SẢN XUẤT SẠCH TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG BỀN VỮNG TẠI HUYỆN TIỂU CẦN TỈNH TRÀ VINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

ThS. Lâm Thị Thanh Nga
                                                                                   Khoa Xây Dựng Đảng  

         Sản xuất phát triển, đời sống vật chất được nâng lên, con người lại càng quan tâm tới vấn đề an toàn, chất lượng môi trường sống mà nông nghiệp là một trong những lĩnh vực tạo ra sản phẩm trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Sản xuất sạch ngày nay đã trở thành xu thế của ngành nông nghiệp trên toàn thế giới.

         Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Sản xuất nông nghiệp sạch được sử dụng để đối lập với mô hình sản xuất truyền thống với lối canh tác tự phát, lạm dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp, từ đó làm xói mòn các nguồn đất, nguồn nước, gây mất cân bằng sinh thái tự nhiên, tạo ra những sản phẩm không an toàn cho chính người sản xuất và người tiêu dùng,…mặt khác trong giai đoạn hiện nay đất nước ta đang chuyển đổi dần mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thì sản xuất sạch hơn là giải pháp để nông nghiệp có thể phát triển một cách bền vững. Góp phần sử dụng hiệu quả nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị của hàng hóa nông sản, cải thiện thu nhập cho nông dân từng bước nâng cao đời sống người dân.

         Quá trình tái cơ cấu tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở nước ta hiện nay gắn liền với công cuộc xây dựng nông thôn mới với nội dung tập trung lại sản xuất đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết sản xuất, chế biến bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay nếu không áp dụng sản xuất sạch hơn, nông sản của Việt Nam không thể xuất khẩu và đứng vững ở các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,…khi không đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng, cũng như nguồn gốc xuất xứ,…

         Bởi những lợi ích đem lại, bất cứ địa phương nào muốn phát triển nông nghiệp cũng cần quan tâm theo hướng làm nông nghiệp sạch hơn, nông nghiệp công nghệ cao và huyện Tiểu Cần tỉnh Trà Vinh cũng không phải ngoại lệ

         Huyện Tiểu Cần nằm về phía Tây của tỉnh Trà Vinh, (Phía Đông giáp huyện Châu Thành,Phía Tây giáp huyện Cầu Kè, Phía Nam giáp huyện Trà Cú và sông Hậu, Phía Bắc giáp huyện Càng Long) là huyện sản xuất chủ yếu là nông nghiệp với tổng diện tích đất nông nghiệp với hơn 19.000ha đất nông nghiệp, trong số 22.723ha đất tự nhiên; do đó, giá trị ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Tiểu Cần nhiều năm qua luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của huyện.

         UBND huyện Tiểu Cần đã chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực và đạt được nhiều thành tựu nổi bật: 

         Đối với các ngành hàng có lợi thế, khả năng cạnh tranh và thị trường, huyện đã thực hiện tạo ra những vùng chuyên canh, nâng cao giá trị gia tăng của các ngành hàng: Về lúa gạo, huyện Tiểu Cần luôn quan tâm đầu tư thực hiện nhiều dự án thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất, dân sinh. Cụ thể như từ năm 2015 đến nay huyện đã đầu tư nạo vét được 116 tuyến kênh cấp II, với tổng chiều dài 173.440 mét; 573 tuyến kênh cấp III, với chiều dài 418.346 mét; lắp đặt 05 cống đầu mối, 15 cống hở; 02 trạm bơm; 375 cống bọng nội đồng để điều tiết nguồn nước, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, huyện còn được đầu tư xây dựng 03 trạm quan trắc nước sông ở Cống Cần Chông, Cầu Tiểu Cần và khu vực kênh Bê tông nổi ấp Cầu Tre để theo dõi độ mặn, độ PH; đồng thời xây dựng 02 trạm bơm trên địa bàn xã Phú Cần và Tân Hùng với công suất 300m3/giờ, đáp ứng nhu cầu sản xuất của Nhân dân. Ngoài ra, huyện có một hệ thống kênh Bê tông máng nổi với một nhánh kênh chính, dài 1,65km và 18 hệ thống kênh nhánh, dài 6,8km phục vụ cho mô hình cánh đồng lớn trên 110ha của xã Phú Cần. Đặc biệt, hệ thống Cống trên sông Cần Chông với 08 cửa, rộng gần 100 mét có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt điều tiết nước, phục vụ sản xuất trên 19.000ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.


Trồng hoa ở ruộng lúa kênh pê tông hóa dẫn nước tưới xã Phú Cần huyện Tiểu Cần

         Ngành chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, gà đạt tỷ lệ sống khoảng 90%, trọng lượng trung bình 1,7 - 2 kg/con sau 04 tháng nuôi, đệm lót sinh học hoạt động tốt giúp hạn chế được sự phát triển của vi sinh vật có hại đặc biệt là bệnh cầu trùng nên gà không mắc bệnh, tăng trọng nhanh. Ngoài ra, khi sử dụng đệm lót không có mùi hôi, đỡ công dọn chuồng, không gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người nuôi nên có thể nuôi gà với số lượng lớn. Mô hình ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi bò. Chương trình cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp GTNT để nâng cao tầm vóc đàn bò của tỉnh nhà, đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng cao và tăng thêm thu nhập cho nông dân, giúp đàn bê sinh ra có trọng lượng lớn và tỉ lệ thịt xẻ tăng cao so với các giống bò ta như: Trọng lượng bê sơ sinh đạt 23 - 25 kg/con cao hơn bê nuôi tại địa phương 5 - 7 kg/con, tỷ lệ bê nuôi sống đến 6 tháng tuổi đạt 98%, bò 1 năm tuổi có trọng lượng từ 160 - 180 kg/con giá bán 18 - 25 triệu đồng/con, cao hơn bò địa phương 70 - 80 kg/con,..…

