Nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lịch sử Đảng chương trình trung cấp lý luận chính trị

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương   
                                                                Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

         Lịch sử Đảng là một học phần trong chương trình trung cấp lí luận chính trị. Nghiên cứu Lịch sử Đảng giúp học viên hiểu được quá trình vận động, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hiện nay việc dạy lịch sử nói chung và giảng dạy Lịch sử Đảng nói riêng đang đặt ra nhiều thách thức cho người dạy. Giảng dạy thế nào để thuyết phục, thu hút và khơi gợi sự hứng thú của người học với môn học này là một vấn đề mang tính nan giải.

         Chương trình trung cấp lý luận chính trị được học viện chính trị quốc gia hồ chí minh soạn thảo và được các trường chính trị đưa vào giảng dạy từ năm học 2021. Học phần Lịch sử Đảng được tách riêng lẻ với tên gọi học phần II.1. Khác với chương trình cũ, chương trình mới nội dung môn học Lịch sử Đảng được cơ cấu hoàn toàn mới với 4 bài - 12 buổi lên lớp như sau:

         Bài 1: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

         Bài 2: Những thành tựu chủ yếu của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay.

         Bài 3: Những bài học kinh nghiệm lãnh đạo của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

         Bài 4: Những bài học kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

         Tại sao giảng dạy phải mang tính thuyết phục?

         Thuyết phục là sử dụng kiến thức, dẫn chứng, lý luận… thông qua lời nói và ngôn ngữ cơ thể nhằm làm thay đổi suy nghĩ và hành động của đối phương. Thuyết phục trong giảng dạy là sử dụng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn thông qua các kỹ năng sư phạm làm cho học viên tin tưởng vào những điều người dạy muốn hướng đến.

         Với học phần Lịch sử Đảng thì đó là cung cấp kiến thức cho học viên về quá trình hình thành, ra đời và phát triển của đảng cộng sản việt nam. những thành tựu lãnh đạo và những bài học mà đảng ta đã đúc kết trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Từ đó củng cố niềm tin của học viên vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường mà Đảng ta đã lựa chọn.

         Những vấn đề đặt ra khi giảng dạy Lịch sử Đảng là gì?

         Câu trả lời thường được các giảng viên quan tâm nhất đó là sự hứng thú của người học với môn học này. Trong những năm gần đây, lịch sử đảng nói riêng và lịch sử nói chung trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Không phải vì người ta quan tâm đến môn học này mà vì điểm của môn này trong các kỳ thi tốt nghiệp rất thấp, thậm chí bằng không. Trong khi các chuyên gia, các nhà nghiên cứu sử học nhấn mạnh đến tầm quan trọng của môn học này thì trong xã hội lại có một bộ phận thờ ơ, xem nhẹ tầm quan trọng của giáo dục lịch sử. Niềm say mê, yêu thích với môn học này dường như suy giảm.

         Học viên học trung cấp lý luận chính trị mỗi người công tác tại các cơ quan, ban ngành với những vị trí việc làm khác nhau thực tiễn công tác của họ đôi lúc ít vận dụng đến các các kiến thức sử học nên tâm lí có phần lơ là, “lo ra” khi nghe giảng. mặc dù mỗi cá nhân đều được học và tiếp cận với môn lịch sử trong chương trình trung học cơ sở hay phổ thông trung học nhưng khi quay trở lại với học này họ vẫn không tránh khỏi sự bỡ ngỡ. Thêm vào đó, thời gian lên lớp ngắn mà kiến thức lịch sử lại nhiều nên việc dung nạp kiến thức sẽ gặp khó khăn, không tránh khỏi tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”.

          Những vấn đề đặt ra trên đây đòi hỏi giảng viên phải phát huy tối đa vai trò của mình nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho bài giảng với tính thuyết phục cao. Để làm được điều đó thiết nghĩ giảng viên cần đảm bảo những yêu cầu sau:

         Thứ nhất, giảng viên phải nắm vững kiến thức về nội dung cần truyền đạt. Việc nắm vững kiến thức sẽ giúp giảng viên thêm phần tự tin khi đứng lớp và dễ dàng  biểu đạt những kiến thức ấy một cách lưu loát, mạch lạc. Muốn vậy thì giảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực của bản thân.  trong giảng dạy giảng viên cần vận dụng kết hợp kiến thức lí luận và thực tiễn tránh làm cho bài giảng bớt cứng nhắc, khô khan gây hứng thú, thu hút sự chú ý của học viên.

         Thứ hai, giảng viên cần có kỹ năng sư phạm tốt như cách diễn đạt, trình bày logic, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Giảng viên cần phải rèn luyện giọng nói, bước đi, cách sử dụng ngôn ngữ điệu bộ…sao cho linh hoạt phù hợp với nội dung giảng dạy, tránh tình trạng đứng yên một nơi độc thoại dễ gây sự nhàm chán dẫn đến tính thuyết phục không cao.

