PHONG TRÀO ĐỒNG KHỞI TRÀ VINH - MỘT DẤU SON CHÓI LỌI (14/09/1960 - 14/09/2020)
     Phong trào "Đồng khởi" Trà Vinh năm 1960 đã đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh Trà Vinh. Thắng lợi của Đồng khởi bắt nguồn từ truyền thống yêu nước của nhân dân Trà Vinh, tinh thần tự lực, tự cường, bất khuất trước kẻ thù, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phong trào Đồng khởi đã đúc kết cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh nhiều bài học quý báu về “thế trận lòng dân”, “chiến tranh nhân dân”. Nó còn thể hiện trọn vẹn  sự thống nhất giữa “ý Đảng và lòng dân”. Trong điều kiện khó khăn, đen tối của phong trào cách mạng Trà Vinh vào những năm trước đồng khởi, cơ sở cách mạng bị địch đánh phá ác liệt, nhưng với lòng tin vào Đảng, vào Bác Hồ, vào khả năng cách mạng của quần chúng, Đảng bộ đã gần dân, hiểu dân, dựa vào dân, kiên trì vượt qua hy sinh gian khổ. Khi phong trào cách mạng tại địa phương tạm thời sa sút, đảng bộ vẫn tồn tại trong dân và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được nhiều kết quả. 

Cuộc Đồng khởi ở Trà Vinh vô cùng dũng mãnh và quyết liệt, như nhiều tướng lĩnh quân đội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà sử học đã khẳng định: “Trong phong trào Đồng khởi của Đảng, quân dân Nam Bộ, thì Đồng khởi của Đảng bộ, quân, dân Trà Vinh là lá cờ đầu anh dũng nhất, quyết liệt nhất, mưu trí nhất, sáng tạo nhất, có vị trí xứng đáng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trở thành huyền thoại quê hương Trà Vinh Đồng khởi với đầy đủ tính chất và nội dung của nó”.

Sau Hiệp định Giơnevơ Việt Nam tạm thời chia làm 2 miền Nam Bắc với hai chế độ chính trị khác nhau. Mỹ lợi dụng thời cơ và thế lực, hất cẳng Pháp, lập ngụy quyền tay sai độc tài Ngô Đình Diệm ra sức xây dựng căn cứ quân sự  chuẩn bị để tiến công miền Bắc quyết dìm nhân dân miền nam trong biển máu. Trong những năm 1957-1959, Mĩ - Diệm luôn tìm mọi cách để xóa bỏ thành quả cách mạng, bằng cách thiết lập ngụy quân, ngụy quyền và các tổ chức phản động mới để lừa bịp, đàn áp, kiềm chế nhân dân ra sức cấu kết với bọn địa chủ gian ác ngốc đầu dậy, đàn áp tăng tô, xáo canh, giật đất;  tăng cường đàn áp và khủng bố bày trò “chống cộng, tố cộng” “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”, thực hiện “đạo luật 10/59” công khai chém giết những người vô tội khắp miền Nam…

Trước tình hình đó, vào tháng 01/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 15. Nghị quyết này chỉ rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân…lấy sức mạnh quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân” . Đây được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi lớn lao trong chủ trương của Đảng về phương thức tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng tại miền Nam, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đi vào giai đoạn mới. 

Cuối tháng 10- đầu tháng 11 năm 1959 tại vùng căn cứ địa cách mạng Bắc Tây Ninh, Xứ ủy Nam Bộ tổ chức hội nghị lần thứ IV có nội dung chính là quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Đây là hội nghị Xứ ủy mở rộng đến các Bí thư Tỉnh ủy trong đó có đại biểu Trà Vinh. Tiếp theo Hội nghị này, tháng 12/1959, Xứ ủy Nam Bộ ra Chỉ thị thống nhất cho các tỉnh Nam Bộ, cuối năm 1959 đầu năm 1960, liên tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ chỉ đạo cho các tỉnh ủy tổ chức nghiên cứu học tập Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng; trên cơ sở nắm vững tinh thần và nội dung của Nghị quyết 15 mà khẩn trương xây dựng lực lượng về mọi mặt và chuẩn bị kế hoạch tổ chức phát động quần chúng đồng loạt nổi dậy, sử dụng bạo lực chính trị kết hợp với bạo lực vũ trang, lật đổ ngụy quyền, xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân.

