Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân
         Xã hội vận động và phát triển, tuy phải thông qua hoạt động có mục đích của con người, vẫn theo những quy luật khách quan tồn tại ngoài ý muốn chủ quan của họ. Nhưng con người có thể nhận thức và vận dụng những quy luật ấy để phục vụ lợi ích của mình và nhận thức đẩy một cách tích cực sự phát triển của lịch sử.

Sự nhận thức ấy không thể giống nhau ở mọi người về chiều rộng, chiều sâu, vấn đề cấp bách mà lịch sử đang đặt ra trong những thời kỳ có tính chất bước ngoặt. Những vĩ nhân chính là người đã nắm bắt được nhịp đập đó của lịch sử, giải quyết đúng và kịp thời những vấn đề đặt ra, thúc đẩy lịch sử thoát ra khỏi bế tắc, tiến lên với một hướng đi mới.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người tạo ra bước đi lịch sử của đất nước. Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta những di sản tư tưởng to lớn. Tư tưởng của Người là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Trong di sản tư tưởng của Người, chúng ta thấy có cả một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến quan điểm về giai cấp công nhân (GCCN). Quan điểm về GCCNViệt Nam được Người nhận thức đúng đắn, khoa học, là giai cấp có sứ mệnh lịch sử đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Những quan điểm của Người về GCCN là cơ sở khoa học cho những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng ta về xây dựng và phát triển GCCN trong bối cảnh mới. Chính vì vậy, việc tìm hiểu, thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh về GCCN là một yêu cầu khách quan, để qua đó có thể tìm ra phương hướng và giải pháp đúng đắn xây dựng đội ngũ công nhân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

         Các quan điểm của Hồ Chí Minh về GCCN được thể hiện trong một số nội dung cụ thể như sau:

         Thứ nhất, quan niệm về GCCN. Mác – Ăngghen trên cơ sở nghiên cứu thực trạng xã hội tư bản phát triển những năm đầu thế kỷ XVIII đã đưa ra quan niệm khoa học chung nhất về một giai cấp mới xuất hiện trong xã hội lúc đó - GCCN, gồm những người lao động không có tư liệu sản xuất, họ không có con đường nào khác để kiếm sống ngoài việc tự do bán sức lao động cho giai cấp tư sản và theo đó phải chịu áp bức, bóc lột giá trị thặng dư để làm giàu cho giai cấp tư sản; Họ là lực lượng lao động trực tiếp vận hành các công cụ sản xuất trong nền công nghiệp hiện đại - đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến. Họ là giai cấp cách mạng nhất, có tinh thần quốc tế vô sản, đoàn kết với nhau trong quá trình đấu tranh chống lại kẻ thù giai cấp chung là giai cấp tư sản.

         Cùng với tìm ra con đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo lý luận về GCCN và sứ mệnh lịch sử của nó từ chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến.Theo Người, tất cả những người không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động mà sống là công nhân mà chủ chốt của giai cấp ấy là những công nhân ở các xí nghiệp như: nhà máy, hầm mỏ, xe lửa… Nhưng chỉ công nhân công nghệ là hoàn toàn đại biểu cho cái đặc tính của giai cấp công nhân.

         Bên cạnh việc chỉ ra GCCN gồm những ai, Hồ Chí Minh còn chỉ ra đặc tính cách mạng của GCCN là: “kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật, (...) là giai cấp tiên tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới”.

         Như vậy, mặc dù chưa đưa ra được một khái niệm hoàn chỉnh về GCCN Việt Nam, nhưng những quan niệm trên của Hồ Chí Minh về cơ bản là phù hợp với lý luận về GCCN của chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng thời phản ánh thực tiễn GCCN nước ta trong thời đại cách mạng vô sản.

         Thứ hai, GCCN là giai cấp tiên phong, lãnh đạo cách mạng. Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm thấy ở đó con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp - con đường cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc cũng là người Việt Nam đầu tiên thấy rõ bản chất tàn bạo của bọn chủ tư bản đối với những người công nhân, khiến “tình cảnh của họ quá ư khốn khổ, khốn khổ đến mức mà ở châu Âu người ta không thể tưởng tượng được”. Người khẳng định: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”. Người đã sớm trao vũ khí sắc bén nhất của thời đại - chủ nghĩa Mác - Lênin - cho GCCN để họ đảm đương được sứ mệnh là giai cấp duy nhất đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng.

         Không chỉ là giai cấp lãnh đạo Đảng trong đấu tranh giành lấy chính quyền, theo Hồ Chí Minh, GCCN còn là giai cấp tiên phong trên mặt trận kinh tế để xây dựng đất nước.

         Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, với tư cách là người chủ đất nước, là giai cấp lãnh đạo, trước hếtGCCN phải đi đầu trong trong trào thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng CNXH, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và góp phần đắc lực vào cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Ngày 15 tháng 9 năm 1958, trong buổi gặp gỡ thân mật với cán bộ, công nhân nhà máy Tĩnh Túc (Cao Bằng) Bác Hồ đã đặt câu hỏi: “Là giai cấp công nhân, là giai cấp lãnh đạo thì phải làm gì?” Trả lời câu hỏi đó, Người nhấn mạnh: “Lãnh đạo phải đi trước, phải gương mẫu sản xuất và tiết kiệm mới là lãnh đạo”, “là công nhân làm chủ xí nghiệp, muốn làm chủ phải làm thế nào? Làm chủ là phải cố gắng làm việc chứ không phải làm chủ chỉ ăn no, ngủ say”.

