SỰ LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC VÀ BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ NGUYỄN ÁI QUỐC

ThS. Nguyễn Văn Dũ      
          ThS. Nguyễn Thị Thu Sương

         Người xưa có câu “lửa thử vàng gian nan thử sức” - ý muốn nói đến việc trải qua quá trình tôi luyện, thử thách trong thực tế cuộc sống mới bộc lộ được những năng lực, phẩm chất của con người. Phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản chân chính luôn tỏa sáng trong những điều kiện gian nan, thử thách nhất. Và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là hiện thân cho những gì tinh túy nhất, đại biểu cho những phẩm chất cao quý của những người cộng sản, trong đó có bản lĩnh, phẩm chất chính trị kiên trung.

         Trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc đã trải qua nhiều gian nan, thử thách nhưng Người vẫn một lòng quyết chí vì một mục đích duy nhất: độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho quốc dân. Sự kiện bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Từ một người yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một người cộng sản. Cũng từ đây, Người đưa dân tộc Việt Nam đi theo con đường mà người đã lựa chọn - con đường cách mạng vô sản. Việc tìm ra con đường cứu nước và lựa chọn con đường cứu nước theo khuynh hướng cách mạng vô sản là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt thể hiện bản lĩnh chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Bản lĩnh này thể hiện trên các phương diện sau:

         Thứ nhất, quyết tâm đi tìm con đường con đường cứu nước mới. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước tại Việt Nam theo khuynh hướng phong kiến và khuynh hướng dân chủ tư sản đều thất bại, Việt Nam lâm vào cảnh khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho thế hệ người việt nam nhất là thế hệ trẻ đó là phải tìm kiếm con đường cứu nước mới, khác với những con đường mà các bậc tiền bối đương thời đã thực hiện. Lúc bấy giờ, Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước của các vị tiền bối nhưng không tán thành con đường cứu nước của các cụ, nên vào ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

 Mục đích, hướng đi, và cách thức đi tìm đường cứu nước đã thể hiện bản lĩnh của Nguyễn Tất Thành. Mục đích của Người là đi ra nước ngoài để “xem xét họ làm thế nào” nhằm “trở về giúp đồng bào chúng ta”. Điểm đến đầu tiên mà người lựa chọn là nước Pháp. Ngay trong sự chọn lựa chọn hướng đi này đã thể hiện sự nhận định đúng đắn của Nguyễn Tất Thành. Tại sao là nước Pháp - Phương tây mà không phải là phương Đông? Phương Đông là hướng các bậc tiền bối đã đi kết quả là chưa thành công. Và ngay từ tuổi 13, Nguyễn Tất Thành đã “muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp”, “muốn làm quen với nền văn minh Pháp”, “muốn tìm xem ẩn giấu đằng sau” những gì đã làm nên văn minh và sức mạnh của phương Tây sau đó có thể giúp đất nước mình thoát khỏi ách thống trị thực dân.

         Ngay trong “cách thức đi” cũng đã thể hiện bản lĩnh của Nguyễn Tất Thành. Nếu như cụ Phan Bội Châu sang Nhật cầu viện với tư cách là một chính khách thì Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài với tâm thế của một người Việt Nam yêu nước. Người thanh niên trẻ ra đi với hai bàn tay trắng và trong suốt hành trình của mình phải làm nhiều nghề khác nhau để duy trì hoạt động. Hành trang mà Người mang theo chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu dân. Cuộc sống nơi xứ người, nhất là phương tây, có nhiều sự khác biệt với phương Đông. Nguyễn Tất Thành phải làm nhiều nghề khác nhau với đồng lương ít ỏi, cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Thêm vào đó, việc không rành ngôn ngữ nước sở tại là một rào cản, một trở ngại và là thách thức lớn. Nếu không có quyết tâm sắt đá thì con người sẽ dễ dàng đầu hàng trước trở ngại, khó khăn nhưng với lòng kiên nhẫn, quyết tâm chính trị vững vàng Nguyễn Tất Thành đã vượt qua mọi gian nan, thử thách và thực hiện được mục tiêu của mình - tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc.

         Thứ hai, lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Nguyễn Tất Thành đã đi qua nhiều nơi khác nhau trên thế giới và chính nhờ vào quá trình lao động, học tập, hòa mình vào dòng chảy của các sự kiện trên thế giới Người đã có điều kiện nghiên cứu, khảo sát, thấu hiểu để chọn lọc tiếp thu những giá trị tinh hoa văn minh của nhân loại. Nhờ tìm tòi, học tập không ngừng thế giới quan của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành dần đựợc mở rộng. Người đã nhận thấy nguồn gốc trực tiếp nỗi khổ đau chung của các dân tộc thuộc địa đó là chủ nghĩa đế quốc và đồng thời khám phá ra chân lý “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Bằng những phân tích lý luận và kiểm nghiệm thực tiễn Người đã sớm nhận thức được tính chất không đến nơi của các cuộc cách mạng tư sản như cách mạng Anh, Pháp, Mỹ và đi đến kết luận khoa học đúng đắn, có giá trị “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Việc bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin đã giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của Nguyễn Ái Quốc sau bao nhiêu năm bôn ba, tìm kiếm. Sự lựa chọn con đường cứu nước theo khuynh hướng cách mạng vô sản là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt đầy nhạy bén của Nguyễn Ái Quốc. Nó phù hợp với quy luật tiến hóa của nhân loại, xu thế của thời đại và đồng thời phù hợp với khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

