VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ DÂN TỘC KHMER TỈNH TRÀ VINH
     Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được xem là vấn đề then chốt,  là khâu đột phá  trong phát triển kinh tế xã hội. Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhất là đối với dân tộc thiểu số.  Thực hiện tư tưởng của Bác, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay đảng bộ tỉnh Trà  Vinh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc người Khmer và đã đạt được những thành tựu nhất định. Đội ngũ cán bộ dân tộc người Khmer tỉnh  Trà Vinh ngày càng phát triển về chất và lượng và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc

          Cán bộ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, thực thi các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước. Có thể nói  đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thành công hay thất bại là do cán bộ, bởi chính cán bộ là người thực thi chính sách, kế hoạch đến người dân. Vì vậy có thể xem cán bộ là cầu nối giữa cơ chế, chính sách với thực tiễn cuộc sống. Cán bộ quan trọng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lại càng đóng vai trò thiết yếu. Trong bản di chúc 1969,  chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

          Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Bất cứ chính sách gì, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Theo người công việc quan trọng của đảng cầm quyền, trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta là huấn luyện cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ phải tập trung giải quyết các vấn đề: huấn luyện ai? ai huấn luyện? huấn luyện gì? huấn luyện thế nào? Đối tượng huấn luyện  đó là cán bộ chuyên môn của chính quyền, đoàn thể nhân dân ờ mọi cấp, mọi địa phương. Với người “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.136).  Trong công tác huấn luyện người đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các tộc người thiểu số: "Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay"  (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.11, tr.523). Người muốn nhấn mạnh đến sự giúp đỡ của cán bộ người kinh với anh em các địa phương nhưng sự giúp đỡ đó phải làm sao cho anh em có thể “tự lực cánh sinh”, tự mình sau đó có thể đảm đương công việc mà không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác. giúp đỡ để anh em địa phương hoàn thiện kỹ năng chứ không phải bao biện làm theo. Người cũng thể hiện sự tin tưởng vào khả năng, vào sự tiến bộ của cán bộ địa phương, dân tộc nếu như có sự dìu dắt giúp đỡ:  “Ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc. Dù lúc đầu cán bộ địa phương, dân tộc trình độ thấp, kinh nghiệm ít, công tác chưa tốt, cán bộ lãnh đạo phải dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày chắc chắn họ sẽ tiến bộ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.377).

          Trong khi nhấn mạnh vai trò của cán bộ dân tộc thiểu số, chủ tịch hồ chí minh không quên vai trò của phụ nữ. người cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng là bảo vệ quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Người khẳng định “Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.377) đối với các cấp chính quyền người thường xuyên nhắc nhở phải  chú trọng đến công tác phát triển đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số. “Trong mọi mặt hoạt động cách mạng, phụ nữ các dân tộc thiểu số đều có đóng góp lớn lao.” Vì vậy người cho rằng phải hết sức quan tâm đến việc phát triển đảng, đào tạo giúp đỡ cán bộ nữ dân tộc thiểu số.  “Đảng ủy các cấp ở miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần phải đào tạo và giúp đỡ cán bộ phụ nữ các dân tộc. Đó là nhiệm vụ mà Trung ương và Bác giao cho các đồng chí phải làm cho tốt”.

Như vậy có thể thấy, tư tưởng  Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là cán bộ dân tộc thiểu số. Ngoài việc đánh giá đúng vai trò, khả năng của cán bộ địa phương nói chung người còn quan tâm đến công tác cán bộ đối với phụ nữ dân tộc thiểu số. Quan điểm tư tưởng đúng đắn của Người thể hiện tinh thần đoàn kết phát huy sức mạnh của các tộc người trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là bài học cần kíp trong công tác cán bộ hiện nay nhất là trong tình hình các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

          2. Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc

          Kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số những năm qua đảng, nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số cả về số lượng và chất lượng.

