Bảo đảm quyền sống theo Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và thực tiễn ở Việt Nam.

ThS. Trần Việt Nhân       
                                                                    GV Trường Chính trị Trà Vinh

         Quyền sống là một quyền tự nhiên, cơ bản của con người. Trước khi được ghi nhận trong các văn kiện của luật nhân quyền quốc tế, quyền này đã được đề cập bởi nhiều nhà tư tưởng từ thời cổ đại và được phản ánh trong giáo lý của các tôn giáo, thông qua những lời răn dạy về sự cần thiết tôn trọng cuộc sống của người khác và những giới luật về cấm xâm phạm tính mạng của con người, thậm chí là cả của chúng sinh, tức là mọi sinh vật trên trái đất. Đến thế kỷ 18, quyền sống và quyền con người đã được khẳng định trong 2 bản tuyên ngôn đó là: Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của cách mạng tư sản Pháp.

          1. Quyền sống trong Luật nhân quyền quốc tế

         Luật nhân quyền quốc tế đã kế thừa những tư tưởng nêu trên về quyền sống, và lần đầu tiên chính thức khẳng định quyền này như là một tiêu chuẩn pháp lý quốc tế trong Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền (UDHR) năm 1948. : “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Như vậy, theo UDHR, giữa quyền sống và các quyền tự do và an toàn cá nhân có sự gắn bó, trong đó các quyền tự do và an toàn cá nhân có thể coi là những điều kiện thiết yếu của quyền sống.

          Quyền sống được quy định tại Điều 3 UDHR, các Điều 3, 4, 5, 7 của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948 (CPPCG), Điều 6 của ICCPR năm 1966 và Điều 1 Công ước về không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại năm 1968.Theo quy định tại Điều 6 ICCPR, “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện”.

         Quyền sống là “quyền cơ bản của con người mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, cũng không thể bị vi phạm...”. Quyền sống không nên hiểu theo nghĩa hẹp chỉ là sự toàn vẹn về tính mạng. Hơn thế, quyền này bao gồm cả những khía cạnh nhằm bảo đảm sự tồn tại của con người. Theo cách tiếp cận này, việc bảo đảm quyền sống còn đòi hỏi các quốc gia phải thực thi những biện pháp để làm giảm tỉ lệ chết ở trẻ em và tăng tuổi thọ bình quân của người dân, cụ thể như các biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và các dịch bệnh... tức là bao gồm cả các biện pháp thụ động và chủ động.

         Một trong các nguy cơ phổ biến đe dọa quyền sống là chiến tranh và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như diệt chủng hay tội phạm chống nhân loại. Vì vậy, việc chống chiến tranh và các tội phạm này cũng là sự bảo đảm quyền sống. Các quốc gia thành viên cần tiến hành các biện pháp phòng chống và trừng trị việc tuỳ tiện tước đoạt tính mạng con người do bất kỳ chủ thể nào gây ra. Liên quan đến vấn đề này, việc bắt cóc người và đưa đi mất tích cũng bị coi là một trong những hình thức tước đoạt quyền sống, do đó, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đưa ra những giải pháp hiệu quả để phòng chống và điều tra các vụ việc về bắt cóc, mất tích của cá nhân.

         Về hình phạt tử hình và quyền sống, mặc dù ICPPR không bắt buộc các quốc gia thành viên phải xóa bỏ hình phạt này, tuy nhiên, các quốc gia có nghĩa vụ phải hạn chế sử dụng nó, cụ thể là chỉ được áp dụng hình phạt này với “những tội ác nghiêm trọng nhất”, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và việc giới hạn áp dụng hình phạt này cũng được coi là một hình thức bảo đảm quyền sống.

         Người bị kết án tử hình đều có quyền xin ân giảm hoặc xin thay đổi mức hình phạt. Việc ân xá, ân giảm hoặc chuyển đổi hình phạt tử hình có thể được áp dụng đối với mọi  trường hợp. Không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai.

         Như vậy, việc ghi nhận quyền sống không đồng nghĩa với việc sẽ xóa bỏ hình phạt tử hình. ICCPR nêu rõ một giới hạn đó là, ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xoá bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt này với những tội ác nghiêm trọng nhất.

