Một số giải pháp phát huy vai trò của văn hóa tổ chức tại Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh

ThS. Đặng Văn Amel         
                                                                    Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng 

         Văn hóa tổ chức là một trong những chức năng quan trọng đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý. Trong khi một số chức năng như: kiến tạo tầm nhìn; động viên và thúc đẩy; đổi mới để thích nghi…được xem là những chức năng mang yếu tố động, luôn vận động và phát triển. Đối với chức năng của văn hóa tổ chức lại mang yếu tố tĩnh và chậm biến đổi. Tuy nhiên, trước yêu cầu của hội nhập, yêu cầu của sự phát triển đòi hỏi chức năng xây dựng văn hóa tổ chức phải mang tính động, luôn biến đổi để phù hợp với điều kiện mới. Trước thực trạng đó, văn hóa tổ chức luôn được lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh quan tâm và thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc hình thành các giá trị, chuẩn mực văn hóa nhằm góp phần kiến tạo môi trường văn hóa chính trị lành mạnh.

         Có rất nhiều khái niệm về văn hóa tổ chức. Tuy nhiên, giữa các khái niệm đều có điểm chung và xem văn hóa tổ chức là toàn bộ các giá trị được xây dựng trong suốt quá trình hình thành tổ chức, chi phối suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong tổ chức, tạo nên sự khác biệt giữa các tổ chức và được coi là truyền thống riêng, nét riêng của mỗi tổ chức. Từ đó, văn hóa tổ chức có thể được hiểu: “Văn hóa tổ chức là hệ thống những giá trị, những chuẩn mực được chia sẻ bởi các thành viên trong tổ chức và hướng dẫn hành vi của những người trong tổ chức”. Trên cơ sở đó, xây dựng văn hóa tổ chức chính là xây dựng các giá trị, chuẩn mực, thói quen được các thành viên trong tổ chức đó thừa nhận, tạo thành hành vi chung của tổ chức và đòi hỏi người lãnh đạo phải có trách nhiệm trong việc hình thành, xây dựng các giá trị, chuẩn mực nhằm tạo nên sự khác biệt về văn hóa tổ chức giữa các tổ chức với nhau.

         Văn hóa tổ chức có chức năng đặc biệt quan trọng đối với quá trình tổ chức, hoạt động của mỗi tổ chức. Cụ thể:

         Thứ nhất, yếu tố cốt lõi của quá trình lãnh đạo xây dựng văn hóa tổ chức chính là nhận diện, củng cố và phát triển hệ giá trị phù hợp với đặc điểm của mỗi tổ chức.

         Thứ hai, văn hóa tổ chức là hệ thống quy tắc, quy định điều chỉnh hoạt động trong một tổ chức. Hay nói cách khác, chức năng của văn hóa tổ chức chính là nhằm điều chỉnh hành vi của các thành viên phù hợp với hành vi được chấp nhận trong tổ chức.

         Thứ ba, văn hóa tổ chức là dựa trên cơ sở những chuẩn mực chung của tổ chức, không phải chuẩn mực của cá nhân. Từ đó, những quy tắc, chuẩn mực được ban hành sẽ là những khuôn khổ, hình mẫu cho tất cả các thành viên trong tổ chức thực hiện.

         Thứ tư, văn hóa tổ chức không chỉ mang lối hành xử của những thành viên trong nội bộ tổ chức và đó còn là mối quan hệ với bên ngoài tổ chức.

         Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng trong việc xây dựng văn hóa tổ chức, ngày 26/10/2017 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG về Quy định “về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Bao gồm một số chuẩn mực sau:

         Một là, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có trách nhiệm với công việc được Tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân tỉnh giao cho.

         Hai là, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội qui, quy chế của Đảng ủy và Ban Giám hiệu.

         Ba là, luôn luôn học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực giảng dạy. Gương mẫu, tận tụy, kỷ cương, năng động trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

         Bốn là, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

         Năm là, đề cao ý thức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có đạo đức lối sống lành mạnh; xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn minh, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

         Với 05 yêu cầu về thực hiện chuẩn mực đạo đức dành cho cán bộ, giảng viên tại đơn vị, đây vừa là quy tắc bắt buộc mỗi cán bộ, giảng viên phải thực hiện và đồng thời cũng là tiêu chí nhằm đánh giá chất lượng cán bộ, giảng viên hằng năm. Việc ban hành các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, giảng viên tại Trường Chính trị đã mang lại những hiệu quả tích cực. Cụ thể như:

         Một là, việc xây dựng các quy tắc, chuẩn mực đạo đức nêu trên đã góp phần làm thay đổi nhận thức đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, làm tăng tính trang nghiêm, nề nếp, góp phần xây dựng văn hóa trong môi trường chính trị.

         Hai là, các quy tắc, chuẩn mực được ban hành chính là kết tinh về năng lực và tầm nhìn của lãnh đạo nhà trường. Nếu các quy tắc, chuẩn mực ấy được nghiêm túc thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của tổ chức trên nhiều phương diện (quản lý nhân sự; chất lượng môi trường làm việc được nâng lên; tạo được sự đoàn kết trong nội bộ và bên ngoài tổ chức…).

         Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi các chuẩn mực, quy tắc còn gặp không ít khó khăn. Việc thực hiện theo khuôn mẫu sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo, tư duy ngại thay đổi của cán bộ, giảng viên. Trước trào lưu hội nhập hiện nay, việc mở rộng quan hệ, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới là điều không tránh khỏi. Chính vì thế các quy tắc, chuẩn mực đạo đức cũ sẽ biến đổi theo và khi đó đòi hỏi của sự thích nghi trong môi trường mới.

         Trên cơ sở từ những ưu điểm và khó khăn, hạn chế còn tồn tại nêu trên, để góp phần nâng cao vai trò của văn hóa tổ chức tại đơn vị trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

         Một là, tiếp tục phát huy những ưu điểm, xem các quy tắc, chuẩn mực là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, giảng viên hằng năm. Đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò của người lãnh đạo, đảm bảo tính đúng đắn, kết hợp giữa giá trị, chuẩn mực truyền thống và yêu cầu của quá trình hội nhập, đổi mới hiện nay nhằm xây dựng môi trường văn hóa chính trị lành mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

         Hai là, phát huy vai trò của các chi bộ trực thuộc Đảng bộ Trường Chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, giảng viên trong quá trình thực hành các quy tắc, chuẩn mực tại đơn vị nhằm đảm bảo cho việc đánh giá chất lượng cán bộ, giảng viên một cách chính xác. Thường xuyên quan tâm chất lượng đảng viên sinh hoạt tại nơi cư trú theo Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị “về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú”.

         Ba là, thục hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" kết hợp với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây được xem là yếu tố nền tảng giúp cho cán bộ, giảng viên thực hiện tốt các quy tắc, chuẩn mực tại đơn vị.

         Bốn là, cần xác định tầm quan trọng của việc thực hành văn hóa trong chính trị đối với mỗi cán bộ, giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong mối quan hệ giữa cán bộ, giảng viên với học viên, đòi hỏi người cán bộ, giảng viên phải thể hiện sự đúng mực, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu theo tinh thần Kế hoạch số 23-KH/ĐU, ngày 09/5/2022 của Đảng ủy Trường Chính trị về “xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”.

         Tóm lại, việc xây dựng văn hóa tổ chức tại đơn vị Trường Chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa chính trị lành mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ: “…phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần;...”./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 377
  • Trong tuần: 5 180
  • Tất cả: 584225
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này