ThS. Lâm Thị Thanh Nga
Khoa Xây dựng Đảng
Thông tin cơ sở là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị, thông tin cơ sở còn là phương tiện chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cơ sở, cung cấp thông tin, kiến thức tới người dân. Thực tế đã cho thấy, thông tin cơ sở đã phát huy được hiệu quả cao trong tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tạo niềm tin, sự ủng hộ của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
Theo báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 5/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”, Ban Thường vụ tỉnh Trà Vinh đã tổ chức triển khai thực hiện, cung cấp thông tin nhằm giúp người dân nắm bắt tình hình nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và đảm bảo tính định hướng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, đạt được kết quả to lớn:
Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả công tác thông tin cơ sở, cung cấp, chuyển tải thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật cho người dân ứng dụng vào lao động, sản xuất, tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, thông tin trên các lĩnh vực của đời sống xã hội... tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ sở.
Thứ hai, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho công tác thông tin về cơ sở, kết hợp và thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu, dự án đưa thông tin về cơ sở góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin cơ sở được triển khai thực hiện lồng ghép với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác thông tin cơ sở được kiểm tra, đầu tư xây dựng, nâng cấp thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, đã nâng cấp 09 đài truyền thanh cấp huyện và 76 trạm truyền thanh cấp xã, với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng [1.tr6]. Đầu tư mua sắm, sửa chữa các cụm loa không dây để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin cơ sở; thường xuyên kiểm tra xây dựng, sửa chữa trung tâm văn hóa, nhà văn hóa xã, nâng cấp các thư viện, phòng đọc sách, để kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập, tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa ở cơ sở.
Thư viện tỉnh được Qũy Bill & Melineda Gates tài trợ 40 máy tính nối mạng. Bên cạnh đó, đã xây dựng tủ sách, phòng đọc sách ấp khóm, thư viện xã, trường học được 27 điểm, 4.856 bản sách [1.tr7]. Chú trọng quan tâm xây dựng tủ sách tại các điểm du lịch sinh thái, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, các thư viện tư nhân nhằm phát huy phong trào văn hóa đọc mọi lúc, mọi nơi. Đến nay ở huyện đều có thư viện để cung cấp sách báo, tạp chí... đáp ứng nhu cầu đọc của người dân.
Đã cũng cố, tổ chức lại các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở hiện có, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và phù hợp với tình hình mới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có: 01 Thư viện tỉnh, 01 Bảo tàng tổng hợp; 01 Trung tâm Văn hóa tỉnh. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, thị xã, thành phố có 09 trung tâm văn hóa thông tin và thể thao; thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã hiện có 103 xã có trung tâm văn hóa - thông tin cấp xã; có 750 ấp, khóm có nhà văn hóa - khu thể thao. Có 10 đội thông tin lưu động, 1.764 cụm loa, 91 trung tâm học tập cộng đồng, 95 thư viện (đặt tại các trung tâm văn hóa - thông tin ấp, khóm), 144 tủ sách (trong các điểm chùa), 180 tủ sách ở các trường học, bưu điện xã, 86 bưu điện, đạm bảo phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền [1.tr7].
Thứ ba, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tích cực phổ biến, thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực thông tin cơ sở với các chuyên đề như: kỹ năng viết tin, bài, kỹ năng chụp ảnh cơ bản, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa ở cơ sở, nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền miệng, nghiệp vụ cán bộ thư viện, các tủ sách, phòng đọc sách, lớp tập huấn kỹ năng quay phim, dựng hình trên điện thoại thông minh,...
Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh có 50 đồng chí, cấp huyện 283 đồng chí, tuyên truyền viên cấp xã có 1.763 đồng chí; đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện có 88 đồng chí [1.tr4]; đội tuyên truyền lưu động cấp huyện có 36 đồng chí; thư viện có 10 đồng chí; 106 cán bộ phụ trách trạm truyền thanh các xã, phường, thị trấn [1.tr4]; Ngoài ra, các thư viện xã, tủ sách xã, phường, thị trấn đều phân công cán bộ phụ trách, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác cung cấp thông tin đến với người dân.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông , internet trong công tác thông tin cơ sở được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện: Ban tuyên giáo tỉnh đã xây dựng các kênh thông tin trên các mạng xã hội như facebook, bookzalo page, youtobe, tiktok thu hút được nhiều quan tâm. Riêng trang Fanpage Nghị quyết và cuộc sống thực hiện việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước, đến nay có 56.724 người theo dõi, số lượt tiếp cận các thông tin trên 60.000 lượt/tháng [1.tr5]; Fanpage Trà Vinh 24/7, cung cấp thông tin định hướng về tình hình thời sự trong nước, quốc tế. Những vẫn đề bức xúc mà người dân quan tâm, đấu tranh phản bác thông tin có quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, trên 71.000 người theo dõi, hàng tháng tiếp cận thông tin trên 55.000 lượt người; trên Zalo page có 13.636 lượt người quan tâm và tiếp cận trên 10.000 người mỗi tháng [1.tr5]. Trung bình mỗi trang zalo cấp huyện có trên 1.000 người quan tâm và có hàng chục ngàn lựợt người xem mỗi tháng, từ đó hiệu quả trong công tác tuyên truyền tiếp cận người dân được nâng lên; Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh tạo lập các tài khoản trên mạng xã hội để đưa thông tin tình hình thời sự của tỉnh. Công an tỉnh chi đạo xây dựng 127 trang zalo oficial account của các phòng nghiệp vụ và các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền phổ biến pháp luật và tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân [1.tr5].