         Điều 1 của UDHR tuyên bố “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu”. Điều 3 của UDHR năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Tiếp theo đó, Điều 5 của UDHR khẳng định “Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm”. Tinh thần này tiếp tục được khẳng định tại các Điều 7 và 17 của ICCPR, theo đó, không ai bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những xâm phạm. ICCPR đặt ra các nghĩa vụ chính đối với các quốc gia thành viên, cụ thể là:

         Một là, các quốc gia cần ghi nhận và có quy định nhằm bảo đảm không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc bị áp dụng hình phạt một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc nhục hình. Đặc biệt, không một người nào có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó.

         Hai là, những người bị tước đoạt tự do phải được đối xử nhân đạo và với sự tôn trọng nhân phẩm và tự do vốn có của con người.

         Ba là, trừ những hoàn cảnh đặc biệt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải được giam giữ riêng, cách ly khỏi những người đã thành án và phải được đối xử theo chế độ riêng phù hợp với quy chế đối với người bị tạm giam.

         Bốn là, các quốc gia cần có những quy chế pháp lý dành riêng cho người chưa thành niên để bảo đảm việc giam giữ được tách riêng khỏi người lớn và phải được đối xử phù hợp lứa tuổi của họ cũng như phải được đưa ra xét xử càng nhanh càng tốt.

         Có thể thấy, đây là những chuẩn mực mà Công ước đặt ra cho các quốc gia thành viên để bảo vệ nhóm quyền không bị tra tấn, được đối xử nhân đạo, không bị giam giữ độc đoán, tra tấn, nhục hình. Các nước thành viên Công ước, dựa trên các nguyên tắc nền này và tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và văn hóa

của nước mình có thể đưa ra những quy định riêng nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong Công ước.

         Như vậy, quyền được bảo vệ khỏi bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người là một trong số ít các quyền tuyệt đối trong ICCPR. Theo đó các quốc gia không thể đặt ra bất kỳ giới hạn nào đối với quyền này. Trong mọi hoàn cảnh, không thể tạm đình chỉ áp dụng quyền này.khoản 1 Điều 10 của Công ước, trong đó nêu rằng: “Tất cả những người bị tước quyền tự do phải được đối xử nhân đạo và được tôn trọng phẩm giá vốn có của một con người”. Sự ngăn cấm quy định ở Điều 7 không chỉ liên quan đến những hành động là nguyên nhân gây đau đớn về thể xác mà còn cả những hành động gây đau khổ về mặt tinh thần đối với nạn nhân. Bên cạnh ICCPR, một số công ước quốc tế khác về quyền con người cũng đề cập đến quyền sống, trong đó bao gồm Công ước về Quyền trẻ em, Công ước về Ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng, Công ước về Trấn áp và trừng trị tội ác a-pác-thai...Quyền sống là “một quyền tối cao của con người mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, cũng không thể bị tạm đình chỉ việc thực hiện…” .Quyền sống không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là sự toàn vẹn về tính mạng, mà còn bao gồm việc bảo đảm sự tồn tại của con người. Vì thế, quyền này đòi hỏi các quốc gia phải thực thi những biện pháp, cả thụ động và chủ động, để bảo đảm cuộc sống của người dân, đặc biệt là của những nhóm yếu thế, ví dụ như để làm giảm tỉ lệ chết ở trẻ em, xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và các dịch bệnh.Một trong các nguy cơ đe dọa quyền sống là chiến tranh và các tội ác nghiêm trọng như diệt chủng hay tội phạm chống nhân loại. Vì vậy, việc bảo đảm quyền sống cũng đòi hỏi phải cấm các hoạt động tuyên truyền chiến tranh và kích động hận thù, bạo lực Phòng chống những hành động xâm phạm tính mạng con người là biện pháp quan trọng để bảo đảm quyền sống. Các quốc gia thành viên cần tiến hành những biện pháp phòng chống và trừng trị hành động tuỳ tiện tước đoạt tính mạng con người do bất kỳ chủ thể nào gây ra, kể cả do các cơ quan và viên chức nhà nước .Việc bắt cóc người và đưa đi mất tích cũng bị coi là một trong những hình thức tước đoạt quyền sống

