Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh đáp ứng tiêu chí Trường Chính trị chuẩn

ThS. Lê Thị Thúy An        
                                                                     Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

         1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

         Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1. “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”2. Việc nghiên cứu hệ thống các quan điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về người cán bộ cách mạng qua các thời kỳ cho thấy nổi lên những giá trị lớn sau:

         Người cán bộ phải có đạo đức cách mạng   

         Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao đạo đức của người cán bộ cách mạng. Người cho rằng, cán bộ chỉ có giác ngộ chính trị chưa đủ, mà còn phải thấm nhuần, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Người từng viết: “… Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”3. Người coi đó là thuộc tính nhất quán trong mọi hoàn cảnh, bởi đã là cán bộ cách mạng thì phải có đạo đức cách mạng. Người cán bộ chân chính phải biết giữ đạo đức cách mạng. Bởi vì, mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là gốc của tình trạng suy thoái đạo đức cách mạng, là căn bệnh nguy hiểm nhất phải tập trung chữa trị từ sớm. Người căn dặn các cán bộ của Đảng phải tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân, ví chủ nghĩa cá nhân là một thứ “vi trùng rất độc”, nó là thứ “bệnh mẹ”, do nó mà sinh ra các thứ “bệnh con”, các chứng bệnh nguy hiểm như: bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh kiêu ngạo, bệnh lười biếng, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của người cán bộ phải được thường xuyên rèn dũa, giống như “ngọc càng mài càng sáng”, thể hiện rõ trong công tác và trong sinh hoạt thường ngày. Đó là:

         Trung với nước, hiếu với dân. Theo đó, người cán bộ cách mạng phải thể hiện trung thành, tận tụy, cống hiến vì lợi ích của Tổ quốc; phải vì lợi ích của nhân dân, mưu cầu hạn phúc cho nhân dân. Người khuyên cán bộ, đảng viên phải gắn bó với dân, thương dân, lấy trí tuệ ở dân, học hỏi dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định mình là công bộc của dân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”4. Trung với nước, hiếu với dân là hạt nhân cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là tiêu chuẩn đạo đức quan trọng nhất đối với cán bộ, đảng viên.

         Có tình thương yêu con người, tình thương đồng bào, đồng chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tình thương yêu con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải trở thành những tấm gương có sức cảm hóa, phải luôn yêu thương con người, yêu thương đồng bào, đồng chí mình; phải bao dung, độ lượng, kể cả đối với những người trót lầm đường lạc lối nhằm đánh thức lương tri, đánh thức phần thiện trong con người của họ. Chỉ như thế mới thu phục được quần chúng, dẫn dắt quần chúng, cùng đồng chí mình vượt qua khó khăn và thách thức.

         Phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đó là đạo đức, là phẩm chất trung tâm của người cán bộ cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cần - là cần cù, chịu khó; kiệm - là tiết kiệm của công, không lãng phí; liêm - là không tham ô, sống trong sạch; chính - phải luôn ngay thẳng, chính trực; chí công vô tư - là sự rạch ròi giữa việc công và việc tư, phải đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Người nhắc nhở cán bộ: việc tu dưỡng, rèn luyện phải được thực hiện hàng ngày, hàng giờ, trong công tác, sinh hoạt gia đình, xã hội, ở mọi không gian, thời gian và lấy chính bản thân mình làm đối tượng để rèn dũa “giống như rửa mặt hàng ngày”.

         Phải có tinh thần trách nhiệm trước công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cán bộ của Đảng, dù ở bất kỳ cương vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có tinh thần trách nhiệm là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, thì cũng đem cả tinh thần và sức lực làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công; luôn nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ. Trái lại, làm một cách cẩu thả, làm cho xong chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm; còn bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư, tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch đều phải lao động cả. Bởi lao động là vẻ vang. Do đó, tình yêu lao động và lao động sáng tạo là một trong những chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng. Điều đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong lao động, đem hết nhiệt tình, trí tuệ làm cho lao động của mình, của tập thể đạt được năng suất và hiệu quả ngày càng cao trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần làm cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc mau đến thành công.

         Người cán bộ phải tích cực học tập và tự trau dồi kiến thức, phải được huấn luyện và rèn luyện kỹ năng để trưởng thành

         Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc học tập chính trị của cán bộ. Người từng nhắc nhở: “mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”5. Người cho rằng, phải có lý luận, phải có chủ nghĩa thì tinh thần mới vững, hành động mới nhất quán. Người cán bộ phải trước hết là người hiểu đúng, quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Hiểu đúng rồi thì đem ra vận dụng để cho công việc thành công. Với quan niệm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”6. Để huấn luyện, bồi dưỡng và làm cho cán bộ trưởng thành, Đảng phải bỏ nhiều công sức, phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để huấn luyện, học tập có kết quả thì trước hết phải xác định đúng mục đích huấn luyện, học tập. Người căn dặn, cán bộ đi học là để “làm việc, làm người, làm cán bộ”7; học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng.

