Tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam

ThS. Phạm Quốc Việt         
                                                                   Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng  

          Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân Việt Nam kính trọng, tôn vinh và được thế giới biết đến là vị anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Bao nhiêu đó cũng đủ thấy được tầm vóc vĩ đại, vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói riêng và sự phát triển của nhân loại nói chung. Người đã dành cả đời mình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ngày nay, sự nghiệp của Người tiếp tục được các thế hệ cách mạng và người dân Việt Nam kế tục và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng cho thấy, mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

         Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của một cá nhân yêu nước kiệt xuất, sinh ra trong lòng dân tộc và tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại để định hướng và lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên những thắng lợi vẻ vang, tạo ra những thành tựu mang tính bước ngoặt lịch sử. Vai trò, tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc và đất nước là vô cùng to lớn, điều này thể hiện khái quát ở một số điểm như sau:

         Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử - xã hội Việt Nam.

         Ngày 05/6/1911, xuất phát từ hoài bão lớn lao của một thanh niên yêu nước trong bối cảnh nhân dân Việt Nam phải sống kiếp nô lệ dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, Người ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay trắng. Ba mươi năm bôn ba khắp thế giới của Người thật sự là một hành trình vĩ đại. Lĩnh hội được chủ nghĩa Mác – Lênin và qua nhiều năm tìm hiểu các phong trào cách mạng thế giới, Người xác định rằng chỉ có cách mạng vô sản, là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc Việt Nam. Từ đó, Người kiên định đi theo con đường giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vận dụng vào công cuộc đấu tranh của nhân dân ta một cách rất tự nhiên nhưng vô cùng phù hợp. Khi nhiều tầng lớp nhân dân vẫn chưa hiểu được xã hội chủ nghĩa là gì và vẫn đang bế tắc, cam chịu số phận nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến; khi nhiều phong trào đấu tranh vẫn chưa có hướng đi phù hợp thì sự xuất hiện của lãnh tụ Hồ Chí Minh và con đường mà Người tìm ra đã làm thay đổi tất cả. Từ việc xây dựng lực lượng cách mạng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, xác định nhiệm vụ căn bản, chiến lược và đề ra đường lối đấu tranh đến khi tiến hành cách mạng thắng lợi, xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh như người đạo diễn tài ba đoán định, sắp xếp và lãnh đạo thực hiện một cách hoàn hảo.

         Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tập hợp, quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

         Đoàn kết thật sự là sức mạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam và đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung quan trọng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh. Người khẳng định đoàn kết là lực lượng mạnh nhất, là sức mạnh vô địch, là lực lượng then chốt của thành công. Nếu như nhiều nhà lãnh đạo các phong trào yêu nước đương thời chưa tập hợp được lực lượng xã hội đông đảo và sớm dẫn đến thất bại thì Hồ Chí Minh đã cho thấy khả năng quy tập quần chúng một cách tài tình. Trên nền tảng liên minh công – nông, Người chỉ rõ rằng lực lượng đại đoàn kết dân tộc gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, các ngành, các giới, các lứa tuổi, các dân tộc, các tôn giáo,… sống trên lãnh thổ Việt Nam. “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, độc lập, dân chủ thì chúng ta đều thật thà đoàn kết với họ.”[1]. Chính quan điểm tập hợp lực lượng rộng rãi, vừa có tính chọn lọc, vừa tận dụng tối đa nguồn lực con người của đất nước đã tạo nên một lực lượng quần chúng lớn mạnh để đưa phong trào cách mạng dù trải qua bao nhiêu gian khổ, hy sinh thì cuối cùng vẫn đạt được thắng lợi. Trong lịch sử dân tộc, chưa một cá nhân nào có thể tập hợp được sự ủng hộ rộng rãi, kết tụ được tình cảm của quần chúng như chủ tịch Hồ Chí Minh.

         Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp lãnh đạo, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc.

          Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và có uy tín cao trong toàn Đảng, toàn dân nên Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người có đủ bản lĩnh, sức mạnh để chèo lái con thuyền cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Người không chỉ lựa chọn đúng thời điểm để thực hiện cách mạng mà còn có khả năng tiên đoán diễn biến, chiều hướng vận động của lịch sử một cách tài tình. Ngày 28/1/1941, sau gần 30 năm bôn ba nước ngoài, Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng cả nước. Trong bối cảnh chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945) đang diễn biến theo chiều hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam, Người dự báo: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác xây dựng lực lượng cách mạng, phát động phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra sôi nổi. Đến tháng 8/1945, nhận thức rõ thời cơ đã đến, chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa. Đáp lại lời kêu gọi đó, toàn thể nhân dân ta trên khắp mọi miền đã đồng loạt đứng lên khởi nghĩa và thắng lợi rực rỡ.

         Sau khi nước ta giành được độc lập (1945), Pháp ngay lập tức quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến để vận động toàn dân đứng lên đánh Pháp. Người lựa chọn chiến khu Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng, tại đây, Người tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện lực lượng và trực tiếp lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta trong 9 năm kháng chiến chống Pháp để giành thắng lợi cuối cùng bằng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954). Theo Hiệp định Geneva, Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất trong năm 1956, nhưng Mỹ âm mưu chia cắt nước ta khi bảo hộ cho việc lập chính quyền tay sai ở miền Nam, ngang nhiên phá vỡ Hiệp định. Nhân dân ta lại tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong thời gian này, chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo đường lối kháng chiến, xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh để chi viện nhân lực, tài lực, vật lực cho miền Nam. Dù đến cuối đời, Người vẫn chưa kịp chứng kiến miền Nam giải phóng, đất nước hoàn toàn độc lập, giang sơn thu về một mối, nhưng những tư tưởng lúc sinh thời và những lời gửi gắm mà Người để lại trong Di chúc thật sự là ngọn đèn sáng và nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

         Thứ tư, tư tưởng của Người là một bộ phận tạo nên nền tảng tư tưởng của Đảng, là lý luận soi đường để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

         Cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, là tài sản tinh thần to lớn, quý giá của Đảng và cách mạng Việt Nam. Di sản mà Người để lại có ý nghĩa quyết định cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh bao trùm hầu hết các lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam và luôn là lý luận soi đường để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vận dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng.

         Đảng ta đã nghiên cứu, đánh giá đúng đắn vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII (1991), Đảng đã khẳng định tầm quan trọng và chính thức sử dụng cụm từ “tư tưởng Hồ Chí Minh” trong văn kiện chính thức của Đảng và xác định rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.”[2]. Đại hội nêu rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta, và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng ta và của cả dân tộc.”[3]. Đảng đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh … tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với mỗi người dân Việt Nam là vô cùng gần gũi, gắn liền với tình cảm yêu thương vô hạn của nhân dân đối với Bác, bởi công lao to lớn và đạo đức cách mạng trong sáng của Người. Vì vậy, nói tư tưởng Hồ Chí Minh là phù hợp với thực tế cách mạng nước ta, phù hợp với nguyện với của toàn Đảng, toàn dân ta.”[4].

         Việc lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cũng được ghi nhận trong hai văn kiện rất quan trọng của Đảng và Nhà nước là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013. Từ nhận thức đi đến hành động, Đảng đã hệ thống hóa tư tưởng Hồ Chí Minh và giáo dục, phổ biến tư tưởng ấy trong toàn Đảng, toàn dân. Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được xây dựng một cách khoa học, chặt chẽ và được đưa vào các văn kiện của Đảng cũng như tài liệu giáo dục chính trị sử dụng thống nhất cả nước.

         Hiện nay, trong bối đất nước ta đang trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ cũng có không ít những khó khăn, thách thức, nhất là các nguy cơ, thách thức mà Đảng ta đã chỉ ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 01/1994) đến nay vẫn còn hiện hữu, thậm chí tính chất còn nghiêm trọng hơn, trong đó có nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa và nguy cơ “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch (đặc biệt chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng)…. Chính vì vậy, tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định một cách nhất quán: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[5].

