Xây dựng và phát triển văn hóa tại tỉnh Trà Vinh

Phan Văn Tấn             
                                                              Phó Khoa Nhà nước và Pháp luật

         Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa chính là nguồn lực nội sinh của một dân tộc, đưa dân tộc Việt Nam vươn tới những giá trị mới của văn hóa đương đại cùng với việc giữ gìn, bảo vệ bản sắc dân tộc. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa những năm qua tỉnh Trà Vinh đã ra sức xây dựng và phát triển văn hóa đạt nhiều thành tựu:

         Thứ nhất, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

         Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân tổ chức, tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh; xây văn hóa trong cộng đồng dân cư khóm, ấp, khu phố, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách. Tính đến năm 2020 có 100% xã, phường, thị trấn có từ 02 - 05 câu lạc bộ văn hóa thể thao; thu hút trên 50% dân số tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên.

         Những năm qua tỉnh đã thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng cơ quan, đơn vị, cơ sở tín ngưỡng văn minh; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, chú trọng xây dựng đời sống văn hóa trong vùng đồng bào Khmer. Hiện trên địa bàn tỉnh có 106 mô hình “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống” tại 106 xã, phường, thị trấn; 385 mô hình phòng chống bạo lực gia đình 256.114/277.260 hộ đạt chuẩn gia đình văn hoá. 739/756 ấp khóm văn hoá; 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 1147/1232 cơ quan, đơn vị, đạt chuẩn doanh nghiệp văn hoá.[1]

         Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa

         Trong nhiệm kỳ qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị  văn minh” tiếp tục phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư. Toàn tỉnh có 8 trung tâm văn hoá thông tin và thể thao cấp huyện, 103 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn; 741 nhà văn hoá ấp, khóm.[1]

         Tỉnh còn quan tâm bảo tồn các  giá  trị văn hóa vật  thể, phi vật thể, các di  tích  lịch  sử, tỉnh có 01 bảo vật quốc gia, 05 di sản phi vật thể quốc gia và 43 di tích được xếp hạng (cấp tỉnh 28, quốc gia 15). Các hoạt động kỷ niệm, tuyên truyền, cổ động chính trị được tổ chức có hiệu quả, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị gắn với giáo dục truyền thống lịch sử của đất nước, dân tộc và địa phương.

          Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục mở rộng, thu hút sự tham gia của mọi người, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở. Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trong tỉnh hiện đạt 34%; số gia đình thể thao đạt 22% và toàn tỉnh hiện có hơn 700 câu lạc bộ thể thao cơ sở đang hoạt động có hiệu quả.[2]

           Hoạt động báo chí, thông tin - truyền thông, văn học - nghệ thuật bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, kịp thời thông tin tình hình đất nước, của tỉnh, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gương người tốt, việc tốt… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Phát triển nghệ thuật quần chúng; hướng dẫn, khuyến khích nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống; đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động.

          Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; chú trọng định hướng tư tưởng đối với nghệ sĩ, nghệ nhân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích hoạt động sáng tác tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.  Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử.

          Giáo dục và đào tạo: duy trì tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học; phổ cập giáo dục có bước phát triển. Chất lượng giáo dục và  đào tạo được nâng lên. Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phát triển về quy mô, ngành nghề; việc dạy và học chữ Khmer được quan tâm thực hiện. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn và trên chuẩn. Mạng lưới trường, lớp được đầu tư, gắn  với việc sắp xếp, sáp nhập 48 điểm trường; tăng 49 trường đạt chuẩn quốc gia;  bố  trí  giáo viên bảo đảm theo tỷ  lệ  học sinh và  lớp học; 100% xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng. Xã hội hóa giáo dục được khuyến khích; hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai rộng khắp. Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển văn hóa nông thôn; Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.

          Hoạt động khoa học và công nghệ có những chuyển biến tích cực, các đề tài, dự án nghiên cứu đi vào chiều sâu, tập trung vào phát triển ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Nông nghiệp hữu cơ, sinh học, giống… Hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tiến bộ.

          Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hoá

          “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tỉnh Trà Vinh tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.”[3]

          Tỉnh đã xây dựng đề án Làng văn hóa - du lịch Khmer trở thành điểm đến văn hóa, du lịch cấp quốc gia gồm 05 phân khu chính: Ao Bà Om; Chùa Âng; Nhà Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer; Trường Pali; Làng Văn hóa dân tộc Khmer, Chùa Lò Gạch, di tích Óc Eo[4]. Bên cạnh đó tỉnh còn xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án du lịch, như Khu du lịch sinh thái rừng đước Nông trường Tỉnh đội, Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, Khu du lịch khoáng nóng Duyên Hải.Tỉnh cũng đã ban hành chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, như hỗ trợ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đào tạo lao động cho các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng/dự án.

