NÂNG CAO NĂNG LỰC THỰC TIỄN ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN GIẢNG DẠY MÔN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC CHƯƠNG TRÌNH TCLL CHÍNH TRỊ HÀNH CHÍNH

                                                               ThS. Nguyễn Thanh Mộng          
Giảng viên Khoa Nhà Nước và Pháp Luật

          Năng lực thực tiễn biểu đạt sự nắm bắt nhạy bén của con người đối với thực tiễn, bao gồm một số yêu cầu: bám sát thực tiễn, nhạy cảm với thực tiễn, khả năng phát hiện nắm bắt những diễn biến, những vấn đề chung, tổng thể, bản chất hoạt động sản xuất vật chất của xã hội thông qua đó phát huy khả năng tư duy và sáng tạo khoa học. Năng lực thực tiễn còn thể hiện việc đưa thực tiễn phong phú vào lý luận, kiểm chứng lại lý luận, đưa ra những nhận định, dự báo, từ đó xây dựng các giải pháp, các phương án giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra, đúc rút thành bài học kinh nghiệm, góp phần xây dựng chủ trương đường lối, bổ sung phát triển lý luận. Với những đặc điểm cơ bản đó, có thể nói rằng năng lực thực tiễn đóng một vai trò hết sức to lớn và là điều kiện không thể thiếu, bảo đảm cho công tác giảng dạy môn CNXHKH chương trình TCLL chính trị hành chính đạt hiệu quả cao.

         Giảng dạy môn chủ nghĩa xã hội khoa học, một lĩnh vực chính trị - xã hội đặc biệt, thực chất là luận giải sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nghiên cứu tính tất yếu khách quan và chủ quan trong quá trình chuyển biến cách mạng từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Vấn đề đặt ra là cùng với việc nghiên cứu, truyền đạt những tư tưởng cơ bản của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH, là việc lý giải sự vận dụng sáng tạo lý luận CNXH trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, gắn lý luận với thực tiễn sinh động đang diễn ra trong nước và trên thế giới, đồng thời đấu tranh với những trào lưu tư tưởng phản động chống lại chủ nghĩa Mác như chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội hiện đại…, bảo vệ những giá trị lý luận đúng đắn của nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta. Qua đó, nhằm xây dựng cho học viên giữ vững lập trường giai cấp công nhân, phẩm chất và bản lĩnh chính trị, phương pháp xem xét khách quan, khoa học về những biến cố phức tạp của tình hình quốc tế, về thực trạng khó khăn của phong trào cách mạng thế giới, tin tưởng vào sự tất yếu của cách mạng XHCN, sự kiên định vào con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

         Thực tế chứng minh, để đáp ứng những vấn đề nêu trên là nhiệm vụ hết sức khó khăn đặt ra đối với những giảng viên làm giảng dạy môn CNXHKH. Trong những năm gần đây, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, việc giảng dạy môn CNXHKH đã có nhiều đổi mới đáng kể. Đặc biệt, là về phương pháp giảng dạy cần gắn lý luận với thực tiễn, qua đó giúp học viên nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nguyên lý của CNXHKH, làm sáng tỏ hơn sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, nhất là trước yêu cầu của cuộc đấu tranh nền tảng lý luận tư tưởng của Đảng hiện nay cũng như sự vận động phức tạp của thực tiễn, nhiều vấn đề nảy sinh đòi hỏi đội ngũ giảng viên giảng dạy môn CNXHKH không những phải có bề dày kiến thức lý luận, có trình độ, kinh nghiệm, nghiệp vụ sư phạm mà cần phải có vốn sống thực tiễn phong phú và năng lực thực tiễn.

         Với đặc thù của nước ta, quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa với lực lượng sản xuất thấp, nên xây dựng CNXH ở nước ta là vấn đề mới mẻ, chưa có trong tiền lệ. Tình hình trong nước thuận lợi đan xen khó khăn, bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế đang diễn ra nhiều vấn đề xã hội bức xúc, nạn tham nhũng, lãng phí và tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên; các thế lực thù địch đang đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, sử dụng nhiều chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây hoang mang, mất lòng tin của người dân với Đảng. Những nhân tố trên càng làm gia tăng tính chất khó khăn, phức tạp trên con đường xây dựng CNXH. Trước tình hình đó, đòi hỏi giảng viên giảng dạy môn CNXHKH chương trình TCLL Chính trị hành chính không chỉ dừng lại ở việc nắm chắc lý luận kinh điển, khẳng định lại những nguyên lý, nguyên tắc cơ bản mang tính quy luật và vận dụng vào thực tế, mà điều quan trọng là phát hiện những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn sinh động của đất nước.

         Vì vậy việc nâng cao năng lực thực tiễn, nâng cao khả năng tổng kết thực tiễn là công việc không dễ dàng. Bởi tổng kết thực tiễn không phải là miêu tả tình hình một cách phiến diện, máy móc, thụ động, cũng không phải chỉ đưa ra những nhận định đánh giá chung hay những kết luận đơn giản hời hợt về những hiện tượng đang diễn ra trong thực tiễn, mà thông   qua các hiện tượng, quá trình ấy nắm bắt được bản chất, đúc rút được những vấn đề cốt lõi, cơ bản về quy luật vận động của thực tiễn, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể đúng đắn. Làm được điều đó đòi hỏi người nghiên cứu, giảng dạy môn CNXHKH một mặt phải nắm chắc lý luận cơ bản, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mặt khác phải tổng kết thực tiễn trên nguyên tắc sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Hơn nữa, giảng viên giảng dạy môn CNXHKH không chỉ cần có kinh nghiệm thực tiễn mà cần có một tư duy và phương pháp khoa học, đặc biệt cần có quá trình tích lũy lâu dài trên cơ sở kế thừa những thành tựu về khoa học, lý luận của thế hệ đi trước và sự nỗ lực học hỏi không ngừng của bản thân. Giảng viên cần phải thâm nhập sâu vào thực tiễn, như tổ chức chương trình đi khảo sát thực tế tại địa phương, cơ sở dưới nhiều hình thức, dài ngày hoặc ngắn ngày. Đi thực tế phải có tinh thần độc lập, nắm bắt chính xác những vấn đề đặt ra, phát hiện những vấn đề chính trị thực tiễn, hình thành các ý tưởng, giải pháp nghiên cứu, các đề tài nghiên cứu phải mang tính thực tiễn rõ nét và giải quyết các vấn đề thực tiễn cụ thể./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 551
  • Trong tuần: 5 354
  • Tất cả: 584399
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này