Nhận diện một số cơ hội, thách thức tác động đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện nay.
0:00 / 0:00

ThS. Lê Thị Bích Ngọc     
                                                                    Khoa Nhà nước và pháp luật

         Thế giới vừa bước qua năm 2023 với muôn vàn khó khăn, đầy sóng gió trên nhiều phương diện kinh tế, chính trị. Về kinh tế, xuất hiện những “cơn gió ngược” làm suy giảm tăng trưởng, thương mại và đầu tư toàn cầu, trong khi nợ xấu tăng, lạm phát ở một số quốc gia vẫn duy trì ở mức cao; thời tiết cực đoan và dịch bệnh trên diện rộng…đã ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế, nhất là các nền kinh tế mới vừa thoát đáy khủng hoảng. Về Chính trị, những biến động chính trị lớn, xung đột vũ trang đã làm thay đổi cục diện địa chính trị thế giới, thúc đẩy nhanh sự hình thành trật tự thế giới mới.

         Trong nước, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều yếu tố bất lợi từ môi trường kinh tế - chính trị bên ngoài, nhưng cả hệ thống chính trị cùng với toàn dân quyết tâm hành động và tổ chức triển khai thực hiện mạnh mẽ nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 do Quốc hội đề ra. Hoạt động kinh tế đang từng bước khôi phục sau đại dịch Covid -19, tăng trưởng kinh tế tuy thấp so với kế hoạch nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn chung, thì mức tăng trưởng 5,05% là hợp lý, quy mô kinh tế đạt 430 tỷ USD; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25% đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là thành quả lớn nhất; tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2,28%, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động khoảng 2,01%; đời sống của hộ dân cư được cải thiện; công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực, những kết quả đạt được tiếp tục tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024.

         Là tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn do nội lực hạn chế, quy mô kinh tế nhỏ, sức chống chịu của nền kinh tế kém thì sự tác động từ các yếu tố không thuận bên ngoài là một thách thức lớn của Trà Vinh khi triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023. Nhưng với phương châm “Đoàn kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Đột phá, Phát triển” Trà Vinh đã về đích ngoạn mục, đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, thực hiện đạt và vượt 23/23 chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,25%, đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, quy mô kinh tế khoảng 83.375tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người là 81,75 triệu đồng; huy động vốn xã hội được 32.011 tỷ đồng, giữ vững cân đối thu chi ngân sách; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, trong đó ghi nhận mức đóng góp rất lớn của khu vực dịch vụ. Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, mặc dù năm 2023 còn bộn bề bao khó khăn vì mới bước ra khỏi đại dịch Covid-19, nhưng Trà Vinh cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, cầu thị và chân thành lắng nghe các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, quyết liệt hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp, ở mọi thành phần kinh tế. Trong năm phát triển mới 520 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 4.409 tỷ đồng, thu hút 10 dự án đầu tư; tạo ra việc làm mới cho hơn 24.943 lao động và đưa 155.000 lao động làm việc ở nước ngoài, những kết quả trên đã góp phần rất lớn vào việc ổn định đời sống người dân, đảm bảo tốt an sinh xã hội. 

         Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp Trà Vinh đã để lại dấu ấn rất đậm nét về sự nổ lực, vươn lên, “vượt khó tiến cùng”, với tinh thần không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng phá bỏ mọi giới hạn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn vững lòng tin, chắc tay chèo từng bước tháo gỡ khó khăn, vừa giữ vững thế chủ động trên mặt trận kinh tế, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần rất lớn thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, thời gian tới tình hình trong và ngoài nước tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, nhận diện những cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động của doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

         * Những cơ hội:

         - Những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2023 tiếp tục tạo đà cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nhất là năm 2024 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tăng tốc mạnh mẽ cho năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Trà Vinh nhiệm kỳ 2021 - 2025.

         - Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 nhằm khôi phục kinh tế, hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp, thực hiện an sinh xã hội cho người lao động bắt đầu phát huy hiệu lực, hiệu quả, sẽ tiếp tục tạo nguồn lực, động lực và dư địa cho doanh nghiệp hoạt động, người lao động an tâm làm việc;

         - Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính, phản ánh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS được nâng lên, trong đó, chỉ số PCI tăng 25 bậc; chỉ số PGI (chỉ số xanh) cấp tỉnh năm 2022 Trà Vinh đứng đầu cả nước, tất cả những điều trên đã tạo nhiều thuận lợi, hỗ trợ và tiết kiệm rất lớn chi phí, thúc đẩy phát triển nhanh doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nổ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Trà Vinh.

         - Hài hòa lợi ích chủ - thợ. Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp đôi khi không thuận lợi, ảnh hướng đến lợi nhuận của doanh nghiệp và việc làm của người lao động; nhưng doanh nghiệp vẫn chia lửa khó khăn với người lao động, duy trì việc làm và giờ làm ở mức hợp lý, đảm bảo mức lương cơ bản cho người lao động; điều này đã tạo ra sự gắn bó chặt chẽ, tinh thần đoàn kết giữa doanh nghiệp và người lao động, tiếp tục củng cố niềm tin của người lao động vào cộng đồng doanh nghiệp.

