Vai trò công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

ThS. Sơn Thị Thanh Loan
Khoa Xây dựng Đảng   

          Theo V.I.Lênin, để Đảng Cộng sản thật sự là một đảng tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”[1], thì Đảng Cộng sản phải “… bao gồm những đại biểu ưu tú nhất của giai cấp… gồm tất cả những chiến sĩ cộng sản hoàn toàn có ý thức và trung thành, có học vấn và được tôi luyện bằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng bền bỉ, … biết làm cho giai cấp và quần chúng đó tin tưởng hoàn toàn vào mình”[2]. V.I.Lênin cho rằng, để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, ngoài thành thạo chuyên môn, nắm vững kiến thức khoa học và khả năng tổng kết thực tiễn, người cán bộ Đảng và Xô-viết còn phải có “uy tín tinh thần” trong tập thể được giao phụ trách, “Uy tín này không một người nào phủ nhận được, và sức mạnh của nó, tất nhiên, không phải bắt nguồn từ đạo đức trừu tượng, mà từ đạo đức của người chiến sĩ cách mạng, đạo đức của quần chúng cách mạng”[3].

         Trung thành và vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin về đạo đức cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn coi trọng việc giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[4], đạo đức cách mạng theo Người là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”[5], đặc biệt Người còn khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[6].  Vì thế, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, đạo đức, lối sống vốn là một phạm trù có tính định tính cao, chịu sự chi phối của điều kiện kinh tế, xã hội cùng những ảnh hưởng của lịch sử - văn hóa, vì thế, để đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên không rơi vào suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, ngày 03/01/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 109-QĐ/TW về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, áp dụng đối với cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo đó, các tổ chức đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao nhằm kịp thời nắm bắt và giúp cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; phát huy ưu điểm, kịp thời phát hiện gương cán bộ, đảng viên tiêu biểu, điển hình trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống để nhân rộng, biểu dương, khen thưởng; giáo dục, ngăn ngừa sự vi phạm về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và kịp thời xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống. Quá trình kiểm tra được tiến hành dựa trên cơ sở Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, bảo đảm nguyên tắc, phương pháp, quy trình công tác theo quy định của Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng. Trong công tác kiểm tra của tổ chức đảng còn phải gắn với việc tự kiểm tra, tự phê bình của cán bộ, đảng viên, gắn với công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ.

         Để tiến hành công tác kiểm, đối với các tổ chức đảng cần xây dựng chương trình, kế hoạch và có sự phân công đối với các thành viên trong cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện việc kiểm tra hằng năm đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý, lĩnh vực được phân công phụ trách hoặc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất thông qua các buổi sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình gắn với kiểm điểm, phân tích, đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm. Đối với cán bộ, đảng viên cần thường xuyên tự kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống gắn với việc thực hiện nhiệm vụ cán bộ, đảng viên, những điều đảng viên không được làm và chức trách, nhiệm vụ được giao. Định kỳ hằng năm thực hiện việc tự phê bình và phê bình về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống trước chi bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội mà mình là thành viên. Tham gia ý kiến phê bình đối với đồng chí mình trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Chịu sự kiểm tra của chi bộ và tổ chức đảng cấp trên; có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của mình.

         Về nội dung kiểm tra bao gồm: (1) Kiểm tra việc nghiên cứu, quán triệt các nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của bản thân cán bộ, đảng viên; (2) Kiểm tra tinh thần yêu nước, kiên định thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về chống suy thoái, dao động về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng; nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; (3) Kiểm tra ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo chính đáng của nhân dân; chống biểu hiện về sự vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Về tình thương yêu, đoàn kết, hợp tác với đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp; đoàn kết, hợp tác quốc tế; chống chia rẽ, bè phái, cục bộ địa phương, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; (4) Kiểm tra việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về đức tính khiêm tốn, trung thực, dũng cảm; về chống phô trương hình thức; chống tham nhũng, lãng phí, dối trá, hối lộ, bê tha, trụy lạc, nói không đi đối với làm, chạy theo danh vọng, địa vị, tư lợi cá nhân, tha hóa quyền lực; (5) Kiểm tra về trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; (6) Kiểm tra việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức và đạo đức nghề nghiệp do cơ quan, đơn vị, tổ chức ban hành theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; (7) Kiểm tra cán bộ, đảng viên trong việc động viên cha, mẹ, vợ hoặc chồng và giáo dục con giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật, không để người thân lợi dụng quyền hạn của mình để trục lợi; (8) Kiểm tra các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cán bộ, đảng viên nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

         Việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên, định kỳ thông qua việc người đứng đầu cấp ủy, cấp ủy viên, người đứng đầu tổ chức đảng được phân công kiểm tra trực tiếp trao đổi, đối thoại với đối tượng kiểm tra hoặc trao đổi, tìm hiểu thông qua cấp ủy nơi sinh hoạt, nơi cư trú, người thân của đối tượng kiểm tra. Kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu của tổ chức đảng cấp trên, đối với cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo hoặc kiểm tra việc vi phạm Quy định này.

         Về phương pháp, tổ chức đảng tiến hành công tác kiểm tra cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng cuộc kiểm tra, ban hành quyết định về việc thành lập đoàn (tổ) kiểm tra và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và xây dựng đề cương kiểm tra. Việc kiểm tra được thông báo cho tổ chức đảng quản lý cán bộ, đảng viên được kiểm tra để phối hợp và chuẩn bị báo cáo, cung cấp tài liệu cho đoàn kiểm tra; Đoàn kiểm tra tiến hành thẩm tra, xác minh theo các nội dung kiểm tra và thông báo kết quả để hoàn chỉnh báo cáo kết quả kiểm tra. Tổ chức đảng tiến hành kiểm tra họp thảo luận, kết luận và thông báo đến cán bộ, đảng viên được kiểm tra, tổ chức đảng quản lý cán bộ, đảng viên để chấp hành. Lập và lưu trữ hồ sơ kiểm tra; phân công cán bộ giám sát việc chấp hành kết luận kiểm tra, quyết định kỷ luật sau kiểm tra.

         Căn cứ kết quả kiểm tra, tổ chức đảng có thẩm quyền có trách nhiệm biểu dương khen thưởng cán bộ, đảng viên tiêu biểu thực hiện tốt việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; Phổ biến, nhân rộng những gương điển hình trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống để cán bộ, đảng viên, quần chúng học tập và làm theo. Chấn chỉnh, nhắc nhở, uốn nắn cán bộ, đảng viên có khuyết điểm hoặc biểu hiện vi phạm đạo đức, lối sống. Qua kiểm tra, nếu phát hiện cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm về đạo đức, lối sống thì cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, chi bộ tiến hành xem xét, kết luận, xử lý hoặc chuyển Ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Yêu cầu cán bộ, đảng viên được kiểm tra chấp hành kết luận kiểm tra, quyết định kỷ luật trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; tổ chức đảng tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên được kiểm tra sửa chữa khuyết điểm, vi phạm, khắc phục hậu quả và yêu cầu cán bộ, đảng viên được kiểm tra báo cáo việc khắc phục hậu quả, sửa chữa các khuyết điểm, vi phạm sau kiểm tra.

         Tóm lại, công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ và nâng cao hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi theo chủ tịch Hồ Chí Minh “…Cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””[7]. Cho nên mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở vị trí công tác nào cũng phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để giữ vững phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức sẽ dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần  nhận thức được mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết đẩy mạnh công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu nhằm góp phần phòng ngừa và hạn chế vi phạm./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG Sự thật, H.2021.

4. Quy định số 109- QĐ/TW ngày 03/01/2018 của Ban Bí thư về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.



[1] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, M.1978, t.34, tr. 122

[2] V.I.Lênin, sđd, t.8, tr.38

[3] V.I. Lê-nin, sđd, t.38, tr. 95

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 292

[5] Hồ Chí Minh, sđd, t. 9, tr.285.

[6] Hồ Chí Minh, sđd, t.5, tr.612

[7] Hồ Chí Minh, sđd, t. 6, tr.127.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 34
  • Trong tuần: 5 024
  • Tất cả: 584722
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này