MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH TRÀ VINH SAU 03 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 12-NQ/TU, NGÀY 20/4/2017

ThS. Nguyễn Thanh Mộng  
                                                                          Khoa Nhà nước và Pháp luật

         Trà Vinh đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong quá trình này, nguồn nhân lực là nhân tố trung tâm, có vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quyết định sự thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nguồn nhân lực vừa là nguồn lực to lớn, vừa là động lực tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế, vừa là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Xác định rõ vai trò của nguồn nhân lực trong sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Đặc biệt Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 20/4/2017 về đào tạo nguồn nhân lực tỉnh nhà.

         Theo báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/4/2017 của tỉnh ủy về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017 – 2020:

         Thứ nhất, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phát triển về quy mô, ngành nghề và chất lượng đào tạo: trong 03 năm, các cơ sở dạy nghề đào tạo được 52.334 lao  động, trong đó trình độ cao đẳng nghề 3.195 lao động, trung cấp nghề 1.183 lao động, đào tạo ngắn hạn 47.965 lao động, (do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề, đào tạo từ các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật là 35.088 lao động gắn với tạo việc làm tại chỗ chiếm trên 90%); đào tạo cao đẳng, đại học từ Trường Đại học Trà Vinh được 10.301 sinh viên. Năm 2019 đã giải quyết việc làm cho 25.040 lao động việc làm mới, xuất khẩu lao động 604 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 65,56%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,2% (tổng số lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh là 354.024 lao động, trong đó số lao động có bằng cấp, chứng chỉ 110.455 lao động); cơ cấu lao động hợp lý, tỷ lệ lao động khu vực nông - lâm - ngư nghiệp  44,5%, công nghiệp - xây dựng 24,1% và dịch vụ 31,4%; khoảng 16.000 lao động thất nghiệp chiếm tỷ lệ 2,94%[3.tr4] .

         Thứ hai, đội ngũ công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chuyên môn đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và nhiệm vụ được giao; 100% công chức, viên chức lãnh đạo quản lý đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định; trên 90% đội ngũ quy hoạch giữ chức danh lãnh đạo, quản lý đạt chuẩn bổ nhiệm chức danh theo quy định; có 361 cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học; 164 công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh đối tượng 2 và các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp...[3.tr5].

         Vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực có bước nâng lên đáng kể đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì chất lượng nguồn nhân lực ở tỉnh Trà Vinh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế:

         1. Về trình độ học vấn: Trình độ học vấn của lao động tỉnh Trà Vinh có tăng lên, nhưng do điểm xuất phát thấp và mức độ tăng còn chậm. Nên đến nay, trình độ học vấn của người lao động trong tỉnh vẫn còn thấp hơn so với khu vực ĐBSCL và so với cả nước.

         2. Về trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ thuật

         - Trình độ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của nguồn nhân lực trên bình diện chung còn thấp, hàm chứa nhiều yếu tố của nguồn nhân lực ở một tỉnh nông nghiệp kém phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và thấp hơn so với trình độ chung của khu vực ĐBSCL và cả nước.

         - Việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc còn chậm và thấp hơn so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng nhân lực qua đào tạo có tăng, song chất lượng đào tạo còn thấp, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động và thực tiễn xã hội.

         - Trình độ và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ của người lao động trong tỉnh Trà Vinh thấp (trước hết là tiếng Anh), kể cả đội ngũ nhân lực có trình độ cao (công chức nhà nước, trí thức, giáo viên, giảng viên đại học,…).

         Như vậy, hiện nay tỉnh Trà Vinh còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và nâng cao toàn diện chất lượng nguồn nhân lực, nhất những chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu hoạch định chính sách, giảng viên đại học và dạy nghề...

         Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI xác định 3 khâu đột phá: Trà Vinh đặt mục tiêu sẽ đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025; trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực ĐBSCL trước năm 2030 và trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng. Vì vậy với những hạn chế vừa nêu thì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Trà Vinh đáp ứng được với những yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như quá trình hội nhập quốc tế thì cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

         Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về tính cấp thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

         Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Trà Vinh phải được xem là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, bởi nguồn nhân lực chỉ thực sự phát triển khi được đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động phát triển toàn diện.

         Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, các tổ chức khoa học và công nghệ với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về năng lực của các cơ sở đào tạo và cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp. Phối hợp các hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo, dạy nghề và tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên, người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp ngay từ khi vào trường, đồng thời có nhiều thông tin cần thiết về việc làm để sau khi tốt nghiệp người học có việc làm ngay.

         Hai là, cần phải nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

         Thực hiện tốt quá trình cải cách, đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục và đào tạo. Đổi mới toàn diện nội dung và phương pháp giáo dục và đào tạo. Trong đó đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong trình tự giải quyết phải đi từ xoá mù chữ đến trung học phổ thông trang bị những kiến thức cơ bản, đào tạo nghề từ sơ cấp đến sau đại học để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của những ngành công nghệ mới, các khu công nghiệp và các khu kinh tế mở.

         Ba là, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

         - Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý, phân bố và sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh.

         Củng cố, hoàn thiện hệ thống quản lý phát triển nguồn nhân lực từ cấp tỉnh đến các địa phương. Ban hành các quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về nhân lực với các cơ sở dạy nghề, hệ thống các trường trong tỉnh. Xem các trường đào tạo là đơn vị trực tiếp giúp tỉnh trong việc lập kế hoạch đào tạo, cung cấp dịch vụ đào tạo theo yêu cầu phát triển.

