Một số giải pháp góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của người Khmer Trà Vinh hiện nay

ThS. Lâm Thị Thanh Nga      
                                                                Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng 

         1. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer

         Để tạo điều kiện cho việc phát triển và bảo tồn văn hoá dân tộc, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đúng đắn và phù hợp, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người dân. Riêng Trà Vinh, Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ và tạo mọi điều kiện để nâng cao đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, nhất là đối với người Khmer đã có những ưu đãi rất đặc biệt. Bằng chủ trương chính sách và sự đầu tư cụ thể, trong khoảng 10 năm gần đây, vùng đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh đã có những biến đổi quan trọng trên các mặt kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng… Trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, có nhiều chủ trương đã được triển khai, nhất là việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Cụ thể:

         1.1. Bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống

         Công tác tổ chức và quản lý lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, việc triển khai Quy ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và hoạt động tín ngưỡng tôn giáo nơi thờ tự, bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan… đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội Chôl-Chnăm-Thmây, Đôl-Ta, Ok-Om-Bók của người Khmer luôn được các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chủ quản quan tâm tạo điều hiện thuận lợi. Hàng năm tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch dân tộc Khmer vào tháng 10 âm lịch tại Ao Vuông tạo nên bầu không khí vui tươi, lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.

         1.2. Đẩy mạnh phong trào xây dựng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong vùng đồng bào Khmer

         Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, số hộ gia đình Khmer đạt chuẩn gia đình văn hoá ngày càng tăng. Thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đoàn thể đã tranh thủ ảnh hưởng của các sư sãi trong chùa để tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật qua phương tiện truyền thanh, thư viện, từ đó phát huy phong tục tập quán, bảo tồn di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Các nhà sư Khmer đã gương mẫu vận động nhân dân, Phật tử giữ gìn nếp sống văn hóa trong khu dân cư, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo; bài trừ các tệ nạn xã hội, các hủ tục, tích cực xây dựng quê hương giàu đẹp. Đến nay, rất nhiều hộ gia đình Khmer trong tỉnh đã vươn lên thoát nghèo, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc. Các gia đình Khmer ở Trà Vinh không chỉ cần cù mà còn dám nghĩ, dám làm, lao động sáng tạo vươn lên làm chủ cuộc sống. Ở Trà Vinh có hàng trăm hộ nông dân Khmer sản xuất kinh doanh giỏi; nhiều người Khmer giữ chức vụ cao trong hệ thống tổ chức Đảng và chính quyền, đoàn thể; xuất hiện ngày càng nhiều gia đình Khmer ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Họ là những tấm gương mẫu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và có nhiều đóng góp trong việc vận động đồng bào Khmer ở địa phương xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

         1.3. Bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật


         Hằng năm, tỉnh Trà Vinh đã chi ngân sách tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng Khmer. Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Binh dàn dựng nhiều chương trình và tổ chức lưu diễn phục vụ đồng bào Khmer vùng sâu, vùng xa. Hằng năm, nhiều lễ hội văn hóa Khmer được tổ chức tại các huyện thị như Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú,v.v… Hiện nay, ở Trà Vinh tồn tại rất nhiều làn điệu dân ca với sự phong phú, đa dạng hình thức thể hiện như đọc, ngâm, xướng âm, tụng, hò ru, đồng dao, hát múa… Điều này cho thấy nội lực bảo tồn di sản văn hóa truyền thống ở người Khmer rất mạnh mẽ và được duy trì tốt cho đến ngày nay. Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 đội văn nghệ quần chúng Khmer. Riêng Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Trà Vinh mỗi năm phục vụ đồng bào trên 70 xuất diễn, thu hút khoảng 15 ngàn lượt người xem.

         Ngành văn hóa tỉnh Trà Vinh cũng biên soạn giáo trình dạy âm nhạc truyền thống Khmer. Một số chùa Khmer được hỗ trợ dàn nhạc ngũ âm truyền thống chất lượng tốt để đảm bảo cho việc dạy và học. Chùa Hang huyện Châu Thành và Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Trà Vinh đã mở được một số lớp dạy đánh nhạc ngũ âm. Năm 2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh mở một lớp thí điểm truyền dạy nhạc cụ ngũ âm (Pưn pết) cho 15 học sinh người Khmer. Việc đưa nhạc ngũ âm vào chương trình dạy nhạc cho học sinh Khmer sẽ góp phần bảo tồn và phổ biến âm nhạc dân gian Khmer một cách hiệu quả, từ đó giữ gìn vốn âm nhạc cổ truyền của tộc người này.

