ĐẢNG BỘ TỈNH TRÀ VINH LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TỪ NĂM 1992 ĐẾN NAY

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương  
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

         TÓM TẮT: Nông nghiệp là ngành kinh tế truyền thống đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam. Đại bộ phận dân số Việt Nam tập trung trong ngành nông nghiệp cho nên việc phát triển kinh tế nông nghiệp là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Với Trà Vinh phát triển kinh tế nông nghiệp là điều đặc biệt quan trọng. Từ khi tái lập tỉnh năm 1992 đến nay Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đã lãnh đạo thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp đạt nhiều thành tựu góp phần chuyển biến kinh tế xã hội, cải thiện đời sống người dân. Kinh tế nông nghiệp Trà Vinh đang từng bước tiến dần đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

         Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh sau tái lập tỉnh

         Sau khi Tỉnh ủy lâm thời Trà Vinh được thành lập, từ ngày 6 đến ngày 2/8/1992, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ V được tổ chức tại Hội trường Tỉnh ủy Trà Vinh. Đại hội tỉnh Đảng bộ Trà Vinh lần thứ V(1992 - 1995)  diễn ra trong bối cảnh vừa tái lập tỉnh, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở phân tích những đặc điểm thuận lợi và khó khăn của tỉnh sau khi được tách ra từ tỉnh Cửu Long. Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ V xác định tiềm năng thế mạnh của tỉnh chủ yếu là nông, ngư, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ. Tuy nhiên năng lực sản xuất còn yếu, khai thác tiềm năng chưa nhiều và hiệu quả thấp, nhất là trong nông nghiệp. Vì vậy, đại hội chủ trương thực hiện một bước công nghiệp hóa nông - ngư nghiệp và kinh tế nông thôn, phát triển toàn diện nông - ngư - lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ. Điều này cũng phù hợp với đường lối được Đảng xác định tại hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII: Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến. Phương châm của nông nghiệp toàn diện đó là theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phá thế độc canh cây lúa, bố trí mùa vụ cây trồng. Tăng năng suất lúa, khuyến khích chăn nuôi trâu bò đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính.

         Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 02 ngày 28 tháng 1 năm 1993 về những mục tiêu, nhiệm vụ để phát triển kinh tế. Đảng bộ chủ trương chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa đa canh, phá thế độc canh cây lúa. Mô hình này được nhân rộng thành các phong trào trong toàn tỉnh. Ngày 19/8/1993, Tỉnh ủy tiếp tục  ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về  nội dung Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VII.

         Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ VI (1996 - 2000) diễn ra trong hoàn cảnh cả nước đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi đó tỉnh Trà Vinh bắt đầu bước vào giai đoạn công nghiệp hóa với điểm xuất phát rất thấp, cơ sở hạ tầng ít ỏi và lạc hậu lại phải tiến lên trong điều kiện cạnh tranh sản phẩm với các tỉnh trong khu vực và trong nước. Nguồn nhân lực của tỉnh ít và thiếu, mặt bằng dân trí thấp. Thêm vào đó là các âm mưu diễn biến hòa bình gây mất ổn định chính trị và trật tự xã hội. Nhiệm vụ của Đại hội tỉnh Đảng bộ lần này là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ chung của tỉnh là “quyết tâm tăng một bước tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung phát triển toàn diện nông - ngư - lâm nghiệp gắn phát triển công nghiệp chế biến nông - ngư sản, mở rộng thương nghiệp dịch vụ kinh tế đối ngoại”.

         Trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo chủ trương nhiệm vụ giải pháp lớn của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để đề ra những chủ trương lãnh đạo nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông ngư nghiệp gắn với công nghiệp và dịch vụ đưa nông - ngư nghiệp và kinh tế nông thôn từng bước lên sản xuất lớn.

         Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ VII (diễn ra từ ngày 31/12/2000 đến ngày 03/01/2001) đã tổng kết những kết quả đạt được trong hai đại hội trước và đề ra phương hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2001-2005 thực hiện “chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa nông - ngư nghiệp và kinh tế nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn 5 năm trước, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế tỉnh nhà”. Đối với nông nghiệp đó là “chuyển dịch nhanh cơ cấu sản xuất nông ngư nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có giá trị cao phù hợp với tiềm năng của từng huyện, xã, gắn với nhu cầu phát triển của thị trường nội địa và xuất khẩu”. Đại hội VII cho thấy tinh thần mới của Tỉnh ủy trong lãnh đạo thực hiện phát triển nông nghiệp tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa là gắn với nhu cầu phát triển của thị trường. Song song đó vấn đề nông dân và nông thôn cũng được quan tâm chú trọng theo tinh thần Nghị quyết về tam nông của Bộ Chính trị. Giai đoạn 2000-2005, chủ trương chung Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp là chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn sản xuất với thị trường để tiến lên nền sản xuất lớn. Những chủ trương này là đúng đắn và phù hợp, góp phần đưa nông nghiệp tỉnh hòa nhịp với kinh tế nông nghiệp cả nước trong giai đoạn hội nhập WTO - giai đoạn mà yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng.

         Quán triệt các quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể, cụ thể là chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 24/5/1996 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về phát triển kinh tế hợp tác trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế và luật hợp tác xã 1997; Tỉnh ủy đã đề ra Chương trình hành động số 04-CT/TU ngày 10/10/1996. Chương trình tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể học tập, quán triệt, thống nhất với chủ trương của Đảng, Nhà nước của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế hợp tác, phần đông cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức được vai trò và vị trí của kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong quá trình tổ chức lại sản xuất nhằm sử dụng tốt tiềm năng về đất đai, mặt nước, lực lượng lao động, đồng vốn, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn trong sản xuất kinh doanh so với làm ăn cá thể.

         Trên cơ cở xác định vị trí quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 27 tháng 8 năm 1999 thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ chính trị. Tỉnh Ủy chủ trương phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng, nội lực, tăng vụ và thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung cây trồng, vật nuôi có lợi thế gắn với công nghiệp chế biến. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với Chương trình hành động số 19-CTr/TU cơ cấu kinh tế nông thôn đã dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

         Từ cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu không những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của đất nước mà còn cả địa phương. Đối với Trà Vinh, nền kinh tế còn nhiều mặt yếu kém, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh xảy ra nhiều nơi; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội từng lúc, từng nơi diễn biến phức tạp. Đây thật sự là những thách thức mà Đảng bộ tỉnh phải vượt qua trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế tỉnh nhà. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, Đảng bộ Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ VIII đã đề ra mục tiêu và phương hướng tổng quát: “đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hoá nông - ngư nghiệp và kinh tế nông thôn, tập trung phát triển kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn 5 năm trước (2001 - 2005), rút ngắn khoảng cách tụt hậu, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần cùng cả nước tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

         Có thể thấy Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ VIII đã kế thừa và phát huy tinh thần của đại hội VII nhưng đại hội VIII có điểm mới so với đại hội VII đó là nhấn mạnh sự “đột phá” trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và nhấn mạnh vai trò của thị trường xuất khẩu. “Thực hiện đồng bộ các biện pháp để tạo ra bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu nông ngư nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn sản xuất với thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu”. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh đó là hướng phát triển “mở ra” hướng Đông đó là khu vực biển Đông và các nước Đông Nam Á.

         Trên cơ sở quán triệt các nội dung tổng quát và quan điểm Hội nghị lần thứ 5, về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 9/7/2002 thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 15. Chương trình đề ra nhiệm vụ cụ thể đến năm 2005 và 2010 đó là: Phát triển lực lượng sản xuất chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; Phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn; Xây dựng đời sống văn hóa xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Với chương trình hành động số 08, Tỉnh ủy Trà Vinh đã thấy được sự cần thiết phải dựa vào nội lực là chính, đồng thời tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để  thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp. Đây thực sự là sự thay đổi về tư duy của Tỉnh ủy trong lãnh, chỉ đạo phát triển nhằm đưa ngành nông nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường.

         Kế thừa tư tưởng của các Đại hội trước, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh IX đã có sự đột phá trong tư duy đó là chủ trương phát triển nông nghiệp chú trọng tính hiệu quả và bền vững. So với các đại hội trước thì Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh thể hiện sự đổi mới đó là chú trọng phát triển bền vững. Đây là tư duy đúng đắn phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và cả nước. Chủ đề tư tưởng của Đại hội là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, đưa Trà Vinh ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo, kém phát triển”. Trên lĩnh vực nông nghiệp Đại hội xác định : “phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển hài hòa đô thị và nông thôn.”.

         Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, ngày 31 tháng 10 năm 2008, Tỉnh ủy thông qua Chương trình hành động số 30-CTr/TU nhằm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Mục tiêu là đưa nông nghiệp tỉnh phát triển toàn diện, cân đối, bền vững.

         Nếu như tại đại hội IX chủ trương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (2013) thì tại Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhấn mạnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này nhưng  chú trọng đến giá trị gia tăng của sản phẩm và tính bền vững trên cơ sở phát huy những điều kiện thuận lợi của tỉnh. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế tiềm năng và tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp.

         Ngày 08/9/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 66-KH/TU thực hiện Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Đến ngày 19/6/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chỉ thị số 28-CT/TU về tăng cường lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

         Những kết quả đạt được

         Trong 28 năm qua kinh tế nông nghiệp tỉnh không ngừng phát triển. Giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên. Nếu như  năm 1992 giá trị sản xuất nông nghiệp là 1233,5 tỷ đồng thì năm 2019 là 11.926 tỷ đồng; tăng 10692,5 tỷ đồng, trung bình mỗi năm giá trị sản xuất tăng 381,87 tỷ đồng.

         Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp luôn giữ vai trò dẫn đầu, nhưng những năm gần đây tỉnh chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vì thế tỷ trọng ngành nông nghiệp đang có xu hướng giảm. Năm 1992, nông nghiệp chiếm 67,36 %, công nghiệp - xây dựng chiếm 14,93%, dịch vụ chiếm 17,71% thì tính đến cuối năm 2019 tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 29,41%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng lên 70,59%. Như vậy, có thể thấy cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch đúng hướng.

         Trong những  năm qua, Tỉnh đã từng bước chuyển đổi cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ để tăng nhanh thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá có quy mô lớn như vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh mía, vùng rau - màu, vùng lúa - màu… Ngành chăn nuôi từng bước chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang tập trung. Tính đến cuối năm 2019, tổng số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là 26 trang trại; quy mô đàn vật nuôi từng bước phát triển theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng: đàn trâu, bò đạt 496.700 con, lợn đạt 119.300 con, dê, cừu đạt 11. 479 con.; gia cầm đạt 7.196 con (Niên giám thống kê tỉnh Trà Vinh 2019).

         Thủy sản dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp. Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo tập trung phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản theo quy hoạch, chú trọng yếu tố phát triển bền vững, tổ chức sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề. Đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển nghề cá, thực hiện hỗ trợ hoạt động khai thác đánh bắt xa bờ gắn với khuyến khích thành lập tổ - đội hợp tác trên biển, vừa sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá toàn diện cả về diện tích, sản lượng và giá cả tương đối ổn định; đã đa dạng hóa con nuôi có giá trị kinh tế cao. Sản lượng thủy sản tăng trưởng khá (năm 2019 đạt 219.597 tấn). Toàn tỉnh hiện có 56 trang trại nuôi thủy sản.

         Công tác trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển trong những năm qua được tiến hành thường xuyên và có hiệu quả. Tính đến cuối năm 2019 tổng số diện tích rừng toàn tỉnh là 9.245 ha, tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 4,01%.

         Năm 2013, là năm khởi điểm tỉnh triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, về cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản. Đến cuối năm 2019, tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.  Cơ cấu cây trồng từng bước có sự chuyển dịch phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương và thị trường tiêu thụ. Hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Từ 2014 đến 2018 đã chuyển đổi được 13.294,65 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác, cụ thể: Chuyển sang trồng màu và cây hàng năm khác 8.843,18 ha; chuyển sang trồng cây lâu năm 2.262,71 ha (trồng cây ăn trái 1.699,97 ha, trồng dừa 562,74 ha); kết hợp nuôi thủy sản 740,81 ha và chuyên nuôi thủy sản 1.447,95 ha. Hiệu quả của các loại hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa tăng từ 1,5 đến 4 lần so với chuyên trồng lúa (Báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh).

         Từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi, cụ thể: Đàn bò tập trung phát triển mạnh tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Càng Long và Châu Thành; đàn heo phát triển ở các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang và Càng Long; đàn dê phát triển chủ yếu tại huyện Duyên Hải, Châu Thành và Trà Cú; đàn gia cầm phát triển các huyện Trà Cú, Càng Long, Cầu Ngang và Cầu Kè.

         Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã đa dạng hóa con nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương. Vận động nông dân chuyển đổi 1.809 ha nuôi thủy sản khác sang nuôi tôm thẻ chân trắng, nâng diện tích nuôi tôm chân trắng lên 6.174 ha, chuyển đổi hình thức nuôi từ quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh từ 6.652 ha năm 2013 đến 2018 đạt khoảng 9.700 ha; diện tích nuôi tôm nước lợ siêu thâm khoảng 200 ha tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải, năng suất bình quân từ 50-70 tấn/ha. (Báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh).

         Tái cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả thiết thực đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng liên tục qua các năm (năm 2015 đạt 24,06 triệu đồng/người, năm 2018 đạt 30,94 triệu đồng/người).

         Tóm lại, có thể nói trong chặng đường vừa qua, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đã lãnh đạo kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển vượt bậc. Ngành nông nghiệp tỉnh đã từng bước được công nghiệp hóa, hiện đại hóa.  Đây là những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên trong thời gian tới, việc lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp của sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ có không ít khó khăn phức tạp. Để đưa kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển tiến tới hiện đại hiệu quả và bền vững đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của toàn đảng bộ, các sở, ban, ngành và sự đồng thuận của nhân dân. Vì vậy, trong thời gian tới Đảng bộ tỉnh Trà Vinh cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của toàn Đảng bộ để đưa kinh tế nông nghiệp phát triển hơn nữa góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, nâng cao đời sống của người dân./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục thống kê tỉnh Trà Vinh. (2020). Niên giám thống kê 2019;

2. Đảng bộ tỉnh Trà Vinh. (1992). Văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ V. Lưu trữ văn phòng Tỉnh uỷ Trà Vinh;

3. Đảng bộ tỉnh Trà Vinh. (1996). Văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ VI. Lưu trữ văn phòng Tỉnh uỷ Trà Vinh;

4. Đảng bộ tỉnh Trà Vinh. (2001). Văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ VII. Lưu trữ văn phòng Tỉnh uỷ Trà Vinh;

5. Đảng bộ tỉnh Trà Vinh. (2005). Văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ VIII, Lưu trữ văn phòng Tỉnh uỷ Trà Vinh;

6. Đảng bộ tỉnh Trà Vinh. (2010). Văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ IX, Lưu trữ văn phòng Tỉnh uỷ Trà Vinh;

7. Tỉnh Ủy Trà Vinh (15/9/2014). Chương trình Số 17-NQ/TU lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến 2020;

8. Tỉnh Ủy Trà Vinh. (2015). Chương trình Số 22-NQ/TU về lãnh đạo phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến 2020. Trà Vinh;

9. Tỉnh Ủy Trà Vinh. (1993). Chương trình Số 03-NQ/TU về nội dung chương trình hành động thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 (khóa VII). Trà Vinh;

10. Tỉnh Ủy Trà Vinh. (2018). Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trà Vinh;

11. Tỉnh Ủy Trà Vinh. (2017). Chương trình Số 08-NQ/TU phát triển Nghị quyết ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến 2030. Trà Vinh;

12. Tỉnh Ủy Trà Vinh. (2004). Chương trình Số 09-NQ/TU đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2010. Trà Vinh;

13. Tỉnh Ủy Trà Vinh. (2016). Chương trình Số 05-NQ/TU  lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến 2020;

14. Tỉnh Ủy Trà Vinh. (2008). Chương trình Số 30-CT/TU thực hiện Nghị quyết số 26 hội nghị lần thứ VII, Ban chấp hành Trung ương đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trà Vinh;

15. Tỉnh Ủy Trà Vinh. (1999). Chương trình Số 16 CT/TU thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trà Vinh.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 16
  • Hôm nay: 85
  • Trong tuần: 5 288
  • Tất cả: 588606
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này