         Thứ ba, giảng viên có khả năng nhận định hoàn cảnh, nắm bắt tâm lí học viên và có phương pháp giải quyết tình huống tốt. Giảng viên cần phải tích cực nghiên cứu, phân tích tình huống diễn ra trên lớp học để nắm và hiểu diễn biến tâm lí của từng đối tượng học viên. Nắm và hiểu rõ tâm lí học viên sẽ giúp giảng viên định hướng được phương pháp sư phạm phù hợp, thuyết phục mới mang lại hiệu quả.

Để bài giảng Lịch sử Đảng chương trình Trung cấp lí luận chính trị mang tính thuyết phục giảng viên có thể vận dụng các giải pháp:

          Một là, xác định đối tượng để lựa chọn phương pháp giảng dạy

          Đối tượng học viên chương trình trung cấp lý luận chính trị thường được chia thành 2 thành phần (tại chức và tập trung) theo số tuổi quy định. Trước khi lên lớp giảng viên có thể căn cứ vào đối tượng học viên để lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp. Với các lớp tại chức, học viên  là những cán bộ, đảng viên có nhiều năm kinh nghiệm công tác nên khả năng lý luận và thực tiễn tương đối cao. với những lớp này giảng viên có thể thể sử dụng phương pháp thuyết trình, phát vấn, phỏng vấn để thu hút sự chú ý của học viên, khuyến khích họ tham gia vào quá trình xây dựng bài. những kiến thức lý luận trên lớp kết hợp với thực tiễn công tác sẽ làm cho bài học thêm sinh động. sự tham gia của học viên sẽ làm cho không khí lớp thêm sinh động, hấp dẫn thu hút được sự chú ý của học viên. Với các lớp tập trung, tuổi đời và kinh nghiệm công tác chưa nhiều giảng viên có thể sử dụng phương pháp thuyết trình, phát vấn hoặc làm việc nhóm để tạo không khí sôi nổi cho buổi học.

         Hai là, kết hợp lý luận và thực tiễn

         Các môn học khác có thể sẽ có lý luận và những ví dụ thực tiễn sinh động để minh chứng, môn lịch sử đảng có không? Câu trả lời là có. Đó là những sự kiện lịch sử nổi bật, những nhân vật lịch sử tiêu biểu với những thành tích tốt hay những cách làm hay, sáng tạo…Lịch sử không chỉ là những trận đánh mà còn là muôn vàn những sự vật, sự việc diễn ra trong quá khứ từ cách ăn mặc, đi lại đến lối cư xử, giao tiếp…Lịch sử Đảng cũng vậy. Lịch sử Đảng không chỉ nói về sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đó còn là công tác lãnh đạo của Đảng với những sự kiện tiêu biểu, những lãnh đạo tài giỏi, những bước ngoặt quan trọng của đất nước. tùy vào nội dung bài học mà giảng viên có thể vận dụng những kiến thức lịch sử để minh họa cho bài giảng thêm sinh động. Trong quá trình giảng có thể kết hợp với những sự kiện lịch sử địa phương để bài giảng thêm sinh động, gần gũi với học viên. Ví dụ nói về sự ra đời của Đảng thì giảng viên có thể liên hệ đến sự ra đời của các chi bộ Đảng tại địa phương hay nói về 3 bước đột phá chiến lược trong giai đoạn 1976 - 1986 giảng viên có thể liên hệ đến cuộc sống thời kỳ này và so sánh với hiện nay để thấy được sự đúng đắn trong quá trình vạch định đường lối đổi mới của Đảng và liên hệ địa phương.

          Ba là, sử dụng phương tiện trực quan sinh động

         Ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin không quá khó để soạn một bài giảng với các phần mềm và công cụ hỗ trợ. Vì vậy, giảng viên có thể tận dụng tối đa lợi thế này để tăng tính thuyết phục hơn cho bài giảng của mình. Thay vì trình bày theo lối thuyết trình đơn điệu giảng viên có thể minh họa bằng hình ảnh, video clip.. để bài giảng thêm sinh động và thu hút được sự chú ý của người học.

         Tóm lại, thuyết phục một người không dễ nhất là những người có kiến thức và trình độ lí luận chính trị. Vì vậy trong quá trình giảng dạy giảng viên cần không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn để vận dụng vào bài giảng cho phù hợp. Giảng dạy là một nghệ thuật và giảng viên cũng là nghệ sỹ. Đo đó, để bài giảng hay, mang tính thuyết phục giảng viên phải giảng dạy bằng cả niềm đam mê, nhiệt huyết, có như vậy mới “truyền lửa” cho học viên./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 4 999
  • Tất cả: 584697
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này