         2. Thực tiễn pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền sống

         Có thể nói, quyền sống đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, thông qua việc nhắc lại một mệnh đề trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Sau đó, trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, quyền sống cũng được thể hiện thông qua các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền sống được nêu trực tiếp trong Điều 19 và được xem là gắn với sự bảo hộ pháp lý về tính mạng.Việc hiến định quyền sống là một trong những sự phát triển tiến bộ lớn trong chế định về quyền con người, quyền công dân, chứng tỏ rằng Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Việc hiến định quyền sống cũng được xem là bước ghi nhận rõ rệt đối với những cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền được sống của tất cả mọi người, ngày càng phù hợp hơn với các điều ước quốc tế về nhân quyền. Quyền sống còn được một số bộ luật nước ta quy định (Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự) nay được hiến định sẽ bảo đảm tính pháp lý cao hơn, đồng thời góp phần nâng cao vị thế nước ta trước cộng đồng quốc tế.  Bên cạnh đó, với việc Hiến pháp hiến định, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, thì Điều 7, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có quy định, công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.

         Để đảm bảo thực thi quyền sống, pháp luật Việt Nam cũng ngày càng được hoàn thiện, từng bước xóa bỏ những bất cập, chồng chéo, loại bỏ các quy định không phù hợp với pháp luật quốc tế, bổ sung các quy định còn thiếu, nhất là có nhiều nỗ lực hạn chế tối đa các hành vi xâm phạm tính mạng con người.Các quy định của Luật Hình sự Việt Nam đã có các quy định ngày càng phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, một mặt chỉ quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mặt khác, có các quy định về ân giảm, không tử hình đối với một số đối tượng như người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng...Đặc biệt, pháp luật hình sự đã có các quy định nhằm trừng trị các hành vi xâm phạm quyền sống của con người thông qua việc mở rộng các quy định nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sống của cá nhân. Pháp luật Việt Nam cũng đã có những nguyên tắc thể hiện rõ mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh. Người phạm tội phải bị đưa ra xét xử, chịu hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội. Đồng thời, các quy định của pháp luật thể hiện mục đích của hình phạt không chỉ là trừng trị mà còn chủ yếu là giáo dục, cải tạo răn đe và phòng ngừa tội phạm, đây là yêu cầu cơ bản để đảm bảo quyền con người trong một nhà nước pháp quyền. Ở Việt Nam, quyền sống được trực tiếp quy định kể từ Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên đã được bảo vệ từ lâu trong hệ thống pháp luật thông qua các quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm, cũng như các quyền được trợ giúp của những cá nhân và nhóm yếu thế. Nhìn chung, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam đã tương thích với những nguyên tắc cơ bản về quyền sống trong luật quốc tế. Mặc dù vậy, giống như nhiều quốc gia khác, pháp luật Việt Nam vẫn cần được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện và tương thích ở mức độ cao hơn với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền này. Những sửa đổi, bổ sung cần thiết, như đã nêu ở phần trên, chủ yếu tập trung vào vấn đề cốt lõi nhất của quyền sống, đó là hình phạt tử hình. Từ những định hướng của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp và động lực từ những phát triển tiến bộ to lớn về chế định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, có thể tin tưởng rằng khuôn khổ pháp luật về quyền sống của Việt Nam tới đây sẽ được hoàn thiện một cách đáng kể./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966

         2. Hiến pháp Việt Nam năm 1946,1959,1980,1992, 2013

         3. Nguyễn Văn Hoàn, tham luận tại Hội thảo “Quyền sống trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” do Viện Chính sách công và Pháp luật thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 22/9/2014 tại Hà Nội.

         4. Nguyễn Văn Hoàn, “Chính sách, pháp luật của Việt Nam về hình phạt tử hình.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 506
  • Trong tuần: 5 709
  • Tất cả: 589027
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này