Sau hội nghị lần thứ IV của Xứ ủy Nam Bộ, những nội dung cơ bản của nghị quyết 15 đã được chính thức phổ biến ở Trà Vinh và được đoán nhận với tinh thần phấn chấn, vì nó phản ánh đúng nguyện vọng của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh sau nhiều năm mọng đợi. Tỉnh ủy chỉ đạo cho tất cả các đảng viên, cán bộ cơ sở, xã, ấp quán triệt tinh thần Nghị quyết số 15 của Trung ương Đảng nổ lực vượt khó khăn trở ngại để bám sát địa bàn, dựa vào dân và nắm chắc tình hình địch. Những cán bộ đảng viên trước đây thuộc diện “điều”- “lắng”, nay được trở về, cùng đồng bào và đồng chí địa phương xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang tại chỗ, chuẩn bị các mặt cho Đồng Khởi. Sau cuộc Đồng khởi 17/01/1960 của Nhân dân Bến Tre thắng lợi vang dội, Xứ ủy Nam Bộ và Liên Tỉnh ủy miền Tây đã quyết định thống nhất thời điểm Đồng Khởi trên toàn Nam Bộ là ngày 14/9/1960. Tỉnh Trà Vinh đã đề ra kế hoạch tiếp tục tấn công địch và tích cực chuẩn bị cho Đồng khởi, chọn huyện Cầu Ngang (xã Mỹ Long) làm trọng điểm của phong trào nổi dậy, do nơi đây hội tụ đủ 2 nhân tố quan trọng:

Thứ nhất, với tính chất là huyện căn cứ ven biển, có phong trào mạnh, đã xây dựng được lực lượng bán vũ trang và có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tỉnh nên Cầu Ngang được Tỉnh ủy chọn làm trọng điểm chỉ đạo của tỉnh trong Đồng khởi;

Thứ hai, cộng đồng các dân tộc Cầu Ngang vốn giàu lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh chống áp bức bất công, chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là xã Mỹ Long - xã có truyền thống cách mạng, đây là một trong hai xã của huyện Cầu Ngang có Chi bộ Đảng đầu tiên từ những năm 1930. Nơi đây cũng đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của nông dân chống cường hào áp bức bóc lột trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng thời là địa phương có phong trào du kích chiến tranh mạnh nhất trong tỉnh.

Ngoài xã Mỹ Long, Thường vụ Tỉnh ủy cũng quyết định chọn các xã ven biển, ven rừng để làm trọng điểm như: Long Hữu, Trường Long Hòa; Long Vĩnh (huyện Cầu Ngang) và xã Đại An (huyện Trà Cú). Đồng thời chọn xã An Phú Tân (Cầu Kè) để căng kềm địch; sau đó chọn thêm 2 xã đồng bằng của Cầu Ngang là Hiệp Mỹ và Ngũ Lạc (xã Hiệp Mỹ nằm tiếp giáp với các xã ven rừng; xã Ngũ Lạc đông dân, nhiều đồng bào dân tộc Khmer, nằm tiếp giáp với huyện Trà Cú, nếu giải phóng xã này sẽ có ý nghĩa quan trọng).

Đêm 13/9/1960, rạng sáng ngày 14/9/1960, người dân Mỹ Long hầu như không ngủ, người người nổi trống mỏ, cầm vũ khí thô sơ, hô khẩu hiệu tiến về địa điểm tập trung của xã, mittinh, mở đầu cuộc Đồng khởi. Chiều 14/9/1960, từng tốp người mang theo băng, cờ, biểu ngữ, vũ khí thô sơ… khí thế hăm hở xung trận. Lực lượng du kích, dân quân chia làm hai cánh bao vây đồn, trụ sở tề xã Mỹ Long. Đồng thời ta dùng loa kêu binh sỹ ra hàng, giao nộp vũ khí và chính quyền cho cách mạng, về với nhân dân. Phần lớn binh sĩ tỏ ra hoang mang, muốn tìm cách bỏ đồn về với người thân nhưng bọn chỉ huy lại rất ngoan cố. Xã Mỹ Long, 02 giờ sáng ngày 14.9.1960, lực lượng biểu tình thị uy từ các ấp ồ ạt kéo vào giữa tiếng trống mõ, tiếng hô khẩu hiệu vang trời, tập trung họp mít tinh nhanh chóng bao vây tấn công đồn tề xã với khí thế tiến công cách mạng ngút trời. Tề xã, dân vệ chống cự quyết liệt, chúng bắn vào quần chúng làm chết ba người, bị thương hàng chục người nhưng quần chúng không hề nao núng. Sang ngày thứ hai, các gia đình binh sĩ đi đầu, du kích và nhân dân vừa tiếp tục tiến công vừa kêu gọi binh lính địch trở về với nhân dân.