         Thứ ba, nhạy bén, sáng tạo, chủ động trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin là đỉnh cao của khoa học xã hội. Muốn truyền bá vào Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng đòi hỏi phải có nghệ thuật. Bởi vì thực dân Pháp kiểm soát rất gắt gao những tài liệu từ nước ngoài vào Việt Nam. Mặt khác, trình độ dân trí Việt Nam lúc bấy giờ rất thấp (hơn 90% dân số mù chữ). Việc truyền bá gián tiếp từ nước ngoài cũng là một trở ngại lớn. Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc đã rất sáng tạo tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước thông qua nhiều hình thức khác nhau.

         Với tư cách là trưởng tiểu ban Đông Dương của Đảng Cộng sản Pháp và phụ trách Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Người đã viết nhiều bài đăng trên báo (Báo Người cùng khổ, Nhân Đạo, Đời sống công nhân, Tập san thư tín quốc tế, Tạp chí Cộng sản...) tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các thuộc địa, đồng thời tiến hành tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản và nhân dân lao động Pháp với các nước thuộc địa và phụ thuộc. Để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, Người đã liên hệ các thuỷ thủ người Việt Nam, bí mật gửi các loại báo chí về nước trên những chuyến hàng hải Pháp-Việt. Nhờ hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác - Lênin bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam, giúp cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động bước đầu tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin.

         Bên cạnh đó, năm 1925,  Nguyễn Ái Quốc đã lập ra tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên trên cơ sở cải tổ Tâm tâm xã . Tổ chức này tuy không phải là một chính đảng nhưng cũng không phải là tổ chức yêu nước kiểu cũ. Nó là một tổ chức quá độ để tiến tới thành lập chính đảng của cách mạng Việt Nam. Tổ chức này rất vừa tầm với trình độ hiểu biết của thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ. Việc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cũng chứng tỏ sự phân tích và nhận định chính xác của Nguyễn Ái Quốc về tiềm năng, thực lực, khả năng cách mạng của thanh niên Việt Nam.

Ngoài việc lập hội, Người còn chủ động mở các lớp huấn luyện tại Quảng Châu - Trung Quốc để đào tạo cán bộ cách mạng có hiểu biết về Chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1927, tất cả các bài giảng của Nguyễn Ái được tập trung lại và in thành một cuốn sách “Đường cách mệnh”. Đây được xem là cuốn sách giáo khoa chính trị đầu tiên của Việt Nam. Từ năm 1925 đến năm 1927, các lớp học do Nguyễn Ái Quốc tổ chức đã đào tạo được hơn 200 hội viên, một số hội viên xuất sắc được gửi đi học ở các trường đại học của Liên Xô và Trung Quốc, số còn lại về nước thực hiện chủ trương “Vô sản hóa” của Hội. Mục đích của chủ trương vô sản hóa là nhăm đưa hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên vào làm việc trong các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với công nhân để nhằm rèn luyện lập trường giai cấp công nhân cho các hội viên này và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân. Đây là một cách tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả nhất, mỗi hội viên thực sự là một “tuyên truyền viên”.

         Chính nhờ vào những hoạt động tích cực, sáng tạo, chủ động của Nguyễn Ái Quốc mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã được truyền bá vào Việt Nam. Phong trào công nhân được soi rọi bởi chủ nghĩa Mác - Lênin đã phát triển theo chiều hướng mới, từ tự phát đã chuyển sang tự giác. Sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của phong trào công nhân trong những năm 1928-1929 đặt ra một yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự lãnh đạo của một chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đã dẫn đến sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập ngày 17-6-1929), An Nam Cộng sản Đảng (tháng 11-1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (ngày 1-1-1930). Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập đại biểu của ba tổ chức đảng để bàn việc thống nhất thành một đảng. Từ ngày 6-1 đến đầu tháng 2-1930, Hội nghị họp tại Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và các Điều lệ vắn tắt của Công hội, Nông hội, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội phản đế đồng minh và Hội cứu tế do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.

         Tóm lại, có thể kết luận rằng Nguyễn Ái Quốc không chỉ có công đầu trong việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn mà còn là Người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Hành trình ra đi tìm đường cứu nước là một quá trình đầy cam go, thử thách. Và khi được trải nghiệm trong những thách thức, trở ngại thì phẩm chất, bản lĩnh chính trị của Nguyễn Ái Quốc không ngừng được trui rèn, ngày một tỏa sáng như “vàng, ngọc”, để xứng đáng với vị trí, vai trò lãnh đạo cách mạng của mình./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bảo tàng Hồ Chí Minh (2015), Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb. CTQG, Hà Nội;

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 1;

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 4;

4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2006), Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội;

5. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 9;

6. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 10;

7. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 12.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 318
  • Trong tuần: 5 121
  • Tất cả: 584166
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này