         Người chỉ rõ, việc đào tạo cán bộ là việc hết sức hệ trọng: phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại của Đảng. Đào tạo thế là phí công, phí của, vô ích. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán cách đào tạo hình thức, chạy theo số lượng mà không thiết thực, chu đáo, chất lượng kém. Người cho rằng “học phải đi đôi với hành”, “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”8. Người học phải biết tự giác học tập, xác định mục đích, động cơ học tập. Học tập lý luận “theo nguyên tắc: kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau”. Cách học tập là: “lấy tự học làm cốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”9. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, phải có tác phong dân chủ, nói đi đôi với làm

         Khi bàn về vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt cán bộ trong sự tổng hòa các mối quan hệ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vai trò của người cán bộ được Người ví theo cách rất tự nhiên, như: cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Trong mọi việc của cách mạng, của Đảng phải có người cán bộ đứng ra để thực hiện, không có cán bộ thì không thể hoàn thành. Người còn ví, cán bộ như cái dây chuyền của bộ máy liên quan đến nhiều bộ phận, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Người cũng ví: cán bộ là cầu nối, là người trực tiếp đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Như vậy, nếu cán bộ dở thì một mặt chính sách không thể thực hiện được, mặt khác việc hoạch định, xây dựng chính sách mới sẽ sai lầm hoặc không phù hợp. Thực tiễn của các thời kỳ cách mạng cho thấy, trong tất cả mọi công việc của Đảng dù to hay nhỏ, cán bộ là yếu tố trung tâm, then chốt và mang tính quyết định.

         Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Cán bộ, đảng viên phải xung phong gương mẫu, bàn bạc một cách dân chủ với mọi người, khuyên mọi người phát biểu ý kiến. Người từng nhắc nhở: trong phong cách làm việc, phong cách công tác, phong cách lãnh đạo của cán bộ phải chống bệnh hẹp hòi, nghĩa là phải tuyệt đối nhằm vào lợi ích của toàn quốc, lợi ích của toàn Đảng. Người chỉ rõ: nguyên nhân của bệnh có nhiều, nhưng chủ yếu là do ham danh vọng và địa vị, nên khi ở cương vị phụ trách thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì đẩy ra. Hậu quả của bệnh hẹp hòi là gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương, cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa bộ phận và toàn cục, cán bộ cơ quan này và cán bộ cơ quan khác, địa phương này và địa phương khác… Cán bộ mắc bệnh hẹp hòi đẻ ra nhiều thứ bệnh khác như không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi. Thậm chí dìm người giỏi.

         Nói đi đôi với làm là một truyền thống, một chuẩn mực hành vi đạo đức của dân tộc Việt Nam, là một nét đẹp truyền thống đạo đức phương Đông như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Người phương Đông giàu tình cảm, đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Người yêu cầu cán bộ phải thống nhất giữa nói và làm, tư tưởng phải chuyển hóa thành hành động cụ thể, hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc. Đối với cán bộ của Đảng, Người từng căn dặn “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, để dân tin, dân quý, dân ủng hộ, người đảng viên phải làm trước, đi trước, dù có gian khổ, hy sinh cũng không kêu ca, phàn nàn. Nói đi đôi với làm còn là cách để cấp trên gương mẫu với cấp dưới, là để cầm tay, chỉ việc giữa người có kinh nghiệm với người mới, người chưa có kinh nghiệm.

         2. Thực trạng đội ngũ viên chức, giảng viên Trường Chính trị Trà Vinh hiện nay

         Với chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch của Tỉnh ủy, Trường Chính trị Trà Vinh luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ, cán bộ và giảng viên đủ chuẩn chất, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao năng lực, trình độ lý luận chính trị, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà. Đồng thời đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi phải chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ, đồng thời phải có quyết tâm chính trị cao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, đội ngũ giảng viên và sự quan tâm hỗ trợ của Tỉnh ủy cùng các ban, ngành, đoàn thể.

         Thực tế cho thấy, để thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

         Về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên: Việc nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho giảng viên, viên chức (nguồn giảng viên) nhà trường được thực hiện thường xuyên đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

         Hiện tại có tổng CCVC là 40; trong đó biên chế 40 đồng chí; nữ 23/40, dân tộc Khmer 04/40; có 02 tiến sĩ, 29 thạc sĩ, 9 cử nhân; viên chức tham gia giảng dạy 29/40đ/c (có 02 tiến sĩ, 26 thạc sĩ, 01 cử nhân).  Thực hiện quy trình xây dựng vị trí việc làm viên chức năm 2021, tổng số 25 vị trí (lãnh đạo, quản lý 06 vị trí; chuyên ngành 03, chuyên môn 11 và hỗ trợ phục vụ 05 vị trí).

         Trong năm cử 83 lượt viên chức, giảng viên tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn; phân công 14 đ/c tham dự học lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; cử 02 giảng viên học lớp cử nhân lý luận chính trị văn bằng 2 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; 04 đ/c học cao cấp lý luận chính trị tập trung; bồi dưỡng chuyên viên chính 01 đ/c (hình thức trực tuyến); Đề nghị và được Ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng ý cử 03 giảng viên dự xét tuyển nghiên cứu sinh.