         Trong năm 2019, UBND huyện Tiểu Cần hướng dẫn các xã thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 09/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015-2020; nghị quyết số 37/NQ-HĐND về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến bền vững đến năm 2024 trên địa bàn huyện bao gồm: chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuối tây Thái Lan kết hợp với lúa cá tại xã tập Ngãi, nuôi lợn rừng lai, nuôi lợn bản địa tại Phú Cần, nuôi bò thịt ở xã Hiếu Tử

         Với việc áp dụng những quy định trong sản xuất sạch hơn và xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả đã tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nông sản có giá trị gia tăng cao đem lại thu nhập ổn định, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn.

         Tuy nhiên việc sản xuất sạch hơn tại huyện còn tồn tại một số hạn chế nhất định đó là: các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, kém hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm thấp chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa,…

         Để đẩy nhanh quá trình sản xuất hàng hóa phát triển bền vững ngành nông nghiệp của huyện Tiểu Cần, tôi xin kiến nghị những giải pháp cơ bản sau:

         Một là, tiếp tục tuyên truyền thường xuyên giúp người dân nâng cao nhận thức về những lợi ích của việc sản xuất sạch hơn, an toàn, ý thức, trách nhiệm của mình vì lợi ích chung của tập thể, của địa phương. Đồng thời chú trọng chú trọng đến công tác đào tạo chất lượng lao động nông nghiệp.Nông nghiệp thời hội nhập cần phải có những người nông dân mới, do đó nhất thiết phải đầu tư phát triển nhân lực trong nông nghiệp để nông dân huyện thực sự là những người lao động nông nghiệp chuyên nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo tư duy công nghiệp, làm kinh doanh nông nghiệp và làm nông nghiệp là một nghề bình đẳng và cao quý như tất cả các nghề khác. Lãnh đạo huyện cần có kế hoạch và chương trình hành động thiết thực để đổi mới về chất lượng lao động nông thôn, nhất là trong trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng.

           Hai là, UBND huyện phối hợp với các hợp tác xã (HTX) không chỉ tổ chức và hướng dẫn người dân thực hành lối canh tác nông nghiệp sạch hơn mà hướng dẫn người dân tới nền nông nghiệp hữu cơ, tiếp cận với những phương pháp canh tác hiện đại.Trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay để những nông sản có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước, xa hơn là vươn tới thị trường quốc tế thì trước hết, không chỉ Tiểu Cần mà bất kỳ địa phương nào khác cần định hướng sản xuất nông nghiệp tiệm cận dần với tiêu chuẩn VietGAP và xa hơn là AseanGAP, GlobalGAP,…

         Ba là, thực hiện liên kết chặt chẽ 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước,nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà “băng” và nhà phân phối. Phát huy vai trò nòng cốt của các hợp tác xã điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, dần hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa bền vững từ đầu vào đến đầu ra.

         Bốn là, chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu nông sản, nhận diện thương hiệu của địa phương như: Bưởi da xanh xã Hùng Hòa, mít thái Long Thới, quýt đường, thanh long ruột đỏ…góp phần nâng cao uy tín và giá trị gia tăng của sản phẩm.

         Năm là, huyện ủy, UBND huyện cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp địa phương, chỉ đạo đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất, dần xóa bỏ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo điều kiện phát triển những vùng sản xuất chuyên canh lớn có giá trị gia tăng cao. Xây dựng thêm những mô hình sản xuất hiệu quả và nhân rộng điển hình này.

         Sáu là, Nâng cao năng lực ứng phó và quản lý rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, dịch bệnh và tăng cường quản lý môi trường. Tăng cường đầu tư công vào các công trình phòng, chống thiên tai, giảm tác động bất lợi về môi trường, dự báo, giám sát và phòng ngừa dịch bệnh; tăng cường quản lý chất thải nông nghiệp, áp dụng các biện pháp giảm khí thải nhà kính. Cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm và gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn nông nghiệp. Thay đổi phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp với các vùng đất chịu tác động của biến đổi về khí hậu. Xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) để có thể giải quyết được những thách thức mới nảy sinh của quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và sự bùng phát của các loại dịch bệnh cũ và mới. Cần đặc biệt quan tâm tới quản lý môi trường thông qua kiểm soát chặt chẽ các chỉ số môi trường.

         Tóm lại, Ngành nông nghiệp huyện Tiểu Cần cũng như các địa phương khác đang chuyển mình trong giai đoạn đất nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường thế giới. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn là xu thế lựa chọn của người tiêu dùng. Huyện Tiểu Cần đang có những bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế. Sẽ còn nhiều những khó khăn để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân, tin rằng huyện Tiểu Cần sẽ thực hiện thành công mọi nhiệm vụ đề ra, phấn đấu đến năm 2022 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao./. 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 5 022
  • Tất cả: 589710
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này