          Hội văn học nghệ thuật tỉnh đã tập hợp biên tập xuất bản hơn 40 đầu sách của các văn nghệ sĩ trong tỉnh. đặc biệt kỉ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh hôi đã xuất bản quyển “Mỹ thuật Trà Vinh” và “Viễn Châu - Tác phẩm đi cùng năm tháng”.

          Tĩnh đã triển khai thực hiện các quy hoạch: “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; “Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Đài phát thanh truyền hình thực hiện một số chương trình giải trí như: ca nhạc, ca cổ, sân khấu cải lương, chiếu phim tài liệu..hoà sóng phát thanh: ba miền văn hoá (chiếu trên 3 đài Trà Vinh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu) thực hiện phát sóng chương trình tạp chí văn nghệ, “Bánh ngon miền Tây”, “Trà Vinh quê tôi”, “Tài tử đất phương Nam”, …đáp ứng nhu cầu tinh thần về văn hoá của nhân dân và góp phần tích cực công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh.[5]

          Thứ tư, hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

          Tỉnh đã thực hiện đẩy mạnh các hoạt động văn hoá đối ngoại đi đôi với giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương, con người Trà Vinh thân thiện, đoàn kết, nhân ái, sáng tạo; những nét đặc trưng của các dân tộc trong tỉnh; từng bước nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh tỉnh Trà Vinh với các địa phương trong nước và quốc tế. Đồng thời tiếp thu tinh hóa văn hoá nhân loại làm phong phú và sâu sắc hơn những giá trị văn hoá của tỉnh nhà. Cụ thể: Năm 2018, Tỉnh đoàn Trà Vinh phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và các sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại trường Đại học Trà Vinh.[6] Năm 2019 tỉnh tổ chức Tuần lễ hội chợ thương mại, ẩm thực, trái cây ngon và du lịch gắn với lễ hội vu lan thắng hội huyện Cầu Kè. Năm 2020, tỉnh tổ chức Hội chợ - Triển lãm Thương mại khai mạc Tuần lễ Văn hóa, Du lịch Trà Vinh.[7]

          Thứ năm, xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế

          Văn hoá trong chính trị: Tỉnh chăm lo xây dựng văn hoá trong Đảng, trong cơ quan nhà nước, đoàn thể. Đặc biệt năm 2019 tỉnh tổ chức thực hiện phong trào thi đua cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở giai đoạn 2019 - 2025.[8] Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Tỉnh ủy Trà Vinh đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh làm rõ nội dung của 82 biểu hiện. Đây là cách làm sáng tạo của tỉnh.[9]

          Văn hoá trong kinh tế: Tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Quyết định 1846/QĐ-TTG ngày 26/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc  lấy  ngày  10/11  hàng  năm  là  Ngày  Văn  hóa  doanh  nghiệp  Việt  Nam  và Cuộc  vận  động  xây  dựng  văn  hóa doanh  nghiệp  Việt  Nam  trong  các  doanh nghiệp và toàn xã hội.

          Thứ sáu, phát triển con người

          “Tỉnh chủ trương xây dựng con người Trà Vinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, theo các giá trị chuẩn mực, trong đó trọng tâm là nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.[10]

          Trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Trà Vinh đã đổi mới công tác quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực văn hóa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế; quy hoạch hệ thống các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật; tiếp tục thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011 - 2020” ; Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011 - 2020”; Đề án kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020; thực hiện chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc biệt trong các trường văn hóa - nghệ thuật.

          Ngoài ra tỉnh còn triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 theo tinh thần Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ; gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống; nâng cao chất lượng, hiệu quả trường học; Tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục nghệ thuật nhằm nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ của nhân dân, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho con người; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; phát triển giáo dục văn hóa ngoài nhà trường để mọi người dân có khả năng thưởng thức và kỹ năng biểu đạt văn hóa, nghệ thuật; phát huy tính tích cực của cá nhân, cộng đồng và xã hội trong sinh hoạt văn hóa.

         Bên cạnh  kết quả đạt được quan trọng nêu trên xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh vẫn còn một số bất cập nhất định cần phải khắc phục như: 

         Thứ nhất, Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  có mặt còn hạn chế; các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục - thể thao; thiếu nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Nội dung, hình thức hoạt động của báo chí, văn học - nghệ thuật chưa phong phú, đa dạng.

         Thứ hai, chất lượng hệ thống trường, lớp học còn thấp, phòng học bộ môn, thiết bị dạy học trong trường học và đồ dùng, đồ chơi ở các cấp học còn thiếu; chưa có trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục - đào tạo chưa nhiều. Số lượng đào tạo nghề có tăng lên, nhưng chất lượng chưa tương xứng, chưa gắn với nhu cầu thị trường; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp  ứng được nhu cầu xã hội. Đầu tư cho khoa học - công nghệ còn thấp, nguồn lực khoa học - công nghệ còn thiếu và yếu; hiệu quả nghiên cứu khoa học - công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa cao.

