LỄ SEN DOLTA CỦA CỘNG ĐỒNG KHMER Ở TRÀ VINH

ThS.Lâm Thị Thanh Nga       
          Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng 

         1. Nguồn gốc của Lễ Sen Dolta của người Khmer

         Nguồn gốc ra đời của lễ Sen Dolta liên quan đến nghề nông nghiệp lúa nước. Vào thời điểm cuối tháng 8 âm lịch, mùa cấy đã sắp xong và mùa nước lũ lại về. Sau mùa mưa rảnh rỗi, con cháu thường hay chống xuồng chèo ghe tìm đến để thăm hỏi ông bà cha mẹ già yếu, cộng thêm giữa mùa thiếu hụt và mùa mưa lũ lụt, có người phải chống xuồng chèo ghe đi xa mới tới được nơi ở của ông bà cha mẹ, nên phải mang theo cơm khô, gạo, trái cây, thực phẩm... để vừa dâng biếu cho ông bà cha mẹ vừa để cho mình ăn dọc đường đi. Có người thì tìm gặp được ông bà cha mẹ, người thì không gặp vì qua mùa nước lũ lụt, tuổi già sức yếu, đã qua đời mà con cháu lo làm ăn, nên không hay biết... Dần dần những người cùng đi hẹn gặp nhau ở một chỗ nào đó để làm lễ nhớ ơn, hoặc cùng chia buồn với bạn bè là người tìm không gặp ông bà cha mẹ... Sau khi có chùa chiền Phật giáo, họ hẹn nhau tụ hội về chùa.

         Sen Dolta còn có một truyền thuyết khác bắt nguồn từ kinh điển Phật giáo. Truyền thuyết kể rằng, một hôm, vào lúc đêm khuya, tại hoàng cung của Vua Ping-pis-sara, bỗng vang dội tiếng gào thét, khóc lóc thảm thiết, kèm theo là tiếng van xin: Hãy cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi uống, vì chúng tôi đang đói lắm! Nhà vua bèn truyền lệnh triệu tập các nhà tiên tri đến hỏi. Họ cho rằng: “Đây là các ma quỷ chết oan, chết ức, không cha mẹ, không nhà cửa anh em, nay họ đến xin ăn uống. Nếu Hoàng thượng không lo cúng tế, e sợ có chuyện bắt 100 người nam, 100 người nữ và 100 con vật để làm lễ cúng tế”. Nghe tin đó, Hoàng hậu khuyên nhà vua tìm đến chùa thỉnh ý Phật Thích Ca. Đức Phật bảo nhà vua nên cúng dường, dâng cơm, cúng vật, đồ ăn cho các tu sĩ, nhờ ân đức và lời kinh của các vị này chuyển phước đến bọn quỷ đó, thì bọn quỷ đó mới hưởng được.

         Nhà vua vâng lời Đức Phật, bọn quỷ được ăn uống no nê, nên đêm thứ nhất không nghe tiếng rên khóc. Qua đêm thứ hai nhà vua lại nghe tiếng rên khóc. Nhà vua bạch với Đức Phật. Đức Phật dạy: “Ma quỷ rên la tiếp là vì chỉ ăn uống đầy đủ mà chưa có đồ mặc nên lại rên la vì bị rét lạnh”. Nhà vua nghe xong, về cho người chuẩn bị y áo cùng vật thực làm lễ dâng cúng đến chư tăng và nhờ chư tăng hồi hướng tiếp. Nhà vua không còn nghe tiếng rên than của ma quỷ nữa.

         Về sau, mỗi năm cứ đến mùa, nhà vua lại cho thỉnh mời chư tăng đến để làm lễ hồi hướng cho ma quỷ và người đã quá cố. Từ sự tích trong kinh điển Phật giáo, nên người Khmer tổ chức Lễ Sen Dolta hằng năm thành phong tục, gắn với nghi thức tôn giáo nhằm nhờ sư sãi tụng kinh cầu phước cho ông bà, cha mẹ quá cố được mau chóng đầu thai kiếp khác sung sướng hơn([1]).

         Lễ Sen Dolta của người Khmer ở Trà Vinh được tổ chức trong khoảng từ 16/8 đến mùng 2/9 âm lịch hàng năm, gồm ba giai đoạn: Canh bân, Sen Dolta (cúng đón tiếp) và Chun Dolta (cúng tiễn đưa). Trong đó lễ cúng ông bà (Sen Dolta và Chun Dolta) có thể xem là lễ quan trọng nhất. Bởi đây là lễ được tổ chức ở hầu hết các gia đình người Khmer. Đây cũng là ngày cúng tất cả ông bà, tổ tiên, những người đã mất duy nhất trong năm của người Khmer ở Trà Vinh.

