XÂY DỰNG “ĐỨC” VÀ “TÀI” CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG ĐIỀU KIỆN ĐỔI MỚI HIỆN NAY

          Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người cho rằng, cán bộ, đảng viên là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là người góp phần xây dựng, truyền đạt và tổ chức nhân dân thực thi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; cán bộ, đảng viên là người nắm bắt, tiếp thu các thông tin từ nhân dân để Đảng và Nhà nước có căn cứ, hoạch định, điều chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách. Người nói, cán bộ như “dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”.

          Trong điều kiện đổi mới hiện nay, cán bộ, đảng viên được nhân dân ủy thác trọng trách lớn, là thực thi quyền và lợi ích thiết thực của nhân dân. Tuy nhiên, mặt trái của quyền lực có thể làm tha hoá con người, tha hóa cả một Đảng. Nếu không được giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên rất dễ trở thành “quan cách mạng” với những biểu hiện lạm quyền, lộng quyền, công thần, tham ô, lãng phí, hủ hóa, xa rời quần chúng, quay lại sách nhiễu và  ức hiếp nhân dân.

          Xuất phát từ quan điểm trên, việc xây dựng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đào tạo họ trở thành những người cán bộ có đủ nhân cách toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cao, am hiểu các lĩnh vực của đời sống xã hội là nhiệm vụ vô cùng hệ trọng. Những phẩm chất, nhân cách đó của người cán bộ, đảng viên bao gồm đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát trong hai chữ “đức” và “tài”.

          1. Từ khi thành lập Đảng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, phải đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài lợi ích của giai cấp và dân tộc, người cán bộ, đảng viên không có lợi ích nào khác. Người cán bộ, đảng viên phải hoàn thành một cách xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Theo Người, cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, phải thật sự gương mẫu, nói phải đi đôi với làm, tư tưởng phải thống nhất với hành động. Người nói “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Niếu như vậy thì không thể lãnh đạo được nhân dân.

          Người cán bộ, đảng viên là phải gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân, tin dân, dựa vào lực lượng vô địch của nhân dân để lãnh đạo nhân dân chống lại mọi kẻ thù xâm lược, đói nghèo và lạc hậu. Theo Người: “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”.

          Như vậy, đạo đức cách mạng là phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa đạo đức cách mạng mà luôn đặt đạo đức bên cạnh tài năng, gắn đức với tài, phẩm chất với năng lực và trình độ, lời nói đi đôi với hành động và hiệu quả thực tế.

          2. Theo Hồ Chí Minh, “tài” chính là tri thức, kỹ năng, vốn kinh nghiệm sống. Người cho rằng người cán bộ, đảng viên phải hiểu biết tính chất công việc của mình, biết quản lý nhà nước, phải chuyên sâu nghiệp vụ. Cán bộ, đảng viên phải ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, cán bộ, đảng viên không chỉ tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng mà còn trau dồi về năng lực, chuyên môn.

          Theo Người, năng lực của cán bộ, đảng viên là tổng hợp, hội tụ những yếu tố tạo nên khả năng cần thiết để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó năng lực trí tuệ là khả năng nhận thức, tiếp cận tri thức, khả năng nắm bắt, phân tích, đề xuất giải pháp trong hoạt động thực tiễn, còn năng lực chuyên môn là kỹ năng để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của người cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải là người có đủ năng lực đảm đương công việc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để có đủ năng lực đảm đương công việc, trước hết phải có ý thức trách nhiệm. Người có ý thức trách nhiệm là người dám nghĩ,dám làm, dám nói, dám phê bình, dám thừa nhận và sửa chữa khuyết điểm, v.v.. Để nghĩ đúng, nói đúng và làm đúng, cán bộ, đảng viên phải có sự hiểu biết, phải có trình độ.

          Trình độ của người cán bộ là một yếu tố có vai trò đặc biệt, chi phối, ảnh hưởng tới tất cả các yếu tố tạo nên chất lượng người cán bộ, đảng viên. Là cơ sở để hình thành và phát triển phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức của người cán bộ; là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo thành năng lực và là điều kiện để có năng lực. Tuy nhiên, không phải người cán bộ cứ có kiến thức là có năng lực. Có kiến thức nhưng phải trải qua quá trình rèn luyện trong thực tiễn thì mới có năng lực. Trên thực tế đã có không ít người cán bộ có kiến thức song năng lực hạn chế. Cũng có nhiều người tuy không có bằng cấp, chứng chỉ nhưng họ tự học tập, tự rèn luyện và phấn đấu trong thực tiễn nên vẫn có năng lực tốt.

