TRÀ VINH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC
Trà Vinh là tỉnh đồng bằng ven biển, nằm trên vùng đất hạ lưu sông Cửu Long có đặc điểm sinh thái đa dạng và tài nguyên thiên thiên phong phú. Gồm nhiều dân tộc sinh sống: Dân tộc kinh, khmer, Hoa, Chăm, Ấn… trong đó dân tộc Khmer có 329.662 người (89.429 hộ), chiếm 31,53%; có 59/106 xã, phường, thị trấn, là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông nhất khu vực Tây Nam bộ, là cộng đồng dân tộc sống gần gũi, đoàn kết, gắn bó với nhau tạo nên sức mạnh chống giặc ngoại xâm và cải tạo thiên nhiên, lao động sản xuất, ngày nay trong xây dựng quê hương Trà Vinh, các dân tộc tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, giúp đỡ nhau trong lao động sản suất, trong tổ chức cuộc sống, giúp nhau thoát nghèo. 

Để tăng cường đoàn kết, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác dân tộc từ Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991, của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ( khóa XII ) về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc khmer trong tình hình mới. Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành các Nghị quyết quan trọng về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer như: Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 13/10/1992, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/10/2003 về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc khmer, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 09/9/2011 về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc khmer giai đoạn 2011- 2015,  kết luận số 01-KL/TU ngày 16/6/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy khóa IX để chỉ đạo phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, tạo sự chuyển biến trong đồng bào dân tộc Khmer trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó, đời sống vật chấ, văn hóa tinh thần của đồng bào ngày càng nâng lên, nhiều chính sách phát triển văn hóa được triển khai thực hiện, văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách dân tộc, các cấp, các ngành đã tổ chức triển khai quán triệt cho cán bộ chủ chốt các cấp, trong đoàn viên, hội viên, chức sắc tôn giáo, người có uy tín và các tầng lớp Nhân dân quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua Tỉnh Trà Vinh đã triển khai và đầu tư bằng các chương trình, chính sách, dự án đề án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc như: chương trình 135 đầu tư xây dựng được 358 công trình, hỗ trợ thực hiện 326 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình cho 6.250 hộ hưởng lợi. Tổng kinh phí chương trình 135 là 282.455 triệu đồng. Hỗ trợ đất sản xuất cho 3.063 hộ, diện tích 1.003.888,60 m2, kinh phí 98.60 triệu đồng, Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quyết định 2085/QĐ-TTg, năm 2019, từ nguồn vốn vay của Trung ương  đã giải ngân cho 192 hộ và ngân sách của Tỉnh hỗ trợ cho 161 hộ đất ở. Hỗ trợ nhà ở theo quyết định số 33/2015/QĐ-TTg cho 5.139 hộ khmer xây dựng nhà ở…Từ sự quan tâm đầu tư, triển khai thực hiện chính sách dân tộc đã tạo điều kiện cho đồng bào khmer an tâm sản xuất, đời sống không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân năm 2018 đạt 43,65 triệu đồng/người, đẩy mạnh; tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi có năng xuất, chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình sản xuất trong đồng bào dân tộc khmer đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc có bước phát triển, đời sống từng bước được cải thiện, tăng thêm thu nhập, kết cấu hạ tầng cơ sở; Điện, đường, trường, trạm được đáp ứng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều trong vùng đồng bào dân tộc khmer đạt kết quả đáng kể, trong ba năm ( 2016 – 2019 ) tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 11,58 % (đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là 22,62% với 19.782 hộ, đến cuối năm 2018 giảm còn 11,04 %, tương ứng với 10.090 hộ, bình quân mỗi năm giảm 3,86 %, tương đương 3.230 hộ).

Chính sách dân tộc có đối tượng tác động, nội dung, nhiệm vụ rất rộng lớn và có quan hệ mật thiết với rất nhiều chính sách khác, lĩnh vực khác. Bởi vậy trong nhận thức không thể tách biệt, cô lập tuyệt đối thành một chính sách riêng lẻ. Trên thực tế, các nội dung, nhiệm vụ của chính sách dân tộc xen kẽ lẫn nhau trong hệ thống chính sách chung của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Chính sách dân tộc gắn bó hữu cơ với các chính sách kinh tế, văn hóa, chính sách xã hội, chịu sự tác động của chính sách chung, đồng thời nó luôn tác động trở lại đối với chính sách đó, từ sự phân tích trên cho ta thấy việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc ở Trà vinh phải được cụ thể và phải gắn bó chung với việc triển khai thực hiện các chính sách khác và để thực hiện tốt chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi các cấp lãnh đạo cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

- Về nhận thức: Phải nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức Chính trị - xã hội, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp ủy Đảng, cần phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Tập trung tuyên tuyền có trọng điểm, nhất là việc tuyên dương, nêu gương người tốt, việc tốt; các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số, nhân các ngày lễ lớn của đất nước, ngày sinh hoạt truyền thống của đồng bào khmer, phát huy dân chủ ở cơ sở. Phương pháp và nội dung tuyên truyền cần được đổi mới theo phương châm: tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc, sử dụng nhiều phương thức phù hợp gắn với đặc thù của vùng đồng bào dân tộc, kết hợp với việc phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc trong thực hiện chính sách dân tộc.

- Về chính sách đối với cán bộ: Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Các sở, ban ngành và các cấp uỷ, chính quyền địa phương phải xây dựng qui hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc khmer về trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời có chính sách khuyến khích thu hút số trí thức trẻ mới ra trường về công tác ở vùng đồng bào dân tộc. Khuyến khích cán bộ công tác trong vùng đồng bào dân tộc phải tự học, nói được tiếng nói của dân tộc, nắm vững truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

- Thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc: Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đầu tư giúp đỡ về vốn, vật tư, khoa học kỹ thuật… để đồng bào mạnh dạn ứng dụng nâng cao năng suất, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, Chương trình giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đề án giảm nghèo bền vững đến năm 2020 trong đó tập trung chỉ tiêu giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đào tạo nghề, giải quyết việc làm: tập trung đào tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số gắn với giải quyết các vấn đề trình độ dân trí thấp thông qua công tác phổ cấp giáo dục nhằm tiếp tục nâng cao dân trí, đồng thời phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, các phong tục tập quán sản xuất tiến bộ, loại bỏ tập quán canh tác lạc hậu chỉ dựa vào kinh nghiệm thuần túy của bản thân mà không chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh và mở rộng công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa về công tác xuất khẩu lao động cho người lao động là dân tộc thiểu số.

Từ kết quả của việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã góp nâng phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn và phát huy sản sắc văn hóa dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Nhờ vậy đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp./.

                                                                                                                                                                              Lê Tuyết Hằng
                                                                                                                                                                             Phó Hiệu trưởng

 

 

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 355
  • Trong tuần: 3 105
  • Tất cả: 592806
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này