         * Những thách thức

         - Những thay đổi nhanh chóng, khó lường từ tình hình kinh tế, chính trị bên ngoài tiếp tục tác động tiêu cực vào kinh tế trong nước nói chung và Trà vinh nói riêng. Hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn cả đầu vào (thiếu nguyên vật liệu do đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số thị trường); và đầu ra do tổng cầu suy giảm ảnh hưởng trực tiếp đến đơn hàng của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động, ảnh hưởng thu nhập và đời sống người lao động, điều này tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội;  khi một bộ phận người lao động không trụ được phải về nông thôn, vừa làm gia tăng tình tạng thiếu việc làm ở nông thôn, vừa tạo ra sự thiếu hụt lao động cục bộ ở một số doanh nghiệp.

         - Lạm phát thế giới có thể tăng, là một thách thức lớn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, trong bối cảnh các ngân hàng thương mại không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, tạo áp lực gia tăng chi phí đầu vào, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là khi có đến hơn 98% doanh nghiệp ở Trà Vinh có quy mô vừa và nhỏ đây là đối tượng gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương khi sức chống chịu kém, dẫn đến nguy cơ giải thể, thậm chí phá sản.

         - Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuy đã đi vào thực tế nhưng một số chính sách vẫn còn chậm triển khai thực hiện, hoặc triển khai thực hiện chưa hiệu quả làm giảm động lực phấn đấu của doanh nghiệp, lãng phí nguồn lực của Nhà nước;                                                         

         - Chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chi trả còn cao; thủ tục hành chính còn rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí làm gia tăng chi phí cơ hội của doanh nghiệp; môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù có nhiều cải thiện, nhưng chưa thật sự thông thoáng, chưa hấp dẫn nhà đầu tư: tính minh bạch của cơ chế, chính sách chưa cao; tính năng động của chính quyền địa phương còn thấp; đào tạo lao động chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp…

         * Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

         - Các sở, ban ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai thực hiện các chính sách để hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp, bao gồm thị trường đầu vào và đầu thị trường đầu ra. Đối với thị trường đầu vào: giảm ngay chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua giảm các loại thiếu, phí, lệ phí; hỗ trợ xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ thị trường bên ngoài; tháo gỡ các vướng mắc về chính sách nhất là chính sách tín dụng để kịp thời hỗ trợ nguồn lực vốn cho doanh nghiệp. Đối với thị trường đầu ra: đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, kích thích tiêu dùng và mở rộng tổng cầu nội địa, xem đây là bệ đỡ trong duy trì và mở rộng thị trường đầu ra cho doanh nghiệp; Trung tâm xúc tiến đầu tư cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, quảng bá hình ảnh sản phẩm ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường có giá trị gia tăng cao.

         - Cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần phải phối hợp nhịp nhàng, thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm cải thiện nhanh môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung vào cải các chỉ số như PAR INDERX, PAPI, SIPAS, PCI, chỉ số phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin… nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, tăng tính dân chủ, giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của doanh nghiệp trong việc tuân thủ thủ tục hành chính; người đứng đầu các cấp, sở ban ngành nên thường xuyên tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để cầu thị lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

         - Các sở, ban ngành và địa phương cần phải tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, nhất là dự báo về thị trường. Đảm bảo thông tin dự báo phải chính xác, kịp thời sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng được tối đa cơ hội phát triển và giảm thiểu rủi ro, và làm cơ sở hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời đưa ra các quyết sách và giải pháp phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp và biến đổi của thị trường.

         - Sở Lao động - Thương binh - Xã hội phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, thiết thực các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch, ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội bao trùm với tinh thần không để ai bị bỏ rơi lại phía sau.

         - Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong phản biện, xây dựng và giám sát thực hiện chính sách, trong đó công đoàn là trung tâm, hạt nhân tập hợp, đoàn kết người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, đồng thời là cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột; tổ chức đối thoại nhằm dung hòa lợi ích của người lao động với người sử dụng lao động trên tư cách là một chủ thể độc lập hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, uy tín, hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.

         - Cơ quan quản lý nhà nước các cấp phối hợp chặt chẽ  với doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho người lao động nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; thích ứng với xu thế biến đổi của thị trường lao động; từng bước xây dựng và hoàn thiện các yếu tố của thị trường lao động, hướng đến xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại. Đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người lao động, trong đó tập trung vào hệ thống chính sách trọng tâm là: 1. Chính sách việc làm nhằm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động; 2. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm chủ động đối phó với các rủi ro trong cuộc sống; 3. Chính sách hỗ trợ thường xuyên với người có hoàn cảnh khó khăn; 4. Chính sách tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản khác.

         Năm 2024 và những năm tiếp theo được nhận định vẫn tiếp tục khó khăn và diễn biến phức tạp, vì vậy, nhận diện rõ cơ hội và thách thức, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp là vấn đề trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

         TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Tổng cục Thống kế: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023.

         2. Cục thống kê Trà Vinh: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh năm 2023.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 13
  • Trong tuần: 4 631
  • Tất cả: 590047
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này