Nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

ThS. Lê Thị Hồng Gấm           

                                                     Giảng viên Khoa Nhà nước & Pháp Luật

         Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mục tiêu tổng quát thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn

         Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững, mục tiêu giảm nghèo bền vững với nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động nhiều phong trào; vận động hộ nghèo, người nghèo tham gia đăng ký thoát nghèo; vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia các phần việc thiết thực, trong đó có việc nhận hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp hộ nghèo phát triển sản xuất, cải thiện nhà ở, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế.

         Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ: Toàn tỉnh còn 5.404 hộ nghèo, chiếm 1,88% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh, trong đó: Hộ nghèo không có khả năng lao động: 2.580 hộ, chiếm 47,74% so với tổng số hộ nghèo; không có hộ nghèo có đối tượng người có công với cách mạng; hộ nghèo dân tộc Khmer: 3.239 hộ, chiếm 3,61% so với tổng số hộ dân cư dân tộc Khmer (chiếm 59,94% so với tổng số hộ nghèo); Hộ cận nghèo Toàn tỉnh còn 10.905 hộ, chiếm 3,80% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh, trong đó: Hộ cận nghèo không có khả năng lao động: 1.765 hộ, chiếm 16,19% so với tổng số hộ cận nghèo; hộ cận nghèo có đối tượng người có công với cách mạng: 68 hộ, chiếm 0,62% so với tổng số hộ cận nghèo; hộ cận nghèo dân tộc Khmer: 5.267 hộ, chiếm 5,87% so với tổng số hộ dân cư dân tộc Khmer (chiếm 48,30% so với tổng số hộ cận nghèo).

         Tuy nhiên bên canh những kết quả đạt được công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Công tác lập các thủ tục xây dựng, trình phê duyệt dự án và tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân nguồn kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình còn chậm; việc lồng ghép các nguồn lực trong thực hiện chương trình còn phân tán; một số địa phương chưa bố trí ngân sách đối ứng tối thiểu theo quy định để thực hiện dự án, tiểu dự án thuộc chương trình; Trong việc thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình sản xuất chưa đảm bảo khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm; còn hạn chế trong việc nhân rộng phát triển mô hình, trong triển khai các thủ tục để thực hiện, chưa nhất quán trong việc xét chọn đối tượng đầu tư mô hình.

         Giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời gian tới.

         Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo bền vững. Quán triệt, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội, nhất là cấp cơ sở, đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và các kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

         Hai là, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, dự án hỗ trợ xã bãi ngang ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ nghèo được tiếp cận và thụ hưởng từ những chương trình này. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; lồng ghép nguồn lực và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

          Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững. Tập trung tuyên truyền, vận động, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân, khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo. Mục tiêu của chương trình là giảm nghèo bền vững, do vậy, cần chú trọng khơi dậy, phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và cộng đồng; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân một cách thực chất trong triển khai các hoạt động của chương trình giảm nghèo bền vững.

         Bốn là, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và từng giai đoạn, làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, gắn phát triển sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, xem đây là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo bền vững.

          Năm là, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ nâng cao thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, sinh kế bền vững, cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động; hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, nhà ở, sử dụng dịch vụ thông tin, viễn thông, dịch vụ truy nhập internet; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.

         Sáu là, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chính sách, dự án, giải pháp giảm nghèo ở cơ sở để có giải pháp điều chỉnh, bổ sung, uốn nắn những hạn chế, bất cập, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ kết quả rà soát, làm tốt công tác kiểm tra, phúc tra để hạn chế sai sót đối tượng thụ hưởng từ chính sách giảm nghèo, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 14
  • Trong tuần: 3 736
  • Tất cả: 590538
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này