         Thứ năm, cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của lãnh tụ Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực để cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân học tập và làm theo.

         Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, Đảng và Nhà nước ta cần có một con người đủ uy tín, tầm ảnh hưởng để làm tấm gương soi rọi cho cán bộ, đảng viên qua nhiều thế hệ. Và tấm gương sáng nhất không ai khác là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Mỗi mẩu chuyện về Người là một bài học quý giá cho các thế hệ cán bộ, đảng viên. Cả cuộc đời vì nước vì dân, không một phút giây tư lợi cho bản thân của Người là lời nhắc nhở cho mỗi cán bộ, đảng viên trước những cám dỗ của cuộc sống ngày nay.

         Có thể nói, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn cần thiết đối với mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Phong cách lãnh đạo lúc sinh thời và những tư tưởng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân mà Hồ Chí Minh để lại mãi mãi là khuôn mẫu, mực thước để Đảng, Nhà nước ta vận dụng vào công cuộc lãnh đạo và quản lý đất nước trong thời chiến cũng như thời bình. Đạo đức vĩ đại trong con người bình dị của Người là hình mẫu cho từng cá nhân trong xã hội học tập, làm theo.

         Thứ sáu, tình cảm, niềm tin, sự tri ân đối với chủ tịch Hồ Chí Minh chính là động lực để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

         Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một sự nghiệp vĩ đại, chưa có tiền lệ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang thực hiện. Đã có thời điểm, chúng ta đứng trước những thách thức vô cùng to lớn với thù trong giặc ngoài, sự chống phá của các thế lực phản cách mạng, cũng như thách thức nội tại từ chính con đường, hướng đi của chúng ta. Sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta đã có những sai lầm trong quản lý, đặc biệt duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, dẫn đến khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị xã hội nghiêm trọng. Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng hoang mang, dao động trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu. Nhưng chính trong những thời điểm khó khăn ấy, niềm kính yêu, tri ân lãnh tụ Hồ Chí Minh, quyết tâm không để di sản của Người bị hủy hoại có thể nói là một động lực tinh thần to lớn để Đảng, Nhà nước đã có những quyết định sáng suốt đưa nhân dân ta vượt qua tất cả. Dù Bác đã đi xa, nhưng sức mạnh tinh thần mà Người truyền lại vẫn hiện hữu trong bao thế hệ người Việt Nam.

         Ngày nay, niềm tự hào về một lãnh tụ vĩ đại được cả thế giới tôn trọng và vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới” sẽ giúp nhân dân ta nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, khẳng định niềm tự tôn dân tộc để tiếp tục phấn đấu xây dựng đất nước phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Người nhắn nhủ. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc khơi dậy khát vọng, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh trong toàn Đảng, toàn dân. Để làm được điều đó, chúng ta phải vừa tiếp thu những thành tựu tinh hoa của thế giới trên tất cả các lĩnh vực, vừa tạo dựng cho mình bản sắc riêng trên trường thế giới. Và tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nền tảng lý luận tạo nên bản sắc ấy, cuộc đời và sự nghiệp của Người là yếu tố củng cố niềm tin và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Hình ảnh Hồ Chí Minh đã trở thành đại diện cho tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam. Những gì mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tạo dựng được trong mắt bạn bè quốc tế cần được các thế hệ người Việt Nam kế cận phát huy và lan tỏa./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021.

         2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019), Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hà Nội (2019).

         3. Lệ Thu, Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.  https://tinhuyquangtri.vn/vai-tro-cua-chu-tich-ho-chi-minh-voi-viec-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam

 


[1] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp Lý luận Chính trị Nội dung cơ bản của Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2021, tr 82.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 127.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 127.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 128.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t1, tr 33.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 293
  • Trong tuần: 2 938
  • Tất cả: 591459
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này