         2. Lễ cúng ông bà (Sen Dolta, Chun Dolta) nét văn hóa của người Khmer

         Vào ngày cuối cùng của giai đoạn Canh bân, mỗi gia đình người Khmer thường tổ chức cúng cơm cho ông bà, cha mẹ, những người đã khuất ở từng gia đình. Để chuẩn bị lễ này, đồng bào thường quét dọn nhà cửa sạch sẽ, trang trí bàn thờ Phật ngăn nắp, trang trọng, đồng thời trên bàn thờ đều có các loại bánh, trái cây và các loại hoa tươi được trang trí đẹp mắt.

         Có gia đình vào ngày cúng làm một mâm cơm và mời sư sãi đến nhà tụng kinh cầu siêu cho người quá cố. Có gia đình chỉ cúng cơm không mời sư sãi. Theo quan niệm của người Khmer, nếu trong lễ cúng ông bà có mời các vị sư đến nhà tụng kinh, thì lễ vật chắc chắn được hồi hướng đến linh hồn của ông bà, tổ tiên; nếu không mời các vị sư về nhà tụng kinh, thì lễ vật không chắc chắn được đưa đến linh hồn ông bà, tổ tiên, thậm chí ông bà, tổ tiên có thể chỉ ngửi được mùi thức ăn.

         Người Khmer đặt mâm cơm cúng ở giữa gian nhà, trên bộ ván ngựa, hoặc trên bàn (chỗ nghiêm trang nhất trong nhà). Mâm cơm cúng tại nhà thường gồm nhiều món ngon, bánh trái (nhất là bánh tét gần như nhà nào cũng có), 2 ly trà, 2 ly rượu, ly nước lạnh, 4 chén cơm, 4 đôi đũa, 4 cây muỗng nhằm cúng cho 4 tộc của bản thân người cúng. Tộc thứ nhất gồm những người ngang hàng với người cúng. Tộc thứ hai gồm cha mẹ, chú bác, cô, dì. Tộc thứ ba gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Tộc thứ tư gồm ông cốc, bà cốc. Có người giải thích 4 chén cơm, 4 đôi đũa, 4 cây muỗng là nhằm cúng ông bà tổ tiên nhà nội và ông bà tổ tiên nhà ngoại. Điều này khác với người Khmer ở Kiên Giang dùng 7 chén cơm, 7 đôi đũa([2]). Tất cả lễ vật được bày biện, sắp xếp một cách trang trọng. Khi thắp nhang cầu nguyện, người Khmer thường cắm nhang vào từng chén cơm, hoặc thức ăn trong mâm cúng. Họ cho rằng cắm nhang trực tiếp vào lễ vật là khẳng định lễ vật được gửi đến với linh hồn ông bà tổ tiên.

         Người thực hiện nghi lễ cúng có thể là cha mẹ, anh cả hoặc chị cả. Sau khi người chủ lễ thắp nhang cầu cúng, những người trong gia đình lần lượt thắp nhang khấn nguyện. Người Khmer khấn ba lần, mỗi lần đều có rót trà và rượu để khẳng định. Sau ba lần khấn, sắp tàn nhang, người chủ lễ mang chân nhang ra ngoài sân cắm, vừa mang trà và rượu đem rót xuống, vừa khấn mời ông bà, cha mẹ, những người khuất mặt đến nhận lễ vật và kết thúc nghi lễ. Đồng bào quan niệm phải làm như vậy thì người chết mới nhận được lễ vật. “Hương khói bay lên trời, nước với lửa thấm xuống đất là sự hòa quyện giữa lửa với nước (âm - dương) và trời - đất - nước (tam tài) mang tính triết lí sâu sắc”([3]). Khi cúng, người Khmer mời hết ông bà, cha mẹ, hoặc người quá cố, người khuất mặt không quen biết cũng được mời đến dự chung mâm cơm. Theo cách nghĩ của người Khmer, nếu không mời thì sợ rằng, những vong hồn đơn độc, không có người thân cúng kiến sẽ không dám đến dự chung. Vì vậy, tên gọi của lễ là lễ cúng ông bà, là ông bà chung, không phân biệt ông bà của ai.