Thứ năm, các đơn vị, địa phương sử dụng có hiệu quả công nghệ truyền thông hiện đại, nhất là mạng xã hội để đưa thông tin tiếp cận đến người dân một cách kịp thời, hiệu quả. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn Ban tuyên giáo cấp huyện triển khai thành lập các trang fanpage, zalo page ở cấp xã để kịp thời cung cấp thông tin về các chủ trương, đường lối, chính sách, tình hình địa phương cho nhân dân. Đài Phát thanh và Truyền hình tổ chức 2 lớp viết tin, bài; bồi dưỡng nghiệp vụ phát thanh viên, kỹ năng làm bão, truyền thông đa phương tiện. Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Thể thao tập huấn ngắn hạn cho 5.000 lượt học viên về xây dựng đời sống văn hóa, nghiệp vụ văn hóa cơ sở [1.tr8].
Thứ sáu, đã xây dựng kênh hoặc chương trình truyền thông về cơ sở của các cơ quan báo chí, truyền thông của địa phương.
Trong 05 năm qua, Báo Trà Vinh đăng tải trên 46.700 tác phẩm báo chí, trong đó: Chữ Việt phát hành bình quân 154 kỳ/năm, với cơ cấu 12 trang/kỳ phát hành trong mỗi kỳ, phát hành đều có nội được tuyên truyền về tình hình thời sự diễn ra trên địa bàn tỉnh, kiến thức về các tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong sản xuất nông, ngư nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng 07 chuyên trang,12 chuyên mục sẵn có, đồng thời mở thêm 09 chuyên mục và ký kết phối hợp tuyên truyền với các ngành, đơn vị để thông tin tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân. Báo Trà Vinh chữ Khmer phát hành bình quân 102 kỳ/năm, với cơ cấu 08 trang/kỳ phát hành. Báo được phát hành đến 100% chùa Khmcr (143 chùa) và các chi, đảng bộ có đông đảng viên Khmer, người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer. Báo Trà Vinh Online hoạt động trên môi trường mạng internet (trang tiếng Việt) cập nhật thông tin 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần, đã kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú cho người dân [1.tr8].
Cùng với các cơ quan truyền thông khác của tỉnh, thời gian qua, Báo Trà Vinh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình với 3 ấn phẩm: báo in, báo điện tử và báo chữ Khmer với số lượng phát hành thường xuyên liên tục, đáp ứng nhu cầu độc giả. Đặc biệt, báo điện tử với 54 chuyên mục phản ánh toàn diện các hoạt động của đời sống xã hội có mức truy cập bình quân trên 150.000 lượt/ngày [1.tr8].
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới của tỉnh Trà Vinh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: Nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử, đài truyền thanh một vài đơn vị cấp huyện còn đơn điệu, chưa thiết thực, thiếu sinh động, hấp dẫn, chưa bám sát nhu cầu của người dân. Đa số trạm truyền thanh cấp xã, phường, thị trấn không tự sản xuất được chương trình của địa phương mà chi tiếp âm qua đài tỉnh, huyện.
Đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở chưa được đào tạo bài bản, song năng lực, trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa sử dụng thật hiệu quả các công cụ truyền thông hiện đại để thực hiện nhiệm vụ
Hoạt động của các thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng, thư viện, tủ sách cơ sở hiệu qủa chưa cao, có nơi không hoạt động. Một vài nơi nội dung thông tin còn đơn điệu, hình thức thể hiện chưa thu hút, nhất là hoạt động của một số đội thông tin lưu động, hệ thống thư viện.
Cơ sở vật chất của nhà văn hóa xã, ấp xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm diện tích, chỗ ngồi, thiếu trang thiết bị và các phụ kiện kèm theo; một số đài, trạm truyền thanh cơ sở thiết bị cũ, hoạt động không ổn định,v.v….
Để khắc phục những hạn chế bất cập nêu trên đồng thời để đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới của tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới thì theo tôi cần tập trung vào những giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư; Quyết định số 135/ỌĐ-TTg, ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch số 31-KH/TU, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu qủa công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh về công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thông tin cơ sở.
Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin cơ sở; kết hợp chặt chẽ các phương tiện truyền thông hiện đại với cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết chế văn hóa - thông tin ở cơ sở hiện có và các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện tốt công tác thông tin cơ sở; đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho cuộc sống, lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân; đồng thời chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu, độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường hướng về cơ sở, đảm bảo mỗi người dân vùng sâu, vùng đông đồng bào dân tộc được tiếp cận kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt công tác định hướng tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, kịp thời tiếp nhận thông tin và trả lời thông tin phản ánh của người dân thông qua công tác thông tin cơ sở.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại, truyền thông đa phương tiện, ứng dụng mạng xã hội, khai thác có hiệu qủa tủ sách pháp luật, thư viện xã để thực hiện việc cung cấp thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người dân.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thông tin cơ sở, trong đó chú trọng nâng cao kỹ năng viết tin, bài; kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả đài truyền thanh, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin ơ cơ sở.
Thứ sáu, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác thông tin cơ sở, ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động cho trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, hệ thống thư viện công cộng ở cơ sở xã, phường, thị trấn và đài, trạm truyền thanh ở cơ sở./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Báo cáo số 312-BC/TU, ngày 29/9/2022 về việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 05/09/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”.
[2]. Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg về hoạt động của đài truyền thanh cấp xã, bảng tin công cộng, bản tin, tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở, tuyên truyền viên cơ sở.
[3]. Kế hoạch số 35/KH-UBND, ngày 15/5/2022 về thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
[4]. http://daidoanket.vn/thong-tin-co-so-la-bo-phan-quan-trong-trong-cong-tac-tuyen-truyen-cua-dang-va-nha-nuoc-455958.html.
[5]. Quyết định số 135/ỌĐ-TTg, ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu qủa công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương.