Đảng bộ tỉnh Trà Vinh thực hiện sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương 
Khoa Xây dựng Đảng      

         Cách đây 76 năm, cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Người đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

         Thứ nhất, giải quyết nạn đói.

         Thứ hai, giải quyết nạn dốt.

         Thứ ba, tổ chức tổng tuyển cử. 

         Thứ tư, phải giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu.

         Thứ năm, bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và “tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”.

         Thứ sáu, tín ngưỡng tự do và Lương - Giáo đoàn kết.

         Trên cơ sở đó, các địa phương trên cả nước nhanh chóng khắc phục khó khăn, củng cố và ra sức xây dựng chính quyền. Tại Trà Vinh, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ và Ủy ban Nhân dân cách mạng Nam Bộ, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh khẩn trương triển khai những hoạt động thực hiện 6 nhiệm vụ cấp bách đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra tại phiên họp đầu tiên của chính phủ.

         Thứ nhất, giải quyết nạn đói, tăng gia sản xuất: để chống “giặc đói”, nhiều xã trong tỉnh đã liên kết với nhau mở kho thóc của cường hào ác bá chia cho dân. Tỉnh cũng chủ trương thực hiện những nhiệm vụ còn lại của cách mạng dân chủ nhân dân như giảm địa tô, chia lại ruộng đất. Chính quyền cho tịch thu toàn bộ ruộng đất của thực dân, Việt gian và địa chủ vắng mặt chia cho nông dân. Bên cạnh đó để phát huy sức sản xuất, tỉnh phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. phong trào được nhân dân tham gia rộng rãi. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi buôn bán nội tỉnh và các địa phương khác cũng được khôi phục. Phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết tương trợ tháng 9 năm 1945 tỉnh Trà Vinh đã đưa một thuyền lớn chở gạo tiếp tế cho đồng bào miền Trung.

         Thứ hai, giải quyết nạn dốt: So với các tỉnh Nam Bộ lúc này, tỉnh Trà Vinh có tỉ lệ dân số mù chữ cao. Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Mính phong trào bình dân học vụ phát triển rộng khắp các quận trong trong tỉnh như Cầu Ngang, Châu Thành, Cầu Kè, Trà Cú.... Các chiến dịch “diệt giặc dốt” đã diễn ra liên tục và hào hứng với phương châm người biết chữ dạy cho người không biết chữ. Không khí học tập lúc này rất sôi nổi. Người lớn ban ngày đi đánh giặc ban đêm vẫn tham gia học các lớp xoá mù chữ cùng con cháu. Mặc dầu điều kiện học tập khó khăn nhưng nhân dân tham gia rất nhiệt tình. Ban đêm ánh sáng đèn lấp lánh, tiếng đọc bài rộn rã khắp xóm làng. Nhiều lớp bình dân học vụ được tổ chức tại đình chùa và nhà riêng. Điểm đặc biệt trong phong trào bình dân học vụ ở Trà Vinh là các lớp bình dân học vụ không chỉ xoá mù chữ mà còn gắn với các loại hình sinh hoạt dân gian, góp phần gìn giữ các nét đẹp truyền thống và tạo không khí sôi nổi, sinh động cho lớp học. Trà Vinh là nơi sinh sống của đông đồng bào Khmer và một số người Hoa nên bên cạnh việc dạy học chữ quốc ngữ thì việc dạy chữ Khmer và chữ Hoa cũng được xen vào. Sự kiện quan trọng phong trào bình dân học vụ tại Trà Vinh là việc bà Nguyễn Thị Quý (xã Nhị Long, huyệnCàng Long) đã hiến căn nhà cho Ti giáo dục tỉnh làm trường học.

         Thứ ba, giải quyết khó khăn tài chính: Thực hiện lời kêu gọi của chủ tích Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Trà Vinh triển khai tổ chức “tuần lễ vàng” trên địa bàn tỉnh từ ngày 17 tháng 9 năm 1945. Nhân dân các địa phương trong tỉnh hưởng ứng và đóng góp rất nhiệt tình. Nhiều hộ gia đình, cá nhân mang vàng tích luỹ, trang sức ra đóng góp cho cách mạng kể cả vàng hồi môn, nhẫn cưới. Sự tham gia nhiệt thành của mọi tầng lớp nhân dân đã mang lại kết quả ấn tượng với 500 lượng vàng được đóng góp khi “tuần lễ vàng” kết thúc. Phần lớn số vàng này đã được tỉnh chuyển kịp thời cho chính phủ, phần còn lại sử dụng cho các hoạt động cách mạng trong tỉnh.

