Mừng ngày “Nhà giáo Việt Nam”!

ThS. Sơn Thị Thanh Loan
Khoa Xây dựng Đảng   

         “Tôn sư” là thái độ tôn kính, biết ơn thầy cô giáo, những người đã dạy dỗ mình; “Trọng đạo” là sự coi trọng học vấn, đạo lý và những điều học tập được từ thầy cô. Truyền thống tôn sư trọng đạo thể hiện ở việc rèn luyện đạo đức, chăm học để xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô, là coi trọng và làm theo những điều đúng đắn mà thầy cô đã răn dạy. Dù ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào thì “người thầy” luôn được xã hội đánh giá cao, được nhân dân kính trọng, tôn quý, vị nể. Người thầy luôn là trung tâm của các chiến lược phát triển và chấn hưng nền giáo dục. Có thể kể đến như Bồ Đào Nha, đất nước có ngày tết các nhà giáo sớm nhất thế giới (vào năm 1899), cứ đến ngày 18/5, cả nước lại tưng bừng như ngày hội, đón mừng các thầy cô giáo. Tất cả học sinh và phụ huynh cùng đem hoa quả đến nhà, đến trường chúc mừng thầy, cô giáo. Còn ở Pháp, người thầy được xem là “Sứ giả trí tuệ của nhân loại” và ngày 25/12 được xem là ngày lễ của nhà giáo. Vào ngày này, người ta tổ chức lễ hội trên khắp đất nước để biểu dương thành tích của các thầy cô giáo nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Từ năm 1957, Thái Lan đã lấy ngày 16/1 hằng năm làm ngày tết các nhà giáo. Đặc biệt, trong buổi lễ ở các trường thường có đại biểu chính quyền địa phương đến dự thay mặt nhân dân tỏ lòng biết ơn công lao của các thầy, cô. Ở Mỹ, ngày 28/9 là ngày Hiến chương các Nhà giáo, được tổ chức tưng bừng, trọng thể nhằm tuyên dương thành tích của ngành giáo dục. Đặc biệt ở Trung Quốc, việc kính thầy, trọng đạo đã trở thành khuôn vàng thước ngọc trong ứng xử, quan hệ thầy trò, người thầy giáo luôn được coi trọng trong hàng nghìn năm phát triển của nền Nho học. Ví như Tử Trương là kẻ nghèo hèn của nước Lỗ, Nhan Trác Tụ là kẻ cướp lừng danh ở Lương Phủ Sơn cũng đều tìm đến và theo học Khổng Tử - người được tôn vinh là "Vạn thế sư biểu" (Người thầy của muôn đời).... Nhằm khẳng định vị trí, vai trò của người thầy đối với mỗi quốc gia và toàn nhân loại, tháng 7/1946 tại Paris, Tổ chức các nhà giáo tiến bộ trên thế giới được thành lập lấy tên là “Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục” (Federation International Syndicale des Enseignats, viết tắt là FISE). Đến năm 1949, trong một hội nghị của FISE được tổ chức tại Ba Lan, hội nghị thông qua bản Hiến chương gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là xây dựng nền giáo dục tiến bộ, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học, tôn vinh vai trò, địa vị cao quý của nhà giáo. Và đến tháng 8/1957 cũng tại Ba Lan, Hội nghị FISE được tổ chức đã thông qua bản Hiến chương Quốc tế các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo”.

         Ở Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, giáo dục đã tồn tại, phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc và luôn đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của đất nước. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học và trong đạo nghĩa, luôn “kính thầy”, luôn biết ơn những người đã có công dạy dỗ mình, vì thế truyền thống “tôn sư trọng đạo” được hình thành trở thành truyền thống đạo đức quý báu góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho dân tộc Việt Nam. “Tôn sư trọng đạo” là một giá trị truyền thống lâu đời và quý báu của dân tộc. Đây là giá trị văn hoá phản ánh triết lý nhân văn cao đẹp trong phương châm xây dựng, phát triển nền giáo dục của dân tộc ta. Truyền thống này đã được nhân dân ta xây dựng, bảo tồn, gìn giữ và thể hiện trong mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày, trong những câu ca dao, tục ngữ quen thuộc: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. 

         Dưới chế độ phong kiến, theo trật tự của lễ giáo: Quân - Sư - Phụ, người thầy tuy giữ vị trí thứ hai, nhưng luôn được kính thờ: “Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi, Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”. Tôn kính thầy là một phong tục đã ăn sâu vào tập quán của mọi vùng quê, mọi tầng lớp xã hội, có giá trị nhân văn cao cả và sâu sắc, đạo thầy trò luôn luôn được giữ gìn lưu truyền: “Mười năm, rèn luyện sách đèn. Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy”. 

         Đặc biệt, dưới thời Vua Lê Thánh Tông, đạo nghĩa thầy - trò đã được luật hoá. Trong Bộ luật Hồng Đức, Điều 90 quy định: “Học trò phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường học, lấy đức hạnh làm gốc, không được khinh nhờn thầy, bỏ mất lễ phép. Ai trái lệnh sẽ bị tội tám mươi trượng”. Lịch sử giáo dục của dân tộc ta còn mãi ghi công lao những người thầy tiêu biểu, được nhân dân tôn vinh đến ngày nay. Nhiều nhà giáo đã làm rạng rỡ những trang sử vẻ vang của dân tộc như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thiệp, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu,… đều là những người thầy mẫu mực, tài giỏi.

         Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, truyền thống “tôn sư trọng đạo” càng được củng cố và phát triển. Người thầy được vinh danh là người anh hùng trên lĩnh vực văn hoá xã hội, là người “gieo mầm xanh cách mạng” cho chế độ xã hội chủ nghĩa. Người thầy luôn là hình ảnh tiêu biểu cho phẩm giá cao quý, trong sáng của đạo đức, nhân cách con người. Thời kỳ này, đất nước ta đã xuất hiện nhiều người thầy mẫu mực về nhân cách và năng lực được xã hội kính trọng như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng... đã để lại tấm gương sáng ngời về đạo làm thầy, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp “phò nước, giúp đời”. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, biết bao thế hệ nhà giáo đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp “trồng người”, đi đầu trong công cuộc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản... ? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất... Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh...”. Còn Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những người sáng tạo”. 
Thấm nhuần tư tưởng của các bậc tiền nhân và góp phần khẳng định, củng cố giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua mấy nghìn năm lịch sử, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là quyết định thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giới chức làm trong ngành giáo dục, đánh giá cao vị trí, vai trò của lớp lớp các thế hệ những người làm công tác giáo dục nước ta.

         Ngày nay, đất nước ta đang đi trên con đường “Đổi mới” do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã thu được nhiều thành tựu to lớn, kinh tế phát triển mạnh mẽ, đời sống nhà giáo đã được cải thiện, các trường sư phạm đã được đầu tư xây dựng do đó đã thu hút được nhiều sinh viên tài năng vào học, chất lượng đội ngũ giáo viên vì vậy ngày càng được nâng cao. Với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”, có biết bao nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo viên khác - những người đang mang tâm huyết, trí tuệ, không quản khó khăn, gian khổ, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Nhiều thầy giáo không quản gian lao, vất vả đi đến mọi miền của Tổ quốc, đem khát vọng, niềm tin của khối óc và con tim thắp sáng tâm hồn, vun trồng những ước mơ xanh của biết bao trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm đó đã làm tăng thêm vẻ đẹp người thầy trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, truyền thống “tôn sư trọng đạo” cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức to lớn. Dưới tác động tiêu cực của đời sống xã hội, một bộ phận thầy, cô giáo đã thiếu tâm huyết với nghề, đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp, xu hướng thương mại hoá giáo dục đã tạo ra vòng xoáy cuốn một bộ phận giáo viên rời xa truyền thống và tôn chỉ của nghề sư phạm. Một số thầy cô giáo đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật trong ứng xử học đường, truyền thống “tôn sư trọng đạo” ít nhiều bị tổn thương.

         Thế nhưng, “Tôn sư trọng đạo” vẫn là nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam nói riêng, các quốc gia trên thế giới nói chung, đã tồn tại từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay. Đứng trước các hiện tượng đáng suy nghĩ về đạo đức học đường như trên, mỗi chúng ta cần có những hành động thiết thực để nhắc nhở mỗi người về thái độ và cách ứng xử của mình với những người là thầy trong xã hội, “tôn sư trọng đạo” càng phải được quan tâm hơn nữa.

         Trong xã hội ngày nay, mặc dù khoa học công nghệ phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích đã tham gia vào quá trình giáo dục, nhưng vẫn không gì có thể thay thế được vị trí đặc biệt quan trọng của người thầy. Bởi lẽ, dù xã hội có phát triển, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức. Thông qua hoạt động của mình, người thầy truyền cảm hứng, truyền lửa đam mê, khơi lên những ước mơ, hoài bão để thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai của người học. Người thầy còn là người định hướng tri thức để người học khám phá, tìm tòi tri thức. Để làm được những điều đó, đòi hỏi người thầy càng phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để bắt kịp với thời đại, đáp ứng được những nhu cầu đổi mới cũng như học tập ngày càng cao của người học. Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang từng bước tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo quan điểm của Đảng và để đạt mục tiêu giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khoẻ, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Để đạt được điều đó, đòi hỏi, đội ngũ nhà giáo cần xây dựng và hoàn thiện mình ở ba trụ cột tạo nên nội lực nghề nghiệp, đó là khoa học môn học, khoa học nghiệp vụ sư phạm, khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ trong dạy học. Xác định đúng sứ mệnh và trách nhiệm của mình trước xã hội để không ngừng rèn luyện, tự hoàn thiện chính mình không chỉ ở vị trí của người thầy mà còn phải có tầm nhìn và xuất phát từ góc nhìn của người học, dựa trên người học để hiểu được người học nghĩ gì, muốn gì, làm gì, cần gì... ở người thầy. Chỉ có như vậy, người thầy hiện nay mới đứng vững trong nghề và đáp ứng tiêu chuẩn vừa chuẩn mực vừa hiện đại. 

         Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ôn lại truyền thống nhà giáo Việt Nam, cùng với đội ngũ thầy, cô giáo cả nước, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với địa phương và đất nước trong sự nghiệp trồng người, không ngừng phấn đấu trau dồi đạo đức, nhân cách, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước, để tiếp tục “Chăm sóc mầm xanh nhân tài đất nước”, để luôn xứng đáng “Là đóa hoa thơm giữa vườn xuân đất nước”, để cứ đến ngày 20/11 hàng năm lại hân hoan, tự hào khi nhận được lời chúc - Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam!

Tài liệu tham khảo:

         1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXb CTQG, H. 2021.

         2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2011. 

         3. https://tuoitre.vn/nha-giao-trong-thoi-chuyen-doi-so-phai-nhu-the-nao-20211120081757459.htm

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 652
  • Trong tuần: 5 642
  • Tất cả: 585340
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này