RÈN LUYỆN TÁC PHONG LÃNH ĐẠO CHO CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

ThS. Lê Thị Hồng Gấm    
                                                                          Khoa Nhà nước và Pháp luật

         Vấn đề tác phong lao động là biểu hiện của tính đảng và thế giới quan nhất định, người lãnh đạo các cấp, các ngành đều  là công bộc của nhân dân. Tác phong sinh hoạt, làm việc, trên các mặt tư tưởng, chính trị, trên thực tế ở chừng mực nhất định đều thể hiện sự lãnh đạo và tác phong lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; phản ánh phương pháp tư tưởng, thái độ làm việc, hành vi đạo đức và quan hệ quần chúng của Đảng và Nhà nước đối với các cấp thành chuẩn mực và tiêu chuẩn hành vi, chỉ đạo và điều chỉnh quan hệ trong và ngoài đảng. Ngoài ra tác phong lãnh đạo còn quan hệ đến cách nhìn của quần chúng đối với sự nghiệp và quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước; quan hệ tới việc ủng hộ hay phản đối của lòng dân, quan hệ tới mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng. Muốn phát huy nhiệt huyết, tính sáng tạo của quảng đại quần chúng thì ngoài quan điểm, đường lối đúng đắn của đảng phải dựa vào sự thực hiện tốt công tác lãnh đạo, quản lý của cán bộ.

         Đặt biệt cán bộ cơ sở là người trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có quan hệ trực tiếp với quần chúng, với dân, gần dân, sát dân nhất, giải quyết mọi vấn đề ở cơ sở, trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân. Phong cách, lề lối làm việc của cán bộ cơ sở có vai trò to lớn để nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước thấm sâu vào nhận thức, suy nghĩ, tình cảm, niềm tin của quần chúng và đi vào cuộc sống. Vì vậy, việc xây dựng và rèn luyện tác phong cho cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở nói riêng là đòi hỏi khách quan, cần thiết nhất là trong bối cảnh hiện nay khi cấp cơ sở đang diễn ra sự thay đổi nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực và nhiều hoạt động cần quản lý.

         Trong quá trình hoạt động vì sự nghiệp chung lãnh đạo, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã sâu sát, gần gũi, liên hệ mật thiết với quần chúng, toàn tâm toàn sức phục vụ nhân dân, nghiêm khắc với bản thân, tự giác ngăn chặn, phản đối tác phong xấu; đã phát huy cao độ tính tích cực, sáng tạo của quảng đại quần chúng, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của địa phương.Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ có tác phong tư tưởng, tác phong làm việc, thậm chí tác phong sinh hoạt kém, vấn đề đó còn thể hiện rõ hơn trong giai đoạn hiện nay do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và nhiều lý do khác, có những cán bộ lãnh đạo dựa vào chức quyền mưu lợi cá nhân, tham nhũng đục khoét, thậm chí cấu kết với kẻ xấu vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của Đảng và Nhà nước, gây xói mòn niềm tin của nhân dân; xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như cục bộ địa phương, lôi kéo bè cánh, chạy quyền, chạy chức, khiến người dân bất bình. Chính vì thế rèn luyện tác phong lãnh đạo là một yêu cầu cần thiết đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay.

         Thứ nhất, rèn luyện tác phong lý luận liên hệ thực tiễn, gắn với thực tế

         Phải nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong tình hình hiện nay càng yêu cầu cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở phải tích cực học tập và nâng cao trình độ lý luận, phải tự giác học tập nâng cao trình độ hiểu biết cả lý luận chung và đường lối, chính sách. Về vấn đề này chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ” cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới thành người cán bộ hoàn toàn” hoặc “ lý luận như cái kim chỉ nam, chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi

         Phải nắm thực tiễn một cách thật sự, khoa học. Lý luận liên hệ với thực tiễn, phải lấy nghiên cứu tình hình thực tiễn khách quan và giải quyết vấn đề thực tế làm trung tâm và xuất phát điểm  đây lại là điều kiện cơ bản nữa của lý luận kết hợp với thực tiễn. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới toàn diện, chủ động hội nhập của đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề thực tiễn mới mẻ, phức tạp. Vì thế, điểm xuất phát và quy tụ của lý luận là giải quyết hàng loạt những vấn đề mới, bức thiết mà thực tiễn đặt ra. Thực tiễn là sự thống nhất giữa tính đa dạng và tính biến động một cách toàn diện, sâu sắc hiện thực khách quan

         Phải chú ý giải quyết vấn đề phương pháp làm việc và phương pháp tư tưởng của lý luận liên hệ với thực tiễn. Cũng chính là giải quyết phương pháp thực hiện cụ thể của thực tiễn liên hệ với lý luận làm cho sự kết hợp giữa lý luận với thực tiễn có tính khả thi. Tình hình mới yêu cầu lãnh đạo ở cơ sở  phải chủ động nâng cao năng lực tư duy, quan sát phân tích vấn đề, phải luôn tổng kết kinh nghiệm qua thực tiễn, phải tích cực hấp thụ và nghiên cứu thành quả mới của khoa học kỷ thuật mới, cần thiết của thời đại.

         Phải tìm tòi, nắm chắc quan điểm thực tiễn đúng đắn. Kết hợp lý luận và thực tiễn là một quá trình trừu tượng đến cụ thể trong đó hàng loạt bước đi và khâu trung gian. Trước hết, phải lấy lý luận để chỉ đạo, tiến hành phân tích, nghiên cứu đối tượng khách quan, tìm ra quy luật phát triển của sự vật làm cho nó được xây dựng trên cơ sở nhận thức khoa học, không thể chỉ làm việc dựa vào kinh nghiệm, lấy nhận thức lý tính quy luật khách quan xác định thực tiễn, tiến hành hoạt động thực tiễn cụ thể, cụ thể hóa thành nhận thức tư tưởng của quần chúng rồi lại biến thành thực tiễn chỉ đạo

         Thứ hai, rèn luyện tác phong liên hệ mật thiết với quần chúng

         Liên hệ mật thiết với quần chúng là biểu hiện của tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước yêu cầu đối với tác phong lãnh đạo của người cán bộ. Trong giai đoạn  hiện nay, yêu cầu của mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng là làm thế nào để phục vụ nhân dân, mưu cầu lợi ích cho nhân dân, xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, đời sống vật chất cho nhân dân. Chỉ có tăng cường sản xuất, ra sức phát triển kinh tế nâng cao sức mạnh tổng hợp trong nước mới có thể thu hút quảng đại quần chúng nhân dân bằng lý tưởng tốt đẹp vì mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Con đường cơ bản là liên hệ mật thiết với quần chúng trong điều kiện lịch sử mới hiện nay cũng có yêu cầu và nội dung mới.

         Thực tiễn công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa là sự nghiệp vĩ đại, mới mẽ, lực lượng chủ yếu là hàng triệu quần chúng đang tham gia trực tiếp trong sự nghiệp to lớn, lâu dài gian khổ, vinh quang này. Điều đó yêu cầu tác phong làm việc và tư tưởng của cán bộ lãnh đạo các cấp, và đồng thời đường lối quần chúng cần phải có nhận thức mới phù hợp tình hình.

         Về tác phong và phương pháp làm việc, phải biết học tập quần chúng, tập trung trí tuệ của quần chúng để vạch đường lối, phương châm, chính sách đúng đắn, phải chú ý phát huy vai trò của MTTQ, công đoàn, thanh niên, phụ nữ, hội cựu chiến binh và các tổ chức đoàn thể khác, phải giáo dục, tạo điều kiện để nhân dân nắm vững, sử dụng tốt quyền hạn của mình. Kế thừa và phát huy tác phong và truyền thống tốt đẹp liên hệ mật thiết với quần chúng, phải xem xét khả năng chấp nhận của quần chúng, kết hợp giữa lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cục, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm xuất phát điểm

         Thứ ba, rèn luyện tác phong tự phê bình và phê bình

         Tác phong phê bình và tự phê bình là một trong những tác phong truyền thống tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng là vũ khí sắc bén bảo đảm sự trong sạch của cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở cán bộ “ Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước hết phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”. Theo Bác Hồ, phê bình là nêu lên những khuyết điểm của đồng chí khác của tổ chức đảng nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm. Tự phê bình là bản thân tự mình soi rọi mình, tự nghiêm khắc, thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau là phương pháp giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Vì vậy, tự phê bình và phê bình góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo của mọi cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng nghị quyết và lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng bộ, chi bộ và nhiệm vụ của cơ quan, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

         Thứ tư, rèn luyện tác phong làm việc dân chủ.

