PHÁT HUY SỰ THỐNG NHẤT Ý ĐẢNG LÒNG DÂN TRONG PHONG TRÀO ĐỒNG KHỞI TRÀ VINH NĂM 1960
     Sáu mươi năm trôi qua, những thắng lợi trong phong trào Đồng Khởi mãi mãi được khắc sâu vào ký ức của Đảng bộ, quân, dân tỉnh Trà Vinh như một trang sử hào hùng, một biểu tượng sáng ngời về sự thống nhất “Ý Đảng, lòng dân” trong sự nghiệp giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX.

     Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954) ký kết, đất nuớc ta tạm thời chia làm hai miền, ở miền Nam, Mỹ ra sức phá hoại Hiệp định, hất cẳng Pháp, thiết lập chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội tay sai. Trong giai đoạn 1957 - 1959, cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn. Đến đầu năm 1959, với việc ban hành “Luật 10/59”, Mỹ - Diệm đã tăng cường truy lùng, bắt giết cán bộ cách mạng, lê máy chém khắp Miền Nam để bắt bớ, sát hại đồng bào yêu nước, người có cảm tình với cách mạng. Ở Trà Vinh, chúng ra sức xây dựng lực lượng tăng cường tấn công vào Đảng và phong trào Cách mạng của quần chúng ở địa phương.

     Trước tình hình khủng bố ngày càng gay gắt của địch, tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, thống nhất ban hành nghị quyết 15 về “tăng cường đoàn kết, kiên quyết, đấu tranh giữ gìn hoà bình, thực hiện thống nhất đất nước”. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu, con đường cách mạng miền Nam lúc này là “lấy sức mạnh của quần chúng dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của Nhân dân”. Nghị quyết 15 ra đời, đã thổi bùng phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công. Tạo ra thế và lực mới cho phong trào cách mạng ở miền Nam.

     Cuộc Đồng Khởi Trà Vinh năm 1960, là sản phẩm của Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; được Tỉnh ủy Trà Vinh vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với diễn biến tình hình địa phương. Từ đó, đã sáng tạo ra phương thức đấu tranh “hai chân, ba mũi” và nhiều phương thức độc đáo khác như: tổ chức lực lượng đấu tranh chính trị, phương án tiến công quân sự, phương án phối hợp nội tuyến và tuyên truyền binh vận.

    Ý Đảng thể hiện trong Nghị quyết 15, được Tỉnh ủy Trà Vinh trực tiếp lãnh đạo, tổ chức Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở Trà Vinh được thành lập từ tỉnh đến huyện, thị; các thành viên của Mặt trận cũng được tổ chức và phát triển nhanh chóng như Hội Nông dân giải phóng, Hội Phụ nữ giải phóng, Lao động giải phóng, Đoàn Thanh niên giải phóng, Hội người Công giáo kính chúa yêu nước, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Hội Nhà giáo yêu nước, Hội Liên hiệp thanh niên học sinh… Dưới sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân ta đã không ngừng sáng tạo để hình thành nhiều hình thức tổ chức vận động ngày càng phong phú hơn như hình thức các hiệp hội, các câu lạc bộ, các diễn đàn… đóng góp, bổ sung nhiều nguồn lực quan trọng cho Đảng.

     Sự thống nhất giữa “Ý Đảng, lòng dân” trong phong trào Đồng Khởi Trà Vinh năm 1960 có ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là nhân tố cơ bản góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược của dân tộc ta; góp phần tạo ra một bước ngoặt chiến lược, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ thống trị của Mỹ - Ngụy. Đồng Khởi Trà Vinh năm 1960 là kết tinh của sự thống nhất của “Ý Đảng - lòng dân”, nét độc đáo của sự đồng lòng, đồng loạt nổi dậy của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân tỉnh Trà Vinh góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi trong phong trào Đồng Khởi trên quê hương Trà Vinh.

    Sau khi nhận được Chỉ thị của Liên Tỉnh ủy miền Tây chỉ đạo cho các tỉnh Nam bộ nổi dậy Đồng Khởi theo lệnh của Xứ ủy là phát động Cao trào Đồng Khởi toàn Nam Bộ thống nhất hành động vào ngày 14/9/1960.

     Tại Trà Vinh, ngày 14/9/1960 ngọn lửa Đồng Khởi đồng loạt nổ ra trên hầu hết các xã trong tỉnh. Tỉnh ủy quyết định chọn huyện Cầu Ngang làm địa bàn trọng điểm của phong trào Đồng Khởi, trong đó 03 xã Mỹ Long, Hiệp Mỹ, Hiệp Thạnh được chọn làm xã điểm, xã Mỹ Long là điểm đột phá đầu tiên, đồng thời tổ chức một số điểm phối hợp ở các huyện Cầu Kè và Càng Long.

