trong những năm qua, lãnh đạo Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm công tác tổ chức thực hiện văn hóa chính trị, văn hóa Đảng trong đội ngũ giảng viên và đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ thông qua việc thực hiện, quán triệt những chủ trương, đường lối của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, Ủy Ban Nhân dân tỉnh và Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh. Cụ thể như:

         Quyết định 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về “Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

         Quy định số 4495-QĐ/TU, ngày 10/4/2019 của Tỉnh ủy Trà Vinh “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành trong tỉnh”. Quy định số 4842-QĐ/TU, ngày 30/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh“về trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu các cấp, các ngành trong quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị”.

         Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động, tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao văn hóa công sở trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ủy Ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 20/8/2019 về “Tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025”.

         Trên cơ sở quán triệt Kế hoạch số 147-KH/TU ngày 30/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã đề ra Kế hoạch số 26-KH/ĐUK ngày 20/02/2020 về thực hiện chuyên đề năm 2020 “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

         Thông qua chủ trương, đường lối của cấp trên, Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh luôn chú trọng công tác triển khai, tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ và đặc biệt là đội ngũ giảng viên trong việc thực hiện văn hóa chính trị gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 - Khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Tập trung quán triệt thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm trong kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, trong đó có nhiệm vụ “Tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Để góp phần đạt được mục tiêu ấy, thiết nghĩ việc nâng cao văn hóa chính trị trong đội ngũ giảng viên trường chính trị sẽ là một trong những điều kiện thiết yếu thông qua công tác giảng dạy.

         Trong thời gian tới, để góp phần xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị và trước tiên là văn hóa Đảng trong đội ngũ giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, xây dựng Đảng bộ trường Chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh theo định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

         Một là, thông qua chủ trương, đường lối của cấp trên về thực hiện văn hóa chính trị, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại đơn vị trường Chính trị tiếp tục tăng cường, nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, quán triệt đến đội ngũ giảng viên.

         Hai là, trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hành văn hóa chính trị trong đội ngũ giảng viên. Đồng thời, thông qua kết quả kiểm tra, giám sát sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên, giảng viên cuối năm. Từ đó, tạo động lực, nhận thức sâu sắc trong đội ngũ giảng viên về xây dựng, thực hành văn hóa chính trị.

         Ba là, nhằm góp phần xây dựng, thực hành văn hóa chính trị trong đội ngũ giảng viên, Đảng ủy Trường cần xây dựng quy tắc ứng xử đối với giảng viên trong mối quan hệ với tổ chức đảng, quan hệ với cấp trên, với đồng nghiệp và với học viên. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác nêu gương của người giảng viên thông qua việc quán triệt Công văn số 68-CV/TU ngày 23/3/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh về việc “uốn nắn việc thực hiện Quy định số 4495-QĐ/TU của Tỉnh ủy và Quy định số 4842-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”.

         Bốn là, làm tốt công tác phối hợp giữa Đảng ủy Trường với các chi bộ trực thuộc, với chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong quá trình tổ chức thực hiện văn hóa chính trị tại đơn vị. Thông qua các cuộc họp chi bộ, họp chuyên môn và các hoạt động đoàn thể cần lồng ghép nội dung xây dựng văn hóa chính trị và xem đây là một trong những nhiệm vụ cần tuyên truyền, thực hành văn hóa chính trị đến với đội ngũ giảng viên.

         Năm là, ngoài công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ giảng viên tại đơn vị, việc đánh giá chất lượng đảng viên, chất lượng giảng viên cần phải được đánh giá một cách toàn diện từ các phương diện đời sống xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc giảng viên thực hiện Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về “trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú”. Để làm tốt điều này, đòi hỏi nâng cao tinh thần trách nhiệm của Đảng ủy, Chi ủy các chi bộ trong việc phối hợp với tổ chức đảng, với nhân dân nơi giảng viên đang cư trú.

         Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, với định hướng chiến lược về xây dựng đất nước, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phồn thịnh. Để đạt được định hướng ấy, đòi hỏi phải xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Với vị trí, vai trò của người giảng viên trường chính trị, cần nhận thức một cách sâu sắc và không ngừng phấn đấu trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất chính trị theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, việc thực hành văn hóa chính trị của người giảng viên được xem là một trong những yếu tố quan trọng./.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Hồ Chí Minh: Về văn hóa. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr.11;

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6; NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr.367;

3. Học viện Chính trị Công an nhân dân: Công tác bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng và nâng cao văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong tình hình mới, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2019, tr.458;

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2016, tr.219;

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2021, tập II, tr.332-333;

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, H. Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr.622.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 162
  • Trong tuần: 5 520
  • Tất cả: 589368
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này