Bước ngoặt cách mạng, khoa học trong sự ra đời của phép biện chứng duy vật

ThS. Thạch Trần Thị Cầm    

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

         Phép biện chứng duy vật được hình thành cùng với sự ra đời của triết học Mác nói riêng và chủ nghĩa Mác nói chung vào những năm 40 của thế kỉ XIX đã đánh dấu một bước ngoặt khoa học, cách mạng đối với lịch sử triết học. Từ đây con người không chỉ nhận thức đúng đắn về thế giới mà còn tham gia vào “cải tạo thế giới”.

         Phép biện chứng duy vật là một bộ phận lý luận cơ bản hợp thành phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác – Lênin, là học thuyết về mối liên hệ phổ biến và sự phát triển: “Phép biện chứng… là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy”1, là công cụ quan trọng và đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới. Khắc phục những hạn chế của phép biện chứng tự phát thời cổ đại, kế thừa những tinh túy của phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức, phép biện chứng duy vật ra đời đã đánh dấu bước ngoặt cách mạng, khoa học và sáng tạo trong lịch sử phát triển của phép biện chứng.

         Tính khoa học của phép biện chứng duy vật thể hiện ở sự khái quát một cách đúng đắn những quy luật vận động và phát triển chung nhất của thế giới, nó không chỉ là học thuyết về mối liên hệ và sự phát triển mà nó còn chỉ ra nguồn gốc, cách thức và khuynh hướng của quá trình phát triển. Bản chất khoa học của phép biện chứng duy vật không chỉ thể hiện ở hệ thống quy luật chung nhất của thế giới mà nó phản ánh, mà còn thể hiện ở chức năng thế giới quan và phương pháp luận khoa học trong mọi hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Rõ ràng là, phép biện chứng duy vật đã đem lại cho khoa học hiện đại một phương pháp luận đúng đắn trong việc xem xét, lý giải bản thân sự phát triển của chính thế giới vật chất. Hơn nữa, phép biện chứng duy vật đã cung cấp cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn những phương pháp luận đúng đắn giúp con người chọn lựa phương pháp hoạt động phù hợp và tối ưu nhất.

         Tính cách mạng của phép biện chứng duy vật thể hiện ở những quan điểm khác về chất so với những lý luận về phép biện chứng trước đó. Những khẳng định của phép biện chứng duy vật là những luận điểm tiến bộ, mang tính chất của một cuộc cách mạng trong tư duy, lý luận, cụ thể ở trong lĩnh vực triết học. Tuy nhiên, tính cách mạng của phép biện chứng duy vật không tách rời tính khoa học của nó, tính khoa học đóng vai trò cơ sở của tính cách mạng, đảm bảo cho tính cách mạng gắn liền với sự sáng tạo và khả năng hiện thực hóa.

         Tính bước ngoặt khoa học, cách mạng trong sự ra đời của phép biện chứng duy vật còn biểu hiện ở một số nội dung sau:

         Thứ nhất, phép biện chứng duy vật ra đời có sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan duy vật biện chứng với phương pháp luận biện chứng duy vật. Những khẳng định của phép biện chứng duy vật để thừa nhận bản chất của thế giới là vật chất, thế giới thống nhất ở tính vật chất và xem xét thế giới vật chất trong sự vận động, biến đổi và phát triển không ngừng, các yếu tố của thế giới vật chất tác động, chuyển hóa lẫn nhau thông qua những mối liên hệ giữa các mặt đối lập trong một tiến trình không ngừng đấu tranh – trong đó cái cũ mất đi, cái mới ra đời khác về chất so với cái cũ.

         Ngày nay, sự phát triển của khoa học tự nhiên đã cung cấp những luận cứ vững chắc cho những luận điểm của phép biện chứng duy vật. Thực nghiệm khoa học đã chứng minh, từ những thành phần rất nhỏ của thế giới vi mô (electron, proton, lepton, mezon, barion, quark,…) đến những thành phần to lớn của thế giới vĩ mô (sao, hành tinh, thiên thể,…) đều là những dạng tồn tại của vật chất, vật chất vô cùng, vô tận về cấu trúc và dạng. Trong thế giới vi mô, mọi quá trình biến hóa nhân quả đều tuân theo sự chi phối của quy luật lượng – chất (p + n 1H2 +γ; 92U235+ 0n1  36Kr91 + 56Ba14230n1,….). Những dạng vật chất với mâu thuẫn sóng – hạt, trường – chất (nghịch lý lượng tử) vừa liên tục, vừa gián đoạn, trong chất có trường, trong trường có chất là minh chứng cho quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Vật chất có thuộc tính cố hữu là vận động và gắn liền với các hình thức tồn tại là không gian, thời gian đã được thuyết tương đối của Albert Einstein và thực nghiệm khoa học kiểm chứng.

         Thứ hai, phép biện chứng duy vật chỉ ra những phương pháp luận khoa học cho hoạt động nhận thức và thực tiễn. Phương pháp luận là hệ thống quan điểm, nguyên tắc xác định phương pháp, phạm vi ứng dụng phương pháp, lựa chọn phương pháp, v.v.. cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người một cách tối ưu nhất. Phép biện chứng duy vật cung cấp các phương pháp luận như: quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử cụ thể, quan điểm thực tiễn, quan điểm phát triển giúp con người xác định được phương pháp cụ thể phù hợp, tối ưu cho hoạt động nhận thức và thực tiễn của mình.

