MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG, HỖ TRỢ VỐN GIÚP ĐẢNG VIÊN NGHÈO SINH HOẠT TẠI CHI BỘ ẤP, KHÓM VƯỢT KHÓ VƯƠN LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

ThS. Đặng Văn Amel       
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

         Qua 13 năm thực hiện với 02 đợt phát động về chủ trương “vận động, hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo” theo Công văn số 205-CV/TU, ngày 19/5/2008 và Công văn số 401-CV/TU, ngày 08/7/2013 “về việc vận động, hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo sinh hoạt ở chi bộ ấp, khóm vượt khó vươn lên” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh. Đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

         Đảng bộ tỉnh Trà Vinh hiện có 503 tổ chức cơ sở đảng, có 197 đảng bộ, 306 chi bộ, với 1.999 chi bộ trực thuộc, 45.622 đảng viên. Trong đó, đảng viên tại các Đảng bộ xã, phường, thị trấn có 34.041 đảng viên (trích Báo cáo số 128-BC/TU, ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh “về tổng kết 13 năm thực hiện chủ trương vận động, hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo sinh hoạt ở chi bộ ấp, khóm vượt khó vươn lên). Trước tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với kế hoạch, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp,…Giai đoạn từ 2008 đến nay, trên cơ sở khảo sát 792 chi bộ ấp, khóm trong tỉnh, có 1.582 đảng viên gặp khó khăn về đời sống kinh tế. Trước tình hình đó, một số đảng viên buộc phải đi làm ăn xa và không tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương.

         Theo báo cáo số 128-BC/TU, ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh “về tổng kết 13 năm thực hiện chủ trương vận động, hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo sinh hoạt ở chi bộ ấp, khóm vượt khó vươn lên” từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát động 02 cuộc vận động, hỗ trợ và đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Điển hình trên một số phương diện như: kết quả công tác triển khai, lãnh đạo thực hiện; kết quả vận động vốn; kết quả sử dụng vốn; hiệu quả sử dụng vốn,…

         Đợt 1, trên tinh thần Công văn số 205-CV/TU, ngày 19/5/2008 “về vận động, hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động vào tháng 5/2008 với hình thức tự nguyện đóng góp của cán bộ, đảng viên. Kết quả, trên địa bàn toàn tỉnh có 21.941 đảng viên và 452 quần chúng đóng góp với số tiền 1.130.050.900 đồng. Trên cơ sở từ nguồn kinh phí được vận động, các huyện ủy, thị ủy đã giải ngân cho 276 đảng viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn với số tiền hỗ trợ cho mỗi đảng viên từ 3 đến 5 triệu đồng (thời hạn hoàn trả vốn là 02 năm và sau đó tiếp tục hỗ trợ cho các đảng viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn khác).

         Đợt 2, từ kết quả đạt được trong đợt 1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 401-CV/TU, ngày 08/7/2013 “về việc vận động, hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo sinh hoạt ở chi bộ ấp, khóm vượt khó vươn lên”. Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ đợt 1, đã có sự linh hoạt trong cách vận động, hỗ trợ. Cụ thể, mức đóng góp của đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức ít nhất là 01 ngày lương, đảng viên sinh hoạt tại ấp, khóm là 50.000 đồng. Kết quả có 29.800 đảng viên và 152 quần chúng đóng góp với tổng số tiền là 3.479.739.231 đồng. Đặc biệt, trong đợt 2 kinh phí hỗ trợ cho mỗi đảng viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã được nâng lên so với đợt 1 là từ 15 đến 20 triệu đồng (đợt 1 là từ 3 đến 5 triệu đồng).

         Qua 13 năm thực hiện cuộc vận động, hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo sinh hoạt ở chi bộ ấp, khóm vượt khó vươn lên trên địa bàn tỉnh. Đến nay (6/2021) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp đảng viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Từ đó, góp phần không nhỏ giúp cho đảng viên an tâm làm việc, công tác, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Chăn nuôi bò, bò sinh sản, nuôi cua, trông hoa màu, chăn nuôi heo, đóng hàng thủ công bằng tre, mua bán nhỏ, chăn nuôi dê,…

         Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, cuộc vận động cũng gặp phải một số khó khăn như: một số đảng viên đến thời hạn hoàn trả vốn nhưng xin gia hạn thêm thời gian; một số đảng viên có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn và không có khả năng hoàn trả lại vốn hoặc xin trả chậm. Trong thời gian tới, nhằm góp phần thúc đẩy cuộc vận động đạt hiệu quả, tạo điều kiện cho đảng viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần đẩy mạnh trong công tác xây dựng Đảng cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

         Một là, lãnh đạo các tổ chức đảng ở cơ sở cần tham mưu với tổ chức đảng cấp trên về việc tổ chức thực hiện cuộc vận động, hỗ trợ đợt 3. Bởi lẽ, đây là cuộc vận động ngoài ý nghĩa tương thân tương ái, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, còn mang ý nghĩa to lớn trong công tác xây dựng Đảng, góp phần tạo dựng niền tin đối với Đảng. Trên cơ sở đó, đây là cuộc vận động phải được thực hiện thường xuyên và liên tục.

         Hai là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ của các đảng viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đây là việc làm mang tính trọng tâm, trọng điểm của cuộc vận động, nhằm góp phần đánh giá đúng đối tượng đảng viên được hỗ trợ.

         Ba là, phát huy vai trò của ban chấp hành chi bộ các ấp, khóm trong việc định hướng mục đích sử dụng nguồn vốn, khơi dậy ý thức vươn lên của các đảng viên, tránh tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

         Bốn là, chú trọng công tác nêu gương điển hình các đảng viên trong việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả thông qua những mô hình tiêu biểu. Trên cơ sở đó góp phần mang tính lan tỏa, nhân rộng các mô hình trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, phân công đảng viên có kinh nghiệm trong sản xuất, cán bộ nông nghiệp, cán bộ khoa học - kỹ thuật… với phương thức cầm tay chỉ việc hỗ trợ cho các đảng viên còn hạn chế về kinh nghiệm trong quá trình sản xuất.

         Mỗi đảng viên chính là nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển lớn mạnh và thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Từ đó, việc chăm lo đời sống cho đảng viên thông qua các cuộc vận động, hỗ trợ được xem là chủ trương mang tính thiết thực, nhằm góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

Tài liệu tham khảo

1.  Công văn số 205-CV/TU, ngày 19/5/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh “về vận động, hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo”.

2. Công văn số 401-CV/TU, ngày 08/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh “về việc vận động, hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo sinh hoạt ở chi bộ ấp, khóm vượt khó vươn lên”.

 3. Báo cáo số 128-BC/TU, ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh “về tổng kết 13 năm thực hiện chủ trương vận động, hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo sinh hoạt ở chi bộ ấp, khóm vượt khó vươn lên”.

 4.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.113.

 

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 277
  • Trong tuần: 3 027
  • Tất cả: 592728
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này