          Như vậy, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, GCCN là giai cấp đi đầu, giai cấp lãnh đạo, và trong thời kỳ xây dựng đất nước theo con đường đi lên CNXH, nhiệm vụ hàng đầu của GCCN là phải tiên phong trên mặt trận kinh tế, phải thể hiện vai trò, sứ mệnh của mình bằng sức mạnh kinh tế, bằng hoạt động kinh tế có hiệu quả chứ không phải bằng chính trị suông, bằng cái phẩm chất chính trị chung chung, siêu hình.

        Thứ ba, GCCN là nền tảng của liên minh các giai cấp, tầng lớp trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với nhận thức: xây dựng CNXH là sự nghiệp của quần chúng, trong đó giai cấp công nhân là lược lượng chủ chốt, Hồ Chí Minh chỉ rõ: giai cấp công nhân phải tập hợp, tổ chức, hướng dẫn các lực lượng xã hội khác cùng tham gia xây dựng chế độ xã hội mới.

        Từ năm 1954, Tổ quốc ta tạm thời bị chia cắt hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau: miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào xây dựng CNXH, miền Nam vẫn tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Để hoàn thành cuộc cách mạng vẻ vang nhưng nặng nề đó, Đảng phải huy động sức mạnh to lớn của cả dân tộc,để làm được điều đó, Hồ Chí Minh cho rằng: “Thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự đảm bảo chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

         Trước khi giành được chính quyền, liên minh giữa công nhân và nông dân chủ yếu là liên minh về chính trị - quân sự. Một khi hoàn cảnh lịch sử và nhiệm vụ của cách mạng đã thay đổi, bước vào thời kỳ xây dựng XHCN, sự liên minh về kinh tế giữa hai giai cấp nổi lên hàng đầu. Muốn củng cố được mối liên hệ mật thiết với người bạn đồng minh chiến lược đông đảo, lôi cuốn họ đi vào quỹ đạo XHCN, GCCN trước hết phải sử dụng các biện pháp kinh tế tích cực, hiệu quả. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh những nội dung mới trong quan hệ liên minh giữa hai giai cấp. Người cho rằng: công nhân phải hiểu giúp đỡ nông dân tiến bộ là một nhiệm vụ cách mạng của giai cấp công nhân.

         Đối với các lực lượng xã hội khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ dẫn GCCN phải có thái độ đúng đắn về đoàn kết, tập hợp, động viên họ góp công, góp của xây dựng đất nước. Người nói: “Giai cấp công nhân đoàn kết với những người thủ công và những người buôn bán nhỏ vì họ là người lao động và họ vui lòng đi vào con đường hợp tác hoá, họ tán thành và ủng hộ cách mạng xã hội chủ nghĩa”.

         Rõ ràng, quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của GCCN trong sự nghiệp cách mạng thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến lên CNXH là một quan điểm nhất quán về các mặt: vai trò tiên phong lãnh đạo của GCCN, liên minh công - nông và các tầng lớp nhân dân lao động khác là cơ sở của Mặt trận Dân tộc thống nhất, đó chính là cái nhìn chính xác, phản ánh bản chất cách mạng và năng lực lãnh đạo của GCCN Việt Nam.

         Những quan điểm của Hồ Chí Minh về GCCN cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn là cơ sở phương pháp luận để chúng ta nghiên cứu GCCN hiện đại, đặc biệt là để làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của GCCN trong thời đại ngày nay. Từ những quan điểm về GCCN trên, Đảng ta đã đưa ra quan điểm về xây dựng GCCN phù hợp với điều kiện ở nước ta.Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên xác định 6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, đồng thời xác định 7 phương hướng cần thực hiện trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, có phương hướng “phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trung tâm…”. Để thực hiện được phương hướng đó, Đảng ta xác định: “Phát triển giai cấp công nhân về số lượng và chất lượng để xứng đáng là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội... Đặc biệt coi trọng việc xây dựng một đội ngũ công nhân lành nghề, những nhà kinh doanh có tài, những nhà quản lý giỏi và các nhà khoa học, kỹ thuật có trình độ cao”.

         Sau đó Nghị quyết hội nghị lần thứ sáu BCH TƯ khóa X, nghị quyết của Đảngđã tiếp tục chỉ rõ: “Kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.”.

          Và gần đây nhất, tại Đại hội đại biều toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đảng ta xác định: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện việc làm, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân…”

          Tóm lại, những quan điểm trên thể hiện sự kiên định của Đảng ta với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về GCCN và vai trò của GCCN. Trong giai đoạn hiện nay, GCCN vẫn là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giai cấp giữ vai trò nòng cốt trong liên minh công - nông - trí thức và là động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam.

 

                                                                                          Nguyễn Thanh Mộng
                                                                                Khoa: Lý luận Mác-Lênin, TT HCM

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 18
  • Trong tuần: 5 031
  • Tất cả: 589719
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này