Hài hòa mối quan hệ lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa

ThS. Bùi Thị Vân Anh       
                                                                           Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

         Triết học Mác-LêNin khẳng định rằng: Động lực sâu xa thúc đẩy con người hoạt động chính là lợi ích. Xuất phát từ những nhu cầu tối thiểu, cơ bản, cần thiết của con người hiện thực, thì nhu cầu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của con người. Để đáp ứng những nhu cầu về vật chất và tinh thần, con người tự mình hoặc liên kết với các cá nhân khác để thỏa mãn. Và khi nhu cầu được thỏa mãn, điều đó có nghĩa là lợi ích được đảm bảo.

         Trong mối quan hệ lợi ích, đặc biệt giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội đã tạo nên những động lực thúc đẩy hoạt động của con người, của sự biến đổi xã hội. Trong đó, lợi ích cá nhân là tất cả những lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị... gắn liền với từng cá nhân cụ thể và dùng để thỏa mãn các nhu cầu riêng của cá nhân đó, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân. Lợi ích xã hội là cái phản ánh quan hệ nhu cầu của xã hội và là cái dùng để thỏa mãn nhu cầu chung của toàn xã hội về một (một số) đối tượng (vật chất, tinh thần) nhất định, bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử, thể hiện các quan hệ cơ bản và lâu dài của xã hội. Lợi ích xã hội ở đây không phải là lợi ích của một nhóm người, một giai tầng, mà đó là lợi ích của cả dân tộc, trong đó có lợi ích chung của các cá nhân cấu thành dân tộc, của cả dân tộc và không mâu thuẫn với lợi ích chung của nhân loại tiến bộ.

         Nước ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội về cơ bản là thống nhất với nhau, không có sự đối kháng. Tuy nhiên, bên cạnh sự thống nhất về lợi ích cơ bản, lâu dài thì quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội ít hay nhiều vẫn nảy sinh những vấn đề phức tạp chưa đạt đến sự hài hòa, trước mắt như: mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động; mâu thuẫn giữa cá nhân với xã hội về mặt nghĩa vụ, quyền lợi trong việc thụ hưởng các lợi ích; mâu thuẫn giữa các giai cấp, tầng lớp về việc thụ hưởng lợi ích xã hội; mâu thuẫn giữa lợi ích của nhân dân với một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, tham ô, tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tài sản Nhà nước; hiện tượng trốn thuế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lừa đảo, lợi ích nhóm tiêu cực lủng đoạn việc quản lý, điều hành, phân phối; tình trạng đình công, bóc lột sức lao động, bất bình đẳng về thu nhập, về điều kiện sống còn tồn tại... đang tạo ra những bất ổn xã hội và những hệ lụy xấu đối với sự phát triển đất nước. Do đó, muốn giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, tạo động lực cho sự phát triển xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi cần phải có những phương thức điều chỉnh, tác động hợp lý, đồng bộ theo những nguyên tắc nhất định.

         Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể lợi ích trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội để các chủ thể lợi ích xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ lợi ích, tránh xung đột lợi ích giữa các chủ thể. Để làm được điều này, cần phải tăng cường tuyên truyền giáo dục việc tổ chức thực hiện Hiến pháp và pháp luật, song song với nâng cao công tác giáo dục cho các chủ thể của các nhóm lợi ích nhằm tạo sự đồng thuận, tạo động lực để thúc đẩy sự tham gia của các chủ thể vào tất cả các quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Mỗi chủ thể cần được giáo dục để tự đặt lợi ích của bản thân trong mối quan hệ với các lợi ích khác. Trong mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, chủ thể cá nhân cần nhận thức rằng, lợi ích xã hội chỉ có thể đạt được khi mỗi cá nhân thực hiện tốt các lợi ích chính đáng của mình thông qua việc tích cực học tập, lao động, rèn luyện, hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ; mặt khác chủ thể của lợi ích xã hội chủ yếu là Đảng, Nhà nước cũng cần nhận thức được rằng, muốn thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cần phải quan tâm đến lợi ích thiết thực của mọi cá nhân, của từng đối tượng, nhất là quan tâm đến những người có công với cách mạng, những đối tượng yếu thế trong xã hội, thực hiện tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

         Thứ hai, đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích, tạo ra một trạng thái tâm lý ổn định cho các chủ thể lợi ích. Bởi vì, bất kỳ một giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội hay một cá nhân nào bị mất lợi ích (chủ yếu là lợi ích kinh tế) một cách đột ngột có thể gây ra tâm lý chống đối, phản kháng, dễ tạo ra sự hỗn loạn xã hội. Nếu không có một thái độ, cách thức giải quyết đúng có thể tạo ra một dạng mâu thuẫn lợi ích mới với tính chất và mức độ cao hơn, hoặc có thể làm mất đi những điểm tương đồng có thể sử dụng, kết hợp để giải quyết mâu thuẫn thúc đẩy sự phát triển xã hội. Mặc dù giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội có những mâu thuẫn lợi ích ở mức độ nhất định, nhưng đó chỉ là những mâu thuẫn lợi ích cục bộ, thuộc phạm vi mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chứ không có tính chất đối kháng, gay gắt. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, cần hướng đến là phải phấn đấu thật sự bảo đảm hài hòa và thỏa mãn lợi ích chính đáng của các chủ thể, nhóm, giai tầng trong xã hội. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[1] và “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[2]. Do vậy, để bảo đảm lợi ích hài hòa cho các chủ thể trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thì phải tôn trọng, bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các chủ thể, tránh thái độ tả khuynh và hữu khuynh, cần tiến hành thận trọng, từng bước, trên cơ sở nắm rõ xu hướng vận động của các lợi ích và thái độ của các giai cấp, tầng lớp, các nhóm, các cá nhân gắn liền với các lợi ích đó.

         Thứ ba, trong quá trình điều chỉnh quan hệ lợi ích, cần ưu tiên, khuyến khích lợi ích riêng nhằm kích thích vai trò của cá nhân trong các hoạt động xã hội, nhưng phải định hướng cho quá trình thực hiện lợi ích riêng hướng vào lợi ích chung của cả xã hội. Tức là, khuyến khích cá nhân thực hiện lợi ích chính đáng của mình đồng thời thực hiện lợi ích xã hội. Do đó, cần tích cực khuyến khích mỗi cá nhân cố gắng vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất kinh doanh, lập thân, lập nghiệp bằng nhiều cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là trong khởi nghiệp nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho sự phát triển. Đồng thời, thông qua các biện pháp giáo dục - đào tạo, tuyên truyền, các hoạt động thực tiễn phong phú để mỗi cá nhân thấy rằng, để thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích chính đáng của bản thân, trước hết cần có sự cố gắng, rèn luyện, cần cù, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, đóng góp cho xã hội; đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, vi phạm các lợi ích chính đáng của bản thân từ các chủ thể khác; loại bỏ tư tưởng tự mãn, ỷ lại; có cái nhìn tích cực về các vấn đề của xã hội, tìm ra những cơ hội cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, cần tôn vinh, khen thưởng đối với những người vươn lên làm giàu chính đáng, làm ăn hợp pháp, những tấm gương cá nhân dám dấn thân, khẳng định giá trị bản thân, mang lại sự giàu có cho bản thân và sự phát triển cho xã hội và lẽ đương nhiên, cần nghiêm trị những kẻ làm giàu phi pháp, vi phạm lợi ích của cá nhân, cộng đồng, ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

         Thứ tư, để tạo môi trường xã hội cho sự phát triển của cá nhân, cần phải xây dựng, hoàn thiện một hệ thống pháp luật đủ mạnh, cơ chế đầy đủ, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề xã hội, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế tạo tiền đề vật chất để phát triển cá nhân. Tức là, Nhà nước cần cụ thể hóa các quy định và xử lý nghiêm minh những hành vi gian dối, phi pháp, buôn lậu, trốn thuế, hàng giả, hàng kém chất lượng... đây là những hành vi phá hoại nghiêm trọng các quan hệ lợi ích, gây tổn hại tới cả lợi ích cá nhân và các mục tiêu của lợi ích xã hội. Trước pháp luật, mọi người dân và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước phải thực sự bình đẳng, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ” cũng như không ai được phép đứng ngoài hay đứng trên pháp luật, mọi vi phạm đều phải được xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, Đảng, Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp công khai tài chính, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viêc chức, xây dựng một xã hội hạn chế dùng tiền mặt, quản lý chặt chẽ các nguồn tiền trong thanh toán... để phòng ngừa các hiện tượng tham ô, tham nhũng, lãng phí. Có như vậy mới giải quyết tốt, hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, tạo động lực cho sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

         Thứ năm, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách tiền lương, kết hợp thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trong toàn xã hội. Thực hiện tốt chính sách tiền lương theo Đề án cải cách tiền lương đã được ban hành, đảm bảo tiền lương thực sự đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt đối với người công nhân; có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với những nhân tài của từng lĩnh vực, địa phương. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đối với các đối tượng còn nhiều khó khăn như nông dân, công nhân, những đồng bào vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách...; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và thu nhập, thực hiện có hiệu quả các chính sách xóa đói giảm nghèo, thu hẹp sự chênh lệch giàu nghèo, tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, hưởng thụ các giá trị căn bản của sự phát triển như đời sống vật chất, y tế, giáo dục và hưởng thụ các giá trị văn hóa - xã hội khác. Chú trọng các chính sách ưu đãi xã hội, vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo, đồng bào các vùng gặp thiên tai, các nhóm yếu thế, các đối tượng có công với cách mạng; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, phát triển kinh tế đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn xã hội.

          

         Có thể nói, động lực của sự phát triển xã hội suy cho cùng là kết quả hoạt động có ý thức của con người nhằm theo đuổi những lợi ích nhất định. Lợi ích là một trong những động lực cơ bản của sự phát triển cũng như động lực thúc đẩy hành động của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, quan tâm thực hiện nhu cầu, lợi ích của cá nhân, tập thể và xã hội, đảm bảo hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội chính là tạo ra động lực phát triển xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm đạt được những mục tiêu cao hơn. Hiện nay, để tạo động lực cho sự phát triển xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định những quan điểm chỉ đạo đúng đắn, khoa học cùng với việc đảm bảo phương thức điều chỉnh, đồng bộ hướng đến thực hiện lợi ích công bằng, hợp lý, hài hòa cho mọi người, cho các chủ thể, nhất là lợi ích kinh tế. Trong đó, quan hệ lợi ích giữa cá nhân và xã hội là quan hệ lợi ích cơ bản, việc đảm bảo hài hòa quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay là một vấn đề quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, H.2021, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.

         2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Trung cấp Lý luận chính trị: Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-LêNin, Nxb. Lý luận chính trị, H.2021.

 


[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t. 1, tr. 165 - 166.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t. 1, tr. 96 - 97.

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 581
  • Trong tuần: 5 697
  • Tất cả: 582252
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này