         Thứ ba, phép biện chứng duy vật là sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn. Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có mục đích mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Phép biện chứng duy vật trước Mác đều chưa thấy vai trò thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức và tiêu chuẩn của chân lý, chưa nhận thức hết ý nghĩa thực tiễn cao nhất của triết học là hướng đến phát triển xã hội và giải phóng con người. Do đó, phép biện chứng trước Mác tách rời lý luận và thực tiễn. Phép biện chứng duy vật không chỉ là lý luận khoa học, phản ánh bản chất, quy luật của sự vận động và phát triển của thế giới, mà quan trọng hơn đó là học thuyết nhằm cải tạo thế giới. Vì vậy, sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của phép biện chứng duy vật. Mác viết: “vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan không, hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận mà là một vấn đề thực tiễn...Sự tranh cãi về tính hiện thực hay tính không hiện thực tư duy tách rời thực tiễn, là một vấn đề kinh viện thuần túy”3. Mác còn chỉ ra rằng: “các nhà triết học trước kia chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới” 4.

         Lý luận của phép biện chứng gắn bó mật thiết với sự đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ trong hành trình tiến tới giải phóng giai cấp và con người khỏi áp bức, bóc lột.  Phép biện chứng duy vật ra đời đã “đem lại sự giận dữ và kinh hoàng cho giai cấp tư sản và bọn tư tưởng gia giáo điều của chúng…, vì trong quan niệm tích cực về cái hiện đang tồn tại, phép biện chứng đồng thời cũng bao hàm cả quan niệm về sự phủ định cái hiện đang tồn tại đó, về sự diệt vong tất yếu của nó; vì mỗi hình thái đã hình thành đều được phép biện chứng xét trong sự vận động, tức là xét cả mặt nhất thời của hình thái đó, vì phép biện chứng không khuất phục trước một cái gì cả, và về thực chất thì nó có tính chất phê phán và cách mạng”5.

         Thứ tư, phép biện chứng duy vật liên minh chặt chẽ với sự phát triển của khoa học tự nhiên. Phép biện chứng duy vật cung cấp thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn, định hướng cho sự nghiên cứu của khoa học tự nhiên: “...Triết học đã đi trước khoa học tự nhiên trên nhiều lĩnh vực, và bằng những tư tưởng đúng đắn, bằng những dự kiến thiên tài, triết học đã không những vạch đường cho khoa học tự nhiên tiến lên và giúp cho khoa học tự nhiên phương hướng và những công cụ nhận thức để khắc phục những khó khăn trở ngại vấp phải trên đường đi của mình...”2. Đúng như Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “Chỉ có phép biện chứng mới có thể giúp cho khoa học tự nhiên vượt khỏi khó khăn về lý luận”3. Ngược lại, khoa học tự nhiên cung cấp: “những tài liệu nhận thức về tự nhiên và mỗi lần có một phát minh vạch thời đại, ngay cả trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, thì chủ nghĩa duy vật không tránh khỏi thay đổi hình thức của nó...”4. Nhờ những bước tiến vượt bậc của khoa học nhất là trong vật lý, hóa học, sinh học nên cuối cùng thì những quan điểm lạc hậu, duy tâm, siêu hình về thế giới tự nhiên bị đánh đổ, nhường đường cho quan điểm tiến bộ, khoa học, cách mạng của phép biện chứng duy vật. Ph.Ăngghen viết: “Quan niệm mới về giới tự nhiên đã được hoàn thành trên những nét cơ bản: tất cả những gì cứng nhắc đều bị tan ra, tất cả cái gì cố định đều bị biến thành mây khói, và tất cả những gì đặc biệt mà người ta cho là tồn tại vĩnh cửu thì đã trở thành nhất thời; và người ta đã chứng minh rằng toàn bộ giới tự nhiên đều vận động theo một dòng và một tuần hoàn vĩnh cửu”5.

         Thứ năm, cũng như toàn bộ học thuyết Mác, phép biện chứng duy vật mang tính mở. Những quan điểm của phép biện chứng duy vật luôn khẳng định biện chứng khách quan quyết định biện chứng chủ quan, mặt khác biện chứng chủ quan cũng có tính độc lập tương đối của nó. Biện chứng khách quan thể hiện quá trình vận động, biến đổi không ngừng của thực tại khách quan, thực tiễn và như vậy biện chứng chủ quan phải thực sự là tư duy biện chứng: “chúng ta không hề coi lý luận của Mác như một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng của môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”6 và Ph.Ănghen cũng nhắc nhở rằng: “lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”7. Và do vậy, nâng cao nhận thức, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, phép biện chứng duy vật nói riêng trong giai đoạn thực tiễn mới chính là trân trọng và bảo vệ tinh thần khoa học, cách mạng của phép biện chứng duy vật.

         Tóm lại, sự ra đời của học thuyết Mác nói chung, triết học Mác với phép biện chứng duy vật nói riêng đã đánh dấu một bước ngoặt khoa học, cách mạng trong tư duy triết học với sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật; cung cấp những phương pháp luận khoa học cho hoạt động nhận thức và thực tiễn; thống nhất giữa lý luận với thực tiễn; liên minh chặt chẽ với sự phát triển của khoa học tự nhiên; mang tính mở. Chính bản chất khoa học, cách mạng đã làm nên cội nguồn sức sống của phép biện chứng duy vật cũng như triết học mác, chủ nghĩa mác trong thời đại ngày nay./.



[1] C.Mác và Ph.Ăngnghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, t.20, tr.201

[2] Nguyễn Văn Nghĩa, Về Mối quan hệ giữa Triết học và Khoa học tự nhiên, Nxb Khoa học xã hội, H.1973.

[3] Sđd, T.20, tr.489

[4] C.Mác và Ph.Ăngghen, Tuyển tập, tập 2 – Nxb Sự Thật, H.1962, tr.606

[5] C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, NxbCTQG-ST, H.1994, T.20, tr.471.

[6] V.I.Lênin. Toàn tập, t.4. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.232

[7] C. Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.796.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 212
  • Trong tuần: 5 225
  • Tất cả: 589913
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này