Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đồng bào Khmer gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
0:00 / 0:00

ThS. Lê Thị Hồng Gấm    
                                                                            Khoa Nhà nước và Pháp luật

         Văn hóa của đồng bào Khmer, là một bộ phận cấu thành nền văn hóa đa dạng và thống nhất của Việt Nam, không chỉ phong phú, đa dạng mà còn mang bản sắc riêng được sáng tạo ra trong quá trình lịch sử cộng cư, lao động, sản xuất lâu đời trên quê hương Việt Nam nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng, bao gồm cả văn hóa vật thể (đình, chùa, đền, miếu, kiến trúc, nhà cửa, công cụ sản xuất) và văn hóa phi vật thể (truyền thống, phong tục, tập quán, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, lễ hội, ngôn ngữ, chữ viết…). Bên cạnh đó, Văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer với nét đặc trưng riêng còn được hình thành từ sự đan xen, hòa quyện với các nền văn hóa khác của đồng bào Hoa, Kinh, …, và trở thành di sản văn hóa đặc trưng riêng khá đặc biệt, với những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo cùng nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc như: Lễ Chôl Chnăm Thmây; Ok Om Bok; Sen Dolta; hát múa Rô Băm, sân khấu kịch hát Dù Kê, nghệ thuật biểu diễn Chầm Riêng Chà Pây, nghệ thuật điêu khắc, trang trí, hội họa, các tác phẩm văn học dân gian.…

         Bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo của cộng đồng dân tộc Khmer ở Việt nam nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng đang trở thành nguồn tài nguyên, chất liệu để các địa phương tạo nên những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Không chỉ góp phần làm phong phú sắc màu bức tranh du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch, mà còn giúp thay đổi diện mạo và đời sống của người dân ở vùng có đông đồng bào Khmer. Quan trọng hơn, đây cũng còn là một trong những giải pháp hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ở Việt Nam trước guồng quay của xã hội hiện đại và hội nhập quốc tế.

         Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trong đó dân tộc Khmer với hơn 300.000 người chiếm tỷ lệ 32% dân số cả tỉnh. Trong quá trình sinh sống cộng cư, đồng bào Khmer ở Trà Vinh đã tạo dựng được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đóng góp vào kho tàng văn hóa đồng bào Khmer ở Việt Nam. Kho tàng văn hoá của người Khmer tại Trà Vinh vô cùng phong phú với hệ thống ngôn ngữ và chữ viết riêng, thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, nghệ thuật sân khấu, âm nhạc đặc sắc, cùng với đó là hàng loạt các di tích văn hoá nổi bật. Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay đã sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày trên 1.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu phản ánh đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer Trà Vinh, từ truyền thống đến đương đại. Đồng bào Khmer Trà Vinh hiện có 03 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia. (Nghệ thuật Chầm riêng chà pây; Lễ hội Ok Om Bok; Nghệ thuật Rô-băm); 07 di sản văn hóa vật thể được công nhận cấp quốc gia (Danh lam thắng cảnh Ao Bà Om; kiến trúc NT Chùa Âng; Chùa Bodhiculàmani (Ấp Sóc); Chùa Bodhisalaraja (Kom Pong); Chùa Ba Si (Chùa PySeyVaRaRam); Chùa Teakhinasakor Ta Lôn (Chùa Cái Cối); Chùa Giác Linh (Chùa Dơi); 15 si sản văn hóa vật thể cấp tỉnh: Chùa SatharamVanTa (Tà Rom); Chùa Sattharinadi Pro Khup (Trà Khúp); Chùa Chrôi Tan Sa (Bãi Xào Giữa); Chùa Can Snom (Căn Nom); Chùa VelLac (Lạc Hòa); Chùa Pnô Om Pung (Sirivansaràma); Chùa Chông Bát; Chùa Krapoumchhouk chral (Chùa Chà); Chùa Phnô Sanke Thmây (Chùa Mé Láng); Chùa Sàlavana (Chùa Tà Ốt); Chùa Uttamabhirìràjamandìr); Chùa Pla Pang (Chùa Sôrinriachaprưe); Chùa Đom Bot Bi; Chùa Lò Gạch; Chùa Trốt Lích; Chùa Ô Chhuc.