         1.4. Xây dựng thiết chế văn hóa, hỗ trợ phương tiện hoạt động cho các điểm chùa Khmer

         Các thiết chế văn hóa vùng đồng bào Khmer từng bước được đầu tư, hoàn thiện. Về cơ bản đã đưa được các hoạt động văn hóa về cơ sở phục vụ cho đồng bào Khmer vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, nhiều xã đã có trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, đội thông tin lưu động, nhà truyền thống, thư viện, đội văn nghệ quần chúng, bưu điện văn hóa xã...Tỉnh đã hỗ trợ đầu tư đóng mới 23 ghe ngo và trang bị 08 dàn nhạc ngũ âm cho các chùa Khmer trị giá trên 2,5 tỷ đồng. Ngành văn hóa Trà Vinh trong thời gian qua đã cấp hàng chục bộ âm thanh, nhạc cụ cho đội văn nghệ quần chúng ở các xã và chùa Khmer, giúp đồng bào có điều kiện, phương tiện nhạc cụ để tập luyện và biểu diễn. Các hoạt động văn hoá thể thao được tổ chức trong chùa Khmer khá phong phú, đa dạng: Rôbăm (kịch múa) Dù kê (kịch hát) Aday (hát đối) múa Lăm thon, nhạc ngũ âm, trống Chhây yăm…; chơi cờ Ôc, nhảy bao, kéo co, bóng chuyền, đặc biệt là đua ghe ngo (mang danh nghĩa chùa chứ không mang danh nghĩa địa phương). Thanh niên trai tráng trong các phum sóc thường được tập trung về chùa sau giờ lao động mệt nhọc, vui chơi giải trí, tổ chức các hoạt động xã hội khác. Nhà chùa đã thực sự trở thành một trung tâm sinh hoạt văn nghệ thể thao góp phần phát huy vốn văn hoá truyền thống trong xây dựng đời sống văn hóa và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Khmer.

         1.5. Bảo tồn và phát huy các phong tục tập quán trong việc cưới, việc tang
         
         Thông qua việc ban hành và triển khai Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đa phần người Khmer đã chấp hành tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội không trái với thuần phong mỹ tục, trong đó đặc biệt là khắc phục được tình trạng tảo hôn. Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu được tổ chức không phô trương hình thức. Thực hiện nghiêm quy định không mở nhạc hoặc tổ chức ca hát trước 6 giờ sáng, từ 12 giờ đến 13 giờ trưa và sau 22 giờ đêm. Không sử dụng thuốc lá trong đám cưới. Trong việc tang, người chết được hỏa táng trong vòng 72 giờ kể từ khi qua đời. Về cơ bản, đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh đã bỏ được các hủ tục mê tín lạc hậu như yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và nhiều nghi thức rườm rà khác. Hằng năm, vào các ngày tết, lễ truyền thống, các sinh hoạt văn hoá, thờ cúng dân gian được tổ chức theo hướng vừa mang tính giáo dục, vừa bảo tồn được những nét đẹp văn hóa cổ truyền.

         Thời gian tới, tỉnh Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới. Chế giảm những điều phức tạp, như ca hát thâu đêm, tiệc tùng linh đình tốn kém, vận động các gia đình không nên gả con cho người nước ngoài vì mục đích vụ lợi kinh tế mà không dựa trên cơ sở tình cảm bền vững. Thực hành tiết kiệm song vẫn tiếp tục bảo tồn những nghi lễ và giá trị tốt đẹp trong lễ cưới của người Khmer được đồng bào lưu giữ, trân trọng theo luật tục cổ truyền.

         Đối với việc tang, hiện nay toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 45 lò hỏa táng trong các ngôi chùa Khmer. Việc hỏa táng tại chùa được thực hiện không chỉ đối với người qua đời là Phật tử Khmer, mà còn cho các tộc người Kinh, Hoa nếu có nhu cầu.

         1.6. Bảo tồn ngôn ngữ, truyền thống giáo dục

         Đến nay, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường được tăng cường đầu tư xây dựng có 6.500 phòng học, chiếm tỷ lệ 85,68% đã được kiên cố hóa. 100% các xã trong vùng đồng bào dân tộc có trường mẫu giáo. Tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm nâng cao trình độ dân trí gắn với giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Công tác giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được tỉnh ưu tiên thực hiện, tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Toàn tỉnh hiện có 8 trường dân tộc nội trú và 1 trường Trung cấp Pa-li, việc dạy và học chữ Khmer được duy trì và phát triển. Toàn tỉnh có 121 điểm trường dạy học chữ Khmer, với 18.520[10] học sinh. 134/143 chùa tổ chức dạy học chữ Khmer dịp hè, với trên 16.700 học sinh theo học…..

         Để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trên địa bàn, những năm qua, ngành văn hóa tỉnh Trà Vinh đã xuất bản và phát hành các ấn phẩm văn hóa thông tin bằng tiếng dân tộc thiểu số; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên tuyên truyền kịp thời đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Trà Vinh hằng ngày phát sóng chương trình tiếng Khmer.

