Khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên học tại Trường Chính trị hiện nay

                                                                            ThS. Nguyễn Minh Vũ
                                                                               Khoa Lý luận cơ ở  

         Tóm tắt: Học tập lý luận chính trị là một trong những nội dung quan trọng của công tác chính trị tư tưởng và xây dựng Đảng. Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn phải trở thành một nhu cầu tự thân đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng ta nói chung và tại trường chính trị nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện ngại học, lười học tập lý luận chính trị. Vì thế, nhận diện rõ các biểu hiện này và có những giải pháp khắc phục kịp thời, qua đó góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng Đảng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong tình hình hiện nay là yêu cầu cấp thiết.

         Từ khóa: cán bộ, đảng viên, ngại học, lười học,  lý luận chính trị.

         Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn, rất đáng tự hào, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước hơn ba mươi năm qua. Đây là minh chứng của trí tuệ, bản lĩnh và sự tuyệt đối trung thành của Đảng ta trong việc vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo những giá trị chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, ở trong nước, các thế lực thù địch, phản động không ngừng chống phá trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là đối với những sai lầm của một số cấp ủy, sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu suy thoái về chính trị, tư tưởng, tha hóa, biến chất. Hơn bao giờ hết, công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trở nên có ý nghĩa cấp bách và là giải pháp cơ bản góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay. Theo nhận diện, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị xác định trọng tâm chống phá, xuyên tạc Đảng, nhà nước ta trên những nội dung chính yếu sau: phủ nhận, chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng; chống phá đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta; xuyên tạc, chia rẽ khối đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân; kích động gây chia rẽ quân đội, công an với nhân dân và quân đội với công an, đòi phi chính trị hóa hai lực lượng này; bôi nhọ lãnh tụ và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; phủ nhận thành quả cách mạng, cản trở sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, chúng xác định trọng tâm, thường xuyên và liên tục là tập trung vào những sơ hở, sai lầm của một số cấp ủy, sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân hàng đầu của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay có những biểu hiện do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng mà trước hết là do tình trạng ngại học, lười học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, thỏa mãn với những nhận thức giản đơn, chung chung về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên học tại trường chính trị luôn gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ mang tính cấp bách trong công tác tư tưởng, lý luận tại trường chính trị hiện nay.

         1. Nhận diện các biểu hiện lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay

         Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, chú trọng giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để trang bị thế giới quan khoa học, phương pháp làm việc biện chứng cho cán bộ, đảng viên, giúp họ có kiến thức lý luận, nhận thức đúng đắn thế giới khách quan, tránh sai lầm trong nhận thức và cải tạo thực tiễn. Vì vậy, công tác giáo dục lý luận chính trị ở bất kỳ thời điểm nào, giai đoạn nào cũng đều hết sức cần thiết. Thông qua giáo dục lý luận chính trị giúp cho cán bộ, đảng viên không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng cho họ mà còn nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, trách nhiệm xã hội, củng cố niềm tin với Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt khi nó gắn liền với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII): “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”.  Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác giáo dục lý luận chính trị, trên thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có những biểu hiện sao nhãng, xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị, bằng lòng với kiến thức, kỹ năng, nhận thức và vị trí công tác hiện tại, từ đó cho rằng không cần học tập, bồi dưỡng bổ sung và nâng cao trình độ lý luận chính trị. Thấy rõ nguy cơ trên, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”“tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ ba nội dung, với hai mươi bảy biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và dẫn đến tình trạng là nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây chính là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Hậu quả dẫn đến tình trạng xem nhẹ vai trò của lý luận, lập trường tư tưởng thiếu vững vàng, dễ dao động, cổ súy cho các ý kiến trái chiều, các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Từ nhận thức sai lệch về học tập lý luận chính trị dẫn đến tình trạng học mang tính hình thức, đối phó; học chỉ để lấy bằng cấp, chứng chỉ cho việc nâng ngạch, nâng lương, công tác quy hoạch và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chủ trương, nghị quyết của Đảng ta dù rất đúng, kịp thời nhưng chậm được triển khai hoặc triển khai không đầy đủ, dẫn đến cách hiểu, cách làm sai, thậm chí là làm trái với nghị quyết của Đảng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hệ quả của nó là gây nhiều bức xúc trong nhân dân, một số khác tỏ ra dao động, hoài nghi và lúng túng trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả khách quan lẫn chủ quan. Về phía người học, họ không xác định được mục đích đúng đắn, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, với họ việc học tập là để mưu cầu lợi ích cá nhân chứ không phải xuất phát từ việc trau dồi, mở rộng và nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ lý luận chính trị để được phục vụ Nhân dân, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Về phía cơ sở giáo dục thì nguyên nhân là do chưa chú ý đúng mức đến chất lượng, nhu cầu đào tạo, chuẩn hóa giáo trình, tài liệu, công tác tổ chức, quản lý lớp học chưa chặt chẽ, thậm chí cá biệt một số nơi có biểu hiện buông lỏng, tiêu cực. Bên cạnh đó, năng lực giảng dạy của một số giảng viên vẫn còn yếu, phương pháp truyền đạt kiến thức lý luận chính trị một chiều, rập khuôn, giáo điều, nặng về lý luận, ít liên hệ với thực tiễn, gây nhàm chán, không thuyết phục được học viên, phương pháp giảng dạy chưa đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều hạn chế trong việc chọn, cử người tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng như lựa chọn đúng đối tượng tham gia, phối hợp quản lý chưa chặt chẽ, có biểu hiện chạy theo thành tích, chỉ tiêu…