         Những năm gần đây ngành du lịch và nhiều doanh nghiệp đã khảo sát, khai thác những nét đặc sắc vốn có của các di sản văn hóa đồng bào Khmer, đưa vào các tour, tuyến du lịch làm thu hút ngày đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Hoạt động du lịch gắn với văn hóa Khmer đã có nhiều bước phát triển đáng kể, được xem là một nét mới, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trải nghiệm khám phá. Nhiều công ty lữ hành đã mở tour và kết nối tuyến đưa du khách về Trà Vinh với nhiều điểm đến được hình thành từ những giá trị văn hóa đồng bào Khmer Trà Vinh như: Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh ở Thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành, các ngôi chùa Khmer, du lịch nông nghiệp tại Sokfarm (Mật hoa dừa SokFarm Trà Vinh) tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, …. Tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, đồng bào Khmer nơi đây vừa có thêm thu nhập, ổn định đời sống, nhưng cũng đồng thời chính là người tuyên truyền, bảo tồn, quảng bá văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc mình đến khách du lịch.

         Tuy nhiên, thời gian qua, sự kết hợp giữa các dịch vụ du lịch gắn với các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chưa được phát huy, khai thác hết tiềm năng, vì thế chưa tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của đồng bào dân tộc Khmer thu hút du khách, các tour du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Người đi du lịch chưa có nhiều cơ hội trải nghiệm các quy trình sản xuất tại làng nghề mà chủ yếu chỉ là quan sát. Chính vì thế để thực hiện tốt công tác bào tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer gắn với phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh cần tập trung mốt số giải pháp sau:

         Một là, cần nâng cao chất lượng điểm đến và đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch như văn hóa lễ hội, tham quan di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống. Để đạt được mục tiêu đa dạng hóa, tăng sức hấp dẫn sản phẩm du lịch gắn với văn hóa đồng bào Khmer, nên chú trọng đến các loại hình du lịch hướng về truyền thống cội nguồn của người Khmer Trà Vinh (bắt cá bằng cần câu, cái nôm cá, …, các hoạt động về lao động sản xuất như cày trâu, nhổ mạ, cấy lúa, chiếc vòng gặt lúa, …), hay du lịch truyền thống lịch sử cách mạng (tại các chùa mang đậm các di tích cách mạng của đồng bào Khmer cùng với Đảng và Nhà nước tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm như chùa Komphông (Ông Mẹt), chùa Sam Rông Ek (xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành), chùa Phnôr Preal (Nô Rè, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, ….), kết hợp thăm các làng nghề truyền thống của người Khmer như làng nghề cốm dẹp Ba So, làng bánh tét Trà Cuôn, làng nghề làm bún họ Thạch, làng nghề đan đát – thủ công mỹ nghệ (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành), làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An

         Hai là, xã hội hóa việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Huy động nguồn lực xã hội vào việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di sản văn hóa thuộc thẩm quyền quản lý, biến di sản văn hóa thành điểm nhấn của địa phương thu hút du khách đến tham quan du lịch, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho đồng bào Khmer. Xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer sẽ tạo ra những sản phẩm và dịch vụ du lịch phát triển ngày càng càng chất lượng hơn, tạo nền móng cho hoạt động du lịch phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

         Ba là, phát triển công nghiệp văn hóa để giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của đồng bào Khmer Trà Vinh.

         Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Chính vì thế cần tổ chức quảng bá hình ảnh, trưng bày sản phẩm đặc trưng văn hóa Khmer kết nối các tuyến du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng và chỉnh lý các phòng trưng bày tại Nhà Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer và xây dựng kế hoạch trưng bày theo chuyên đề như trang phục, ẩm thực, ngành nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật trong các dịp tết cổ truyền, các dịp lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer; Quy hoạch, đầu tư một số hạng mục, công trình, chỉnh trang, vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp tại di tích danh thắng Ao Bà Om. Lập đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trùng tu, sửa chữa nâng cấp hạng mục trong di tích chùa Âng, để tạo thành khu liên hoàn về văn hóa Khmer thu hút khách quan quan

         Bốn là, phát huy vai trò của cộng đồng người Khmer trong phát triển du lịch văn hóa. Sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên du lịch theo hướng bền vững; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tăng cường hoạt động bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, phù hợp với điều kiện mới. Khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Hướng dẫn tạo điều kiện để đồng bào Khmer gắn kết việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với hoạt động du lịch để vừa tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo, vừa tạo ý thức cho chính cộng đồng trong phát huy, trao truyền và thực hành các giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của dân tộc mình.