         Nhằm tạo phong trào thi đua nghiên cứu, rèn luyện, nâng cao kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, Trường xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch thao giảng, dự giờ đánh giá chất lượng và chọn giảng viên dự thi giảng viên dạy giỏi cấp khu vực do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức như tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc lần thứ VIII, khu vực phía Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả 02 giảng viên đạt danh hiệu dạy giỏi.

         Tuy nhiên, để đạt trường chính trị chuẩn thì hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu vì còn thiếu giảng viên có trình độ chuyên môn cao (tiến sĩ); cơ cấu về độ tuổi, về giới tính chưa cân đối, giảng viên nữ chiếm số đông; cơ cấu về chuyên ngành đào tạo còn bất hợp lý, tính kế thừa chưa đảm bảo, kiến thức thực tiễn của một bộ phận giảng viên trẻ còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; chế độ chính sách để khuyến khích giảng viên học tập nâng cao trình độ có thay đổi theo hướng tự đào tạo chưa tạo động lực cho giảng viên tích cực tham gia,...

         Đặc biệt, đa số các viên chức vừa được tuyển dụng chưa có chuyên ngành sát, đúng với yêu cầu giảng dạy. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu, tiếp cận nội dung, bồi dưỡng và phải được đào tạo văn bằng 2 cho phù hợp yêu cầu chuyên môn và tiêu chuẩn.   

         3. Một số giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường Chính trị tỉnh Trà Vinh đáp ứng tiêu chí Trường Chính trị chuẩn

         Một là, tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sau đại học cho đội ngũ giảng viên nhà trường. Đây là lực lượng quyết định trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài giảng dạy lý luận, giảng viên còn là cầu nối giúp người học kết nối lý luận đó vào trong hoạt động thực tiễn đang diễn ra và vận dụng lý luận đó vào thực tiễn hoạt động một cách phù hợp. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đó, đội ngũ giảng viên phải vững vàng về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Song song kế hoạch đào tạo tiến sĩ, thường xuyên cử giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới (trong và ngoài nước).

         Hai là, tạo môi trường thuận lợi để giảng viên rèn luyện, phấn đấu, thường xuyên nêu cao tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu, gắn lý luận với thực tiễn. Để đáp ứng yêu cầu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng luôn đặt lý luận vào trong thực tiễn, lấy thực tiễn làm sáng tỏ lý luận. Nhà trường cần tiếp tục xây dựng kế hoạch cho giảng viên nghiên cứu thực tế tại cơ sở, tiếp tục đưa giảng viên đi biệt phái có thời hạn ở cơ sở, giúp giảng viên nắm bắt kiến thức thực tiễn đang diễn ra, đặt biệt là các vấn đề mới nảy sinh, qua đó định hướng cho người học hướng giải quyết các vấn đề hiệu quả. Khuyến khích, phát huy tính tích cực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên. Đây là cơ sở để trao dồi phương pháp, kiến thức giảng dạy, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

         Ba là, nhà trường cần tăng cường các hoạt động chuyên môn như: Thông qua bài giảng, dự giờ, thao giảng hàng năm để nâng cao phương pháp, kỹ năng giảng dạy cho giảng viên, gắn hoạt động kiểm tra với đánh giá chất lượng bài giảng. Đây vừa là hoạt động sinh hoạt chuyên môn vừa là cơ hội để các giảng viên học hỏi kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy cũng như phương pháp sư phạm và kỹ năng ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào bài giảng của mỗi giảng viên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường.

         Bốn là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên

         Tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch cán bộ trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự chủ động, tính kế thừa liên tục. Phát huy tính dân chủ, công khai trong công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng môi trường dạy và học tích cực, động viên kịp thời cho đội ngũ giảng viên yên tâm công tác. Bố trí cán bộ bảo đảm đúng người, đúng việc, phát huy được sở trường và phù hợp chuyên ngành đào tạo.

         Nhà trường cần tăng cường chính sách động viên, khuyến khích, hỗ trợ cho viên chức tập sự tích cực, chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức thực tiễn và các khóa học về kỹ năng, phương pháp nhằm đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng giảng dạy.

         Năm là, đội ngũ giảng viên của nhà trường cần chủ động trao dồi, đổi mới phương pháp giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

         Người giảng viên phải không ngừng nỗ lực học tập, trao dồi kiến thức chuyên môn, thực tiễn, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học,.. đồng thời tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để có tầm hiểu biết, có khả năng lý giải những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tăng tính thuyết phục đối với người học.

         Sáu là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, cần tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với cơ quan có thẩm quyền để lựa chọn những cán bộ đủ điều kiện, có nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng, xác định đúng đắn động cơ học tập để tham gia các lớp học của nhà trường. Đây là điều kiện cần để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN. 2011, tập 5, tr.309

(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN. 2011, tập 5, tr.309.

(3). Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.409-410.

(4). Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.234-235.

(5). Sđd , tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.269.

(6). Sdd , tập 5, Nxb CTQG, H.2000 tr.684.

(7). Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2000 tr.684.

(8). Sđd, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.50.

(9). Sđd, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.50.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 37
  • Trong tuần: 5 395
  • Tất cả: 589243
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này