          Tại Đại hội đại biểu toàn quôc lần thứ I (3-1935), Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Nghị quyết về công tác trong các dân tộc thiểu số. Đến tháng 4-1947, hội nghị cán bộ Trung ương  nhấn mạnh: “Đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ người thiểu số và nâng đỡ cán bộ ấy, đưa họ vào cơ quan chỉ đạo địa phương”. (ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.196.) Đến ngày 29-12-1955, Tiểu Ban Dân tộc ở Trung ương được thành lập theo Nghị quyết số 03-NQ/TW của Ban Bí thư. Tiểu ban dân tộc có nhiệm vụ trực tiếp phụ trách đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.

          Sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW Ngày 15-11-1977 Về công tác dân tộc ít người ở các tỉnh miền Nam trong tình hình hiện nay. Chỉ thị nêu rõ “Tích cực đào tạo cán bộ dân tộc ở địa phương, đồng thời điều thêm cán bộ nơi khác tăng cường cho các vùng dân tộc. Tiếp tục lựa chọn, giáo dục và sử dụng hợp lý những công chức và trí thức dân tộc ít người do chế độ cũ để lại” (ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.38, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.457).

          Tại hội nghị Trung ương 7 khóa IX Đảng đã ban hành nghị quyết về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới. Nghị quyết chỉ ra nhiệm vụ cấp bách: “Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc”  (ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.4).  Bên cạnh đó Đại hội XII còn xác định: “Tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII).

          Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII tiếp tục kế thừa và phát huy tư tưởng về công tác cán bộ dân tộc thiểu số ở các đại hội trước.  Đại hội xác định “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc”.

          Có thể thấy ngay từ rất sớm Đảng đã quan tâm đến vấn đề phát triển cán bộ dân tộc thiểu số và xác định đ6y là một trong những nhiệm vụ chiến lược. thực hiện chủ trương đường lối của đảng, trong những năm qua nhà nước đã quan tâm đến các cơ chế, chính sách đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số.

          Các Luật và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành như: Luật Cán bộ, công chức (năm 2008), Luật Viên chức (năm 2010), Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT.

          Ngày 11/9/2014,  Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc ban hành thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBD quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số chính sách về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam.

          Đến ngày 14/32016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới. Đề án nhằm “Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ năng lực nghiệp vụ, góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước”.

          Gần đây, các chính sách mới đối với công chức viên chức người dân tộc thiểu số được ban hành với Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018. nghị định thể hiện việc ưu tiên trong tuyển dụng, nâng ngạch thăng hạng  công viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

          3. Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc người Khmer trong giai đoạn hiện nay

          Học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối chính sách của đảng, nhà nước về công về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc, những năm qua Đảng bộ tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm đến vấn đề chăm lo, phát triển đời sống cũng như đào tạo, huấn luyện, sử dụng cán bộ người dân tộc Khmer trong việc xây dựng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

          Trà Vinh có gần 328.000 người dân tộc Khmer, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng bào dân tộc người Khmer tỉnh Trà Vinh đã có nhiều đóng góp lớn lao trong sự nghiệp cách mạng của tỉnh.  Chính vì vậy ngay từ khi tách tỉnh, đảng bộ đã chú trọng đến công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, Tỉnh Ủy đã ban hành các nghị quyết:  Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 13-10-1992; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10-10-2003, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 09-9-2011 và kết luận số 01-KL/TU ngày 16-6-2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy khóa IX .

          Ngày 18/10/2016 ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định số 2196/qđ – ubnd thực hiện quyết định số 402/QĐ – TTg về đề án phát triển đội ngũ cán bộ công chức viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỷ mới. sau đó ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành quyết định số 2594/qđ – ubnd ngày 5/12/2016 về kế hoạch thực hiện nghị quyết số 52/nq/cp của chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đếnnăm 2030.

          Công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được các cấp ủy đảng rất quan tâm. Toàn tỉnh có 7328 đảng viên người Khmer chiếm tỷ lệ 16,81 % tổng số đảng viên toàn tỉnh. Trong năm 2018 kết nạp được 1632 đảng viên trong đó dân tộc khmer 321 người chiếm 19,66% tỷ lệ đảng viên được kết nạp. Đến nay, 100% ấp, khóm toàn tỉnh có chi bộ, đảng viên là người tại chỗ, 408 chi bộ có đảng viên là người Khmer. Tỉnh đã có 5.982 đảng viên người Khmer, chiếm gần 16% trong tổng số đảng viên toàn đảng bộ tỉnh, tỷ lệ các đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đạt chuẩn trong sạch, vững mạnh ngày càng tăng.

          Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ các cấp ủy luôn quan tâm đến cán bộ người dân tộc Khmer. Tỉnh đã dần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ người Khmer cả về chất lượng và số lượng. Theo đó các cán bộ này được bố trí sử dụng đúng năng lực, sở trường công tác.  Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người Khmer ngày càng tăng. Tỷ lệ cán bộ là người Khmer chiếm 17,5% hệ thống chính trị của tỉnh. Tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc tỉnh chủ trương bố trí cán bộ dân tộc Khmer giữ một trong các chức vụ chủ chốt của thường trực cấp ủy hoặc Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân.

          Trong 5 năm trở lại đây, Trà Vinh đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 12.000 lượt cán bộ, trong đó có gần 2.000 cán bộ người dân tộc Khmer, đạt hơn 16%; chủ động mở các lớp: cao cấp lý luận chính trị tại tỉnh dành riêng cho cán bộ dân tộc người Khmer, lớp đại học chuyên ngành tôn giáo - dân tộc, lớp đào tạo cán bộ dự nguồn ở cấp xã, phường, thị trấn; đưa đi đào tạo sau đại học 18 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành Đề án đào tạo nguồn cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ sau đại học ở nước ngoài (gọi tắt Đề án Trà Vinh - 100), hiện nay có 3 cán bộ, công chức người dân tộc Khmer tham gia Đề án này. Cùng với việc tập trung đào tạo nguồn cán bộ trong hệ thống chính trị, tỉnh đã mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị phổ thông cho sư sãi, thành viên ban quản trị các chùa Khmer ở địa phương. Một chủ trương đang từng bước mang lại hiệu quả là tiếp tục thực hiện tốt chính sách của tỉnh về tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở xã, phường, thị trấn, đến nay đã thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học có ngành, nghề phù hợp về công tác ở xã, phường, thị trấn, tổng số hiện đang công tác hơn 300 người, trong đó có 34 người dân tộc Khmer,... Tỉnh đã bổ nhiệm 149 cán bộ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, trong đó có 9 người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 6,04%; bổ nhiệm 618 cán bộ giữ chức trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương, trong đó có 44 người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 7,11%. Hiện nay, số lượng cán bộ người dân tộc Khmer giữ các vị trí quan trọng trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 6 đồng chí, chiếm 10,9%; Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 3 đồng chí, chiếm 20%; Ban Thường vụ các huyện ủy và tương đương có 9 đồng chí, chiếm 7,14%; trưởng, phó phòng thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh có 49 đồng chí, chiếm 7,29%. Riêng cấp xã, phường, thị trấn có 80 đồng chí giữ vị trí bí thư, phó bí thư thường trực đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân. Số lượng đại biểu được bầu vào Quốc hội ở tỉnh Trà Vinh và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 bảo đảm về mặt cơ cấu đại biểu dân tộc, đạt 22,89% đại biểu là người dân tộc Khmer… Đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng.

          Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc khmer được các cấp, các ngành tỉnh đặc biệt quan tâm, nên đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh nói chung và cán bộ người Khmer nói riêng đã, đang và sẽ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh vẫn còn những khó khăn: nguồn nhân lực cán bộ dân tộc Khmer còn hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu hụt lớp cán bộ kế thừa; công tác đào tạo thiếu đồng bộ, chưa có giải pháp đột phá trong tạo nguồn để bồi dưỡng và quy hoạch tạo nguồn cán bộ. Điều đó đặt ra cho đảng bộ tỉnh  những yêu cầu cấp thiết về nhiệm vụ, giải pháp trong chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer nhất là trong việc đào tạo, bồi dưỡng.

                                                                                                                ThS. Nguyễn Thị Thu Sương

                                                                                                             Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 5 021
  • Tất cả: 589709
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này