Sự biến đổi của lực lượng sản xuất dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

ThS. Thạch Trần Thị Cầm
Khoa Lý luận cơ sở    

         Trong bối cảnh hiện nay, dưới tác động của CMCNLTT, khoa học đã thâm nhập, thẩm thấu, vật chất hóa, chuyển hóa vào trong các yếu tố cấu thành của LLSX, làm cho LLSX không ngừng biến đổi. Sự biến đổi đó thể hiện ở những khía cạnh như sau:

          Thứ nhất, quá trình "tri thức hóa" nhân tố người lao động ngày càng diễn ra mạnh mẽ làm biến đổi trình độ, kỹ năng của người lao động.

         Hiện nay, dưới tác động của CMCNLTT, xu hướng hình thành đội ngũ công nhân trí thức ngày càng diễn ra mạnh mẽ, tức là trong nhân tố người lao động đang diễn ra quá trình trí thức hóa. Bởi lẽ, CMCNLTT đã mang đến những thành tựu khoa học và công nghệ mang tính đột phá, tri thức khoa học chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền sản xuất khi nó trở thành điểm xuất phát trực tiếp cho những biến đổi lớn lao về công nghệ và nó cũng trực tiếp kết tinh trong các sản phẩm của lao động, thời gian ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất ngày càng được rút ngắn, chu kỳ đổi mới công nghệ ngắn và nhanh, tốc độ của những sáng kiến, phát minh và sự lan tỏa của nó là theo cấp số nhân,... Do vậy, trong bối cảnh CMCNLTT, những thay đổi là hết sức nhanh chóng, quá trình đó của khoa học và công nghệ là những chuỗi cải tiến và nâng cấp không ngừng trong nền sản xuất thông minh - nơi mà người lao động luôn phải "làm mới" chính mình để thúc đẩy sự thay đổi và đi kịp với những thực tế của sự đổi thay đó.

         Những thành tựu của CMCNLTT là minh chứng sống động cho những năng lực vô hạn của tri thức, trí tuệ trong nhân tố người lao động. Cuộc cách mạng này không làm thay đổi vai trò quyết định của nhân tố người lao động trong LLSX, ngược lại nó càng khẳng định vai trò quyết định của người lao động trong nền sản xuất hiện đại. Theo đó, CMCNLTT đã nâng khía cạnh tri thức, trí tuệ của người lao động lên những tầm cao mới, đi đến bước ngoặt mới. Trong Báo cáo phát triển nhân lực năm 2002, Ngân hàng thế giới đã khẳng định: Tri thức là một động lực cơ bản cho việc gia tăng năng suất lao động và cạnh tranh toàn cầu. Nó là yếu tố quyết định trong quá trình phát minh, sáng kiến, và tạo ra của cải xã hội. Việc khẳng định này cũng đồng thời với yêu cầu buộc nhân tố người lao động phải thường xuyên được tri thức hóa, trí tuệ hóa. Theo đó, tốc độ tri thức hóa công nhân đang diễn ra khá nhanh và công nhân tri thức đã dần chiếm tỷ lệ cao - tới 40% trong tổng số lao động xã hội ở các nước phát triển[1]. Theo thống kê ở Mỹ, trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, đã có 93 triệu người lao động, chiếm 80% lực lượng lao động chuyển từ khu vực sản xuất sang khu vực thông tin và dịch vụ. Còn ở các nước OECD, hiện tại, công nhân tri thức đã chiếm từ 60% đến 70% lao động xã hội[2].

         Như vậy, dưới tác động của CMCNLTT, với những yêu cầu về việc người lao động có khả năng và sẵn sàng làm cùng với máy móc ngày càng thông minh, quá trình tri thức hóa nhân tố người lao động ngày càng được đẩy mạnh, điều này đồng nghĩa với trình độ người lao động ngày càng được nâng cao. Hơn nữa, để bắt kịp với nền sản xuất thông minh và đảm bảo hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động và các nhà quản lý sẽ đưa ra những chính sách khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo và đưa quá trình học tập trở thành nhu cầu thường xuyên và tất yếu đối với tất cả người lao động. Từ đây, học tập nhằm tạo ra những giá trị mới cho xã hội trở thành một phương tiện mưu sinh, điều này cũng đòi hỏi người lao động phải học tập suốt đời vì sự thay đổi không ngừng của khoa học và công nghệ luôn đi kế bên. Điều này cho thấy, số lượng công nhân áo xanh (Blue Collar Worker) sẽ ngày càng giảm đi, thay vào đó là số lượng công nhân áo trắng (White Collar Worker) hay công nhân tri thức (Knowledge Worker) ngày càng tăng.

          Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tác động đến các kỹ năng của người lao động, làm biến đổi kỹ năng lao động của họ. Trong tương lai không xa, những ngành nghề có khả năng tự động hóa thấp là những ngành nghề cung cấp những việc làm đòi hỏi các kỹ năng xã hội và sáng tạo; đặc biệt là các kỹ năng ra quyết định trong bối cảnh có nhiều biến động, không chắc chắn và có sự chuyển biến nhanh cũng như sự phát triển nhiều ý tưởng mới lạ và tạo ra những giá trị mới. Theo Báo cáo Tương lai nghề nghiệp của Diễn đàn kinh tế thế giới (năm 2016) thì đến năm 2020, các ngành công nghiệp và các nền kinh tế đòi hỏi nhiều hơn các kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp (36%), kỹ năng xã hội (bao gồm phối hợp với người khác, trí tuệ cảm xúc, thương lượng, thuyết phục, định hướng dịch vụ, huấn luyện và dạy người khác) (19%), kỹ năng quy trình (bao gồm lắng nghe, tư duy phê phán, biết giám sát bản thân và người xung quanh) (18%) và kỹ năng hệ thống (phán đoán và quyết định, phân tích hệ thống) (17%). Trong khi đó, các kỹ năng thể chất và nội dung có mức độ nhu cầu thấp lần lượt là 4% và 10%. Ngoài ra, xét trong tỷ trọng giữa nhu cầu kỹ năng tăng, nhu cầu kỹ năng ổn định và nhu cầu kỹ năng sụt giảm vào năm 2020 so với năm 2015 thì các năng lực nhận thức như linh hoạt trong nhận thức, sáng tạo, lập luận lôgic, nhạy cảm trong nhận thức, lập luận toán học, năng lực hiển thị được đánh giá là kỹ năng có nhu cầu gia tăng nhanh nhất (52%) trong các kỹ năng cơ bản.

          Thứ hai, một bộ phận người lao động có trình độ, kỹ năng thấp sẽ bị đào thải khỏi dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại.

          Tự động hóa ngành sản xuất đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ đồng nghĩa với việc gia tăng sự hiện diện của robot và các máy móc thông minh trong các dây chuyền sản xuất. Như vậy, nền sản xuất thông minh với dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại sẽ không đòi hỏi sự hiện diện của nhiều người lao động, điều này làm biến đổi số lượng người lao động theo hướng giảm dần, đặc biệt là lao động giản đơn, phổ thông.

          Theo thống kê của Liên đoàn khoa học robot quốc tế, ngày nay có khoảng 1,1 triệu robot đang làm việc trong các dây chuyền sản xuất, dịch vụ trên thế giới. Riêng ngành sản xuất ôtô, máy móc và những cánh tay robot đã chiếm khoảng 80% khối lượng công việc. Nhờ sự tích hợp ngày càng cao của trí tuệ nhân tạo vào robot, những người máy trong CMCNLTT làm việc ngày càng thông minh, có khả năng ghi nhớ và học hỏi vô hạn cùng với quá trình cải tiến công nghệ không ngừng, có khả năng làm việc 24/24 giờ, có thể làm việc trong những môi trường rất nóng, rất lạnh hoặc rất độc hại, nguy hiểm, lực lượng này cũng không cần trả lương, bảo hiểm, đóng thuế, sinh nở,... Cùng với đó, công nghệ in 3D ngày càng phát triển với khả năng tạo nên những sản phẩm vô cùng phức tạp, sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau như kim loại, hợp kim tiên tiến, chất dẻo, gốm,... Nó có thể đảm nhận những công việc mà trước đây phải cần tới cả một nhà máy với nhiều công nhân hoàn thành. Do vậy, sự hiện diện của những công nghệ thông minh trong nền sản xuất hiện đại đã làm giảm đáng kể số lượng người lao động. Về điều này, C.Mác viết: Theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực sự trở nên ít phục thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí hơn là vào sức mạnh của những tác nhân được khởi động trong thời gian lao động, và bản thân những tác nhân ấy... chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào sự tiến bộ của kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất[3].

          Việc sản xuất và kinh doanh trên nền tảng số với những công nghệ thông minh được tích hợp ngày càng cao làm cho một đơn vị của cải vật chất được tạo ra với số lượng người lao động ít hơn nhiều so với 10 hay 15 năm về trước. Chẳng hạn như vào năm 1990, Detroit - một trung tâm của ngành sản xuất ôtô Mỹ có tổng giá trị vốn hóa trên thị trường của ba công ty lớn nhất là 36 tỷ USD và có 1,2 triệu nhân viên. Năm 2014, ba công ty lớn nhất của thung lũng Silicon có giá trị vốn hóa cao hơn nhiều với 1.09 nghìn tỷ USD, nhưng số nhân viên chỉ bằng 1/10 tức là 137.000 người. Năm 2015, Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25.000 nhà hàng với hoạt động hầu hết là của robot. Nếu trước đây cần có từ 10 đến 20 nhân viên cho một nhà hàng của Mc Donald thì hiện nay chỉ cần có 2 đến 3 người để quản lý[4].

         Tình hình trên cho thấy, quá trình tự động hóa của nền sản xuất hiện đại ngày càng được đẩy mạnh đã chứng minh năng lực vượt bật của robot và máy móc hiện nay. Có những công việc người lao động có thể làm nhưng robot có khả năng làm tốt hơn, đem lại năng suất và hiệu quả gấp nhiều lần. Chẳng hạn như, người lao động có thể dệt vải với nhiều sự cố gắng nhưng những khung dệt tự động có thể dệt được hàng dặm vải dài chỉ trong vài cent (đơn vị đo khoảng cách âm thanh trong công nghệ); hay một trí não của máy tính được biết đến là autophilot - phi công tự động có thể lái máy bay 787 mà chỉ cần phi công con người trợ giúp trong bảy phút của một chuyến bay điển hình. Hơn nữa, có những công việc người lao động không thể làm nhưng robot thì có thể, chẳng hạn như, những công việc trong môi trường rất nóng, rất lạnh, rất độc hại mà không có bất kỳ con người bằng xương bằng thịt nào có thể làm được; hay việc tìm kiếm một từ khóa với tập hợp của hàng triệu trang web trên toàn thế giới chỉ trong vòng vài giây cũng không có người lao động ở bất kỳ trình độ giáo dục siêu việt nào có thể nhanh chóng tìm ra; người lao động cũng không có khả năng phản xạ hàng mili giây để biến khối thủy tinh thành chai, lọ; và càng không thể tập trung kiểm tra mỗi milimet vuông của tất cả các bản chụp cắt lớp để tìm ra tế bào ung thư. Ngoài ra, có những công việc mà tính chất của nó chỉ cần máy móc hiện đại đảm nhiệm, người lao động trở nên dư thừa. Chẳng hạn như, những công việc theo những quy trình chuẩn, có đặc thù về sự lặp đi lặp lại đều đặn, những công việc đòi hỏi lao động chân tay chính xác hay chỉ đòi hỏi kỹ năng lao động phổ thông, những công việc với lao động giản đơn như thế đã được tự động hóa.

         Thực tế trên cho thấy, với nền sản xuất tự động hóa hiện đại, hàng loạt lao động giản đơn sẽ bị đào thải, hàng loạt công việc sẽ mất đi.Trong báo cáo Tương lai của việc làm (2016) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thông qua việc khảo sát 15 nền kinh tế với 1,86 tỷ người lao động được khoanh lại thành 20 nhóm công việc, các tác giả đưa ra dự đoán trong giai đoạn 2015 - 2020 sẽ có hơn 7,1 triệu việc làm bị mất đi, 2/3 trong số đó tập trung ở các nhóm công việc văn phòng và hành chính[5].

          Một nghiên cứu vào năm 2013 của hai nhà khoa học tại trường Oxford Martin là Carl Benedikt Frey (nhà kinh tế) và Michael Osborne (chuyên gia về máy tự học) đã lượng hóa các tác động tiềm năng của quá trình tự động hóa hiện đại đối với thất nghiệp trong 702 nghề nghiệp khác nhau. Theo đó, những ngành nghề có khả năng tự động hóa nhiều nhất được đề cập đến, đó là: nhân viên tiếp thị qua điện thoại; nhân viên khai thuế; giám định bảo hiểm, đánh giá hư hại ôtô; trọng tài thể thao, các quan chức thể thao; thư ký pháp luật; tiếp viên, nhân viên lễ tân nhà hàng, quán cà phê, khách sạn; môi giới bất động sản; nhà thầu lao động nông nghiệp; thư ký và trợ lý hành chính; chuyển phát thư tín[6]. Nghiên cứu này kết luận rằng, có khả năng là trong một hoặc hai thập kỷ tới, khoảng 47% số công việc tại Mỹ sẽ có nguy cơ bị mất do quá trình tự động hóa thay thế, trong đó có 33% số công việc ở mức thấp và 17% số công việc ở mức trung bình. Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh đưa ra một dự báo rằng trong vòng 10 đến 20 năm tới, chỉ riêng tại Mỹ và Anh, sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc, đồng nghĩa với 50% lực lượng lao động ở hai nước này có nguy cơ thất nghiệp[7].

          Báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế ILO năm 2016 đã chỉ ra: hơn 2/3 của số 9,2 triệu lao động trong ngành dệt may và da giày tại các nước Đông Nam Á (tức là hơn 6,1 triệu lao động) đang bị đe dọa bởi làn sóng đổi mới công nghệ trong hai ngành nghề này. Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã chỉ ra những việc làm có nguy cơ bị thay thế bằng robot cao như: chế biến thực phẩm, xây dựng, dọn vệ sinh, lái xe, việc làm ngành nông nghiệp, may mặc, dịch vụ cá nhân, bán hàng, dịch vụ khách hàng.

          Những thống kê trên cho chúng ta thấy, dưới tác động tiêu cực của CMCNLTT, trong tương lai không xa, một bộ phận người lao động có trình độ, kỹ năng thấp, không đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn của nền sản xuất tự động hóa hiện đại sẽ bị mất việc.

          Thứ ba, khoa học đã trở thành điểm xuất phát trực tiếp cho mọi sự biến đổi của công cụ lao động; quá trình "tự động hóa" và cải tiến không ngừng công cụ lao động ngày càng được đẩy mạnh.

          Trong bối cảnh của CMCNLTT, khoa học đã trở thành điểm xuất phát trực tiếp cho mọi sự biến đổi của công cụ lao động. Theo đó công cụ lao động của nền sản xuất thông minh không chỉ là hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất mà còn là nền tảng thông tin, dữ liệu, tri thức. Trong bối cảnh CMCNLTT, công cụ lao động dựa trên nền tảng kỹ thuật số là các công cụ phần mềm sử dụng thông tin, dữ liệu được tích hợp ngày càng cao để lập kế hoạch sản xuất thông minh cho doanh nghiệp. Chức năng của các công cụ phần mềm này bao gồm các nhiệm vụ như mô phỏng, trực quan hóa, phân tích một hệ thống sản xuất đồng thời xây dựng kế hoạch sản xuất. Có thể thấy, trong nền sản xuất thông minh, khoa học đã thâm nhập vào tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Chẳng hạn như, các công cụ chế tạo và sản xuất thông minh như máy tiện, máy đúc, máy nghiền, máy khí nén, máy điều khiển số,...; các công cụ thiết kế và mô phỏng như thiết kế hỗ trợ máy tính, máy in 3D, mô phỏng quá trình,...; các công cụ robot và tự động hóa như xử lý vật liệu, băng tải, máy quét,...; các công cụ cảm biến và kết nối như vi điều khiển, cảm biến, thiết bị truyền động,...; các công cụ lưu trữ như Google Drive, Microsoft OneDrive, MS Azure,...; các công cụ phân tích dữ liệu dựa trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo. Mọi sự biến đổi của công cụ lao động làm biến đổi phương thức con người sản xuất và chế tạo ra sản phẩm.

          Phương thức sản xuất và chế tạo sản phẩm trong CMCNLTT được thiết kế trên máy tính và được làm ra từ một máy in 3D. Đây là công nghệ sản xuất theo kiểu đắp dần, với quy trình tạo ra vật thể thông qua việc bổ sung liên tục từng lớp vật liệu nối tiếp nhau - khác với công nghệ cắt gọt/loại bỏ, gia công truyền thống. Công nghệ này cho phép sản xuất với số lượng nhỏ nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao vì tiết kiệm nguyên nhiên liệu, sản xuất gắn với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Sự tích hợp ngày càng cao của công nghệ 3D với các công nghệ thông minh khác như trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện toán mới, công nghệ nano, vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học,... là xu hướng phát triển của nền sản xuất thông minh trong CMCNLTT.

          Dưới tác động của CMCNLTT, quá trình tự động hóa và cải tiến không ngừng công cụ lao động ngày càng được đẩy mạnh. Ngày nay, sự phát triển của các hệ thống Internet vạn vật công nghiệp (Industrial Internet of Thing - IIoT) ngày càng trở nên mạnh mẽ và rộng rãi. Hệ thống này có khả năng xử lý thông minh nhờ vào khả năng kết nối và trao đổi thông tin, dữ liệu một cách tự động giữa các máy móc, robot cũng như giữa các nền tảng kỹ thuật số trong dây chuyền sản xuất. Các công ty tự động hóa nổi tiếng trên thế giới như Siemens, GE, Hitachi, Schnieder… đang đẩy mạnh quá trình tự động hóa hiện đại trong mô hình sản xuất và kinh doanh. Hơn nữa, ngày nay, năng lực phát triển của trí tuệ nhân tạo đã làm cho quá trình cải tiến các công cụ lao động không ngừng được đẩy mạnh. Chẳng hạn, sự tích hợp ngày càng cao của trí tuệ nhân tạo vào những thiết bị bay không người lái và robot công nghiệp đã thực hiện nhiệm vụ lắp ráp các bộ phận của ô tô với các chức năng điều hướng và tương tác phức tạp ở độ chính xác cao và tốc độ rất nhanh. Theo thống kê từ tập đoàn Ford, trong ngành sản xuất ô tô, quy trình lắp ráp thủ công các piston vào động cơ có độ sai sót trung bình từ 1 đến 1,5%, trong khi quy trình lắp ráp tự động tương tự hiện nay có độ sai sót là 0,00001%. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong nền sản xuất thông minh, từ năm 2019 đến 2020, đã có ít nhất 26 quốc gia và khu vực công bố chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của mình, gồm có: Úc, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Ủy ban châu Âu, Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Nhật, Kenya, Malaysia, Mexico, New Zealand, các nước Baltic, Ba Lan, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Điển, Đài Loan, Tunisia, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Anh, Mỹ.

          Dưới tác động của CMCNLTT, những đột phá trong khoa học vật liệu và công nghệ cảm biến đã ngày càng cải tiến sự vận hành của máy móc trong dây chuyền sản xuất. Sự phát triển của khoa học vật liệu làm tăng độ bền của công cụ lao động, kết quả phân tích do các cảm biến gắn trên hệ thống máy móc cung cấp cho phép giám sát, bảo trì và nâng cấp hệ thống máy móc khi cần thiết để tối ưu hóa quá trình sản xuất, mang lại năng suất và hiệu quả ngày càng cao.

          Thứ tư, phương tiện lao động, đặc biệt là kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nền sản xuất là yếu tố thể hiện rõ ràng nhất sự thâm nhập, thẩm thấu của khoa học vào tư liệu sản xuất.

          Dưới tác động của CMCNLTT, phương tiện lao động, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thông tin và viễn thông của nền sản xuất, có những bước đột phá vượt bật, là yếu tố thể hiện rõ nhất sự thâm nhập, thẩm thấu của khoa học vào tư liệu sản xuất. Kết cấu hạ tầng thông tin và viễn thông có thể chia thành năm thành phần bao gồm hạ tầng kết nối, hạ tầng thiết bị, hạ tầng ứng dụng và hạ tầng phát triển công nghệ.

     Đối với hạ tầng kết nối, ngày nay, mạng cáp quang và điện thoại di động đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Năm 2017, số lượng thuê bao di động đã đạt mức 4,77 tỷ thuê bao, tương đương với 60% dân số toàn cầu. Băng thông của kết nối di động cũng không ngừng tăng lên từ 2G đến 3G, 4G, 5G. Công nghệ 5G với băng thông rộng gấp 100 lần so với công nghệ 4G, bắt đầu được triển khai tại Mỹ và Hàn Quốc, được dự báo là sẽ lan toả khắp thị trường của các nước châu Á trong hai năm 2019, 2020. Mạng không dây Wifi (các mạng nhỏ trong tầm bán kính vài chục mét) được sử dụng tại nhiều địa điểm công cộng như sân bay, nhà ga, trung tâm thương mại, quán cafe,...và được phổ biến trên toàn thế giới với mức phí hợp lý hoặc được sử dụng miễn phí. Bên cạnh đó, còn có các mạng kết nối được ứng dụng trong những trường hợp, hoàn cảnh, địa điểm cụ thể như Wifi tầm dài, WIMAX (là công nghệ dựa trên chuẩn 802.16 cho phép cung cấp các dịch vụ truy nhập không dây mọi lúc mọi nơi), kết nối vệ tinh, kết nối bằng sóng radio,... Có thể thấy, hạ tầng kết nối hiện nay trên thế giới đã sẵn sàng cho cuộc CMCNLTT. Tuy nhiên, dưới tác động ngày càng mạnh mẽ của CMCNLTT lên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong nền sản xuất, hạ tầng kết nối với nhu cầu băng thông ngày càng tăng vọt.

          Đối với hạ tầng thiết bị, nhờ vào sự phát triển của khoa học vật liệu, máy tính điện tử hiện đại với bộ xử lý trung tâm có hàng tỷ linh kiện bán dẫn trong một diện tích chưa đến một cm2 có năng lực xử lý gấp hàng triệu lần so với những thế hệ máy tính đầu tiên. Bên cạnh đó, các công nghệ liên tục được cải tiến, chẳng hạn như công nghệ đa lõi được sử dụng để tăng năng lực của máy tính. Hơn nữa, trong bối cảnh của CMCNLTT, hướng phát triển chính là xây dựng các mô hình đám mây dựa trên công nghệ ảo hóa với việc huy động hàng trăm nghìn máy tính nhàn rỗi trên toàn thế giới nhằm phục vụ một dự án nào đó.

         Một xu hướng nhiều triển vọng khác nhằm nâng cao năng lực tính toán của máy tính lên gấp 10 lần với chi phí thấp là sử dụng card đồ họa GPU (là từ viết tắt của graphics processing unit - gọi là Đơn vị xử lý đồ họa chuyên dụng nhận nhiệm vụ tăng tốc, xử lý đồ họa cho bộ xử lý trung tâm). Hay máy tính lượng tử dựa trên nguyên lý tính toán bằng các bit lượng tử cho phép sử dụng các trạng thái lượng tử của nguyên tử để xử lý thông tin, nâng cao năng lực tính toán lên gấp nhiều lần. Một trong những xu hướng nữa là sự phát triển của các mạch tích hợp, chẳng hạn như, máy tính chuyên dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo dùng các chip xử lý TPU (viết tắt của từ tensor processing unit là bộ xử lý đầu tiên được Google tối ưu cho việc xử lý trí tuệ nhân tạo nói chung và machine learning nói riêng) với công nghệ mới nhất là công nghệ mạch tích hợp chuyên dụng ASIC (viết tắt của từ application-specific integrated circuit trong tiếng Anh, là một thuật ngữ chỉ các vi mạch tích hợp chuyên dụng trong điện tử học) có năng lực tính toán lên tới 11,5 triệu tỷ phép tính thập phân/giây và băng thông bộ nhớ rộng 600 GB/giây. Ngày nay, bộ nhớ trong các mạch tích hợp ngày càng nhỏ, chứa nhiều thông tin, dữ liệu, tốc độ truy cập rất nhanh, chẳng hạn như chỉ một bit trong một vùng chưa khoảng 10 vạn nguyên tử cho phép lưu hàng chục gigabyte trên con chip nhỏ bằng ngón tay hay các ổ cứng thể rắn SSD (viết tắt của từ Solid State Drive, có nghĩa là ổ đĩa bán dẫn, ổ bán dẫn, ổ đĩa thể đặc hay ổ đĩa điện tử là một loại thiết bị lưu trữ được làm từ vật liệu bán dẫn semiconductor/solid state, dùng để lưu trữ dữ liệu) cho phép khởi động máy tính chỉ trong vòng vài giây.

         Không chỉ như vậy, các thiết bị hiện nay còn ngày càng thông minh. Ngày nay, máy tính có thể giao tiếp được với con người thông qua giọng nói, cử chỉ, nó có thể dựa trên thói quen, sở thích, trạng thái hay nhận biết các dấu hiệu sinh trắc học,... để đưa ra các đề xuất hỗ trợ, ví dụ như các trợ lý ảo chatbox có thể giúp bác sĩ, luật sư, người bán hàng,... tư vấn cho người bệnh, khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh CMCNLTT, người máy được kết nối với kết cấu hạ tầng số của nền sản xuất với năng lực vượt bật của các cảm biến có thể thu thập một lượng thông tin khổng lồ. Một công nghệ có xu hướng sử dụng rộng rãi nữa là các con chip sử dụng tần số radio RFID (viết tắt thuật ngữ tiếng Anh Radio Frequency Identification, hay nhận dạng qua tần số vô tuyến, là một công nghệ dùng kết nối sóng vô tuyến để tự động xác định và theo dõi các thẻ nhận dạng gắn vào vật thể) có khả năng gắn vào mọi vật dụng, máy móc, cả con người và có thể tương tác với hệ thống vệ tinh toàn cầu GPS (viết tắt của từ Global Positioning System, còn gọi là hệ thống định vị toàn cầu),...Trong thời gian không xa của CMCNLTT với sự phát triển không ngừng các công nghệ mới, hạ tầng thiết bị sẽ ngày càng thông minh, đa dạng, được tích hợp ngày càng cao vào nền sản xuất và tương tác với con người ngày càng dễ dàng hơn.

         Đối với hạ tầng dữ liệu, đó bao gồm các công nghệ, các quy trình, các chỉ dẫn cách tổ chức, vận hành, quản lý và sử dung dữ liệu. Trong các doanh nghiệp, công ty, hạ tầng về dữ liệu là cơ sở cho quá trình đổi mới sáng tạo, chẳng hạn, dữ liệu về khách hàng hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ từng khách hàng, dữ liệu về tài sản, kho vận giúp tối ưu hóa hệ thống phân phối,... Ngày nay, dữ liệu, thông tin được xem là huyết mạch, xương sống của kinh tế nền tảng, nó được chuyển giao, lưu trữ và xử lý tạo ra dữ liệu mới thường xuyên. Đặc biệt, trong bối cảnh của CMCNLTT, dữ liệu được xem là tài sản quý giá nhất, quy mô dữ liệu của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia ngày càng tăng vọt, được cập nhật thường xuyên và ở mọi lúc, mọi nơi. Theo báo cáo của Cisco (công ty hàng đầu về thiết bị mạng, kết nối, các thiết bị và hệ thống tính toán trên toàn thế giới), vào năm 2016, tổng số lưu lượng dữ liệu được truyền qua kết cấu hạ tầng mạng Internet là 1,2 zetta byte (đơn vị đo thông tin bằng với một nghìn tỷ GB), tương đương với một nghìn tỷ bộ phim, một triệu tỷ bức ảnh và một tỷ tỷ tài liệu.