         Nhận thấy những nguy hại của căn bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996, Đảng ta đã chỉ rõ, lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới cũng là biểu hiện của sự suy thoái. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra một trong chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[1]. Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, cần “khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”[2]. Việc nhận diện đúng các biểu hiện của căn bệnh này là cơ sở quan trọng để đưa ra những biện pháp khắc phục kịp thời. Thực tế, tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay tập trung ở những biểu hiện sau:

         Thứ nhất, nhận thức không đầy đủ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, thường tập trung cho học tập chuyên môn, nghiệp vụ; thậm chí có người còn cho rằng đó là việc làm “vô ích” gây lãng phí thời gian, công sức; thiếu tự giác, không chủ động tham gia học tập lý luận chính trị, thậm chí tìm mọi lý do để né tránh, học đối phó, học để có đủ bằng cấp, đủ điều kiện để được đề bạt, bổ nhiệm, nên chưa thật sự toàn tâm, toàn ý cho việc nghiên cứu, học tập và cống hiến. 

         Thứ hai, kiến thức bị lạc hậu so với thực tiễn; không sử dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao, giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; học không đi đôi với hành; lý luận chưa gắn liền với thực tiễn.

         Thực tế cho thấy, có một số cán bộ, đảng viên, có tư tưởng đi học cho “có mặt” để điểm danh, học qua loa, đại khái, “học thật, văn bằng, chứng chỉ thật nhưng kiến thức thì rỗng”; chưa thực sự tích cực tìm hiểu, nghiên cứu sâu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để phục vụ cho công việc tốt hơn. Do đó, để khắc phục tình trạng lười học, ngại học tập lý luận chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên theo học tại trường chính trị cần triển khai và thực hiện có hiệu quả một số giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ đối với các chủ thể có liên quan đến công tác này.

         2. Một số giải pháp khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị tại trường chính trị hiện nay

         Thực hiện những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”[3]. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng thẳng thắn nhìn nhận “việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”[4]. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”[5]. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng trong những năm qua, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị: “Đổi mới căn bản nội dung, chương chình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn, đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”[6]. Đặc biệt, phải “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”[7].

         Trong tình hình hiện nay, để góp phần tăng cường và nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần thực hiện có hiệu quả và đồng bộ một số giải pháp cụ thể như sau:

         Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp ủy, tổ chức đảng và nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận.

         Nhận thức, trách nhiệm của từng cấp ủy, tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa cao là nguyên nhân của tình trạng lười học tập lý luận chính trị. Do đó, cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền để các cấp ủy, tổ chức đảng và nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên nhận thức rõ việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận là quyền lợi và trách nhiệm của mình; coi đó là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời, không bao giờ là đủ. Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị nhận thức rõ vai trò quan trọng của lý luận trong nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp tư duy, năng lực lãnh đạo, để từ đó xây dựng động cơ, ý thức, trách nhiệm trong học tập lý luận chính trị. Cần lựa chọn nội dung, thời gian, hình thức bồi dưỡng phù hợp cho từng cấp, từng đối tượng. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục triệt để cách nhìn nhận học lý luận chính trị vì lý do thăng tiến, để được đề bạt, bổ nhiệm.