          Trình độ và năng lực của người cán bộ quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên cái “tài” của người cán bộ. Bên cạnh năng lực và trình độ, người cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức của người cán bộ, đảng viên được nâng cao càng tăng thêm động lực tinh thần thôi thúc người cán bộ vượt lên mọi khó khăn thử thách để nâng cao trình độ trí tuệ của mình.

          3. Mối quan hệ giữa “đức” và “tài” của người cán bộ, đảng viên thì “đức là gốc” nhưng đức và tài phải đi đôi với nhau, không thể có mặt này mà thiếu mặt kia được. Theo Hồ Chí Minh “Tài” lớn thì “Đức” phải cao, vì “Đức” chính là cái đảm bảo cho người cách mạng giữ vững được bản chất của người cộng sản, chủ nghĩa mà mình đã giác ngộ và tin theo. Người cán bộ, đảng viên mà Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng là người đủ tài và đủ đức; có “tâm” và có “tầm” để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

          Như vậy, đối với cán bộ, đảng viên, đạo đức cách mạng và trình độ, năng lực luôn song hành với nhau, không  được buông bỏ hay xem nhẹ một trong hai yếu tố đó. Đây là hai phạm trù khác nhau nhưng giữa chúng có mối liên hệ biện chứng với nhau.

          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh người làm cách mạng phải có đạo đức. Vì “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Có đạo đức cách mạng thì cán bộ, đảng viên có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách; có đủ bản lĩnh chính trị để chống lại những cám dỗ, những thói hư, tật xấu, không sợ sệt, rụt rè, lùi bước.

          Qua thực tế những thắng lợi mà chúng ta đạt được mới chỉ là bước đầu trên đường đi muôn dặm. Sự nghiệp cách mạng là lâu dài, khó khăn, gian khổ, đòi hỏi cán bộ, đảng viên không chỉ có đạo đức mà còn có trình độ, nhận thức đúng các quy luật, làm chủ được tri thức khoa học, hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất và có hiệu quả nhất. 

          Vì vậy, cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, phải “ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải”. Hồ Chí Minh chỉ rõ việc học tập, nâng cao năng lực trình độ của cán bộ, đảng viên là không ngưng nghỉ, học mọi lúc mọi nơi, học tập suốt đời. Mặt khác, việc học không chỉ dừng lại ở nhà trường mà trong mọi hoạt động cách mạng. Thực tiễn là trường học rất tốt cho cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh căn dặn: “Không phải chỉ ở tại nhà trường, có lên lớp, mới học tập, tu dưỡng, rèn luyện và tự cải tạo được. Trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều có thể và đều phải học tập, tự cải tạo”. Đạo đức cách mạng càng cao thì ý chí, nỗ lực tu dưỡng, học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ càng lớn.

          Tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn “đức”, luyện “tài” cho người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trong điều kiện đổi mới hiện nay là di huấn vô giá để lại cho Đảng và nhân dân ta về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. Người cộng sản trong điều kiện hiện nay, hàng ngày phải đối mặt với biết bao thử thách khắc nghiệt. Quyền lực có thể  tha hóa họ, biến họ từ vĩ đại của ngày hôm qua trở nên tầm thường của ngày hôm nay. Nếu, họ lợi dụng chức vụ để vơ vét, tiếp tay cho kẻ xấu, đánh mất phẩm giá, tư cách của người cán bộ, đảng vên, mất luôn cả sinh mệnh chính trị, cả danh vọng và sự nghiệp. Thực tế không ít cán bộ, đảng viên thời trẻ sẵn sàng hy sinh cho cách mạng, cho dân tộc, nhưng khi đã ngồi vào cái ghế quyền lực, trước cám dỗ của đồng tiền, họ mất dần sức đề kháng, trở thành sâu mọt đục khoét của cải của nhân dân.

          Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đánh giá “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc” …Những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trong bối cảnh đó thì việc quán triệt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đặc biệt là tư tưởng của Người đạo đức cách mạng và năng lực, trình độ của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay./.

ThS. Nguyễn Minh Vũ     

                                                                    Giảng viên Khoa lý luận cơ sở

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 203
  • Trong tuần: 5 561
  • Tất cả: 589409
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này