          Tác phong làm việc dân chủ là đặc trưng cơ bản của phong cách lãnh đạo cấp cơ sở nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải phấn đấu rèn luyện. Phong cách dân chủ không phải là cái có sẵn, không phải là bẩm sinh. Phong cách dân chủ là nét đặc sắc, đặc trưng riêng và là sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Nét đặc sắc đó, sự sáng tạo đó, chỉ có được thông qua quá trình học tập và rèn luyện thực sự nghiêm túc và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Theo đó, người cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ có phong cách lãnh đạo, quản lý dân chủ, trên cơ sở thái độ cầu thị, trách nhiệm cao đối với bản thân, với Đảng với nhân dân; trên cơ sở sự chuyển hóa từ nhận thức đến hành động, thấm sâu giữa lời nói với việc làm, sự thống nhất giữa cách nghĩ, cách làm và cách sống. Khi rèn luyện tác phong làm việc dân chủ, đòi hỏi phải tham gia nhiệt tình và có những đóng góp sáng tạo trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, phải chống “buông lỏng” quản lý; chống a dua theo quần chúng, quá dựa vào quần chúng, thiếu trách nhiệm trong quản lý. Đặc biệt, trong quá trình lãnh đạo cần tránh dân chủ hình thức hay tổ chức hội nghị theo kiểu “độc diễn” để triệt tiêu dân chủ.  

         Thứ năm, rèn luyện tác phong đi sâu, đi sát, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng.

         Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên cán bộ lãnh đạo: Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Cán bộ phải đến tận nơi, xem tận chỗ và phải dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát, kiểm tra, nhằm khắc phục, sửa chữa cái sai, phát huy cái đúng, cái tốt. Sự sâu sát của cán bộ lãnh đạo sẽ nâng cao tính khách quan, minh bạch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tốt hơn việc thực thi quyền lực và việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Học tập ở Bác tính sâu sát, cán bộ phải từ bỏ quan liêu, hách dịch. Phải dành thời gian xuống địa phương, cơ sở xem xét tình hình, kiểm tra công việc, thăm nhân dân, công nhân, viên chức, bộ đội để tìm hiểu, lắng nghe dân, tập trung tháo gỡ tồn tại, bức xúc, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế. Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng gần dân, sát dân và cán bộ có yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu, mới kính cán bộ.  Chính vì thế tác phong đi sâu, đi sát, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng vừa là nguyên tắc ứng xử vừa là phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Để xây dựng, rèn luyện tác phong đi sâu, đi sát quần chúng, người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở phải thật sự gắn bó với quần chúng nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, cũng như những khó khăn để kịp thời giải quyết hợp lòng dân. Đồng thời, người cán bộ phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, nghiêm túc và thẳng thắn tiếp thu góp ý của nhân dân để khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

         Lãnh đạo là một hoạt động quan trọng của xã hội loài người. Tác phong lãnh đạo là tư tưởng của người lãnh đạo khi thực hiện hoạt động lãnh đạo, tác phong sống và làm việc. Tác phong là sự thể hiện ra bên ngoài của phong cách, tạo thành lề lối làm việc, thói quen ứng xử, nền nếp sinh hoạt. Tác phong làm việc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức, đến lợi ích của quần chúng và đến uy tín của bản thân người lãnh đạo, quản lý. Vì vậy yêu cầu về rèn luyện tác phong đối với người cán bộ lãnh đạo ở cơ sở sẽ góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh./.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 58
  • Trong tuần: 5 071
  • Tất cả: 589759
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này