         Thứ hai, đối với trường chính trị tỉnh, thành phố: Nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng dạy lý luận chính trị, trong đó tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên gắn với kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường chính trị. Ngoài việc bám sát nội dung kiến thức trong khung chương trình giáo trình, tài liệu tham khảo theo quy định, đội ngũ giảng viên cần tích cực, chủ động, kịp thời cập nhật, bổ sung các kiến thức mới về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và các vấn đề do thực tiễn đang đặt ra của địa phương, đơn vị. Chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm và đi vào trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng xây dựng các chuyên đề về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đưa vào chương trình giảng dạy. Các giảng viên cần phải định hướng, tăng cường hoạt động trao đổi, thảo luận, tương tác với học viên trong mỗi tiết học. Trên cơ sở xác định đúng mục tiêu, chương trình, nội dung, cần sử dụng các hình thức, phương pháp phù hợp giữa truyền thống với hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giảng dạy trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện hiện đại vào trong giảng dạy, học tập. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại của người được cử đi học. Sau mỗi đợt học tập, cần tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, gắn với nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên theo học tại trường và giảng viên đứng lớp thông qua phiếu khảo sát; đề cao trách nhiệm chính trị và tính tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, càng phải gương mẫu học tập, nói và làm theo đúng nghị quyết của Đảng. Kịp thời bổ sung, cập nhật các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào nội dung chương trình giảng dạy cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy.

         Thứ ba, đối với cơ quan, tổ chức, địa phương có người tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị: Thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các sở, ban ngành của tỉnh, các cấp của địa phương; cán bộ của đảng phải coi việc học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ để mọi người tự giác thực hiện nghiêm túc. Theo đó, cấp ủy các cấp phải duy trì và thực hiện đúng các quy định về học tập lý luận chính trị trong Đảng, phải coi đó là nghĩa vụ đối với mọi cán bộ, đảng viên để mọi người tự giác thực hiện. Đưa chế độ tự học tập, nghiên cứu lý luận chính trị thành tiêu chí bắt buộc trong hoạt động của cán bộ, đảng viên; phòng, chống triệt để tình trạng lười học, ngại học tập lý luận chính trị. Phát huy vai trò nêu gương học tập lý luận chính trị của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Các cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng học tập lý luận chính trị, quán triệt triển khai các nghị quyết của Đảng bảo đảm nền nếp, thực chất, hiệu quả thiết thực. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm, chấp hành tốt việc học tập lý luận chính trị. Đồng thời, phê bình, nhắc nhở nghiêm khắc đối với các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc, vi phạm quy chế, kỷ luật, kỷ cương trong học tập lý luận chính trị. Căn cứ vào ý thức, thái độ, trách nhiệm và kết quả học tập lý luận chính trị để đánh giá, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng hằng năm thực chất, hiệu quả, không hình thức.

         Thứ tư, đối với bản thân người được cử tham gia học tập lý luận chính trị: Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên học tập, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, gắn việc học lý luận với thực tiễn công việc hằng ngày. Cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình; chủ động, tự giác, tích cực trong học tập, nghiên cứu để đạt kết quả cao trong học tập và lĩnh vực mà mình công tác, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng vừa chuyên” trong tình hình hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên cần dành thời gian nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn những tri thức thu được vào thực tiễn cuộc sống, vào nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, tránh lý luận suông. Mỗi cán bộ, đảng viên cần khiêm tốn học hỏi, chống tự cao, tự đại, thỏa mãn với những kiến thức đã có. Trong học tập, nghiên cứu lý luận chính trị cần tránh giáo điều, tiếp thu lý luận một cách máy móc, “kinh viện”, không biết vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể. Đồng thời, phải tránh chủ nghĩa kinh nghiệm, tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm, coi nhẹ, phủ nhận vai trò của lý luận. Phát huy sức mạnh tổng hợp, gắn việc tự học, tự nghiên cứu với tích cực, chủ động đấu tranh, phê phán với các quan điểm sai trái, thù địch để làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị trong bối cảnh hiện nay./.

 


[1]Văn kiện Hội nghị lầ̀n thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2016, tr. 28.

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2021, t. II, tr. 236.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr 170.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr 172.

[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr 168.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr 236.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr 236.

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 1682
  • Trong tuần: 11 905
  • Tất cả: 562635
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này