Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện nay

ThS. Sơn Thị Thanh Loan     
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

         Trong quá trình phát triển của nhân loại, mỗi nấc thang tiến bộ đều in đậm công lao đóng góp của phụ nữ. Từ rất lâu, sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động sản xuất vật chất, quản lý xã xã hội được xem là một trong những thước đo của một xã hội văn minh, phát triển.

         Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới…”. 

         Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã quan tâm quán triệt và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh về công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị. Nhờ đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ ở Trà Vinh có sự chuyển biến tích cực, số lượng cán bộ nữ và năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên. 

         1. Những chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ nữ

         Ngay từ đầu, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin đã ý thức rất sâu sắc về mối quan hệ giữa sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản với trình độ giải phóng, phát triển và sự tham gia của phụ nữ trong xã hội cũng như trong hoạt động lãnh đạo, quản lý đất nước. Cho rằng, việc thu hút phụ nữ tham gia quá trình quản lý đất nước, quản lý xã hội là rất cần thiết và là yêu cầu khách quan.

         Ở Việt Nam, sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm tới phụ nữ và công tác cán bộ nữ. Người căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”.

         Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo luôn coi giải phóng phụ nữ, sự tham gia của phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý là vấn đề quan trọng, được khẳng định và bổ sung phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Cụ thể, ngày 10/01/1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 153-NQ/TW về công tác cán bộ nữ, khẳng định: sự nghiệp giải phóng phụ nữ là trách nhiệm chung của toàn Đảng, của Nhà nước và xã hội. Song, lực lượng phụ nữ, trong đó đội ngũ xung kích là lực lượng cán bộ nữ ở tất cả các lĩnh vực phải phát huy vai trò chủ động của mình. Phong trào phụ nữ càng phát triển thì đội ngũ cán bộ phụ nữ càng có điều kiện để phát triển mạnh mẽ, và ngược lại, sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ sẽ có tác động lớn đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Các cấp, các ngành cần nhận rõ vị trí và vai trò vô cùng trọng yếu của đội ngũ cán bộ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng nói chung, sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng. Điều đó cho thấy, Đảng ta rất chú trọng đến việc xây dựng và phát triển cán bộ nữ, hướng đến sự bình đẳng nam nữ.

         Để đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, ngày 12/7/1993, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW xem xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là nhiệm vụ có tính chiến lược trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết khẳng định: việc giải phóng phụ nữ là mục tiêu và nội dung quan trọng của công tác đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Việc giải phóng phụ nữ phải được thực hiện trên cơ sở cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, nâng cao vị trí xã hội của phụ nữ. Với mục tiêu xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, có kiến thức, năng động, sáng tạo, biết làm giàu chính đáng; quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng; có lòng nhân hậu. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ và công tác phụ nữ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, của từng gia đình và xã hội. 

         Ngày 16/5/1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW, về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới. Chỉ thị xác định nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, đồng thời phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Từ đó, Chỉ thị nhấn mạnh vấn đề quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ có thể làm việc và phát triển tài năng và đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên nữ.

         Ngày 27/04/2007, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW, và trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta đã ban hành nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, Đảng ta chủ trương xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Nghị quyết đã đưa ra chỉ tiêu cán bộ nữ tham gia các cấp ủy đảng các cấp phải đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt từ 35% đến 40%. Các cơ quan đơn vị có tỉ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Nghị quyết cũng chỉ ra những biện pháp cụ thể về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Đặt công tác tạo nguồn cán bộ nữ trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Ưu tiên tuyển dụng cán bộ lao động nữ có trình độ, chăm lo bồi dưỡng phát triển tài năng nữ.

         Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII tổng kết 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được ban hành với mục tiêu đến năm 2030: Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20% đến 25%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.

         Trong Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta xác định: Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng chủ trương: “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”… Những quan điểm, chủ trương trên thể hiện sự quan tâm của Đảng ta về công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

         Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của phụ nữ và sự tham gia của đội ngũ cán bộ nữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương từ tỉnh đến cơ sở, thời gian qua Đảng bộ tỉnh Trà Vinh luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ nữ. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ nữ tỉnh Trà Vinh luôn đảm bảo về số lượng, cơ cấu và chất lượng.