     Ở Mỹ Long, quân và dân đã nhất tề đứng lên bằng bạo lực quần chúng, kết hợp vũ trang, binh vận giành thắng lợi vẻ vang - Mỹ Long là xã đầu tiên được giải phóng của tỉnh Trà Vinh. Được sự cổ vũ trực tiếp của ba xã điểm, các xã khác cũng nhanh chóng giành thắng lợi như Ngũ Lạc, Hiệp Mỹ, Long Hữu (Cầu Ngang), Tân An, An Trường (Càng Long), Tam Ngãi, An Phú Tân, Thạnh Phú (Cầu Kè), Long Đức (Châu Thành)… giải phóng cơ bản các xã tuyến sông Hậu của huyện Trà Cú.

Giành được thắng lợi trong Đồng Khởi không phải dễ dàng mà phải đổ máu và sự hy sinh của nhiều đồng chí, đồng bào. Thế trận giằng co giữa ta và địch diễn ra rất gay gắt không chỉ ở xã điểm Mỹ Long mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác.

    Qua phong trào Đồng Khởi, lực lượng chính trị của quần chúng thêm lớn mạnh, khối đoàn kết dân tộc Việt - Khmer - Hoa ở Trà Vinh khẳng định sức mạnh của mình. Lực lượng vũ trang nhân dân địa phương có thêm bước phát triển. Đội ngũ đảng viên cơ sở được phát triển và hệ thống tổ chức Đảng thêm vững mạnh. Có 12 xã với 189 ấp được hoàn toàn giải phóng và 7 xã với 150 ấp cơ bản được giải phóng, 02 khu trù mật bị triệt phá.

    Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi năm 1960, đã tạo thế cho đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc Trà Vinh chuyển sang giai đoạn mới - từ thế giữ gìn lực lượng sang thế phát triển lực lượng, tiến công, mở đầu thời kỳ đấu tranh cách mạng, tiến công địch bằng ba mũi chính trị, quân sự, binh vận. Thắng lợi này đã góp phần xứng đáng cùng quân dân miền Nam giáng một đòn chí mạng vào “quốc sách tố cộng diệt cộng” của M - Diệm. Nó không chỉ làm cho địch thất bại thảm hại trong chiến lược “chiến tranh đơn phương” và ý đồ ổn định tình hình miền Nam, mà còn làm cho nội bộ chúng xung đột, sâu xé lẫn nhau.

     Đồng thời, thắng lợi của phong trào Đồng Khởi năm 1960 ở Trà Vinh, đã đem lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị và đánh dấu sự mở đầu giai đoạn mới của cách mạng: giai đoạn tấn công cách mạng với phương châm quân sự và chính trị song song, phối hợp hai chân - ba mũi. Trong mọi tình huống phải nắm vững chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chiến lược, giữ vững lập trường cách mạng tiến công, đề cao tinh thần tự lực, tự cường, linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp thực hiện. Thực hiện tốt công tác vận động và tổ chức quần chúng, coi đó là công tác cơ bản để thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng không ngừng lớn mạnh.

     Thắng lợi Đồng Khởi ở Trà Vinh đó chính là sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân, một nét độc đáo của mô hình toàn dân khởi nghĩa. Đảng bộ đã dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng nhân dân, kết hợp lực lượng vũ trang, nên lực lượng nổi dậy trong Đồng Khởi là lực lượng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận), trong đó lực lượng của quần chúng nhân dân được xem là lực lượng chính góp phần tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù. Thắng lợi trên đã chứng minh niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, nhờ niềm tin - sự gắn bó giữa Đảng với dân đã giúp Đảng bộ huy động sức mạnh tổng hợp trong dân cùng vượt qua khó khăn, vận dụng sáng tạo Nghị quyết 15 của Trung ương vào tình hình cụ thể của Trà Vinh góp phần chuyển cuộc đấu tranh của Đảng bộ, quân, dân tỉnh Trà Vinh từ thế bị động phòng ngự lên phản công chiến lược. Như vậy, ngày 14/9/1960, đã ghi vào lịch sử Trà Vinh một mốc son chói lọi, đồng bào các dân tộc khắp nơi trong tỉnh đã Đồng Khởi.

     Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát huy sức mạnh “Ý Đảng, lòng dân”, khơi dậy sâu rộng các phong trào thi đua, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội và chăm lo đời sống nhân dân”, với ý chí tự lực tự cường, với khát vọng vươn lên, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Trà Vinh sẽ tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tới, phấn đấu để Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.

ThS. Trần Thị Chính

     Trưởng khoa Xây dựng Đảng

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 494
  • Trong tuần: 5 852
  • Tất cả: 589700
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này