Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở nước ta hiện nay

ThS. Trần Thị Như Diễm
                                                                                 Khoa Lý luận cơ sở   

         Hợp tác xã là một bộ phận của kinh tế nông thôn, kích hoạt cơ cấu lại nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ là động lực thay đổi tích cực, tăng thêm sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Hợp tác xã nông nghiệp không chỉ chú trọng mục tiêu huy động tăng trưởng, mà hơn hết, đóng góp vào định hướng phát triển bền vững, đảm trách vai trò nền tảng cho tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp.

         Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã nông nghiệp

         Với đặc thù đất nước thuần nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy vai trò, sự cần thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam, từ những ngày đầu đất nước giành độc lập. Sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân từ cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện tư tưởng hợp tác xã vào thực tế Việt Nam. Trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946, Người viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông mong vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã. Nói tóm lại, hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều1. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất của hợp tác xã là hợp sức, hợp vốn với nhau để có nhiều sức mạnh hơn và lao động sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Mục đích của hợp tác xã được Người chỉ ra là để cải thiện đời sống nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh: “Hợp tác xã cốt làm cho những người vô sản giai cấp hóa anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây2.

         Xây dựng hợp tác xã được Hồ Chí Minh ví như là “cuộc cách mạng trong nông nghiệp”, song “đó là một sự biến đổi cực kỳ to, cực kỳ mới, cực kỳ tốt. Cho nên lúc đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ và khó khăn” . Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra cần phải tuân thủ các nguyên tắc, phương châm và có hệ thống giải pháp toàn diện và hợp lý. Theo Hồ Chí Minh, muốn có những hợp tác xã tốt, phát triển bền vững phải tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc cơ bản và quan trọng. Đó là: tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi và công bằng.

         Mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở nước ta hiện nay

         Cho đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn nguyên giá trị, đã được Đảng và Nhà nước ta kế thừa và vận dụng sáng tạo trong xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, với những nội dung cơ bản sau:

         Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới là một tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Được thành lập để tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp; mang tính xã hội cao. Hợp tác xã nông nghiệp trước hết là để đáp ứng các nhu cầu chung của nông dân về sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp, nông dân gia nhập hợp tác xã nông nghiệp là vì họ cần được cung cấp dịch vụ, sản phẩm mà từng hộ không thể tự làm hoặc làm một mình không có hiệu quả. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông
nghiệp của hợp tác xã nông nghiệp chỉ là công cụ nhằm thúc đẩy tăng thêm lợi ích, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hộ nông dân. Đối tượng tham gia hợp tác xã nông nghiệp gồm tất cả những người nông dân, hộ nông dân và pháp nhân. Khi tham gia, thành viên hợp tác xã nông nghiệp  bắt buộc phải góp vốn để xác định tư cách thành viên.  Việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới dựa trên cơ sở tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích chung để phát huy sức mạnh tập thể
.

         Khác với hợp tác xã nông nghiệp cũ, hợp tác xã nông nghiệp  kiểu mới hoạt động theo cơ chế quan hệ kinh tế đa phương, tự nguyện. Hợp tác xã phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự bù đắp, bảo toàn và phát triển vốn, phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh của nền kinh tế nhiều thành phần, giao lưu kinh tế, từng bước phát triển trên cơ sở luật pháp của Nhà nước (hợp tác xã kiểu cũ là cơ chế mệnh lệnh, hành chính, tập trung. Các quan hệ giải quyết đầu vào, đầu ra trong hoạt động kinh tế chủ yếu thông qua các tổ chức kinh tế Nhà nước và mang tính hành chính hoá.

         Những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở nước ta hiện nay

         Về thuận lợi

         Là một phần quan trọng trong kinh tế nông nghiệp nói chung, thời gian qua việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tại các địa phương trong cả nước được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhất là từ sau khi Luật Hợp tác xã (2012) đi vào cuộc sống. Từ đó, nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vốn, giống; hỗ trợ chế biến sản phẩm; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bên cạnh nhưng chính sách chung cho hợp tác xã (như bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, ứng dụng khoa học - công nghệ mới...)

         Liên kết giữa doanh nghiệp với nông hộ bằng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản đang là lựa chọn tốt trong việc tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại các tỉnh ở nước ta  hiện nay.

         Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, nông nghiệp công nghệ cao giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, năng suất, chất lượng cao và giá trị nổi trội. Một số hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia vào các chương trình khuyến nông, đầu tư sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đăng ký thương hiệu sản phẩm, từ đó hợp tác xã  hoạt động tiếp tục ổn định và phát triển, thu nhập, đời sống thành viên và lao động ổn định, nâng lên. Bên cạnh đó, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới là một yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

         Về khó khăn

         Bên cạnh những thuận lợi trên, việc triển khai và thực hiện xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở nước ta hiện nay còn gặp phải những khó khăn sau:

         Thứ nhất, với từng nông hộ, việc nhận thức về bản chất, nguyên tắc và giá trị của mô hình Hợp tác xã nông nghiệp  kiểu mới và Luật HTX (2012) chưa đầy đủ và thấu đáo, trong khi tư duy về hợp tác xã kiểu cũ còn thường trực kéo theo sự hoài nghi về hiệu quả của Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới và tâm lý trông chờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế khác;

         Thứ hai, khi tham gia chương trình xây dựng hợp tác xã nông nghiệp  kiểu mới trình độ quản trị của đội ngũ cán bộ hợp tác xã nông nghiệp nhất là kiến thức về pháp luật, kiến thức quản trị kinh doanh hợp tác xã nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều hạn chế;

         Thứ ba, năng lực tài chính của hợp tác xã nông nghiệp  kiểu mới còn hạn hẹp trong khi việc tiếp cận với chính sách tín dụng còn hạn chế, nguồn vốn góp bằng tiền không nhiều mà thường là vốn tự quản của gia đình xã viên như đất đai, tài sản trên đất không thể mang ra thế chấp hoặc sử dụng để tăng quy mô, cơ cấu vốn lưu động của hợp tác xã nông nghiệp  kiểu mới thấp, việc sử dụng vốn điều lệ chưa hiệu quả;

         Thứ tứ, về cạnh tranh, xuất phát từ các cam kết về hội nhập, tự do hóa thương mại hàng nông, lâm, thủy sản với các quốc gia, tổ chức thế giới được triển khai với quy mô ngày càng lớn và mức độ ngày càng cao càng làm môi trường cạnh tranh trở nên gay gắt cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp  phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm mới, kể cả sản phẩm nội địa và đặc biệt là sự xâm lấn của thị trường nước ngoài sau khi các hàng rào thuế quan dần được xoá bỏ theo các thoả thuận thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh những rào cản về kỹ thuật, chất lượng, an toàn thực phẩm, thì vấn đề nguồn gốc xuất xứ đối với nông sản đang là vấn đề mà các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ lực khắc phục.

          Thứ năm, đối với nguồn lao động trong hợp tác xã. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là thách thức lớn thay thế ngồn lao động dồi dào trong các hợp tác xã. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo đột phá công nghệ, thay đổi cơ bản phương thức sản xuất; có thể tạo ra quy mô và tốc độ phát triển nhanh. Điều này càng thôi thúc tiến trình đổi mới và sáng tạo đối với mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, gắn với những tiến bộ về khoa học công nghệ.

         Một số giải pháp nhằm phát triển mô hình HTX.NN kiểu mới ở nước ta hiện nay

         Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về hợp tác xã nông nghiệp  kiểu mới của cán bộ, Đảng viên; cán bộ, quản lý, xã viên hợp tác xã nông nghiệp  và Nhân dân. Nhận thức về mô hình hợp tác xã nông nghiệp  kiểu mới là một quá trình phức tạp, nó bắt đầu từ việc xem xét một cách trực tiếp, tích cực dựa trên cơ sở thực tiễn. Nhận thức đúng sẽ cho hành động đúng, thông qua các hoạt động tuyên truyền liên tục trên nhiều phương tiện, bằng nhiều hình thức nhằm phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về Luật HTX (2012), về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, cũng như hợp tác xã nông nghiệp  kiểu mới. Thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, chuyến khảo sát học tập các mô hình hợp tác xã nông nghiệp  hoạt động có hiệu quả.

          Hai là, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp, kết nối đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với việc thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Sớm rà soát, hoàn thiện các chính sách về hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, thuế... trong đó đặc biệt chú ý chính sách hỗ trợ vốn cho hợp tác xã nông nghiệp, khuyến khích nông dân góp vốn hình thành hợp tác xã nông nghiệp để ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển các mô hình sản xuất thích hợp với quy mô lớn cho từng vùng theo hướng ổn định lâu dài,từng bước hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại có mối liên kết chặt chẽ với các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ, tạo đà xây dựng nông thôn mới.

         Ba là, Nâng cao năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã nông nghiệp cần được phổ cập liên tục thông qua các chương trình đào tạo tập huấn về kỹ năng quản lý, nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng dự án, kế hoạch và các kỹ năng mềm cho cán bộ, thành viên hợp tác xã nông nghiệp. Bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên đề về kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản lý: quản trị nhân sự, quản trị dự án, quản trị thương hiệu và Marketing sản phẩm, thương mại điện tử, kỹ năng xây dựng chương trình quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của các hợp tác xã nông nghiệp.

         Bốn là, tăng cường vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phát triển hợp tác xã; tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho việc hình thành và phát triển tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn của Trung ương./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.246.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.343.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 446
  • Trong tuần: 11 303
  • Tất cả: 563444
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này