Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Trà Vinh theo quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ

ThS. Nguyễn Thanh Mộng  
Khoa Nhà Nước và Pháp Luật

         Trà Vinh thuộc vùng nhiệt đới có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 26 - 27C, độ ẩm trung bình 83 - 85%/năm, lượng mưa trung bình 1.500 mm, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ và rất thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Diện tích đất: toàn tỉnh có 234.115 ha. Trong đó, đất nông nghiệp: 185.868 ha, đất lâm nghiệp: 6.745 ha, đất chuyên dùng: 12.880 ha, đất ở nông thôn: 3.845 ha, đất ở thành thị: 566 ha, đất chưa sử dụng: 900 ha, trong đó có đất cát giồng chiếm 6,62%.

         Với những đặc điểm nêu trên có thể nhận thấy Trà Vinh là tỉnh nông nghiệp với dân số hiện nay khoảng 1 triệu người đa phần sống ở nông thôn và lao động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Trình độ lao động ở khu vực nông thôn còn hạn chế. Lao động chủ yếu dựa vào yếu tố kinh nghiệm được đút kết thông qua hoạt động thực tiễn hoặc được truyền đạt kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước do đó năng suất, chất lượng hàng hóa không cao. Nhận thức được thực tế nêu trên tỉnh Trà Vinh thời gian qua đã đưa ra nhiều biện pháp và chính sách khuyến khích lao động nông thôn học nghề đặc biệt là Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956).

         Trong những năm qua, tỉnh ban hành nhiều kế hoạch tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, thường xuyên kiểm tra công tác triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại các địa phương và tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án 1956.

         Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn như: Mô hình dạy nghề nông nghiệp (trồng đậu phộng, nuôi tôm sú tại xã Mỹ Long Nam huyện Cầu Ngang; trồng rau màu dưới đồng ruộng của lao động nông thôn tại các xã, huyện Châu Thành) là mô hình nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp; mô hình dạy nghề phi nông nghiệp (đào tạo các lớp dạy nghề xây dựng, điện công nghiệp, điện dân dụng…) được các doanh nghiệp và cá nhân làm nghề tích cực hưởng ứng; mô hình doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng, kèm cặp nghề, tập nghề cho lao động (doanh nghiệp tự đào tạo tay nghề nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với dây chuyền sản xuất với các ngành như: may giày da, may công nghiệp…).

         Với việc đào tạo lao động theo những mô hình phù hợp đã mang lại những kết quả nhất định: tổng số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được đào tạo nghề từ năm 2010 - 2020 là 38.006 người, gồm 20.748 người học nghề phi nông nghiệp và 17.258 người  học nghề nông nghiệp đạt trên 55% so với chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2010 - 2020 trong đó:

         + Giai đoạn 2010 - 2015: tổ chức đào tạo được 25.380 lao động nông thôn gồm, 14.133 người học nghề phi nông nghiệp và 11.247 người học nghề nông nghiệp, đạt 81% chỉ tiêu kế hoạch.

        + Giai đoạn 2016 - 2020: tổ chức đào tạo được 12.626 lao động nông thôn gồm, 6.615 người học nghề phi nông nghiệp và 6.011 người học nghề nông nghiệp, đạt 33,6% chỉ tiêu kế hoạch.

         + Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo.

         Trong số này, 76% học viên học nghề nông nghiệp được đánh giá đạt hiệu quả sau đào tạo, các kiến thức được áp dụng vào sản xuất giúp cải thiện năng suất, tăng thu nhập đáng kể và hơn 74% lao động học nghề phi nông nghiệp có việc làm ổn định sau đào tạo.

         Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian vừa quan việc thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn một số tồn tại như: Công tác tuyên truyền, định hướng,tư vấn học nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn hiệu quả chưa cao, thiếu chiều sâu, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng; việc nhân rộng các mô hình học nghề chưa đạt yêu cầu, kết quả đào tạo nghề giai đoạn 2016 - 2020 đạt kết quả thấp, đạt 33,6% chỉ tiêu đào tạo. Việc hỗ trợ lao động nông thôn tìm việc làm, chuyển đổi nghề sau học nghề chưa được quan tâm đúng mức, một số trường hợp học nghề xong không phát huy, nên không thu hút nhiều người tham gia. Mức hỗ trọ tiền học phí và tiền ăn cho người học nghề còn thấp, không thu hút được nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề. Một số lao động trẻ chưa quan tâm tới việc học nghề vì vậy trong những năm tới để thực hiện có hiệu quả Đề án 1956 cần xây dựng và hoàn thiện một số giải pháp sau:

         Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, vận động lao động trẻ tham gia học nghề để cải thiện sản xuất khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ.

         Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách liên quan đến giáo dục  nghề nghiệp gắn với các ngành nghề phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề và chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

        Ba là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dịch vụ việc làm; Bổ sung thêm quy định về chính sách hỗ trợ việc làm đối với lao động trong đó chú trọng ưu tiên cho lao động là người dân tộc thiểu số.

          Bốn là, có cơ chế khuyến khích học nghề, dạy nghề theo đặc điểm địa phương.

         -Tăng mức hỗ trợ kinh phí ăn, ở, đi lại. Trong thời gian đào tạo, nếu người học làm ra sản phẩm tiêu thụ được trên thị trường thì sẽ được hưởng lợi một phần từ sản phẩm đó. Sau khi học xong được ưu tiên bố trí việc làm, được bao tiêu sản phẩm, được xét miễn giảm thuế trong thời gian đầu nếu trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.

         - Có chính sách mở rộng mạng lưới cho lao động nông thôn, trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung; chú trọng phát triển dạy nghề ngoài công lập; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các cơ sở dạy nghề ở vùng nông thôn, (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện) để dạy nghề cho người nghèo.

         Năm là, đa dạng hóa hình thức đào tạo trong công tác đào tạo nghề nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề nghiệp ở địa phương như đào tạo nghề kèm cặp tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh (truyền nghề) thông qua các nghệ nhân và người có tay nghề cao.

        Sáu là, đào tạo chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn phải theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, giúp nông dân thực sự trở thành người làm chủ trong sản xuất nông nghiệp; rút dần lao động nông nghiệp chuyển đổi sang công nghiệp dịch vụ; dành tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu nghề cho các nội dung đào tạo về kỹ năng sử dụng máy móc cơ giới hóa đồng ruộng.

        Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình đào tạo, cũng như đề xuất các chế độ, chính sách chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện.

         Tóm lại việc thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn cả nước nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn lực lao động ở khu vực nông thôn từ đó tạo ra những sản phẩm ở nông thôn ngày càng đa dạng không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng sản phẩm. Ngày nay dưới tác động của kinh tế thị trường đặc biệt là yếu tố cạnh tranh vì vậy, muốn nâng cao chất lượng sản phẩm thì cần tăng cường đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn là thật sự cần thiết./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Tỉnh ủy Trà Vinh  (2021) báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 16CT/TU ngày 16/7/2010 của ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

         2. Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

         3. Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

         4. Tỉnh ủy Trà Vinh  (2020) báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện nghị quyết 12-NQ/TU, ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017 - 2020.

         5. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2018), Báo cáo kết quả  thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020.

        6. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2016), Ban hành Quyết định số 302/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2016 - 2020.

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 365
  • Trong tuần: 5 723
  • Tất cả: 589571
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này