Đập tan âm mưu, thủ đoạn của lực lượng phản động, chống phá Nhà nước về chiêu bài “Dân chủ”, “Nhân quyền” đối với Việt Nam

                                                           ThS. Trần Việt Nhân        
GV Khoa Nhà nước và pháp luật

         Trong suốt chiều dài lịch sử, loài người luôn đấu tranh nhằm giải phóng con người, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  Trong thời gian dài dân tộc Việt Nam bị nước ngoài đô hộ, phải gánh chịu những hy sinh to lớn để giành độc lập dân tộc và tự do của Tổ quốc. Bằng cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường qua nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Đây cũng chính là nguyên tắc có tính nền tảng về quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Hiến chương Liên hiệp quốc và trong Hiến pháp. Lĩnh vực quyền con người hiện đang bị một số lực lượng chính trị bá quyền lợi dụng như là một ngọn cờ tập hợp lực lượng hòng can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia độc lập, có chủ quyền. Bởi vậy, quyền con người đang trở thành vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp trong đời sống chính trị quốc tế hiện nay.

          1. Cơ sở pháp lý đảm bảo dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

         Những năm qua, một trong các yếu tố tạo nên uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế là việc Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quan điểm tiến bộ, tích cực về nhân quyền, đồng thời cố gắng tạo điều kiện để mọi người dân được hưởng các quyền của mình và trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhân quyền không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, không phải khi nào hoạt động này cũng nhận được sự hợp tác thiện chí từ một số quốc gia.

         Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng chính thức tuyên bố đường lối đổi mới, với nội dung cơ bản là chuyển nền kinh tế từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; dân chủ hóa đời sống xã hội trên cơ sở xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; mở cửa tăng cường giao lưu hợp tác với bên ngoài trên tinh thần Việt Nam sẵn sàng làm bạn với các nước, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển.Với việc đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chính sách, coi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của công cuộc phát triển, đường lối đổi mới kể trên không chỉ tác động đến kinh tế, xã hội mà đồng thời chi phối mạnh mẽ nhận thức và thực tế bảo đảm quyền con người ở nước ta trong thời gian qua.

         Về mặt nhận thức, cùng với việc coi trọng vị thế và vai trò của con người, vấn đề quyền con người cũng được coi trọng và đánh giá tương ứng. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Cùng với khái niệm quyền con người, các khái niệm có liên quan khác như quyền bình đẳng của phụ nữ, quyền trẻ em… cũng được chính thức đề cập trong các văn kiện của Đảng và các văn bản pháp luật, pháp quy của Nhà nước.

         Điều đó cũng đã tạo nên sự chuyển biến về nhận thức: từ sự đồng nhất một cách ấu trĩ khái niệm quyền con người, như là sản phẩm của chủ nghĩa cá nhân hoặc như là một thứ công cụ chính trị, mà các thế lực tư bản chủ nghĩa ở phương Tây sử dụng để chống phá các nước XHCN đến cách nhìn nhận khách quan hơn, coi nhân quyền là sản phẩm chung, là sự kết tinh của nền văn minh nhân loại; tuy mang tính phức tạp và nhạy cảm, nhưng vẫn là một yếu tố không thể bỏ qua trong đời sống chính trị hiện đại.

         2. Âm mưu, thủ đoạn của chiêu bài “dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”

        Ở trong nước, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, phần tử phản động đội lốt tôn giáo đã lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để chống phá một cách có hệ thống: từ tư tưởng, tổ chức đến các chủ trương, chính sách, pháp luật cụ thể. Chúng tìm cách bôi nhọ các lãnh tụ, các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; phủ định sạch trơn những trang sử vẻ vang và những thành quả cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm tập trung vào mục tiêu xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Trước đây, chúng thường đòi xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 1992 xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Gần đây, chúng tiến thêm, đòi huỷ bỏ cả Hiến pháp Việt Nam hiện hành và thay bằng hiến pháp mà chúng dự thảo.

         Cùng với đó các thế lực thù địch ở nước ngoài cũng thường xuyên tiến hành xuyên tạc, lực lượng này gồm có một số người trong bộ máy chính quyền Sài Gòn cũ, luôn cay cú với thất bại trước đây và những phần tử  thoái hoá biến chất, do bất mãn hoặc cơ hội chính trị mà sống lưu vong để hoạt động chống lại quê cha đất tổ của mình và những cá nhân, tổ chức chính phủ, phi chính phủ ở một số nước phương Tây, hoặc do ác cảm, ngộ nhận về những người Cộng sản, về chế độ XHCN; hoặc vì động cơ chính trị vụ lợi, hoặc do thiếu thông tin, thông tin sai lệch, không nắm được thực chất tình hình Việt Nam mà thường lên tiếng phê phán vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam... 

         Xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt, vu cáo, bôi đen thực tế xã hội và thực trạng tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

         Không tôn trọng sự thật khách quan, sợ sự thật khách quan, vốn là thuộc tính của các thế lực phản động. Mỗi khi cơ quan tư pháp Việt Nam xử lý những người vi phạm pháp luật, như Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, … thì các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước đều lu loa lên rằng “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, “đàn áp những người bất đồng chính kiến, dám nói thẳng ý kiến về các vấn đề chính trị, tôn giáo và nhân quyền”. Họ đánh tráo khái niệm, đổi trắng thay đen, gọi những kẻ phạm pháp bị xử lý theo pháp luật đó là “tù nhân chính trị”, “tù nhân tôn giáo”, “tù nhân lương tâm” với ám chỉ rằng: ở Việt Nam cứ hoạt động tôn giáo, hoặc có “lương tâm” đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền là trở thành “tù nhân”. Đó là sự xuyên tạc, vu cáo hết sức xảo trá, nham hiểm.

         Cũng như ở mọi nước khác trên thế giới, Nhà nước Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để có các hành động vi phạm pháp luật. ở Việt Nam, không có đàn áp chính trị, không có ai bị bắt vì lý do chính kiến, tôn giáo; chỉ có những người vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định pháp luật của Việt Nam. Nhưng các thế lực thù địch, với cách nhìn phiến diện, đầy ác cảm, vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật đó. Sự thật là sau năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Đương nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn cũng không tránh khỏi có những mặt hạn chế của một số cá nhân trong lãnh đạo, quản lý, điều hành mà chúng ta đã công khai trước toàn dân và kiên quyết xử lý. Thế nhưng, các thế lực thù địch lại cố tình không thừa nhận những thành tựu đã đạt được ở Việt Nam, đặc biệt trên lĩnh vực tự do, dân chủ, nhân quyền.

         Dùng“kinh tế”, kích động sự chống phá ở Việt Nam

         Trong chiến lược diễn biến hòa bình (DBHB), các thế lực phản động quốc tế đã chi hàng trăm triệu đô-la để mua chuộc những người xuống đường biểu tình, khuấy động các cuộc “cách mạng màu sắc” ở một số nước Cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây. ở Việt Nam cũng vậy, chúng cũng đã và đang dùng tiền để mua chuộc, kích động “phong trào dân chủ”, “đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”. Trong cái gọi là “Dự luật về nhân quyền Việt Nam “được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 18-9-2007, đã dành 4 triệu USD để gọi là “giúp các tổ chức cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam”, dành hơn 10 triệu USD cho các hoạt động của Đài RFA (Châu á tự do), một đài phát thanh mà nhiều người Việt ở nước ngoài nhận xét: “Phần lớn các chương trình phát thanh của RFA hoàn toàn tập trung vào việc gây mất ổn định ở Việt Nam”. HR3096 còn dùng tiền và chiêu bài nhân quyền để gây sức ép với Việt Nam, đe dọa sẽ áp dụng biện pháp chế tài là không tăng các khoản viện trợ cho tới khi đạt được “những tiến bộ về nhân quyền” theo tiêu chuẩn của họ.

         Các “nhà hoạt động dân chủ” theo cánh gọi đầy hoa mỹ của chúng, như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thuỷ,v.v., để hoạt động, cũng đều được nhận những đồng đô-la như thế từ bên ngoài chu cấp.Thời gian gần đây, khi các địa phương triển khai những dự án phát triển kinh tế- xã hội thì phát sinh tình trạng khiếu kiện đất đai do các hộ dân không đồng ý với mức giá đền bù. Đây là vấn đề hết sức bình thường mà hầu hết các quốc gia đều gặp phải trong một đất nước đang phát triển. Thế nhưng, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, vu cáo, kích động và dùng tiền mua chuộc một bộ phận người dân còn hạn chế về nhận thức biểu tình, gây mất ổn định ở một số địa phương.

         3 Cơ sở xác định phương hướng đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền

         Chiến lược “diễn biến hoà bình” (DBHB) là âm mưu cực kỳ thâm độc của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh

         Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng  làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Đấu tranh chống “DBHB” trên các lĩnh vực ở Việt Nam diễn ra ngày càng quyết liệt. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này phải có các giải pháp đồng bộ nhằm tạo ra sức đề kháng trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, cơ hội; trên cơ sở đó tạo ra sự thống nhất cao về chính trị - tư tưởng trong đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó phải dựa trên cơ sở:

         Trước hết, cần kiên định và đẩy mạnh việc nghiên cứu, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở khoa học cho cuộc đấu tranh chống “DBHB” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa

         Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, được tổng kết, đúc rút từ sự phân tích toàn bộ lịch sử nhân loại và thực tiễn xã hội của Việt Nam. Cần đi sâu khẳng định những luận điểm đúng đắn từ lúc mới ra đời cho đến nay, chỉ ra những luận điểm chỉ đúng và phù hợp trong điều kiện lịch sử lúc đó, đến nay đã bị thực tiễn lịch sử vượt qua; những luận điểm trước, nay là đúng nhưng những người vận dụng nó đã hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ nên vận dụng không đúng; những luận điểm cần được bổ sung, phát triển. Quá trinh học tập nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải trên cơ sở khách quan, dám nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận thách thức; phải xuất phát và bám sát từ thực tiễn xây dựng đất nước và những điều kiện cụ thể của thế giới đương đại.

         Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi thành lập đã xác định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, đây chính là yếu tố quyết định giúp Đảng ta có đường lối đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi hoàn cảnh, kể cả những thời điểm đầy khó khăn, thử thách để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

         Thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, giáo dục cho nhân dân nắm chắc âm mưu thủ đoạn tiến hành “DBHB” của các thế lực thù địch.

         Cấp ủy, chính quyền các cấp cần bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng trong đảng và xã hội, thường xuyên nghiên cứu thu thập dư luận xã hội, nắm bắt đúng và trúng dư luận xã hội, chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề bức xúc nảy sinh ở từng địa bàn để giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Thường xuyên nắm bắt thái độ, niềm tin, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để có giải pháp phát huy, chấn chỉnh và uốn nắn, định hướng kịp thời. Cần tăng cường giáo dục để nhân dân nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn  của các thế lực thù địch, phản động; tính chất quyết liệt, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Xây dựng tinh thần cảnh giác cách mạng, bồi đắp tính kiên định, vững vàng về chính trị, tư tưởng của những người làm công tác tư tưởng - văn hoá trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận. 

         Xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt trong đấu tranh

         Vấn đề xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò lực lượng nòng cốt có ý nghĩa hết sức quan trọng. Lực lượng nòng cốt phải có lập trường tư tưởng kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận cao, có khả năng diễn đạt, luận chiến, thuyết phục người nghe, người đọc, có nhiệt huyết và dũng khí, quyết tâm đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận là cuộc đấu tranh quyết liệt và phức tạp. Những chiến sĩ trên mặt trận này, nhất là những chiến sĩ tiên phong, chủ lực, trực tiếp, trực diện đấu tranh tư tưởng, lý luận cũng luôn phải đối mặt với những thách thức, khó khăn và cả sự hiểm nguy trước sự tấn công của các thế lực thù địch.

         Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò cơ quan chức năng, tăng cường phối kết hợp trong đấu tranh chống “DBHB” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

         Huy động lực lượng rộng rãi trong các cơ quan nghiên cứu lý luận, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ quan truyền thông, báo chí… tiến công chống các quan điểm sai trái, thù địch. Cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến vấn đề đấu tranh chống “DBHB”dưới nhiều hình thức. Quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện, điều kiện cho các hoạt động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.Tổ chức đảng các cấp huy động tối đa các lực lượng xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cách mạng, khơi dậy tinh thần tự đề kháng của quần chúng và chủ động đấu tranh phản bác lại quan điểm sai trái thù địch, tẩy chay với các sản phẩm văn hóa xấu độc. Phát huy vai trò của mặt trận và các tổ chức trong hệ thống chính trị, tổ chức phong trào hành động cách mạng của toàn đảng, toàn dân đấu tranh chống “DBHB” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. 

         Nhân dân Việt Nam đã đi qua hai cuộc chiến tranh thần thánh để tự bảo vệ mình, tự giải phóng mình nên càng thấu  thế nào là tự do độc lập, thế nào là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ở Việt Nam do Đảng Cộng sản khởi xướng và lãnh đạo trong những năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vị thế của đất nước Việt Nam ngày càng được nâng cao, đời sống của người dân trong nước ngày càng được cải thiện, chính trị-xã hội của đất nước luôn ổn định, cuộc sống thật sự có hòa bình, tự do, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Khách quốc tế, bạn bè khắp năm châu đến Việt Nam đều thấy một sự thật: Đất nước Việt Nam đã thay  đổi, phát triển, yêu chuộng hòa bình, là điểm đến thân thiện, an toàn, mà bạn bè năm châu, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ... đều ghi nhận, khâm phục, đánh giá cao, nhân dân thực sự là chủ nhân của đất nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO                      

         1. Giáo trình Lý luận pháp luật về quyền con người, khoa Luật đại học Quốc qua Hà Nội, Nxb, Đại học Quốc gia.

         2. Viện nghiên cứu quyền con người: Giáo trình Lý luận về quyền con người, Nxb Chính trị - Hành chính, H, (xuất bản năm 2001; sửa đổi, bổ sung năm 2010).

         3. Viện nghiên cứu quyền con người: Luật quốc tế về quyền con người, H, 2005.

         4. Quyền con người, Lý luận và thực tiễn- Học viện chính trị Quốc gia HCM, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Nxb lý luận chính trị.

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 144
  • Trong tuần: 11 001
  • Tất cả: 563142
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này