         Trong Lễ Sen Dolta, người Khmer cúng ông bà, cha mẹ, người đã khuất vào hai ngày: ngày cuối cùng kết thúc giai đoạn Canh bân (thường vào ngày 29/8 âm lịch) để mời ông bà về nhà đoàn tụ cùng con cháu, gọi là Sen Dolta, còn gọi là ngày cúng đón tiếp và ngày kết thúc lễ, tiễn đưa linh hồn ông bà, còn gọi là Chun Dolta (thường vào ngày mùng 2/9 âm lịch). Sự bài trí mâm cơm cúng ở hai ngày giống nhau, nhưng cách thức kết thúc nghi thức cúng cơm ở hai ngày khác nhau. Trong ngày cúng đón tiếp, sau khi khấn đủ ba lần, họ lấy chén, gắp thức ăn mỗi thứ một ít, đổ trà và rượu vào, rồi đem ra sân đổ cạnh hàng rào, cắm một cây nhang nhằm để cúng các ma quỷ đã đưa ông bà họ về nhà, ở lại vui chơi trong ba ngày lễ. Trong ngày cúng tiễn ông bà, sau khi khấn đủ ba lần xong, họ cũng bới cơm, gắp đồ ăn để vào chén và đổ vào thuyền hoặc tàu buồm mà họ làm bằng bẹ chuối, mo cau để ông bà đem theo ăn dọc đường cho đến khi về nơi cũ. Trên thuyền, họ treo cờ phướng hình tam giác, khắc hình cá sấu, tắc kè ở đầu và đuôi cũng làm từ bẹ chuối để tránh tai nạn dọc đường. Họ còn để thêm các gói đậu, lúa, muối, mè, bánh trái để ông bà và ma quỷ ăn được lâu. Khấn xong, họ đem thuyền này thả trên sông hoặc mương rạch gần nhà. Ở những nơi không có sông nước thì họ đem để ở góc đường nào đó, gọi là tiễn đưa ông bà. 

         Kết luận, Người Khmer cùng với các tộc người khác có công trong việc khai khẩn đất hoang, rừng rậm, đào kênh thoát nước, vượt qua những thử thách khắc nghiệt, để chinh phục thiên nhiên, ổn định xã hội, phát triển kinh tế và góp phần hình thành nên những nét văn hóa đặc thù ở Nam Bộ. Văn hoá Khmer có nhiều điểm tương đồng văn hóa với các tộc người Kinh, Hoa và Chăm trong vùng.

         Lễ cúng ôg bà là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer ở Trà Vinh. Các lễ cúng của người Khmer ở Trà Vinh có sự chi phối bởi Phật giáo Nam tông. Lễ cúng mang tính truyền thống là nguồn cảm hứng, là động lực giúp người Khmer sinh sống và làm việc hiệu quả hơn; cũng là niềm mơ ước và khao khát một cuộc sống hạnh phúc, một tương lai tốt đẹp của đồng bào.

         Ngày nay, lễ cúng truyền thống của người Khmer ở Trà Vinh vẫn giữ được nét đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một tài sản văn hóa quý giá của người Khmer. Hằng năm, chính quyền kết hợp với nhà chùa và người dân tổ chức nhiều lễ hội truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trong vùng; bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của người Khmer Trà Vinh.

         Việc giữ gìn những yếu tố văn hóa truyền thống được người Khmer duy trì. Đồng bào thật sự xem đó là ngày vui, ngày hội của dân tộc và tham gia vào lễ hội với tinh thần tự nguyện. Người Khmer ngày nay tiếp tục lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa lễ hội, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa mới, góp phần tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam./.



[1] Sơn Phước Hoan chủ biên (2002), Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 31-33.

[2] Theo Đoàn Thanh Nô, 7 chén cơm, 7 đôi đũa trong mâm nhằm cúng phục vụ cho 7 tộc của bản thân người cúng. Tộc thứ nhất gồm những người ngang hàng với người cúng. Tộc thứ hai gồm cha mẹ, chú bác, cô, dì. Tộc thứ ba gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Tộc thứ tư gồm ông cốc, bà cốc… Tộc thứ năm gồm con và những người ngang hàng với con. Tộc thứ sáu gồm cháu và những người ngang hàng với cháu. Tộc thứ bảy là chắt và những người ngang hàng với chắt [Đoàn Thanh Nô, 2002: 41].

[3] Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 138.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 5 022
  • Tất cả: 589710
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này