Một số giải pháp góp phần phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay

ThS. Phạm Quốc Việt         
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

         Suy thoái tư tưởng chính trị là thuật ngữ được Đảng ta sử dụng nhiều trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và được chính thức sử dụng lần đầu tiên trong Văn kiện Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (2/1999), biểu hiện là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng và con đường mà Đảng ta đã lựa chọn; nghi ngờ vai trò cũng như năng lực lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

         Phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27-2-2012, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt sâu sắc rằng: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở chỗ: Phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.

         Suy thoái về đạo đức, lối sống là sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.

         Tại Hội nghị Trung ương bốn khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và đánh giá rất sâu sắc về tình hình công tác xây dựng Đảng, trong đó đề cập rất thấu đáo về thực trạng đang diễn ra trong Đảng, đó là vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,… của một bộ phận cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng Đảng, đòi hỏi cần phải nhanh chóng ngăn chặn và đẩy lùi. Từ đó, Hội nghị đi đến thống nhất ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đã phản ánh đầy đủ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị (9 biểu hiện), đạo đức, lối sống (9 biểu hiện), làm cơ sở để tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nhận diện và khắc phục, sửa chữa, góp phần làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.  

         Có thể nói, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là rất đa dạng, muôn màu, muôn vẻ. Tuy nhiên, biểu hiện tập trung nhất, cao nhất và nguy hiểm nhất của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là tham nhũng chính trị, thối rữa tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.

         Nhận diện dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Cán bộ, đảng viên có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, là những người đề ra và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã có không ít những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển, cũng như năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

         Đặc biệt qua các kỳ đại hội và hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ta đều đánh giá tính chất, mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...[1]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng một lần nữa chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn...[2]. Tại Hội nghị Trung ương bốn (khóa XIII), Đảng ta kết luận: “Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” còn diễn biến phức tạp[3].

         Từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong thời gian qua đã minh chứng cho những đánh giá của Đảng ta là rất sâu sát tình hình thực tế, đã có nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ, đảng viên cấp cao rơi vào suy thoái. Những vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra gần đây như vụ án liên quan kid xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Việt Á hay vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) liên quan đến “chuyến bay giải cứu”,… tất cả những cán bộ, đảng viên có liên quan đều đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội.

         Tình trạng trên làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Do vậy, Trung ương yêu cầu phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

         Giải pháp phòng, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên trong thời gian tới.

         Một là, tăng cường, đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.

         Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Đảng ta; có tác động mạnh mẽ đến cán bộ, đảng viên nhằm tuyên truyền và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Qua đó, hình thành ở đội ngũ cán bộ, đảng viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhân sinh quan cách mạng; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, củng cố và nâng cao niềm tin vào con đường phát triển của đất nước và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, trong đó chú trọng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên để họ có nhận thức và hành động đúng đắn, khoa học những vấn đề do thực tiễn đặt ra, định hướng, dẫn dắt cán bộ, đảng viên hướng đến thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với những hành vi sai trái đi ngược lại lợi ích của đất nước, dân tộc. 

         Mặt khác, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đôn đốc cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ mọi mặt, tạo sức đề kháng tốt để  phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức đảng cần triển khai sâu rộng, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW (Hội nghị Trung ương bốn khóa XIII) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

         Hai là, thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt.

         Các cấp ủy, tổ chức đảng phải hết sức coi trọng tự phê bình và phê bình, là biện pháp tốt nhất để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng; sự phê bình và tự phê bình một cách thẳng thắn, trung thực, trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau là một phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị các căn bệnh do suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gây ra. Do đó, trong sinh hoạt đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần phát huy dân chủ, nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính khách quan, trung thực, chân thành và công khai, tinh thần thẳng thắn, dũng cảm trong tự phê bình và phê bình, nhất là đối với những hành vi sai trái, thiếu chuẩn mực gây ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tập thể, tổ chức và xã hội. Cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, a dua, sưu nịnh, gió chiều này theo chiều đó… Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với hoạt động tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng cấp dưới để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình, góp phần phòng, chống có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

         Bên cạnh đó, cần phải phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Muốn vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần quan tâm tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, phấn đấu, đi đầu trong mọi hoạt động, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, không va vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ địa phương, tham nhũng, tiêu cực. Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về trách nhiệm của bản thân đối với tổ chức, với nhân dân, gia đình và xã hội. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. 

         Ba là, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị.

         Tham nhũng, tiêu cực là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống, gây tác hại rất lớn đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mọi giai đoạn cách mạng. Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ, tham nhũng làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước; đe do sự ổn định, phát triển đất nước, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (1/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta, và đến nay tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ (Đại hội XIII). Tham nhũng và suy thoái về chính trị cũng như đạo đức đang trở thành vật cản lớn cho thành công của sự nghiệp đổi mới, cho sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

         Chính từ tác hại của tham nhũng, tiêu cực, nên từng cơ quan, đơn vị muốn đảm bảo cho tổ chức của mình trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức liêm chính, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta, đòi hỏi phải kiên quyết thực hiện phòng, chống tham nhũng có hiệu quả trong cơ quan, đơn vị của mình. Muốn vậy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các quy định có liên quan đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xảy ra tại cơ quan, đơn vị mình quản lý.

         Cùng với việc chống tham nhũng, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải kiên quyết phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Cần phải xây dựng quyết tâm chính trị cao trong từng tổ chức của hệ thống chính trị để kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị luôn trong sạch, vững mạnh, tổ chức đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để đảm đương tốt vai trò lãnh đạo của mình.

         Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, đảm bảo cho các quy định của Đảng, Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả.

         Đảng ta chỉ rõ: “Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công khai kết quả để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa[4]. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp Nhà nước; việc chấp hành, thực hiện Nghị quyết Trung ương  4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 109 - QĐ/TW ngày 03/01/2018 của Ban Bí thư về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, và một số quy định, văn bản khác của Đảng liên quan đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, chú trọng kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ chủ trì; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng. Thông qua kiểm tra, giám sát, góp phần làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về tác hại của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Từ đó, có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt nhằm ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên./.



[1] Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 21.

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 185.

[3] Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 38.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 134
  • Trong tuần: 5 147
  • Tất cả: 589835
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này