Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

ThS. Thạch Trần Thị Cầm
Khoa LLCS   
     

         Đại hội Đảng XIII với quan điểm chỉ đạo: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng”[1]. Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng phải nên bắt đầu từ những tế bào của Đảng, đó là các tổ chức cơ sở Đảng. Vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Nhằm thực hiện yêu cầu nêu trên, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp như sau:

         1. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng

         Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, nhất là việc tổ chức thực hiện nghị quyết và khả năng phát hiện, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở”[2]. Xuất phát từ thực trạng này, vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng là vấn đề hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay, đặc biệt là việc ra nghị quyết, tổ chức thực hiện nghị quyết, kiểm tra, giám sát và sơ, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của các tổ chức cơ sở đảng.

         Đầu tiên, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trước yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, các tổ chức cơ sở đảng cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, trước hết phải chăm lo xây dựng cấp ủy vững mạnh. Các cấp uỷ đảng là người trực tiếp dự thảo, hoàn chỉnh nghị quyết, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết, nắm tình hình, kết quả, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm,... Mọi hoạt động xây dựng tổ chức cơ sở đảng, các khâu, các bước trong tiến trình lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng đều có sự đề xuất chỉ đạo, tổ chức điều hành, quản lý, kiểm tra của cấp uỷ đảng. Vì vậy, lựa chọn cấp ủy đúng tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đặc biệt cần “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị…”[3] là đòi hỏi cần thiết và là một trong những nhân tố mang tính chất quyết định.

         Hai là, trong các khâu ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết, các cấp ủy các cấp cần đổi mới cách ra nghị quyết theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ triển khai thành chương trình hành động cụ thể, các nghị quyết cần bám sát tình hình, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, lãnh, chỉ đạo cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Khắc phục các hiện tượng “mô phỏng” một cách rập khuôn, máy móc các nghị quyết của cấp ủy cấp trên, không có sự vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới, nhất là kiểm tra việc thực hiện quy chế, chương trình làm việc để kịp thời phát hiện, uốn nắn những lỏng lẻo trong thực hiện những văn bản này. Đồng thời, các cấp ủy cần chỉ đạo xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố các tổ chức yếu kém.

         2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị

         Đánh giá về quá trình kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, Đại hội XIII chỉ ra: “Số lượng tổ chức cơ sở đảng giảm do được kiện toàn phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước”[4]. Tính đến ngày 30-9-2020, toàn Đảng có 52.125 tổ chức cơ sở đảng (24.788 đảng bộ cơ sở, 27.337 chi bộ cơ sở), giảm 4.951 tổ chức cơ sở đảng so với đầu nhiệm kỳ; trực thuộc đảng ủy cơ sở có 2.487 đảng bộ bộ phận và 227.328 chi bộ với 5.192.533 đảng viên, tăng 568.638 đảng viên so với đầu nhiệm kỳ[5]. Hiện nay, có 29 quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng[6].

         Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều tổ chức cơ sở đảng hoạt động chưa đồng bộ, thông suốt và chưa đạt mục tiêu đề ra; vẫn còn tình trạng “cơ sở trong cơ sở”, mang tính địa phương, cục bộ; vẫn còn lúng túng, thiếu kiên quyết trong việc kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hiệu lực; hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức cơ sở đảng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; cần tiếp tục nghiên cứu và có quy định thống nhất về cách thức tổ chức và hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với những loại hình đơn vị đặc thù, như tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các đơn vị kinh tế tư nhân,...

         3. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức cơ sở đảng trong việc giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên

         Tổ chức cơ sở Đảng có vai trò quan trọng, là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ở một số nơi, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên chưa chặt chẽ và thiếu sự quan tâm thường xuyên, đúng mức; đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ với cấp ủy, chi bộ nơi cư trú ở nhiều nơi còn biểu hiện hình thức, “số đảng viên bỏ sinh hoạt đảng phải xóa tên có xu hướng tăng”[7]. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn phổ biến, “việc rà soát, sàng lọc đảng viên chưa thường xuyên, thiếu cương quyết”[8]. Thậm chí, ở một số nơi, nhiều cấp ủy còn buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, dẫn đến hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thấp. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng còn khá phổ biến.

         Tình hình trên cho thấy, vai trò, trách nhiệm của tổ chức cơ sở đảng trong việc giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên trong thời gian chưa được thể hiện và phát huy đúng mức. Vì vậy, trong thời gian tới, các tổ chức cơ sở đảng cần “tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảng viên”[9].

         4. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức cơ sở đảng trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sinh hoạt của chi bộ

         Thực tiễn những năm qua cho thấy, ở nhiều nơi, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ vẫn còn hạn chế, nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ còn cứng nhắc, nghèo nàn, đơn điệu, qua loa, chiếu lệ, chủ yếu là sự “độc thoại” của bí thư chi bộ, thiếu những buổi sinh hoạt chuyên đề để phát huy trí tuệ tập thể. Các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng còn thể hiện mờ nhạt, đặc biệt là nguyên tắc tự phê bình và phê bình, tính tiên phong, nêu gương của đảng viên chưa được phát huy. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, sinh hoạt chuyên đề chưa được coi trọng, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu...số đảng viên bỏ sinh hoạt đảng phải xóa tên có xu hướng tắng”[10]. Thực trạng đó dẫn đến thiếu vắng những nhân tố tích cực trong việc đóng góp trí tuệ để xây dựng nghị quyết của tổ chức cơ sở đảng thực sự “đúng ý Đảng, hợp lòng dân”.

         Trước tình hình trên, Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ và giải pháp sau: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các chi bộ, đảng viên vi phạm quy định, nguyên tắc sinh hoạt đảng. Nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện thí điểm việc tổ chức sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở những chi bộ có đông đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm”[11].                     

         5. Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị

         Trong thời gian qua, “hầu hết các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng của cơ quan, đơn vị. Chủ trương và mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân được thực hiện ở xã, phường, thị trấn; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ở những nơi đủ điều kiện; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố”[12].

         Một trong những vấn đề mấu chốt cần giải quyết hiện nay là phải đào tạo, xây dựng được đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm nói trên, vừa có kiến thức, kỹ năng lãnh đạo cơ quan đảng, vừa có năng lực điều hành cơ quan nhà nước. Cán bộ được chọn phải có lập trường tư tưởng vững vàng, trong sáng, gương mẫu; được đào tạo bài bản, có các kỹ năng về tiếp dân, tuyên truyền, xử lý các tình huống. Đồng thời, những địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành chủ trương, mô hình nói trên phải có sự đoàn kết thống nhất, có tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.

         Là hạt nhân chính trị ở cơ sở, Tổ chức cơ sở Đảng là nơi thể hiện toàn diện, trực tiếp và cụ thể nhất mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Đây là nơi trực tiếp thực hiện và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng là một trong những điều kiện tiên quyết nhằm đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, thể hiện năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện hiện nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II

 


[1]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 325

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 189.

[3] Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr.185

[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr.185

[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr.186

[7] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. II, tr. 190

[8] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. II, tr. 190

[9] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. II, tr. 242

[10] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr.190

[11] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr.241

[12] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr.187

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 16
  • Hôm nay: 716
  • Trong tuần: 11 573
  • Tất cả: 563714
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này