         Thứ ba, việc hưởng thụ văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các bộ phận dân cư, dân tộc vẫn còn khoảng cách, đời sống văn hóa tinh thần ở một số địa phương, nhất là ở một số khu vực nông thôn chậm được cải thiện. Môi trường văn hóa còn có những biểu hiện thiếu lành mạnh, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn ra, một số nơi có chiều hướng gia tăng. Chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, ca ngợi quê hương, con người Trà Vinh; cơ sở hạ tầng về văn hóa còn khó khăn.

         Thứ tư, công tác quản lí nhà nước trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ nhất là than, kiểm tra hoạt động kinh doanh văn hoá, thông tin trên môi trường internet và mạng xã hội chưa thường xuyên và chưa đạt yêu cầu. việc xử lí các hành vi vi phạm trong tổ chức các hoạt động văn hoá chưa mang tính răn đe cao đối với người vi phạm.

         Thứ năm, hoạt động văn hoá văn nghệ tuy được đầu tư đổi mới về nội dung và nghệ thuật nhưng chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân.

Để khắc phục những hạn chế và phát huy hơn nữa những kết quả đạt được  trong thời gian tới, tỉnh Trà Vinh cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cụ thể như sau:

         Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  và cuộc vận động  “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn  mới, đô thị văn minh”. Xây dựng mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị có môi trường văn hóa  lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn, góp phần giáo dục, rèn  luyện con người về nhân cách, lối sống.

         Thứ hai, quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. Duy trì, phát triển các loại hình văn hóa, bảo tồn, phát huy các di sản và giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Khuyến khích và có cơ chế đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ nhằm tạo ra những tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

         Thứ ba, chú trọng quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa ngang tầm nhiệm vụ. Rà soát cán bộ  làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở  để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, từng bước kiện toàn, nâng cao chất lượng bộ  máy hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa. Tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lĩnh vực văn hóa và dịch vụ văn hóa.

         Thứ tư, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Trà Vinh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong đó chú trọng xây dựng bồi dưỡng đạo đức lối sống. thường xuyên nắm bắt tâm tư tình cảm của nhân dân.

         Thứ năm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người; quan tâm đầu tư cơ sở  vật chất, trang thiết bị  kỹ  thuật và công nghệ  tiên tiến để  nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa.

         Thứ sáu, Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tổ chức các hoạt động văn hóa.

         Thứ bảy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế  hiện nay; cụ thể  hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về  văn hóa, ban hành các văn bản phù hợp với điều kiện và thực tiễn của địa phương; quan tâm chỉ đạo sâu sát, nhất là các yếu tố có liên quan đến con người. Chủ  động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa.

         Tóm lại, văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân, sự vững chắc của mỗi cộng đồng và rộng hơn là sự phát triển của mỗi quốc gia. Sẽ không thể có một sự phát triển nhanh và bền vững nếu không phát huy được nội lực của chính quốc gia đó. Mà nội lực quan trọng nhất của mỗi một quốc gia chính là con người, là những sáng tạo của con người quốc gia đó. Chính vì vậy “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” phải được xem là nhiệm vụ chiến lược để khơi dậy sức mạnh nội sinh của dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Tỉnh Uỷ Trà Vinh, Báo cáo số 162-Bc/Tu về công tác văn hoá văn nghệ 2021.

         2. Tỉnh Uỷ Trà Vinh, Báo cáo chính trị của ban chấp hành đảng bộ tỉnh khóa X tại đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

         3. Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 9 tháng 5 năm 2017 về việc ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

         4. Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 “Đề án phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.

         5. Tỉnh uỷ Trà Vinh, Báo cáo số 700 – Bc/Tu Tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 46-CT/TW  ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hộia

         6. Mỹ Trinh, Trà Vinh: Giao lưu văn hóa Việt - Nhật năm 2018, Báo doanthanhnien.vn, truy cập 26/10/2018.

         7. Hữu Nghị, Hội chợ - Triển lãm Thương mại khai mạc Tuần lễ Văn hóa, Du lịch Trà Vinh 2020, voh.com.vn, truy cập ngày 25/10/2020.

         8. Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Kế hoạch số 66/KH-UBND Tổ chức thực hiện phong trào thi đua cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở giai đoạn 2019 – 2025

         9. Lê Tâm, Trà Vinh thực hiện sáng tạo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, xaydungdang.org, truy cập 15/5/2018

         10. Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Quyết định Số: 79/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2016 “về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh”.

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 27
  • Trong tuần: 5 017
  • Tất cả: 584715
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này