         Về cơ chế quản lý, tăng tính chủ động cho cấp cơ sở, các trường trong công tác tuyển sinh; chương trình, nội dung đào tạo; xây dựng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, trong hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo với các trường khác trong và ngoài tỉnh trên cơ sở năng lực đào tạo của trường, nhu cầu của thị trường lao động và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

         - Đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng trong việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng quy hoạch cán bộ, đổi mới tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ đảm bảo khách quan, dân chủ, chất lượng; đẩy mạnh phân cấp trong khâu tuyển dụng. Quan tâm đến cán bộ trẻ, có năng lực, được đào tạo bài bản; chỉ bổ sung công chức mới khi đạt chuẩn; thực hiện kiểm tra trình độ ngoại ngữ, tin học đối với công chức và viên chức sự nghiệp trước khi tuyển dụng và bổ nhiệm.

         Bốn là, nâng cao nhận thức về học nghề và phát triển đào tạo nghề. Công tác phân luồng học sinh vào học nghề theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) phải được quan tâm đúng mức, thực hiện quyết liệt ở cả hệ thống chính trị. Nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp xã hội về công tác đào tạo nghề; từ đó góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về học nghề, lập nghiệp.

         Năm là, có chính sách phù hợp để đào tạo, thu hút, bồi dưỡng, phát huy nhân tài.

         - Phát hiện nhân tài: Phải quán triệt quan điểm nhân tài có ở mọi tầng lớp trong xã hội, do đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho mọi nhân tài có thể tự tiến cử hoặc tiến cử có trách nhiệm những nhân tài với cơ quan Đảng và Nhà nước. Khuyến khích các tổ chức quần chúng bình chọn và phát hiện nhân tài thông qua các hình thức thi sáng tác, thi học sinh, sinh viên giỏi, thi nông dân giỏi, công nhân giỏi... để tìm kiếm được nhiều người tài cho tỉnh.

         - Tuyển chọn nhân tài: Tỉnh cần phải xây dựng được quy định, tiêu chuẩn đánh giá nhân tài, thành lập hội đồng đánh giá và tuyển chọn những học sinh năng khiếu, sinh viên tài năng và nhân tài. Thường xuyên tổ chức và kiểm tra nghiêm ngặt các đợt tuyển chọn các người giỏi trong tất cả các lĩnh vực một cách dân chủ, công bằng, công khai.

         - Đào tạo nhân tài: Nhân tài là sản phẩm của một quá trình đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện lâu dài. Vì vậy, để có thể xây dựng được đội ngũ nhân tài trong các lĩnh vực, trước hết tỉnh cần phải tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phải quan tâm đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia để đào tạo và tìm ra những học sinh giỏi toàn diện cho tỉnh.

         - Bồi dưỡng nhân tài: Nhân tài phải được đào tạo rất cẩn thận và sau đó là cả một quá trình tu dưỡng, rèn luyện, tự đào tạo, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức ở những môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng tạo. Nhân tài có thể do bẩm sinh, nhưng phần nhiều là do khổ luyện mà thành. Như vậy, để có nhiều nhân tài, bên cạnh việc tổ chức và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục và đào tạo, Trà Vinh cần phải tạo ra môi trường xã hội thuận lợi cho mọi người đều có cơ hội tốt nhất để học tập, rèn luyện, phát huy tài năng.

         - Trọng dụng và đãi ngộ nhân tài: Sử dụng nhân tài như thế nào để họ phát huy hết tài năng là khâu quan trọng nhất. Một trong những bí quyết sử dụng nhân tài thành công là đề bạt cán bộ. Việc đề bạt phải dựa vào thành tích công tác và thử thách qua công việc. Đề bạt đúng người sẽ có tác dụng tích cực, bồi dưỡng tinh thần phấn đấu vươn lên cho người được đề bạt và tập thể. Vì vậy, khi đề bạt cán bộ phải cân nhắc nhiều mặt và nếu đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ thì dứt khoát phải đề bạt, bổ nhiệm. Việc dùng người nhất thiết phải căn cứ vào sở trường, khả năng của họ mà bố trí cho phù hợp mới phát huy được hết tài năng của họ.

         Tóm lại, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức và chuy­ển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, song thực tế cho thấy nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của sự phát triển hiện tại và trong thời gian tới. Do vậy, Trà Vinh cần có chiến lược lâu dài về đào tạo và nâng cao chất lượng để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức và sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là những ngành chủ lực của tỉnh và những ngành có hàm lượng chất xám cao. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới việc thực hiện những giải pháp nêu trên là  cần thiết góp phần hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh Trà Vinh./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Nguyễn Minh Phương (2010), "Một số giải pháp phát hiện và sử dụng nhân tài ở nước ta hiện nay", Tạp chí Tổ chức nhà nước, (4).

2.  Lê Quang (2013), “Nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng nhân tài”, Tạp chí Xây dựng Đảng, (8).

3.  Tỉnh ủy Trà Vinh  (2020) báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện nghị quyết 12-NQ/TU, ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017 – 2020.

4.  Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2018), Báo cáo kết quả  thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2020.

5.  Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2016), Ban hành Quyết định số 302/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2016 - 2020;

6.  Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 06/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về thu hút, tập hợp thế hệ trẻ trong tình hình mới.

 

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 84
  • Trong tuần: 5 097
  • Tất cả: 589785
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này