Nhận diện những điểm nghẽn trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh Trà Vinh

ThS. Lê Thị Bích Ngọc     
Khoa Nhà Nước và Pháp Luật

         Qua hơn 10 năm (2010 - 2020) thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu lại nền kinh tế, Trà Vinh từng bước vươn lên, dần thoát khỏi danh sách tỉnh nghèo, kém phát triển trong khu vực và đang hướng đến mục tiêu trở thành “tỉnh có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhóm đầu các tỉnh trong khu vực ĐBSCL trước năm 2030”[1]. Tuy nhiên, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế diễn ra với tốc độ rất chậm, hiệu quả chưa cao và đã xuất hiện những điểm nghẽn - là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Trà Vinh. Nhận diện và tìm ra giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn là một nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Trà Vinh.

         1. Đánh giá kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Trà Vinh

         Qua 10 năm (2010 - 2020) thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu lại nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề mới để thực hiện bước chuyển cho sự thay đổi về chất của nền kinh tế.

         Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế tăng, năm sau cao hơn năm trước cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, quy mô kinh tế của Trà Vinh đạt 66.482 tỷ đồng, tăng gấp 1,89 lần so với giai đoạn 2010 – 2015, đứng thứ 7 trong khu vực[2]. Những năm gần đây Trà Vinh là luôn nằm trong danh sách thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực ĐBSCL, cụ thể: 2015: 7,03%, 2016: 10,68%, 2017: 12,09%, 2018: 11,05%, 2019: 14,85%, 2020: 10,57%[3]. GRDP bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 14,9 triệu đồng/người/năm (2010)[4] lên 65 triệu đồng/người/năm (2020), tăng lên 4,4 lần so với năm 2010, đứng thứ 3 trong khu vực[5].

         Thứ hai, chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng được cải thiện.

         Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ từ 15,82% và 23,69% (năm 2010)[6] lên 35,53% và 35,49% (2020)[7], đồng thời tỷ trọng của ngành nông nghiệp cũng giảm theo tương ứng từ 60,49% (2010)[8] còn 28,98% (2020)[9], điều này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm từ 60% xuống dưới 40%[10] (2020).

         Song song với quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, trong nội bộ của từng ngành kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.

         Ngành nông nghiệp tiếp tục được tập trung thực hiện tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hoá lớn và  phát triển bền vững; Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ[11] và cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

         Công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng nhanh, bình quân 38,87%/năm, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hạ tầng năng lượng đã đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của nền kinh tế; Công nghiệp chế biến tiếp tục tăng trưởng khá; Hạ tầng kinh tế ngày càng hoàn thiện, tiếp tục đầu tư vào hạ tầng Khu Kinh tế Định An, thành lập mới 04 cụm công nghiệp, bổ sung 01 cụm công nghiệp, phát triển 13 làng nghề.

         Thương mại - dịch dụ phát triển đa dạng với quy mô, chất lượng ngày càng nâng lên. Giá trị ngành du lịch và dịch vụ mang lại cho nền kinh tế đến năm 2020 là 455,6 tỷ đồng, chiếm 0,7% trong  GRDP[12] của Trà vinh.

         Thứ ba, nền kinh tế từng bước được cơ cấu lại, theo hướng sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.

         - Hiệu quả sử dụng vốn ng, chỉ số ICOR có xu hướng giảm. Năm 2020 vốn đầu tư toàn xã hội đạt 114.707 tỷ đồng, gấp 1,45 lần so với nhiệm kỳ 2010 – 2015, hệ số ICOR giảm từ 4,8% (2015) xuống còn 3,9% (2020), giảm 0,9%.

         - Nguồn lực lao động ngày càng được sử dụng hiệu quả, tăng năng suất lao động, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình 13,9%/năm[13]; Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ đạt 33%, tỷ lệ thất nghiệp còn 2,5%[14].

         - Các tổ chức tín dụng tiếp tục được cơ cấu lại, phát triển ổn định, nguồn lực tín dụng tiếp tục được huy động tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; Mặt bằng lãi suất ổn định, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 3,58% (2010 – 2015)[15] xuống còn dưới 2% (2020).

         - Quá trình đổi mới, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh và ngày càng thực chất hơn. Trong giai đoạn 2010 – 2020, đã chuyển 04 doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Cổ phần hóa 04 doanh nghiệp.

         Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Trà Vinh vẫn còn không ít hạn chế. Đó là: Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, GRDP bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu nghị quyết (65 triệu đồng/69,76 triệu đồng); Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ trọng nông nghiệp còn cao; Trong lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức sản xuất chưa tốt, thiếu liên kết giữa các khâu: sản xuất – phân phối – tiêu thụ; Công nghiệp mặc dù tăng trưởng cao, nhưng có dấu hiệu mất cân đối (thể hiện ở việc tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu ở lĩnh vực năng lượng); Công nghiệp chế biến chậm phát triển; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, mở rộng thị trường; Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; Năng lực chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.

         Nhìn xuyên suốt quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế của Trà Vinh, đã xuất hiện những nhân tố là điểm nghẽn cản trở quá trình đó, những điểm nghẽn đó cần phải sớm được nhận diện, để có cách ứng xử phù hợp.

         2. Những điểm nghẽn trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Trà Vinh

         Thứ nhất, thực hiện 03 đột phá chiến lược chưa được như kỳ vọng, chưa tạo được nhiều đột phá quan trọng. Điều này tạo ra rất nhiều khó khăn trong việc huy động mọi nguồn lực vào nền kinh tế, không tạo được cú hích để kích thích sản xuất, giải phóng mọi nguồn lực trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Trà Vinh. Thể chế kinh tế chậm được cải thiện. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự tạo được sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm liền sụt giảm, và không ổn định: năm 2015 hạng 41/63 tỉnh, thành đến năm 2019 thứ hạng 58/63 và năm 2020 đứng hạng 48/63 tỉnh, thành. Công tác cải cách hành chính tuy có chuyển biến, nhưng một số chỉ số có thứ hạng thấp, tốc độ cải thiện chậm hơn so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Kết cấu hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là các tuyến quốc lộ quan trọng, hạ tầng các khu kinh tế, các cảng tổng hợp; Một số công trình thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu; Hạ tầng kinh tế khu vực nông thôn chưa được xây dựng đồng bộ, thiếu tính hiện đại đều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trình độ nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu.

         Thứ hai, thiếu vốn. Vốn được xem là một trong những nguồn lực quan trọng để đẩy nhanh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng thời gian qua nền kinh tế Trà Vinh luôn ở vào tình trạng thiếu vốn, đói vốn, khát vốn. Do xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh thấp, đi lên từ một tỉnh nghèo, trình độ phát triển kinh tế kém; Quy mô của nền kinh tế còn nhỏ, tích lũy đầu tư còn hạn chế. Đến năm 2020 quy mô nền tế của tỉnh mới đạt khoảng 66.482 tỷ đồng; thu ngân sách bình quân hàng năm tăng 18,89%, năm 2020 thu đạt 59,8 nghìn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 114.707 tỷ đồng (2020)[16]. Trong khi Trà Vinh đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tạo ra sự thay đổi về chất nền kinh tế, với mục tiêu đến trước 2030 trở thành một trong những tỉnh có trình độ phát triển kinh tế thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Do vậy, nhu cầu về vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội là rất cao, theo tính toán Trà Vinh cần huy động khoảng 180 đến 200 tỷ đồng tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, bình quân hàng năm đầu tư khoảng 36 đến 40 nghìn tỷ đồng, từ nay đến năm 2030 thu ngân sách tăng bình quân khoảng 10 – 12%/năm[17].

         Thứ ba, trình độ khoa học, công nghệ còn rất thấp, đóng góp của yếu tố khoa học, công nghệ vào trong tăng trưởng kinh tế rất hạn chế. Số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn ít, năm 2020 có 3.065 doanh nghiệp (trong đó có 16 doanh nghiệp FDI), 72.500 hộ kinh doanh cá thể[18]. Nhìn chung, doanh nghiệp trong tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, tích lũy đầu tư còn hạn chế, thiếu sự liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh, gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, thị trường; hầu hết các doanh có trình độ công nghệ rất thấp, năng lực tài chính và năng lực quản trị doanh nghiệp yếu.

         Thứ tư, tích tụ và tập trung đất trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra rất chậm, nông nghiệp vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ lẽ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp chưa tạo được sự chuyển động mạnh mẽ và hiệu quả trong thực tế; Hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa còn bất cập; Nhiều sản phẩm chưa có nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý; Sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều.

         Nhận diện những điểm nghẽn trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế là một bước đi quan trọng, trong thời gian tới, để hóa giải những điểm nghẽn, đẩy nhanh tốc độ đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

         3. Giải pháp hóa giải những điểm nghẽn trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Trà Vinh

         Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của 03 đột phá chiến lược, tạo sức bật mạnh mẽ để giải phóng sức sản xuất, kích thích và tạo động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

         - Thực hiện đột phá về cải cách hành chính, hướng đến xây dựng nền hành chính dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp phục vụ nhân dân; Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp: Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Đẩy mạnh triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân.

         - Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ, liên kết, hiện đại, khắc phục các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Trong đó, ưu tiên nguồn lực vốn vào tập trung phát triển hạ tầng giao thông với các dự án trọng điểm, mang tính lan tỏa, kết nối trong nền kinh tế như: đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 53 (đoạn Trà Vinh - Vĩnh Long), triển khai đầu tư cầu Đại Ngãi và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 54 (đoạn Tập Sơn - thành phố Trà Vinh), nạo vét Luồng vào Cảng nhập than, Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào Sông Hậu - có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 - 50.000 tấn; Hoàn thiện, hiện đại hóa hạ tầng các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, tạo sự kết nối thông suốt giữa mạng lưới giao thông đường bộ với đường thủy, đường hàng hải, cảng biển, các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là khu Kinh tế Định An; Phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tiêu thoát nước, xây dựng nông thôn mới, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, thông tin và hạ tầng đô thị.

         - Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của con người Trà Vinh; Điều chỉnh cơ cấu đào tạo lao động theo hướng gắn với nhu cầu sử dụng của thị trường và phù hợp với lợi thế, tiềm năng của tỉnh; Hợp tác liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

         Thứ hai, khơi thông mọi tiềm năng và lợi thế của tỉnh để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực vốn; Tiếp tục đổi mới cơ chế huy động nguồn lực vốn trong và ngoài nước, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư theo định hướng tái cơ cấu nền kinh tế và phát huy lợi thế của tỉnh; Xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động, khai thác và sử dụng nguồn lực vốn, nhất là trong việc huy động nguồn lực vốn vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế; Tăng cường các biện pháp để quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; Bố trí chi ngân sách tập trung chủ yếu vào chi đầu tư phát triển: chi cho giáo dục và đào tạo, chi phát triển khoa học và công nghệ, chi phát cho phát triển y tế, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao …

         Thứ ba, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực quan trọng để đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm không dưới 2% ngân sách hàng năm của tỉnh; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo và chuyển đổi sử dụng công nghệ tiên tiến; Tranh thủ thu hút nguồn vốn Trung ương hỗ trợ từ các chương trình để phát triển công nghệ và hạ tầng cho nghiên cứu.

         Thứ tư, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất cho ngành nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; Tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm có lợi thế của tỉnh; Tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực và đặc thù của tỉnh; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn.

         Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc lại nền kinh tế trong điều kiện còn nhiều khó khăn và hạn chế về nguồn lực là một nhiệm vụ rất nặng nề đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh. Để quá trình này diễn ra thực chất và hiệu quả cần phải có sự nổ lực rất lớn, sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân. Do đó, không được chủ quan, nóng vội, duy ý chí, thực hiện hình thức, chiếu lệ, mà cần phải có lộ trình cụ thể, thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hệ thống để từng bước hóa giải những điểm nghẽn trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế trên địa bàn tỉnh./.



[1]Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr.8.

[2] Tỉnh ủy Trà Vinh: Sđd, tr.30.

[3] Tỉnh ủy Trà Vinh: Sđd, tr. 30.

[4] Tỉnh ủy Trà Vinh: Sđd, tr. 15.

[5] Tỉnh ủy Trà Vinh: Sđd, tr.31.

[6] Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tr.159

[7] Tỉnh ủy Trà Vinh: Sđd, tr.35.

[8] Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tr. 159.

[9] Tỉnh ủy Trà Vinh: Sđd, tr. 35.       

[10] Tỉnh ủy Trà Vinh: Sđd, tr. 35.

[11] Năm 2020, có 16.686 ha ứng dụng công nghệ cao, chiếm 4,5% diện tích sản xuất nông nghiệp.

[12] Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr. 40.

[13] Tỉnh ủy Trà Vinh: Sđd, tr. 55.

[14] Tỉnh ủy Trà Vinh: Sđd, tr. 49.

[15] Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2010 – 2015, tr.19.

[16] Tỉnh ủy Trà Vinh: Sđd, tr. 40, 41.

[17] Chính phủ: Quyết định Về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, số 1443/QĐ-TTg, ngày 31/10/2018.

[18] Tỉnh ủy Trà Vinh: Sđd, tr. 42.

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 418
  • Trong tuần: 5 776
  • Tất cả: 589624
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này