         Nhằm phát huy hơn nữa vị trí, vai trò, khả năng đóng góp của cán bộ nữ trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, Tỉnh uỷ Trà Vinh đã ban hành Đề án số 05-ĐA/TU ngày 17/11/2022 về tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, trên địa bàn tỉnh với quan điểm xem việc xây dựng, bố trí cán bộ nữ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý là một yêu cầu khách quan, bảo đảm đội ngũ cán bộ có tính kế thừa, liên tục và phát triển; xây dựng, bố trí cán bộ nữ là trách nhiệm của các cấp ủy và của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy, người đứng đầu đóng vai trò quan trọng; trong xây dựng, bố trí cán bộ nữ cần dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và tính chủ động trong công tác cán bộ nhằm tạo bước đột phá mới về công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

         2. Về đội ngũ cán bộ nữ tỉnh Trà Vinh

         Trà Vinh, địa phương ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích tự nhiên 2.390,8 km, dân số hơn 01 triệu người; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, với 106 xã, phường, thị trấn, 756 ấp, khóm. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở là 11.402 đồng chí, chiếm tỷ lệ 53,5% đội ngũ cán bộ, công chức toàn tỉnh. Cán bộ nữ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý là 1.382 đồng chí, chiếm tỷ lệ 12,12%. Trong đó, cấp tỉnh có 246 đồng chí, chiếm tỷ lệ 17,80%; cấp huyện có 441 đồng chí, chiếm tỷ lệ 31,91%; cấp xã có 695 đồng chí, chiếm tỷ lệ 50,28%.

         Về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, ý thức trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ nữ không ngừng nâng lên, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.

         Tuy nhiên, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của cán bộ nữ tham gia các hoạt động chính trị, xã hội tuy có nâng lên nhưng còn hạn chế. Ở một số ngành, địa phương đội ngũ cán bộ nữ vẫn còn hụt hẫng. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, cơ quan lãnh đạo các cấp và giữ chức danh lãnh đạo, quản lý nhìn chung còn thấp, chất lượng có mặt chưa cao. Một số cấp ủy, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến việc chủ động từ xa công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ nữ.

         Xuất phát từ thực trạng trên, để nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ phát huy năng lực, trí tuệ, sở trường công tác Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo: Đối với cấp tỉnh, phải có 15% trở lên cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ; 20% tỷ lệ cán bộ nữ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; có ít nhất 01 cán bộ nữ trong thường trực cấp ủy hoặc Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh; 30% trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương và 30% trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương là nữ. Đối với cấp huyện, 15% trở lên cán bộ nữ trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện phải có ít nhất 01 cán bộ nữ; Trưởng, phó phòng và tương đương thuộc cấp huyện, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ 25% trở lên. Đối với cấp xã, tỷ lệ cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã cũng phải chiếm tỷ lệ 15% trở lên. Cán bộ chuyên trách cấp xã và công chức cấp xã phải có 30% trở lên cán bộ là nữ.

         3. Giải pháp

         Để xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đạt tiêu chuẩn, tạo bước chuyển biến tích cực, đột phá đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

         Thứ nhất, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ. Kịp thời cụ thể hóa, thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ trong tình hình mới, từ đó có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng, luân chuyển, đề bạt cán bộ nữ. Thực hiện tốt Đề án về tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ chất lượng, đủ về số lượng, tiêu chuẩn. Thực hiện đồng bộ từ khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, trẻ hóa đội ngũ cán bộ dựa trên cơ sở bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển, giữ vững đoàn kết nội bộ và mạnh dạn bố trí cán bộ nữ có năng lực vào các vị trí lãnh đạo. Hàng năm, khi tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức có quy định phần trăm tỷ lệ là nữ. Phấn đấu từng bước tăng hợp lý tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, Thường vụ cấp ủy và đại biểu Hội đồng nhân dân ở các địa phương.