         Thứ ba, xây dựng đời sống mới: để khắc phục những tàn dư tư tưởng, đạo đức, lối sống của chế độ cũ chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào xây dựng “đời sống mới”. Phong trào đã lan toả mạnh mẽ trong cả nước trong đó có tỉnh Trà Vinh. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, hút chích…bị bài trừ. Truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân trong tỉnh được gìn giữ và phát huy như lễ hội đua ghe ngo, múa dù kê, lâm thôn, các kịch đoàn…Phong trào thể dục, thể thao văn hoá văn nghệ được đẩy mạnh với sự ra đời của các đội tuyên truyền xung phong và “Trà Vinh cứu quốc kịch đoàn” (đoàn ca kịch cách mạng đầu tiên của tỉnh). Bên cạnh đó, phong trào “ăn chín uống sôi”, “làm sạch đẹp nông thôn” được phát động đã góp phần loại trừ nguồn gốc phát sinh bệnh dịch và thay đổi cảnh quan nông thôn.

         Thứ tư, tổ chức tổng tuyển cử: công tác chuẩn bị cho bầu cử được Tỉnh ủy, UBND và Mặt trận Việt Minh tỉnh chuẩn bị rất nghiêm túc và chu đáo. Việc bầu cử tại Trà Vinh diễn ra trong hoàn cảnh rất đặc biệt so với các địa phương khác. Trong khi chính quyền và nhân dân Trà Vinh nô nức chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 1/6/1945 thì ngày 12/12/1945 thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh lỵ Trà Vinh và sau đó là các quận trong tỉnh. Trước tình hình đó, tỉnh đã có những hoạt động bảo vệ và tiến hành công tác bầu cử. Ngoài những điểm bỏ phiếu cố định, tỉnh chủ trương thành lập những “thùng phiếu lưu động”. Những thùng phiếu này được đưa đến các phòng tuyến, vùng tạm chiếm với lớp vỏ nguỵ trang kín đáo để qua mắt kẻ thù với mục đích để mọi cử tri trong tỉnh thực hiện quyền công dân của mình. Trong điều kiện chiến tranh, chính quyền và nhân tỉnh Trà Vinh đã không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy thậm chí hy sinh xương máu của mình để bảo vệ công tác bầu cử. Đáp lại sự nỗ lực đó là kết quả trên 90% cử tri tỉnh đã bỏ phiếu đúng thời gian quy định. Trong cuộc bầu cử này, có 3 đại biểu tỉnh trúng cử đó là: Nguyễn Duy Khâm, Dung Văn Phúc, Cao Phát Thành.

         Thứ năm, xoá bỏ các thứ thuế vô lý: Chính quyền cách mạng tuyên bố xoá bỏ mọi thứ thuế do chế độ cũ đặt ra và diệt trừ tình trạng cho vay nặng lãi và mọi hình thức nợ nần do cho vay nặng lãi gây ra. Bên cạnh đó, tình trạng nông dân nghèo phải phục dịch cho nhà giàu, địa chủ cũng được xoá bỏ.

         Thứ sáu, tín ngưỡng tự do và Lương - Giáo đoàn kết: Khối đoàn kết toàn dân trong tỉnh được phát huy trong Mặt trận Việt Minh. Hệ thống tổ chức Mặt trận Việt Minh từ tỉnh đến cơ sở không ngừng lớn mạnh, thu hút sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh như công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên…và cả những thành viên của các gia đình địa chủ lớn (con em các địa chủ họ Trương, Lâm, Từ, Tạ). Thời gian này cũng đánh dấu sự ra đời của nhiều tổ chức như: Liên hiệp công đoàn, Hội Phụ nữ Cứu Quốc, Hội Nông dân Cứu Quốc

         Tóm lại, trong điều kiện khó khăn và trong thời gian ngắn tỉnh Trà Vinh đã thực hiện thành công 6 nhiệm vụ cấp bách mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua tại phiên họp chính phủ đầu tiên. Thành công này có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, kinh tế - xã hội trong tỉnh, góp phần xây dựng củng cố chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng và chuẩn bị điều kiện, lực lượng để nhân dân Trà Vinh bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945 - 1954./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Huỳnh Bình Phương, Vài nét về phong trào bình dân học vụ ở Trà Vinh trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), truy cập ngày 27/11/2017

         2. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh: Lịch sử tỉnh Trà Vinh - Tập hai (1945 - 1954).

         3. Trần Điền, Quận Trà Cú - chiếc nôi phong trào “bình dân học vụ” ở Nam Bộ, Báo Trà Vinh, truy cập ngày 20/11/2021.

         4. Trần Dũng, Trà Vinh với cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên, Báo Trà Vinh, truy cập ngày 17/05/2021.

         5. Huyện uỷ Càng Long, Lịch sử đảng bộ huyện Càng Long (1930 - 2010).

         6. Ban chấp hành đảng bộ huyện Trà Cú, Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Trà Cú (1930 - 2010
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 578
  • Trong tuần: 5 381
  • Tất cả: 584426
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này