Trong đêm 14/9/1960, địch tăng cường phòng thủ, du kích tiếp tục tấn công, ném lựu đạn, bắn tỉa làm tiêu hao quân địch. Ngày 15/9/1960, lực lượng ở đây quyết tâm xông vào vây chiếm bót. Hoảng sợ trước sức mạnh nhân dân vùng dậy, tề xã và dân vệ đồn MỹLong tan rã, đầu hàng; Cùng thời gian này nhân dân Hiệp Thạnh, Hiệp Mỹ cùng nổi dậy tiến công địch bằng sức mạnh ba mũi giáp công. Sáu giờ chiều 15.9.1960, đồn Hiệp Thạnh đầu hàng. Đêm 15.9 địch ở đồn Hiệp Mỹ rút chạy. Ta vây bắt gọn từ sáng 16.9. Ba xã hoàn toàn giải phóng.

 Ba tháng Đồng khởi, Trà Vinh giải phóng hoàn toàn 12 xã với 189 ấp, được hoàn toàn giải phóng; giải phóng cơ bản 7 xã và 150 ấp. Chính quyền tự quản ở cơ sở được thành lập lấy tên là Ủy ban giải phóng; Ta thu trên 100 súng… xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh, quận, tổng, hội đồng xã, ấp đến ngũ gia liên bảo; phân loại từng gia đình theo “quốc gia”, lưng chừng, theo “Việt cộng” để quản lý; hình thành các tổ chức đảng phái như Đảng cần lao, nhân vị; phong trào cách mạng quốc gia; thanh niên cộng hoà, phụ nữ cộng hoà; xây dựng 02 khu trù mật Lo Co và Long Vĩnh mà địch dày công xây dựng, đã bị phá lỏng, dân trở về chỗ cũ ổn định cuộc sống ở quê nhà.

Phát huy tinh thần Đồng Khởi, về “thế trận lòng dân”, “ý Đảng và lòng dân”. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm “hành động” và “tăng tốc”, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh, đồng bộ trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ của tỉnh. Với tinh thần nỗ lực “hành động”, toàn Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Nắm chắc thời cơ, hành động quyết liệt, sáng tạo, bứt phá, phát triển nhanh và bền vững”.

Để thực hiện tốt phương châm nêu trên, thì cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Ðảng về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; Từng ngành, địa phương xác định những nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá để hành động nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét…

Hai là, sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng, hiệu quả giữa các ngành, các cấp; xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất ở từng ngành, từng địa phương, đơn vị; xây dựng tư tưởng tiến công đẩy mạnh toàn diện phong trào thi đua, nhiều phong trào hành động cách mạng thiết thực, quyết tâm giành những thắng lợi to lớn và toàn diện.

Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tóm lại, Kỷ niệm 60 năm ngày Trà Vinh Đồng khởi (14/9/1960 – 14/9/2020) là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Trà Vinh ôn lại lịch sử hào hùng, truyền thống vẻ vang quê hương dân tộc. Mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, và đặc biệt là thế hệ trẻ cần giữ gìn và phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra từ thực tiễn phong trào, để những trang sử vẻ vang của dân tộc được viết tiếp không ngừng với những chiến công mới, thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Đồng thời qua phong trào còn có tính, giáo dục truyền thống cho thế hệ những người đang tiếp nối hôm nay và mai sau tiếp bước phát huy mạnh mẽ truyền thống phong trào "Đồng khởi" năm xưa; tiếp tục trau dồi, rèn luyện, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, cùng chung sức, chung lòng thi đua thực hiện thắng lợi phong trào “Đồng Khởi mới”, chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp”. Nhất là thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình, cần phấn đấu nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa, xứng đáng nhiều hơn nữa, bằng những việc làm cụ thể hiệu quả, thiết thực trong xây dựng quê hương.

                                                                   Thu Sương - Thanh Nga

                                                                   Khoa Xây dựng Đảng

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 18
  • Trong tuần: 5 031
  • Tất cả: 589719
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này