         Năm là, tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer Trà Vinh.

         Tận dụng triệt để mọi khả năng và cơ hội tham gia tích cực vào các hội thảo, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để tuyên truyền, tiếp thị những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Trà Vinh; học hỏi những kinh nghiệm phát triển du lịch của các tỉnh để dần dần tạo một hình ảnh, một ấn tượng, một sự quen thuộc của mình đối với mọi người. Bên cạnh đó, nên biên soạn và phát hành những ấn phẩm có thông tin, hình ảnh chất lượng tốt để giới thiệu về địa lý, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch về cội nguồn, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng Homestay, du lịch danh lam thắng cảnh của du lịch Trà Vinh; đi kèm các thông tin cần thiết như khách sạn, nhà hàng, hệ thống điểm tham quan, điểm vui chơi, giải trí. Chủ động xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch và chương trình xúc tiến du lịch văn hóa đồng bào Khmer thông qua các hoạt động như thường xuyên tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư, du lịch nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, …

         Sáu là, mở rộng hợp tác trong phát triển du lịch văn hóa. Hợp tác để phát triển du lịch văn hóa đồng bào Khmer dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, lợi ích hài hòa, trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù của từng địa phương và toàn vùng, đặt lợi ích địa phương trong lợi ích tổng thể của cả vùng, thực hiện nhất quán theo định hướng phát triển du lịch chung của vùng. Hợp tác có sự ưu tiên trong từng giai đoạn với mục tiêu, nội dung liên kết thông qua xây dựng các chính sách, chương trình, dự án cụ thể.

         Chú trọng và có sự đầu tư hơn nữa đối với công tác nghiên cứu, khảo sát định kỳ để có những dự báo phù hợp và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của du lịch văn hóa đồng bào Khmer ở Trà Vinh. Tạo cầu nối liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đây cũng được xem như kênh thông tin hiệu quả để giới thiệu du lịch Trà Vinh đến với các du khách trong và ngoài nước.

         Bảy là, nâng cao chất lượng đội ngủ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch. Cần phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng và đào tạo để đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, ngoại ngữ và am hiểu về văn hóa Khmer cho hoạt động du lịch văn hóa người Khmer ở Trà Vinh; tập trung liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường. Tỉnh Trà Vinh cũng cần có chính sách khuyến khích bổ sung nguồn nhân lực trong du lịch, đặc biệt loại hình du lịch văn hóa đồng bào Khmer với sự tham gia của chính người Khmer vào làm việc. Đẩy mạnh hợp tác đào tạo bằng nhiều hình thức, liên kết các cơ sở đào tạo chuyên ngành trong vùng, khai thác nguồn lực giảng viên có trình độ, kinh nghiệm; nâng cấp cơ sở vật chất; trao đổi giáo trình, đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy để phát triển nhân lực trình độ cao ngành du lịch của tỉnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Huỳnh Thanh Quang, 2011. Giá trị văn hóa Khmer vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, NXB Chính Trị Quốc gia.

         2. Phạm Thị Phương Hạnh (Chủ biên), Lương Minh Hinh, Vũ Thống Nhất, Huỳnh Công Tín, 2011.Văn hóa Khmer Nam bộ, nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam. NXB Chính trị Quốc Gia.

         3. Nguyễn Đình Chiểu, Sơn Ngọc Khánh, 2016. Du lịch Văn hóa Khmer Trà Vinh. Tạp chí khoa học, trường đại học Trà Vinh.

         4. Kỷ yếu hội thảo khoa học, 2019. Bảo tồn, phát huy các giá trị duy sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh. NXB Nông Nghiệp.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 18
  • Trong tuần: 4 636
  • Tất cả: 590052
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này