          Đối với hạ tầng ứng dụng, có thể kể đến sự phát triển vượt bật của trí tuệ nhân tạo với công nghệ học sâu, mạng thần kinh, biểu diễn tri thức và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Các hạ tầng ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo hiện nay có thể tự đặt ra và cố gắng thực hiện mục tiêu phù hợp với hoàn cảnh, đồng thời có khả năng học tập để nhận thức và xử lý các tình huống bất ngờ, chưa lường trước. Có thể thấy, hạ tầng ứng dụng ngày nay được kết nối với hạ tầng dữ liệu, có năng lực xử lý thông minh dựa trên việc phân tích dữ liệu lớn và tích hợp ngày càng cao với những thành tựu của trí tuệ nhân tạo. Chẳng hạn như, hệ thống giao thông thông minh ITS (lntelligent Transport System) đã điều khiển giao thông trong đô thị một cách tự động.

          Hạ tầng phát triển công nghệ bao gồm phòng thí nghiệm, phương tiện nghiên cứu và phát triển (R&D). Ngày nay, các nghiên cứu công nghệ không thể tách rời các nghiên cứu cơ bản như toán học, vật lý, hóa học, sinh học. Chẳng hạn như, nếu nghiên cứu và phát triển công nghệ định vị toàn cầu GPS mà không tính đến các hiệu ứng tương đối hẹp và rộng trong thuyết tương đối của Einstein thì sai số định vị của GPS sẽ lên tới hơn 11km do sự chênh lệch giữa thời gian ở mặt đất và thời gian trên vệ tinh vào khoảng 37 nano giây trong một ngày đêm. Do vậy, CMCNLTT sẽ gắn kết chặt chẽ khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng lại với nhau do nhu cầu phát triển của hạ tầng phát triển công nghệ ngày càng được mở rộng cùng với nền sản xuất và xã hội nói chung.

          Thứ năm, trong bối cảnh CMCNLTT, đối tượng lao động không chỉ là đất đai, tài nguyên thiên nhiên mà còn là tri thức, thông tin, dữ liệu và các vật liệu thông minh.

          Ngày nay, trong bối cảnh CMCNLTT, đối tượng lao động không chỉ là đất đai, tài nguyên thiên nhiên mà còn là tri thức, thông tin, dữ liệu. Theo như số liệu đăng trên Tạp chí Nature tháng 4/2019 thì khối lượng thông tin con người tạo ra hằng ngày là 2,5x108 đơn vị dữ liệu[8]. Theo tính toán của Cisco vào năm 2016, hàng tháng, lưu lượng trao đổi dữ liệu tính trên đầu người là 13 GB[9], con số này sẽ còn tăng lên rất nhiều lần dưới tác động ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ của CMCNLTT. Điều này cho thấy, người lao động trong cuộc CMCNLTT đã làm việc với tri thức, thông tin, dữ liệu với tư cách như một đối tượng lao động nhằm cải biến nó để tạo nên những giá trị mới cho nền kinh tế. Chẳng hạn như, Google đã biến lượng truy cập và các mẫu liên kết được tạo ra bởi 90 lượt tỷ tìm kiếm mỗi tháng thành những tri thức, thông tin, dữ liệu cho một nền kinh tế mới - nền kinh tế được vận hành trên nền tảng công nghệ thông minh.

          Hơn nữa, dưới tác động của CMCNLTT, nhiều đối tượng lao động mới, thông minh đã xuất hiện cùng với sự phát triển của khoa học vật liệu tiên tiến. Chẳng hạn như, các vật liệu nano tiên tiến như graphene - cứng hơn thép 200 lần, mỏng hơn tóc người hàng triệu lần, là một chất dẫn điện và dẫn nhiệt hiệu quả, đã tạo nên những đột phá trong nền sản xuất các thiết bị điện tử, các thiết bị thông minh. Các ví dụ khác như: xe điện và thiết bị bay không người lái sử dụng công nghệ nhựa, vật liệu tổng hợp và pin; điện thoại thông minh và màn hình dẻo của các thiết bị đeo VR hay của tivi sử dụng chất nền, bảng nối đa năng, dây dẫn trong suốt, màn chắn và chất cảm quang; Internet tốc độ cao sử dụng thủy tinh siêu tinh khiết chlorosilane và mạch tích hợp sử dụng chất điện môi, keo silic, chất cảm quang, chất tăng cường hiệu quả. Nếu như trước đây, thời gian để vật liệu mới tiếp cận với thị trường là khoảng từ sau 10 đến 20 năm nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng thì ngày nay, các nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo tích hợp với dữ liệu lớn (big data) về vật liệu, kết hợp với robot sẽ mang đến một sự phát triển vượt bậc trong việc sản xuất với sự ra đời của hàng loạt các vật liệu mới, thông minh phục vụ cho nền sản xuất.