         2. Một số đề xuất và kiến nghị trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer

         Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer ở Trà Vinh là một trong những phương cách cần thiết để tộc người này không bị hòa tan trong bối cảnh đất nước đang hội nhập và phát triển. Qua thực tế khảo sát và nghiên cứu, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp liên quan đến vấn đề này như sau:

         - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Khmer. Đầu tư in sách, băng hình tiếng Khmer, nhất là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, kịch bản lễ hội để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu truyền thống của đồng bào. Hỗ trợ kinh phí đưa văn hóa, văn nghệ, phim ảnh về cơ sở phục vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho đồng bào Khmer.

         - Tăng kinh phí và phương tiện hoạt động cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể người Khmer ở Trà Vinh. Hỗ trợ kinh phí xây dựng đề án trọng điểm khôi phục lại một số loại hình văn hóa, văn nghệ của người Khmer đang có nguy cơ bị mai một như: lễ cưới, trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian, sân khấu Rô băm, Dù kê và một số loại nhạc cụ cổ truyền.

         - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua mô hình truyền dạy, đào tạo lớp diễn viên, nghệ nhân kế thừa và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, thẩm định các loại hình nghệ thuật Khmer truyền thống. Cần có chính sách chế độ, cơ chế ưu đãi để thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn về phục vụ tại vùng người Khmer và có chính sách ưu đãi cho con em người Khmer tham gia học các lớp chuyên ngành văn hóa nghệ thuật thường xuyên. Thường xuyên mở tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ người Khmer làm công tác văn hóa thông tin. Cần có chính sách hỗ trợ đối với việc đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ song ngữ về phục vụ con em đồng bào Khmer, nhất là đối với các vị sư sãi, giáo viên dạy chữ Khmer ngoài nhà trường.

         - Đẩy mạnh công tác kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để lưu trữ lâu dài các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Khmer ở Trà Vinh

         - Bổ sung, hoàn thiện chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể người Khmer ở Trà Vinh. Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sớm xem xét và ban hành quy chế công nhận danh hiệu nghệ sĩ, phong tặng danh hiệu nghệ nhân… phù hợp với đặc điểm của người Khmer; có chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với những người Khmer tham gia hoạt động sáng tác tạo ra các sản phẩm văn hóa, văn nghệ, kiến trúc, mỹ thuật,…

         - Đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy giá trị  các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Khmer ở Trà Vinh. Bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Khmer còn lại ở Trà Vinh hiện nay là điều không đơn giản, vì có rất nhiều việc phải làm. Đây là một yêu cầu, một nguyện vọng của nhân dân không thể bỏ qua. Công việc bảo tồn kế thừa loại hình di sản văn hóa phi vật thể Khmer có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như sưu tầm, biểu diễn, dạy và học,v.v… công việc nào cũng quan trọng và đòi hỏi sự hợp sức của nhiều người.

         - Quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển phong trào văn nghệ quần chúng vùng đồng bào Khmer trong tỉnh. Đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa ở một số ngôi chùa trọng điểm và trang bị cơ sở vật chất như loa truyền thanh, xe và thuyền thông tin lưu động… nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động trong đồng bào Khmer.

         Tóm lại, những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước và xã hội để thực hiện các chính sách đối với đồng bào Khmer. Điều đó không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, mà còn góp giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ các di sản văn hoá truyền thống bao gồm các loại hình văn hoá nghệ thuật phù hợp với xu thế phát triển kinh tế hiện nay và để xây dựng nếp sống văn minh phù hợp với thời kỳ mới của đất nước.

Giá trị di sản văn hóa phi vật thể Khmer ở tỉnh Trà Vinh là vô cùng đặc sắc, là nguồn tài nguyên nhân văn quý báu cần được trân trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Nếu chúng ta biết cách phát huy thì di sản văn hóa phi vật thể Khmer không những tiếp tục phát huy những giá trị cao đẹp, mà còn góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 
         1. Nghị định số 39/1998/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “đẩy mạnh công tác văn hóa thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

         2. Quyết định số 124/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số”.

         3. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23/10/2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
    
         4. https://giaoducthoidai.vn/nganh-giao-duc-tra-vinh-gin-giu-van-hoa-dan-toc-khmer-20200425130545238.html.

         5. https://baodantoc.vn/tra-vinh-dau-tu-phat-trien-giao-duc-vung-dong-bao-khmer-1572633500577.htm.

         6. Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí Thư đã chỉ rõ “Tôn trọng, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa chùa chiền Khmer kết hợp với nội dung văn hóa mới.

         7. Sơn Ngọc Hoàng. Nhà xuất bản: Tạp chí Văn hóa Dân gian.

         8. Phan An (2009), Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. chính trị Quốc gia, Hà Nội

         9. Ngyễn Mạnh Cường (2002), Vài nét về người Khmer Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

      10. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Trà Vinh năm 2019.


Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 45
  • Trong tuần: 4 848
  • Tất cả: 583893
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này