Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
0:00 / 0:00

ThS. Lê Thị Hồng Gấm          
                                                                            Giảng viên Khoa NN&PL        

         Phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng ta đã tiếp tục khẳng định rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Đời sống mới để đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.

         1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đời sống mới

         Ngày 3/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 44 thành lập Ban Trung ương vận động đời sống mới và một năm sau (ngày 20/3/1947), với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xuất bản tác phẩm “Đời sống mới”. Ngoài lời Tựa, tác phẩm được kết cấu thành 19 phần, đánh số thứ tự La mã từ I đến XIX, với dung lượng gần 5.800 từ, trình bày theo dạng hỏi - đáp. Tác phẩm trình bày một cách cặn kẽ, cơ bản nội dung của đời sống mới, từ khái niệm, mục đích, đối tượng của đời sống mới; hướng dẫn cách thức thực hành đời sống mới trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể; định hướng phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới một cách vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.

         Nội dung xây dựng Đời sống mới, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm hai vấn đề chính: Xây dựng con người mới và xây dựng xã hội mới toàn diện.

         Thứ nhất, là xây dựng con người mới: Cần, kiệm, liêm, chính, có lối sống lành mạnh, văn minh. Bác chỉ rõ, người là “gốc của làng nước”, nếu “mỗi người đều tốt” thì “làng tốt” và “nước sẽ mạnh”. Vì vậy, để xây dựng con người mới, mỗi cá nhân cần: Sốt sắng yêu Tổ quốc, làm những việc có lợi cho nước, việc gì hại đến nước phải tránh; sẵn lòng làm công ích; không tham lam, kiêu căng, trung thực, có tinh thần phụ trách khi làm việc và không ngừng học tập để tiến bộ.

         Thứ hai, là xây dựng xã hội mới toàn diện trên tất cả các hoạt động của đời sống xã hội như: Trong một nhà, một làng, trong trường học, bộ đội, trong công sở và trong nhà máy. Trong một nhà, cần chú trọng tinh thần và vật chất, phải trên thuận dưới hòa, đối với mọi việc phải có kế hoạch, ngăn nắp và hăng hái làm gương. Trong một làng thì cần tổ chức hợp tác xã cho hoạt động sản xuất, loại bỏ những phong tục không tốt, xóa mù chữ, giữ gìn vệ sinh thật tốt. Trong trường học, cần chú trọng dạy đạo đức cho học sinh, biết kính trọng sự cần lao, rèn luyện sức khỏe và tham gia việc tăng gia sản xuất. Trong bộ đội, phải kỷ luật cực kỳ nghiêm, siêng tập luyện, biết tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh, ai cũng biết chữ, biết ít nhiều về chính trị, tăng gia sản xuất, giúp đỡ dân, làm cho dân phục, dân tin và dân yêu. Trong các công sở, vì là làm việc cho dân nên sẽ có ít hoặc nhiều quyền hành, vì vậy phải làm gương cho việc thực hành đời sống mới; để không trở thành con sâu mọt của dân cần phải giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính. Trong nhà máy thì chủ và thợ cần hợp tác chặt chẽ để tăng năng suất và cùng nhau hưởng lợi ích, góp phần phát triển lợi ích nước nhà.

         “Đời sống mới” theo quan niệm của Hồ Chí Minh là “không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, cái gì cũng phải làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, thì phải sửa đổi cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”[1]. Bản chất xây dựng đời sống mới là chúng ta phải sửa đổi những công việc rất phổ thông như: “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”[2]. Chỉ có bắt đầu sửa đổi từ những nhu cầu cơ bản nhất của con người: ăn, mặc, ở,… mới có thể thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng đời sống mới với mục đích là làm cho đời sống nhân dân ta được đầy đủ hơn về vật chất và tinh thần.

         Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 70 năm trước đã tạo nên động lực to lớn thúc đẩy kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ngày nay, lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

         2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nông thôn mới địa bàn tỉnh Trà Vinh

         Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 6/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Trong đó, có 04 huyện công nhận theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020, gồm: huyện Tiểu Cần, Cầu Kè (đang xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, đánh giá theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025: Cầu Kè và Tiểu Cần đạt 9/9 tiêu chí), Càng Long (đánh giá theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đạt 6/9 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí chưa đạt gồm tiêu chí số 2 về Giao thông; tiêu chí số 5 về Y tế - Văn hóa - Giáo dục; tiêu chí số 7 về Môi trường), Châu Thành (đánh giá theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đạt 8/9 tiêu chí, còn lại tiêu chí số 07 về Môi trường chưa đạt); 02 huyện công nhận theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, gồm: huyện Cầu Ngang và Duyên Hải). Còn lại 01 huyện (huyện Trà Cú), hiện tại đạt 9/9 tiêu chí, đang hoàn thành hồ sơ trình Trung ương thẩm định.

         Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn như: Cơ sở vật chất nhà văn hóa cơ sở một số nơi được xây dựng kiên cố, nhưng vẫn chưa phát huy hết công năng về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, thể dục thể thao. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế các xã thiếu tính bền vững. Tình hình an ninh trật tụ ở địa bàn nông thôn từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp. Công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện tốt nhưng thiếu tính bền vững. Vẫn còn một số ít hộ nghèo, cận nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa tích cực, chủ động phát triển kinh tế hộ gia đình để vươn lên thoát nghèo; Việc tham gia xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới hiệu quả chưa cao. Một số hạng mục công trình bị xuống cấp chưa kịp thời cho công tác đầu tư xây dựng nâng cấp cải tạo, cảnh quan môi trường một số nơi thiếu bền vững và sau khi được công nhận thì ít được quan tâm, chăm sóc duy trì.

         Giải pháp vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời gian tới

         Thứ nhất, quán triệt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Chuyên đề 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tỉnh Trà Vinh”. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Chuyên đề 2024 nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và nhân dân thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tỉnh Trà Vinh góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp, giàu bản sắc văn hóa. Tập trung sự chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực để tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025”

         Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn; củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về nông nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn. Lãnh đạo cấp ủy được phân công thường xuyên xuống địa bàn phụ trách để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới

 Thứ ba, tiếp tục xác định công tác tuyên truyền, vận động là việc làm thiết thực, thường xuyên và liên tục. Các ngành, các cấp tổ chức quán triệt, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ quan điểm chỉ đạo, mục đích, yêu cầu nội dung giải pháp trong xây dựng nông thôn mới. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tiên phong, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng.

         Thứ tư, tập trung nâng cao trình độ tay nghề lao động, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, huy động các nguồn lực để tiếp tục phát triển hạ tầng nông thôn. Thực hiện huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn xã, ấp, ưu tiên đối với các lĩnh vực: Giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch,…Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án của Trung ương đảm bảo đồng bộ, tránh trùng lắp, lãng phí. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, huy động nguồn lực tại chỗ, vận động các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Tận dụng nâng cấp các công trình hiện có, bảo tồn các công trình lịch sử, văn hóa.

         Thứ năm, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng nông thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của việc áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ trong thí điểm mô hình. Khi tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân sẽ từng bước được tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài. Khi xem xét quá trình tham gia của người dân trong các hoạt động trong phát triển nông thôn, phát huy vai trò của người dân thể hiện ở các nội dung: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi.

         Thứ sáu, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cần được thực hiện thường xuyên, sâu sát, phát hiện và nhân rộng các mô hình hiệu quả, những cách làm hay, đồng thời cảnh báo, xử lý kịp thời những lệch lạc, bất cập. Công tác kiểm tra, giám sát toàn diện kể cả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tập trung cao vào các nội dung, như: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động và sử dụng nguồn lực; thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn mới; kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

         Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, công cuộc xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh đã làm thay đổi nhận thức và vai trò làm chủ của nhân dân, đổi mới và thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn trên địa bàn tỉnh, cơ sở hạ tầng xây dựng đồng bộ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn cải thiện và nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân, tạo ra diện mạo mới cho nông thôn, sức sống mới cho nông nghiệp, nhận thức mới cho nông dân và trên đà hướng tới mục tiêu xây dựng Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh, hiện đại. Đây cũng chính là những tiền đề quan trọng để giữ vững, củng cố ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiếp tục phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tạo môi trường và động lực để Trà Vinh phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb. CTQG, HN. 2011, tr. 112,113.

         [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb. CTQG, HN. 2011, tr. 113.

         Ban tuyên giáo Tỉnh ủy (2024) Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Chuyên đề 2024 “về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tỉnh Trà Vinh”.

         Sở Nông nghiệp và phát triển Nông Thôn tỉnh Trà Vinh (2023). Báo cáo tổng kết xây dựng nông thôn mới 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 2024.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 208
  • Trong tuần: 5 221
  • Tất cả: 589909
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này