         Thứ hai, rà soát đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, chỉ đạo thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ theo quy định, bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ trước mắt và lâu dài. Khi cần thiết, cấp ủy cấp trên có thể chỉ định cán bộ nữ để quy hoạch cho cấp dưới; thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giới thiệu những nhân tố mới là cán bộ nữ có triển vọng để xem xét bổ sung vào quy hoạch cán bộ đối với từng cấp. Cần thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả kết quả quy hoạch cán bộ, khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào chức danh nào thì trước hết phải chọn những cán bộ được quy hoạch vào chức danh đó.

         Thứ ba, xây dựng và phê duyệt quy hoạch nguồn cán bộ nữ vào các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm tỷ lệ theo quy định; định kỳ hàng năm tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Thực hiện việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ đúng theo quy hoạch đối với cán bộ nữ bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định khi bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử, bầu cử giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý. Mạnh dạn bố trí cán bộ nữ nhất là cán bộ trẻ tuổi đã được đào tạo cơ bản, tuy trước mắt còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm thực tiễn nhưng có triển vọng phát triển tốt. Đồng thời chỉ đạo củng cố, kiện toàn bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ khi có sự thay đối và tiếp tục bố trí, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ở những nơi còn thiếu để báo dẩm hoạt động hiệu quả. Thực hiện nghiêm và có hiệu quả kết quả quy hoạch cán bộ, khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào chức danh nào thì trước hết phải chọn những cán bộ được quy hoạch vào chức danh đó.

         Thứ tư, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trong quy hoạch đạt chuẩn cả về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị theo mục tiêu đã đề ra. Bố trí, tạo điều kiện, cơ hội để cán bộ nữ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc... nhằm đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu, tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh đảm nhiệm. Quan tâm đào tạo sau đại học đối với cán bộ nữ được đánh giá có năng lực nổi trội, uy tín, triển vọng phát triển tốt (ưu tiên cán bộ dưới 40 tuổi); tránh tình trạng cục bộ, bảo thủ, không tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia đào tạo.

         Thứ năm, tăng cường luân chuyển cán bộ nữ thuộc diện quy hoạch từ tỉnh về huyện, từ tỉnh, huyện về xã giữ các chức danh chủ chốt hoặc trưởng, phó phòng cấp huyện để rèn luyện, nâng cao năng lực thực tiễn. Đối với cán bộ nữ xét thấy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện việc đề bạt, bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử, bầu cử giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý đã được quy hoạch.

         Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, chỉ đạo thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ theo quy định, bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ nhiệm kỳ 2025 - 2030 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Đảm bảo sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giới thiệu những nhân tố mới là cán bộ nữ có triển vọng để xem xét bổ sung vào quy hoạch cán bộ đối với từng cấp. Vận dụng quy định về chế độ, chính sách để thực hiện theo hướng ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ trong việc tuyển dụng, cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và luân chuyển công tác.

         Tóm lại, phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng để phát triển xã hội, vì thế xã hội cần phải giải phóng phụ nữ khỏi sự ràng buộc gia đình, lôi cuốn phụ nữ tham gia công việc xã hội. Những chủ trương, quan điểm về công tác cán bộ nữ trên đây là cơ sở quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị của tỉnh, góp phần hình thành nên đội ngũ cán bộ nữ với phẩm chất tốt, năng lực cao và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ “Tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước các cấp; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của con người Trà Vinh. Phấn đấu Trà Vinh đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030”[6], góp phần cùng cả nước thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

2. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.

3. Đảng bộ Tỉnh Trà Vinh: Văn kiện Đại hội Đảng bộ Tỉnh Trà Vinh, lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025

4. Tỉnh uỷ Trà Vinh: Đề án số 05-ĐA/TU ngày 17-11-2022 “tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh”.

5. Ngọc Thảo (2023), Trà Vinh ban hành Đề án “Tạo nguồn, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh", https://www.xaydungdang.org.vn/can-bo/tra-vinh-ban-hanh-de-an-tao-nguon-quy-hoach-bo-tri-su-dung-can-bo-nu-can-bo-nguoi-dan-toc-khmer-tren-dia-19204, truy cập ngày 01/7/2023.

6.  Đảng bộ Tỉnh Trà Vinh: Văn kiện Đại hội Đảng bộ Tỉnh Trà Vinh, lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 19
  • Hôm nay: 371
  • Trong tuần: 3 016
  • Tất cả: 591537
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này