ThS. Lâm Thị Thanh Nga
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội; coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững đất nước, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp về quyền con người Việt Nam và chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với mục tiêu hướng đến cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Quán triệt thực hiện chủ trương của Đảng, tỉnh Trà Vinh, trong những năm qua các cấp, các ngành luôn xác định việc thực hiện chính sách bảo hiểm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ban hành và thực hiện Kế hoạch số 93-KH/TU, ngày 17/8/2018; Chỉ thị số 45-CT/TU, ngày 21/3/2019 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đổi với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tình hình mới”,... Từ đó, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách về chính sách xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh có 152.491 người tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 29,35% lực lượng lao động (tăng 1,2 lần so với năm 2018), trong đó có 19.801 người tham gia báo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 3,81% lực lượng lao động (tăng 9 lần so với năm 2018); tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp 125.589 người, chiếm 24,17% lực lượng lao động (tăng 1,1 lần so với năm 2018); ước thực hiện năm 2023 có 156.726 người tham gia bảo hiểm xã hội. Tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng luơng hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội là 24.752 người, chiếm 14,68%, bằng 37,06% mục tiêu đề ra tại kế hoạch 93-KH/TU; mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2023 tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu và bảo hiểm xã hội hàng tháng là 25.200 người, chiếm 14,81%, bằng 26,94% mục tiêu đề ra tại kế hoạch đã đề ra.
Mặt khác, hướng tới xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách cũng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Công tác cải cách hành chính luôn được chú trọng, đẩy mạnh; các thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm quy trình, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, cập nhật quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính theo quy định, nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội, đã cắt giảm 07 thủ tục hành chính, hiện số thủ tục hành chính do bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết là 25 thủ tục hành chính (25 thủ tục hành chính do cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết, 24 thủ tục hành chính do cơ quan bảo hiểm xã hội huyện giải quyết); tiếp tục đa dạng, linh hoạt các phương thức tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính, duy trì hiệu quả việc triển khai qua dịch vụ bưu chính công ích và giao dịch điện tử trên cổng dịch vụ công của ngành và dịch vụ công quốc gia, đồng thời cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Mặt khác, công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc chuyển đối số trong các hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 cua Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu ứng dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia góp phần xây dựng thành công Chính phủ số, hướng tới phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt được những kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã cập nhật số định danh cá nhân/căn cước công; xác thực thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 819.613 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (đạt 91%); Hướng dẫn, cài đặt ứng dụng VSSID - bảo hiểm xã hội số cho 233.913 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; số định danh cá nhân/căn cước công dân được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân là 695.965 thẻ; 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã kết nối liên thông dữ liệu trên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.
Như vậy, có thể nói rằng đạt được những kết quả trên là có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền được nâng lên; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai, quán triệt, tuyên truyền được thực hiện một cách nhịp nhàng, đồng bộ; các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội được thực hiện có hiệu quả, từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tăng cường vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc; nhận thức của người lao động, đơn vị sử dụng lao động và người dân trong việc tham gia bảo hiểm xã hội đã có những chuyển biến tích cực góp phần đưa chính sách bảo hiểm xã hội ngày càng lan tỏa trong cuộc sống, từng bước hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách bảo hiểm còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Một số cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt; năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu; nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa thật sự tạo được sự tin cậy để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; Nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên chưa có điều kiện ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Chưa kịp thời chấn chỉnh, xứ lý nghiêm các trường hợp trốn đóng, nợ bảo hiểm, vi phạm chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội,…
Để thực hiện tốt hơn, đồng thời khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện trong các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cùng chú trọng phát huy vai trò của tuyên truyền miệng gắn với vai trò của các báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên, thì các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như: Mô hình “Nuôi heo tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, “Hùn vốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”, Mô hình “1+1”,... đến nay, có hơn 130 tổ chị em phụ nữ trong các mô hình, số hội viên tham gia bảo hiểm xã hội là 2.296 người và 18.349 người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, đề xuất giải pháp sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định pháp luật.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất gia công có sử dụng nhân công nhưng không ký hợp đồng lao động, yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất này thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về lao động, giúp người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, kiên quyết yêu cầu các đơn vị này thực hiện đúng quy định và đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội. bảo hiểm y tế cho người lao động.
Thứ tư, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Thực hiện tốt công tác phối hợp, chia sẽ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và thực thi chính sách bảo hiểm xã hội.
Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức hội hàng năm.
Thứ sáu, tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngoài các chính sách theo quy định của Nhà nước./.