          Ngày nay, để giải quyết các thách thức toàn cầu về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, các thành phần của vật liệu tiên tiến sử dụng trong các quy trình sản xuất hiện đại được sản xuất theo quy trình xanh của nền kinh tế tuần hoàn (nền kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ hướng đến mục tiêu kéo dài tuổi thọ vật chất và loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường) nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Chẳng hạn, những đột phá mới trong vật liệu nhựa nhiệt rắn có khả năng tái chế và tái sử dụng những sản phẩm điện tử vẫn thường bị xem là không thể tái chế được như điện thoại di động, bảng mạch, các linh kiện của ngành hàng không vũ trụ. Hay những khám phá mới gần đây về một chủng loại polymer nhiệt rắn tái chế với tên gọi polyhexahydrotriazines (PHTs) là một bước tiến lớn, vượt bật hướng đến nền kinh tế có tính tái tạo, tiết kiệm, tăng trưởng không dựa vào tài nguyên, vì mục tiêu phát triển bền vững.

          Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển thần kỳ của khoa học và công nghệ đã làm cho trình độ của LLSX phát triển một cách nhanh chóng, biến đổi theo chiều hướng tiến bộ, hiện đại. Tuy nhiên, sự không tương thích giữa các yếu tố LLSX cũ, không còn phù hợp với những thay đổi trong cách thức sản xuất và sự vận hành của nền kinh tế dưới tác động của CMCNLTT đã làm nảy sinh những biến đổi không mong muốn trong chính quá trình vận động và biến đổi của chính LLSX. Đó là tình trạng đào thải người lao động giản đơn, phổ thông ra khỏi dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại làm gia tăng nạn thất nghiệp và tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Nhận thức những biến đổi này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển LLSX ở Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

           1. C. Mác và Ph. Ăngghen (2000), Toàn tập, tập 46, Phần 2, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

          2. Học viện Hành chính quốc gia Việt Nam, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, Viện kinh tế Việt Nam (2018), Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quản trị Nhà nước - Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

           3. Klaus Schwab (2018), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Bộ ngoại giao dịch và hiệu đính), NXB Thế giới, Hà Nội.

           4. Think Tank Vinasa (2019), Việt Nam thời chuyển đổi số, NXB Thế giới, Hà Nội.

          5. Nguyễn Viết Thảo, Nguyễn An Ninh (2018), Năm xu hướng biến động của giai cấp công nhân trên thế giới hiện nay, tại trang: http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/nam-xu-huong-bien-dong-cua-giai-cap-cong-nhan-tren-the-gioi-hien-nay.html, [truy cập ngày 20-9-2020].

 


[1] Nguyễn Viết Thảo, Nguyễn An Ninh (2018), Năm xu hướng biến động của giai cấp công nhân trên thế giới hiện nay, tại trang: http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/nam-xu-huong-bien-dong-cua-giai-cap-cong-nhan-tren-the-gioi-hien-nay.html, [truy cập ngày 20-9-2020].

[2] Nguyễn Chí Dũng (2015), "Kinh tế tri thức và vai trò ngày càng tăng của nhóm xã hội trí thức ở Việt Nam hiện nay", Tạp chí xã hội học, (3), tr.131.

[3] C. Mác và Ph. Ăngghen (2000), Toàn tập, tập 46, Phần 2, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Học viện Hành chính quốc gia Việt Nam, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, Viện kinh tế Việt Nam (2018), Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quản trị Nhà nước - Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] World Economic Forum (2016), "The Future of Jobs", 2016 - Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016, "Tương lai của Việc Làm", tại trang: http://www3.weforum.org, [truy cập ngày 18-7-2020].

[6] Klaus Schwab (2018), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Bộ ngoại giao dịch và hiệu đính), NXB Thế giới, Hà Nội.

[7] Nguyễn Hồng Minh (2016), Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, tại trang: http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/6434/seo/Cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-nhung-van-de-dat-ra-doi-voi-he-thong-giao-duc-nghe-nghiep-Viet-Nam/Default.aspx, truy cập ngày [15-8-2020].

[8] H. Margetts, C. Dorobantu (2019), "Rethink government with AI", Nature, (11), tr. 15-17.

[9] Think Tank Vinasa (2019), Việt Nam thời chuyển đổi số, NXB Thế giới, Hà Nội.

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 21
  • Hôm nay: 1551
  • Trong tuần: 11 774
  • Tất cả: 562504
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này